Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ (bài 1)

Bằng Công

Phản ứng muộn vì đòn ngấm sâu, đau điếng

Suốt 1-2 tuần, sau phiên toà sơ thẩm xét xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, dư luận trong xã hội cũng như trên truyền thông bỗng bùng phát với hàng trăm bài - hoàn toàn bất lợi cho đảng CS - nhưng rồi cũng tạm lắng xuống. Một trong những bài làm cả hệ thống chính trí điếng lặng đi, mất phản ứng, chính là bài của GS Ngô Bảo Châu.

Mọi người chờ phiên phúc thẩm coi thử mức độ phi nghĩa, tiểu nhân, còn có thể leo cao tới đâu.
Báo “lề phải” như chết lặng - sau cả tháng tịt ngòi – bỗng tung ra một bài được chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt: Độ dài, nơi công bố, thời điểm đăng, và cân nhắc kỹ từ văn phong, lập luận, minh hoạ… đến nội dung.
Cái nhan đề không úp mở Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu đủ để thiên hạ thấy: Bài này phê phán đích danh và trực diện một con người đang được đảng CSVN ra sức chèo kéo, vuốt ve và tâng bốc. Trên 20 triệu học sinh, sinh viên coi GS Ngô Bảo Châu như thần tượng. Nếu bài báo này thành công thì chỉ riêng nó cũng đủ phủ định hàng trăm bài lên án phiên toà và bênh vực TS Cù Huy Hà Vũ lưu hành trước đó.
Một nhà toán học thành danh, một vị giáo sư “tam quốc” (Pháp, Mỹ, Việt) bị một tác giả giấu tên (bút danh: Quý Thanh) phê là “ngộ nhận” chẳng lẽ không đau?.
GS Châu bị phê nặng nề chỉ vì đã công bố một bài ở blog riêng, vẻn vẹn 296 chữ, hơn nữa, chỉ sau 2 tuần ông đã rút nó lại. Điều này chứng tỏ bài viết của GS Châu (nhan đề: Về sự sợ hãi) đã chạm vào tử huyệt của cả một hệ thống chính trị, khiến cơ quan bảo vệ chế độ không sao nhịn nhục lâu hơn nữa, phải bật miệng cãi lại - bất chấp phải chê trách một người mà chế độ đang hết sức mua chuộc bằng vinh danh và đãi ngộ.
Liệu phản ứng gay gắt này đã bắt nguồn không ngẫu hứng, từ một cấp không thấp?
Các câu hỏi tất nhiên: Vị GS đã nói gì và gây hiệu ứng ra sao mà khiến ông trở thành đối tượng bị phê phán (?). Và nội dung, cách thức phê phán là gì (?). Qua đó, phẩm chất người viết và nơi đăng đã bộc lộ như thế nào? Kết quả ra sao... v.v… là những điều người viết cố làm rõ trong bài này và bài tiếp theo.

GS Ngô Bảo Châu đã nói gì và cần hiểu ra sao?

Là nhà toán học, GS Châu có lối hành văn cô đọng, xúc tích. Dưới đây, là nguyên văn 3 câu mở đầu rất ngắn gọn và rất đủ ý, lấy từ bài Về sự sợ hãi của ông:
a- Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ.
b- Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.
c- Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
Trong 3 câu rất ngắn này, câu nào tác giả cũng dùng chữ “không”:
- không đặc biệt hâm mộ;
- không thấy có tính thuyết phục đặc biệt; và
- không tầm thường.
Chính vì mấy chữ không đó mà nhiều người đã hiểu chưa thấu ý tác giả, tưởng rằng tác giả chưa coi trọng đủ mức việc làm của TS Cù Huy Hà Vũ, nên đã để lại những comments không thuận chiều.

Thế nào là “không đặc biệt hâm mộ”?

Tiếng Việt, nếu ai muốn thể hiện rằng: Tôi hâm mộ ông X, nhưng hâm mộ chưa tới mức “đặc biệt”, thì nên viết thế nào cho ngắn gọn và xúc tích (như văn phong toán học)?
Có lẽ, cứ viết như GS Châu là… tuyệt. Có quý vị độc giả nào có thể viết ngắn gọn hơn thế không (?) xin cứ thử viết ra để mọi người khâm phục về trình độ tiếng mẹ đẻ.
Ra thế! Nếu nói gọn lỏn “không hâm mộ” thì đó là sự khẳng định: “không hâm mộ”. Nhưng nói “không đặc biệt hâm mộ” thì ý lại khác hẳn.
- Cũng cách viết ấy, ông đánh giá “lý lẽ” của nhà dân chủ là “thuyết phục”, dù chưa thuyết phục ở mức “đặc biệt”. Chẳng sao cả, chính TS Cỳ Huy Hà Vũ cũng không định sáng tạo lý luận, mà cũng chẳng muốn lý lẽ nhiều (qua đơn kiện và trả lời phỏng vấn ở đài, báo), mà chỉ nói toạc ra những vi phạm dân chủ, tự do, nhân quyền... từ phía đảng CS. Và ông thiên về dùng ngôn (lời) và ngữ (chữ) để trực tiếp chống các vi phạm đó. Trước những sai phạm sờ sờ thì việc lên tiếng phản đối ngay tắp lự nên được coi là cần thiết hơn cái chuyện nêu lý lẽ.
Một người bình thường, nếu được hỏi rằng: Hiến pháp ghi rõ: dân có quyền biểu tình, vậy mà thủ tướng lại ký nghị định “cấm đi khiếu kiện quá 5 người”… Thế là đúng hay sai… thì ngay một học sinh cấp II cũng trả lời được, chẳng cần phải lý lẽ “đầy mình”. Nói khác, khoảng 75 hay 80 triệu dân Việt thấy sờ sờ cái nghị định do ông thủ thướng Nguyễn Tấn Dũng ký là sai trái (tới mức vi hiến), nhưng số người dám lên tiếng lại quá ít (có vài vị nói xa xôi trên báo lề phải), còn dám kiện đích danh ông Dũng về tội vi hiến thì cho đến nay, vẫn chỉ duy nhất có MỘT.
- Chính là những lên tiếng công khai, những hành động bằng ngôn ngữ của TS Hà Vũ là cơ sở để GS Châu đánh giá ông là “một con người không tầm thường”, gồm cả lời lẽ và thái độ của TS Hà Vũ ở phiên sơ thẩm.

Thế nào là con người không tầm thường?

Muốn biết vị GS quan niệm thế nào là “không tầm thường” chúng ta cứ đọc tiếp đoạn dưới do chính ông viết ra.
- Đó là ông ví TS Hà Vũ với 3 nhân vật phi thường - thậm chí là huyền thoại - từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông… trong lịch sử nhân loại.
- Đó là con người được GS Châu coi là đã tự đặt ra một sứ mệnh cho cả đời mình và bằng mọi cách hoàn thành nó, bất chấp khủng bố, bất chấp phải đối đầu với số phận;
- Đó là con người ở vị trí bị cáo mà vẫn sừng sững, hiên ngang, trầm tĩnh, đĩnh đạc… khiến chánh án phải sợ hãi.
Trời hỡi! nếu chỉ là mức “không tầm thường” mà một con người đã trở thành cao cả như vậy, thì có lẽ chúng ta cần suy thêm thâm ý của GS Châu khi ông viết: “hâm mộ, dù chưa tới mức đặc biệt” và “lý lẽ thuyết phục dù chưa tới mức đặc biệt”… Nó là thế nào?

Và không phải chỉ cá nhân chánh án sợ hãi

Giấy trắng mực đen, bài của GS Châu nhận định ông chánh án hoặc là cẩu thả, hoặc là sợ hãi, khi ông này điều hành phiên toà. Nhưng đọc cái đầu bài chỉ có 4 chữ gọn lỏn (Về sự sợ hãi) thì rõ ràng vị GS nhấn mạnh tới “sợ hãi” hơn là “cẩu thả”. Nếu chỉ vì “cẩu thả” (xử ẩu cho xong chuyện) thì vấn đề chưa nặng lắm. Đảng CS có thể tìm một chánh án khác, có cách làm việc thận trọng và trách nhiệm hơn – trong phiên phúc thẩm. Nhưng nếu do sợ hãi (vì đuối lý, vì phi nghĩa, vì bất chính) thì sẽ chẳng chọn được ai làm chánh án… Chúng ta nên biết rằng mọi vị chánh án ở VN, khi điều khiển phiên toà đều được phép “nhân danh nước CHXHCNVN…”. Thế thì, lần này, vị chánh án cũng nhân danh như vậy mà… sợ hãi.
Một hệ thống cai trị đồ sộ và cường bạo đến vậy, với những tuyệt chiêu khiến mấy chục triệu cá nhân suốt mấy chục năm phải sợ hãi đến vậy…; mà nay - với sự chính xác toán học – GS Châu khẳng định rằng nó đang sợ hãi một cá nhân.
Thế thì, làm gì mà chẳng đau điếng đến mức lặng đi cả tháng trời?.
Thế thì… dẫu có cho cả Bộ CT ngồi ghế chánh án phúc thẩm phỏng có hơn gì?.
Nhiều bạn trẻ bực mình vì tưởng rằng GS Châu đánh giá chưa đủ cao TS Hà Vũ (thể hiện ở những comments khi họ đọc bài của GS). Tôi, cổ lai hy, không dám nghĩ vậy.

Nhất quán

Nếu chỉ chuyên tâm vào khoa học, GS Ngô Bảo Châu vẫn là nhân vật có cống hiến lớn. Người ta vẫn gọi ông bằng những danh xưng đầy kính trọng: nhà khoa học, học giả, bác học… Nhưng để được coi là trí thức, thì nhà khoa học (hay văn nghệ sĩ) còn phải quan tâm đến sự tiến bộ xã hội, phải phản biện công khai những gì đang cản trở sự tiến bộ đó. Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… rồi Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo… v.v. đều là những trí thức xứng đáng của đất nước.
Và nay là Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ. Dù một người được o bế, một người đang hứng đòn thù, nhưng giữa hai con người này, nhất định có sự cảm thông, tương kính và mến phục lẫn nhau. Cái lý ở đời nó thế.
Nên nhớ rằng những danh từ mới trong Xã hội học hay Chính trị học thời cận-hiện đại, chúng ta thường mượn từ tiếng Tàu (họ chuyển ngữ từ phương Tây trước chúng ta). Nhưng từ “trí thức” là của riêng Việt Nam, nó được dịch trực tiếp từ tiếng Pháp, Nga, xuất hiện đầu thế kỷ XX mà các đại từ điển quốc tế ngay trước đó chưa kịp đưa vào. Mong rằng nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ chân chính ở VN trở thành trí thức. Muốn vậy, thời nào cũng thế, điều kiện tiên quyết là họ phải khắc phục được nỗi sợ bị trả thù, đàn áp.
Nhưng ở đây, đang nói về GS Ngô Bảo Châu.
- Ngay khi đảng CS vừa mới công nhận ông là GS của VN (như một ân huệ và để tranh thủ), ông vẫn chính thức ký tên phản đối khai thác bauxite, chẳng cần biết đảng sẽ đối xử tiếp với ông ra sao.
- Khi ông Lê Doãn Hợp, uỷ viên trung ương đảng, bộ trưởng TT & TT đặt ra “lề phải”, “lề trái” cho báo chí và truyền thông trong nước; và doạ dẫm, cảnh báo các nhà báo VN rằng phải theo “lề phải” mới đảm bảo an toàn. Ngô Bảo Châu nói thằng: Đi theo lề là việc của những con cừu, không phải của con người tự do. Chỉ 15 từ, đủ phản biện tình trạng báo chí VN không có tự do, đảng CS muốn biến nhà báo thành đàn cừu.
- Và lần này, thái độ của ông vẫn kịp thời, cương trực và nhất quán khi nói về TS Cù Huy Hà Vũ.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét