Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Ngôn ngữ và lãnh đạo

 Lê Mai

 Như không khí, ánh sáng và mây trời, ngôn ngữ là thứ của cải gần như vô tận. Vẻ đẹp ngôn ngữ qua những tác phẩm văn học làm chúng ta say mê, còn vẻ đẹp ngôn ngữ qua những câu nói, những bài phát biểu, diễn văn…của các nhà lãnh đạo tài năng làm chúng ta thán phục. Nói đến lãnh đạo là phải nói đến ngôn ngữ của họ. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lãnh đạo là mối quan hệ đặc biệt. Mỗi lời nói, dòng chữ của lãnh đạo đều được người dân lắng nghe, phân tích, đánh giá – cả về nội dung và cách thể hiện. Do đó, họ không nên và không thể tùy tiện khi nói, viết. Một nhà lãnh đạo tồi, tất nhiên, ngôn ngữ mà họ sử dụng khó mà hay ho cho nổi.
Hãy xem những nhà lãnh đạo “lưỡi gỗ”. Họ chưa nói, chúng ta đã biết họ sẽ nói gì rồi. Và khi họ nói xong, sự thất vọng sẽ nhanh chóng đến với chúng ta. Chúng ta kinh ngạc tự hỏi: tài năng của lãnh đạo chỉ thế thôi ư? Không có gì chán chường bằng nghe các phát biểu vô hồn của các nhà lãnh đạo trên thế giới đang hàng ngày, hàng giờ chiếm đầy các kênh ngang, kênh dọc!
Trên các kênh ấy, không ít lần, chúng ta nghe ngôn ngữ của một vài người phát ngôn. Họ có phải là lãnh đạo không? Nhìn vẻ mặt đanh đá và giọng nói kẻ cả của bà Khương Du – người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, chúng ta hiểu ngay TQ với cái lốt “quân tử Tàu” muốn gì. Tất nhiên, không ai nghĩ đơn giản ngôn ngữ đó là của bà ta, mà là ngôn ngữ của các nhà lãnh đạo TQ. Có vẻ như cuộc chiến ngôn từ giữa VN và TQ về vấn đề biển Đông còn lâu mới kết thúc.
Ai thắng? Ta hãy nghe ngôn ngữ đặc trưng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN:
“Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của LHQ về Luật biển 1982…
“VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất kỳ việc làm nào của một nước khác đối với hai quần đảo trên mà không được sự chấp thuận của VN đều là vi phạm chủ quyền và các quyền chủ quyền của VN đối với các khu vực này”.
Chừng đó là chúng ta hiểu ai thắng trong cuộc chiến ngôn từ và bây giờ chúng ta chuyển qua ngôn ngữ các “ông lớn”. Đã có một thứ ngôn ngữ “không kỷ luật ai”, lại thêm một thứ ngôn ngữ “cắt chức hết bầu không kịp”; đã có một thứ ngôn ngữ “bên này thức, bên kia ngủ”, “tôi gác, anh nghỉ”, lại thêm một thứ ngôn ngữ nhằm “phân hóa nội bộ nước Mỹ”; đã có một thứ ngôn ngữ “quyết liệt”, lại thêm một thứ ngôn ngữ “năm qua không có gì mới”…Đó là sự “nổi loạn” của ngôn ngữ và lãnh đạo mà không một ai trong chúng ta không suy nghĩ, băn khoăn, day dứt…
Song, có một thứ ngôn ngữ lãnh đạo khác gây cho chúng ta rất nhiều ấn tượng. Xtalin, một nhà lãnh đạo độc tài song đầy tài năng, là tác giả cuốn Bàn về ngôn ngữ học nổi tiếng. Ông ta rất hứng thú khi trình bày những tinh hoa trong cuốn sách của mình với Mao Trạch Đông đang ở thăm Liên Xô. Ông ta nói với Mao:
- Tôi cho rằng, ngôn ngữ với tư cách là một công cụ tư duy không mang tính gia cấp. Đồng chí Mao, đồng chí có cho là đúng như vậy không?
- Văn hóa của các dân tộc và ngôn ngữ của các dân tộc có điểm chung, song cũng có những chỗ khác nhau. Chữ Hán và tiếng Hán dù không dễ dàng nắm được nhưng trên thực tế bất kỳ ai cũng có thể học được. Chỉ cần tự nguyện học và không ngừng trau dồi là có thể nắm được, điều này không phân biệt địa vị xã hội và giai cấp. Mao đáp.
Xtalin rất vui, nheo mắt nhìn các nguyên soái Liên Xô, như muốn nói, này các nguyên soái, chiến tranh đã kết thúc, các ông chẳng có việc gì làm nữa, song tôi vẫn có thể bàn về ngôn ngữ học đấy!
Nói đến chiến tranh, ta lại không thể không bàn về ngôn ngữ chỉ đạo chiến tranh của Xtalin. Trong biên niên sử cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô có hai bức điện độc đáo đang được lưu giữ.
Bức điện của Đại diện Đại bản doanh L.D Mê-khơ-lít gửi Xtalin:
“Bây giờ không phải là lúc than phiền, nhưng tôi phải báo cáo để Đại bản doanh biết về tư lệnh phương diện quân. Ngày 7 tháng Năm, tức trước ngày quân địch tiến công, Cô-dơ-lốp đã triệu tập Hội đồng quân sự để thảo luận dự án sắp tới nhằm đánh chiếm Côi-a-xan. Tôi khuyến nghị: hoãn dự án đó lại và lập tức chỉ thị cho các tập đoàn quân về đợt tiến công sắp tới của địch. Trong bản mệnh lệnh do tư lệnh phương diện quân ký, có một số đoạn hướng dẫn rằng ngày 10-15 tháng Năm địch mới tiến công nên đề nghị Hội đồng cứ làm việc cho tới ngày 10.5 và cùng toàn thể cán bộ chủ trì, các tư lệnh binh đoàn, các cơ quan tham mưu nghiên cứu kế hoạch phòng ngự của các tập đoàn quân. Việc này đã được thực hiện vào lúc toàn bộ tình hình trong ngày vừa qua đã chứng tỏ rằng địch sẽ tiến công từ sáng. Theo sự nhấn mạnh của tôi, việc hướng dẫn sai lầm về thời gian tấn công đã được sửa chữa. Cô-dơ-lốp còn phản đối việc điều lực lượng bổ sung cho khu vực của tập đoàn quân 44”.
Và đây là bức điện không kém phần đặc sắc của Xtalin gửi Mê-khơ-lít:
“Đồng chí đã giữ thái độ kỳ dị của một quan sát viên xa lạ, không nhận trách nhiệm về các việc làm của Phương diện quân Crưm. Thái độ ấy rất tiện lợi nhưng hoàn toàn thối tha (cho đồng chí). Trên mặt trận Crưm, đồng chí không phải là một quan sát viên xa lạ, mà là một đại diện của đại bản doanh có trọng trách, chịu trách nhiệm về mọi thắng lợi và thất bại của mặt trận và có bổn phận phải sửa chữa tại chỗ những thiếu sót của Bộ tư lệnh. Đồng chí cùng với Bộ tư lệnh phải chịu trách nhiệm về việc sơ suất để yếu sườn trái của phương diện quân. Nếu như “toàn bộ tình hình đã chứng tỏ địch sẽ tiến công từ sáng” nhưng đồng chí đã không áp dụng mọi biện pháp để tổ chức đánh trả mà chỉ làm có mỗi một việc là phê phán một cách thụ động thì lại càng không hay cho đồng chí…
Đồng chí đòi hỏi chúng tôi thay thế Cô-dơ-lốp bằng một người nào đó vào loại Hin-den-bua. Nhưng đồng chí không thể không biết rằng chúng ta không có những Hin-den-bua trong lực lượng dự trữ. Công việc của đồng chí ở Crưm không phức tạp, đồng chí có thể tự cáng đáng được. Nếu như đồng chí sử dụng máy bay cường kích không phải để làm những việc thứ yếu, mà để chống lại xe tăng và sinh lực địch, thì địch không thể chọc thủng nổi mặt trận và xe tăng của chúng cũng không tiến qua được. Không cần phải là Hin-den-bua để hiểu vấn đề đơn giản này, sau khi đã ngồi hai tháng tại mặt trận Crưm”.
Ý đồ của Mê-khơ-lít muốn trốn trách nhiệm và xáo trộn lãnh đạo Tập đoàn quân không thể dấu nổi Xtalin. Xtalin đứng ở vị trí rất cao, trí tuệ rất cao, sử dụng ngôn ngữ rất sinh động khi trả lời Mê-khơ-lít. Ngôn ngữ đó tỏ ra am hiểu từng mặt trận, chiến dịch, chiến thuật, lại vừa am hiểu lịch sử, đánh giá đúng tình hình, chỉ ra một cách rõ ràng, dứt khoát khuyết điểm, làm cho cấp dưới không thể không phục. Đọc đi đọc lại bức điện, tôi cực kỳ thú vị với cách kết thúc của Xtalin: “Không cần phải là Hin-den-bua để hiểu vấn đề đơn giản này, sau khi đã ngồi hai tháng tại mặt trận Crưm”.
Ta gặp lại ngôn ngữ kiểu đó khi Xtalin bực mình vì bị thất lợi trong việc sử dụng bộ đội đổ bộ đường không:
- Cho một đội đổ bộ đông như vậy nhảy vào lúc đêm tối là một bằng chứng về sự dốt nát của người tổ chức công việc ấy, vì kinh nghiệm đã chỉ rõ rằng thậm chí một đơn vị lớn nhảy dù vào ban đêm xuống chính ngay vùng đất đai của mình cũng gặp nhiều khó khăn lớn rồi.
Đến đây, tôi xin tạm kết thúc với niềm hy vọng, sự “nổi loạn” của ngôn ngữ sẽ biến mất, nhường chỗ cho sự thú vị của ngôn ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét