Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”

Tác giả: TƯƠNG LAI
Hồ Chí Minh đã khẳng định "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình dựng nước.
Cách đây 64 năm, Hồ Chí Minh từng chân thành bộc bạch : "Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận".1 Chắc không dễ để "xin thừa nhận khuyết điểm đó", nhưng Hồ Chí Minh đã công khai viết điều đó lên báo.
Hôm nay, liệu có thể nói như Hồ Chí Minh : trong gần chín chục triệu người, chắc không thiếu người có tài có đức. Học theo Hồ Chí Minh, nếu vào dịp này, đưa được những người tài đức ấy tham gia vào "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" sẽ càng làm cho nhà nước của dân, do dân và vì dân càng có ý nghĩa thực tế chứ không là một khẩu hiệu suông.
Để làm được điều này, cùng với những điều vừa nêu, cần hiểu thật rõ về pháp quyền và nhà nước pháp quyền, điều mà Hồ Chí Minh đã nêu ra từ rất sớm như vừa trích dẫn ở trên.
Dân chủ phải được đảm bảo bằng luật pháp
Trong lịch sử của xã hội loài người, quyền con người và quyền công dân là những vấn đề có ý nghĩa bức xúc về thực tiễn cũng như về lý luận vì theo J.J Rousseau, nhà tư tưởng của thế kỷ khai sang :"Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nới con người lại bị cùm kẹp".
Từ khi cuốn "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, trong tư duy của loài người, quyền lực dường như vô hạn của vua, chúa đã bị hạ bệ với việc khẳng định quyền của dân, xuất phát từ dân, Nhà nước được xem như là người ký hợp đồng với quốc dân. Vậy là, trong trạng thái tự nhiên, con người sinh ra đã là bình đẳng, nhưng khi hợp thành xã hội, con người mất bình đẳng. Và rồi con người "chỉ trở lại bình đẳng nhờ có luật pháp". Đó là tuyên ngôn của những nhà "Khai Sáng".
Sự bình đẳng song hành cùng với tự do. Đương nhiên, trong liên hệ gắn kết với luật pháp của chế độ dân chủ, có mối liên hệ đan xen trực tiếp với tự do, mà tự do luôn là phạm trù chính trị -xã hội mang tính lịch sử cụ thể. Tuỳ trình độ của sản xuất và thành tựu của văn minh mà từng giai đoạn lịch sử khát vọng tự do của con người có thể thực hiện được đến đâu. Hồ Chí Minh thấm thía điều đó. Và từ sự nung nấu ấy mà trọn vẹn cả cuộc đời, Hồ Chí Minh dành cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho con người, thực hiện lý tưởng "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người", đó là sự đúc kết khát vọng của con người, của loài người.
Trên con đường thực hiện mục tiêu cao cả đó, có không biết bao nhiêu trở ngại cần phải vượt qua. Trong đó, oái oăm thay, có những trở ngại do chính sự lạc hậu và lạc điệu của nhận thức về con đường thực hiện khát vọng tự do đích thực, về phương thức đấu tranh để giành tự do và thực hiện tự do cho con người trong những điều kiện lịch sử cụ thể chứ không phải bằng những giáo điều đã học thuộc lòng nhưng đã bị cuộc sống vứt bỏ. Và rồi người ta sớm nhận ra một sự thật : nơi đâu luật pháp chưa được xác lập một cách công khai và minh bạch,được thực hiện một cách quang minh chính đại, nơi ấy chưa thể có tự do.
Với Montesquieu, dân chủ không chỉ là sự kết hợp được dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện mà là một nền dân chủ có sự ước chế lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, một nền dân chủ được cụ thể hoá và được bảo đảm bằng pháp luật. Bước ngoặt mà nhà "khai sáng thuộc thế hệ thứ nhất" này tạo ra trong triết học chính trị và trong quan niệm về dân chủ được hiểu là dân chủ pháp quyền. Cũng có nghĩa là dân chủ chỉ có thể được thực thi khi người dân có một nhà nước đảm đương được sứ mệnh cao cả quản lý và hướng dẫn sự vận hành của mọi họat động xã hội. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tư tưởng vĩ đại này được khởi nguồn từ diễn văn của Abraham Lincoln đọc tại nghĩa trang quốc gia Gettysburg của nước Mỹ ngày 19.11.1863 : "...chúng ta ở đây có quyết tâm cao độ để cho những người đã ngã xuống sẽ không chết một cách oan  uổng - rằng quốc gia này  sẽ có một cuộc sinh đẻ mới của tự do - và rằng chính quyền này của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này...". Tinh thần cơ bản của nó chính là kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung, cấu trúc và là tiêu chí của nền dân chủ. Quyền lực nhà nước ấy hướng tới sự bình đẳng, tự do, công lý và khoan dung. Đó chính là khát vọng của con người về một xã hội được tổ chức để cho con người có thể sống hạnh phúc.
Và cũng phải nói thêm rằng, có lẽ không nhiều dân tộc trên trái đất này từng phải trả một giá xương máu quá đắt như dân tộc ta để có được một nhà nước của dân , do dân và vì dân đích thực, để rồi khi cầm lá phiếu bầu những người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ấy, mỗi người công dân với tư cách là một cử tri sẽ phải tự nhủ rằng "chúng ta ở đây phải có quyết tâm cao độ để cho những người đã ngã xuống sẽ không chết một cách oan uổng".
Pháp quyền ở trên Nhà nước
Để đảm bảo cho điều đó, phải xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực. Mà vấn đề cơ bản nhất, cũng là tư tưởng chủ đạo của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập". Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Để đảm bảo dân uỷ quyền mà không mất quyền, không bị tiếm quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát. Toàn bộ những ý tưởng lớn đó được xác lập từ sự phân biệt giữa "nhà nước pháp quyền" với tất cả các kiểu loại nhà nước trước đó trong lịch sử loài người.
Nền tảng được xác lập để phân biệt thật rạch ròi chỉ ở một điểm : với nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là xuất phát điểm để xác lập sự khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền với các kiểu loại nhà nước không pháp quyền.
Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền, mệnh lệnh được ban ra trực tiếp từ chủ thể nắm giữ quyền lực dưới các hình thức như chiếu chỉ, sắc dụ, sắc lệnh, nghị quyết...thành văn bản hay mệnh lệnh được phát ngôn, đều là những mệnh lệnh tuyệt đối một chiều từ trên xuống, không có sự phản hồi, càng không thể có sự phản biện xã hội dưới bất cứ hình thức nào, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức mị dân. Ở đó, quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân (nhà vua) hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Đồng thời, sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền (gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng lợi ích), quần chúng nhân dân đứng ngoài tiến trình này. Hoàn toàn ngược lại với những điều ấy, với nhà nước pháp quyền, quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi.
Quyền hành và lực lượng đều nơi dân
Hồ Chí Minh đã khẳng định "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình dựng nước. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nghiêm khắc vạch ra : "Dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" 9. Dựa vào đâu mà thực hiện điều "động trời" này? Dựa vào "pháp quyền". Đây là một cột mốc trong tư tưởng về nhà nước.
Tư tưởng ấy chính là nền tảng của nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh là người đặt những viên gạch đầu tiên. Tuy nhiên, mãi đến Đại hội VIII của Đảng, khái niệm "nhà nước pháp quyền" mới chính thức đi vào đời sống chính trị của nước ta, đánh dấu một cột mốc trong tư duy về Nhà nước của Đảng trở lại với nguyên lý mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ những ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Và Hồ Chí Minh đã chứng minh sống động tư tưởng ấy trong thực tiễn của cách mạng, kháng chiến và xây dựng đất nước.
Quá trình đến được với tư tưởng nhà nước pháp quyền, từ lúc manh nha cho đến lúc chính thức được đưa vào Hiến pháp sửa đổi, vào Nghị quyết phải mất hơn nửa thế kỷ, là một minh chứng quá cụ thể và không kém phần xót xa. Mặc dầu với tầm cao của tư duy Hồ Chí Minh, tư tưởng nhà nước pháp quyền đã được thể hiện trong Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945, trong Hiến pháp 1946, nhưng rồi sau đó nó bị chìm đi cho mãi đến mươi năm trở lại đây mới chính thức được khẳng định trở lại.
Khi đất nước chúng ta đang đẩy tới quá trình hội nhập đi vào chiều sâu với vị thế mới trên trường quốc tế và khu vực thì cùng với những phấn đấu không mệt mỏi trong phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của nhân dân ta, mức sống vật chất và mức sống tinh thần, thì việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực với nền móng vững chắc của nó như một số quốc gia đã đạt tới là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Xét đến cùng, những "cam kết" với quốc tế không gì khác là những ràng buộc về pháp lý. Đó là một trong những thử thách lớn nhất khi nước ta chủ động dấn bước trên con đường hội nhập mà bước ngoặt quan trọng là gia nhập vào Tổ chức thương mại Thế giới. Khi đã là thành viên thứ 150 của WTO rồi, thì thực hiện những cam kết không những là nghĩa vụ mà còn là danh dự quốc gia, trong khi đó, chất lượng pháp luật và năng lực thể chế lại là cái mà chúng ta đang phải khắc phục những yếu kém để có thể không lạc hậu và lạc điệu với các chuẩn mực quốc tế.
Chỉ cần dẫn ra những điều mà có lần một vị Chánh án TANDTC tường trình về sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ thẩm phán, những người nắm "cán cân công lý", khiến phải "cố vơ vét, bổ nhiệm cho đủ" là có thể thấy rõ điều đó. Thậm chí "có khi lái xe, đánh máy đưa lên làm thẩm phán. Thế là lại phải cho họ đi học tại chức rồi về phải"đôn" họ lên"! Không chỉ có thế, "về hệ thống pháp luật, chúng ta đã cố gắng làm rất nhiều nhưng có phải tất cả các lĩnh vực xã hội đều đã có pháp luật điều chỉnh đâu. Các luật chuyên ngành có mâu thuẫn với luật gốc, luật cơ bản hay không? Các quy phạm đã rõ ràng, rành mạch, hiểu theo một nghĩa chưa? Một quy định mà công an hiểu thế này, viện kiểm sát hiểu thế kia, tòa án hiểu thế khác, hội đồng sơ thẩm hiểu một kiểu, cuối cùng phải biểu quyết" 10 . Quả thật đây là một thực trạng đáng báo động . Những sự kiện gần đây càng cho thấy sự bức xúc ấy.
Hơn nữa, có một thực tế mà ai cũng thấy: vi phạm quyền dân chủ là thói quen khó bỏ của người nắm quyền. Bởi lẽ, quyền lực nhà nước, xét cho kỹ, tự thân nó đã chứa đựng một khả năng lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên trong thực tế, bất kỳ một loại quyền lực nào cũng có khuynh hướng tăng cường hơn nữa, tăng cường vô hạn độ quyền lực của mình, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tổ chức. Đấy là chưa nói đến một thực tế phũ phàng đã từng được đúc kết thành quy luật :"Quyền lực có xu hướng tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối" [Lord Acton]. Thực hiện nguyên lý "pháp quyền ở trên nhà nước" làm điểm tựa cơ bản để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là tiền đề quyết định để khắc phục dần và đi đến xóa bỏ thực tế phũ phàng đó.
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay đúng vào dịp cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, nhắc lại tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền và nhà nước pháp quyền chính là cách thiết thực học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sống động nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét