Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

'Vàng bẩn' gây 'bão lốc' thị trường vàng VN

Vàng bẩn xuất hiện khiến các doanh nghiệp buôn bán vàng trong nước giảm 60 – 70% doanh thu. Không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa, một số dự định chuyển sang ngành nghề khác.
Thông tin xuất hiện một loại vàng giả mới 


Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, Ủy viên Hiệp hội vàng Việt Nam, cho biết, việc vàng bẩn xuất hiện trên thị trường Việt Nam, gây xôn xao dư luận thời gian gần đây khiến người dân hoang mang, giảm giao dịch làm cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước thiệt hại không nhỏ, gây nên một cuộc khủng hoảng lớn trong ngành vàng của Việt Nam. “Vàng bẩn xuất hiện khiến các doanh nghiệp buôn bán vàng trong nước chỉ đạt 30 – 40% doanh thu so với cùng kỳ các năm trước. Vài doanh nghiệp đã đóng cửa, một số dự định chuyển sang ngành nghề khác”, ông Châu nói.
Chất làm “bẩn” vàng là vonfram?
Trong khi tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hoá phân tích, Viện Hoá học Việt Nam (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, loại bột kim loại có trong vàng bẩn mới được phát hiện gần đây không phải Vonfam thì ông Châu lại khẳng định điều ngược lại.
Theo ông Lợi, hợp chất vonfram ở dạng cục chứ không phải dạng bột như loại bột đã tìm thấy trong vàng bẩn và tỷ trọng của nó là 19,30g/m3, còn tỷ trọng của vàng là 19,32g/m3. Do vậy, khi hai hợp chất này trộn với nhau thì hợp chất vonpram sẽ nổi lên trên bề mặt.
Loại hợp chất được tìm thấy trong vàng bẩn sau khi nung chảy. Ảnh: Như Biển.

Còn ông Châu cho biết, vonfram ngoài dạng bột còn có thể tồn tại ở dạng lưới với thể trọng lớn. Nhiều doanh nghiệp có vàng bẩn đã cán mỏng đem nung chảy loại vàng này thì thấy có cặn là một loại chất bột mịn lặng xuống phía dưới. Khi đem đi xét nghiệm tại 2 phòng thí nghiệm khác nhau ở nước ngoài thì đều cho kết quả giống nhau, đó là hợp chất của nhiều kim loại nhưng có thành phần chủ yếu là vonfram. Các kim loại khác có thể kể đến như Osimi, Rutenim…

Việc loại bột trên ngoài vonfram còn có các hợp chất khác, ông Châu đưa ra hai khả năng. Thứ nhất, kẻ gian mua vonfram ở dạng thô, chưa tinh khiết để chế vào vàng nên đã lẫn tạp chất vào. Thứ hai, có thể kẻ gian cố tình trộn thêm vào vonfram các kim loại khác như osimi vào để vàng giả có các đặc tính đặc biệt như tăng độ dẻo hoặc thay đổi nhiệt độ nóng chảy… để dễ dàng gian dối hơn.

Tuồn vào Việt Nam từ đường... xách tay

Ông Châu cho biết nguồn gốc của vàng bẩn hầu hết đều từ nước ngoài được đưa vào Việt Nam dưới dạng xách tay. Hiện không có cơ sở khẳng định vàng đến từ nước nào mà chỉ biết vàng có đóng dấu của nhiều hãng tên tuổi, thậm chí có vàng miếng được đóng mác từ Thụy Sĩ.

Kẻ gian đã dùng vàng nóng chảy để đúc bao quanh một khối vonfram hoặc kim loại nặng ở bên trong. Hình thức tinh vi này sẽ tạo thành một lớp vàng bao bọc bên ngoài lõi vonfram mà mắt thường không thể phát hiện ra được vì nhìn toàn diện miếng vàng vẫn vàng óng. Thậm chí, vàng bẩn đều “qua mặt” được hầu hết các loại máy đo tuổi vàng ở Việt Nam hiện nay. 

Bằng mắt thường, khó có thể phân biệt được vàng bẩn độn vonfram (trái) và vàng 9999 (phải). Ảnh: Như Biển.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, chưa có người tiêu dùng nào mua phải vàng bẩn nhưng do tính chất “siêu cấp về công nghệ” của loại vàng này nên người dân phải thật cẩn trọng khi mua vàng miếng dự trữ. 

Ông Châu khuyến cáo, các doanh nghiệp và người dân không nên mua vàng không rõ nguồn gốc mà chỉ nên mua của các doanh nghiệp vàng uy tín trong nước. Bởi quy trình sản xuất vàng của các doanh nghiệp thường được quản lý chất lượng ngặt nghèo từ khâu nhập vàng, chế tác cho đến phân phối.

Để bảo vệ mình khi xảy ra sự cố mua phải vàng bẩn, khi đi mua vàng người dân nên yêu cầu doanh nghiệp ghi hóa đơn biên nhận, trong đó có ghi rõ số seri, mã hiệu tuổi vàng của sản phẩm và doanh nghiệp. Nếu phát hiện ra vàng bẩn, dựa vào đó, người dân có thể khiếu nại tới doanh nghiệp. “Hiện các doanh nghiệp đã đề cao cảnh giác nên kẻ gian rất khó tiêu thụ vàng bẩn, rất có thể chúng sẽ quay sang đối tượng trực tiếp là người tiêu dùng nên mọi người dân phải thật cẩn trọng mọi giao dịch”, ông Châu nói.

Một số cách phân biệt vàng thật và vàng bẩn độn Vonfram
1. Phương thức cán mỏng: khi cán mỏng xuống 1,5zem- 1,8zem thì bề mặt xuật hiện những hạt kim loại lạ nổi lên lấm tấm, đó là những hạt kim loại độn trong vàng.

2. Xét cơ tính: Khi vàng nguyên chất bị độn kim loại lạ dù hàm lượng chất độn rất ít cũng làm cho toàn bộ vật thể vàng này biên ứng, vì vậy có thể phát hiện bằng cách bẻ cong hoặc bóp méo thấy cứng. Nếu gõ kim loại lên vật cứng khác sẽ có tiếng kêu ngân. Vàng nguyên chất bẻ thấy mềm, khi gõ có tiếng kêu cạch cạch và rất đục

3. Xì chảy điểm: Vàng bẩn khi xì chảy tại một điểm bất kỳ trên vật thể sẽ thấy váng đỏ loang  như cốt trầu, khi để nguội, điểm nóng có sạn chứ không bong như vàng nguyên chất.

4. Nấu chảy bằng nồi gốm hoặc Graphit: quan sát khi nóng chảy, bề mặt của vàng gợn sóng, có nhiều váng màu đen, xám… chạy trên mặt là vàng đã độn vonfram. Vàng thật khi kết tinh bề mặt bóng và có một lõm sâu. Khi nhấc mặt sau của miếng vàng lên bề mặt vẫn nhẵn bóng như trên mặt lõm.

5. Phân kim để tính hàm lượng:  bằng dung dịch cường toan (3 axit HCL và 1 axit HNO3. Cán mỏng miếng vàng cho vào dung dịch axit để phân kim. Sau khi hòa tan sẽ được chất bột màu xám lắng ở đáy bình là vonfram vì vonfram không tan trong dung dịch cường toan. Các chất còn lại như Ir, Os, Ru sẽ tan trong dung dịch như vàng, người ta sẽ dùng phương pháp kết tủa để lấy lại vàng và tính ra hàm lượng thực của vàng. 

6. Cài đặt phần mềm nhận biết vonfram và một số kim loại nặng khác như cho máy phổ kế huỳnh quang tia X.
Như Biển

Hợp chất làm vàng giả tại Việt Nam không phải là Vonfram
Cập nhật lúc :10:03 PM, 18/05/2011
Đây là khẳng định của Tiến sỹ Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hoá phân tích, Viện Hoá Học Việt Nam (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trước thông tin hợp chất làm vàng giả ở Việt Nam có thể là Vonfram.
>> Không có chuyện 'vàng bẩn' không nằm trong bảng tuần hoàn
>> Lại 'điên đầu' vì vàng 'bẩn'

Ông Lợi cho biết, Viện Hoá học đã lấy mẫu hợp chất làm vàng giả từ các cơ sở kinh doanh có vàng bị làm giả về phân tích. Kết quả cho thấy đây là một loại bột siêu nặng, có tỷ trọng tương đương với vàng, có thể nặng hơn. Thành phần chính của loại bột siêu nặng này là hỗn hợp của ba nguyên tố có tỷ trọng rất cao, đó là: Ruthenni có tỷ trọng 12,45g/cm3, nhiệt độ nóng chảy 2334 độ C; Iridi có tỷ trọng 22,65g/cm3, nhiệt độ nóng chảy 2466 độ C; Osmi có tỷ trọng 22,61g/m3, nhiệt độ nóng chảy 3033 độ C. 

Tiến sỹ Vũ Đức Lợi cho biết thêm, loại bột siêu nặng này không tạo hợp kim với vàng và không tan trong hầu hết các loại axít, kể cả dung dịch cường toan. Vì vậy, khi phân kim vàng thì loại bột này sẽ vẫn còn nguyên vẹn và lắng đọng ở đáy bình. Loại bột này thường là sản phẩm phụ đi kèm quặng bạch kim. Riêng hợp chất Vonfram ở dạng cục chứ không phải dạng bột và tỷ trọng của nó là 19,30g/m3, còn tỷ trọng của vàng là 19,32g/m3. Do vậy, khi hai hợp chất này trộn với nhau thì hợp chất Vonpram sẽ nổi lên trên bề mặt.
Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét