Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Những câu chuyện David & Goliath trong kinh doanh

Trong truyền thuyết Hy Lạp, câu chuyện chàng chăn cừu tí hon David đánh bại gã khổng lồ Goliath chỉ với một cái ná và vài hòn đá được ví như biểu tượng về sức mạnh tinh thần, tính linh hoạt của những con người tưởng chừng nhỏ bé trước đối thủ to lớn. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, vẫn có những câu chuyện về chàng David và Goliath như thế. Đừng bao giờ đánh giá họ quá thấp vì mặc dù chỉ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng thực chất họ lại rất nhanh nhẹn.
Malt-O-Meal vs. PepsiCo
Một nhà sản xuất ngũ cốc tép riu như Malt-O-Meal (Mỹ) có thể giành được thị phần từ tay gã khổng lồ sản xuất bột yến mạch Quaker Oats, thương hiệu được PepsiCo mua lại từ năm 2001? Đúng vậy, họ đã làm được điều đó nhờ tìm được lối đi riêng cho mình.
Để đánh bật Quaker Oats ra khỏi các quầy hàng siêu thị, năm 2010, Malt-O-Meal cho ra đời dòng sản phẩm Better Oats với 28 loại yến mạch từ tự nhiên đến nhân tạo và đủ loại mùi vị, ví dụ như Chai Spiced hay Maple Streusel. Theo Chris Neugent, Giám đốc Điều hành Malt-O-Meal, Better Oats được làm từ nguyên liệu tự nhiên như các loại quả và vụn chocolate đen, lại sản xuất dưới dạng túi nhỏ giúp người sử dụng dễ dàng canh lượng nước phù hợp. Công ty cũng rất chịu khó lắng nghe ý kiến từ những chủ cửa hàng, siêu thị để từ đó chế tạo bao bì thành hộp nhỏ nhằm tiết kiệm không gian trưng bày. Better Oats đang được bày bán rộng rãi tại 21.000 cửa hàng bán lẻ ở Mỹ và đã tung ra dòng sản phẩm phụ như Three Sisters.
Brown Paper Tickets vs. Ticketmaster
Điều đáng nể ở Brown Paper Tickets là công ty bán vé nhỏ lẻ này vẫn trên đà phát triển thịnh vượng, ngay cả khi đối thủ lớn nhất trong ngành ngày càng mạnh hơn.
Dưới góc nhìn của Steve Butcher, Giám đốc Điều hành của Brown Paper Tickets, thương vụ sáp nhập Ticketmaster và công ty chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc Live Nation vào năm ngoái chính là cơ hội tốt để phát triển. Ông nhận ra sẽ có một vài đại lý không muốn bán vé thông qua Ticketmaster, vì công ty mẹ của Ticketmaster (tức Live Nation) đồng thời sở hữu các công ty đối thủ của những đại lý này.
Vì vậy, trang web của Brown Paper Tickets (khai trương năm 2000, chuyên phục vụ đối tượng khách hàng mà các công ty khác bỏ qua) bắt đầu nhắm đến những sự kiện lớn hơn như những buổi liên hoan phim hay hội nghị. Brown Paper công bố đã bán được vé cho hơn 250.000 sự kiện kể từ khi tung ra chiến dịch. Theo đó, doanh số thuần trong năm 2010 lên tới 6 triệu USD, tăng 225% so với cùng kỳ năm ngoái. Trang web này còn cung cấp thêm tính năng bổ trợ như tư vấn tổ chức sự kiện, bán vé qua điện thoại di động và giao hàng tận nơi.
WTP Advisors vs. PwC
Liệu một công ty kế toán mới thành lập có cạnh tranh được với PricewaterhouseCoopers (PwC), 1 trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (được gọi là nhóm Big 4)? WTP Advisors đã làm được điều đó, thậm chí ngày càng ăn nên làm ra, nhờ giành được những khách hàng trong danh sách Fortune 500.
WTP rất thành công khi giữ lại được 100% khách hàng kể từ khi 4 cựu chuyên viên của PwC lập ra nó năm 2005 tại New York (Mỹ). Để tránh thủ tục rườm rà và chi phí phát sinh ban đầu, công ty tư vấn về kinh doanh và thuế này, với 75 con người, đã giúp cho các công ty lớn dễ dàng tiếp cận với đối tác và nhân sự cấp cao, cung cấp tài liệu cơ bản chỉ trong vòng vài giờ, chi phí lại rẻ hơn so với nhóm Big 4.
Hơn nữa, không giống như các công ty khác chuyên bổ nhiệm nhân viên kế toán vào những dự án đơn giản, WTP thuê những chuyên gia tận tâm, nhiệt huyết với công việc để làm những công việc đơn giản đó như khai báo thuế chẳng hạn. Nhà đồng sáng lập Michael Minihan và Ian Boccaccio cho biết, doanh số của họ đã tăng từ 6,8 triệu USD năm 2009 lên gần 12 triệu USD năm 2010.
Rõ ràng, không phải cứ doanh nghiệp nhỏ là phải chịu thất thế mà đôi lúc, sự nhỏ gọn lại tạo ra thuận lợi cho công việc kinh doanh. Nếu ví quy mô một công ty như kích thước của một con tàu, sẽ thấy những ưu điểm này. Một chiếc tàu đồ sộ có thể chịu được cơn bão lớn, vượt qua con sóng hung dữ, nhưng bù lại, nó không có tính cơ động cao. Còn chiếc tàu cao tốc tuy nhỏ nhưng có khả năng tiếp cận địa phận mà tàu lớn không thâm nhập được. Tốc độ của nó nhanh và kịp thời lách được mối nguy hại.
Trong khi các công ty lớn có lợi thế về ngân sách tiếp thị và sức mua thì doanh nghiệp nhỏ trội hơn về chất lượng phục vụ. Những chàng David này luôn nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của khách hàng và cung cấp được nhiều dịch vụ “đo ni đóng giày” cho từng đối tượng khác nhau. Họ len lỏi và phát triển được ở các thị trường ngách giàu tiềm năng, điều mà một gã Goliath khó làm được. Một công ty lớn rất khó có thể, thậm chí là không thể, điều hành công việc kinh doanh hiệu quả như một doanh nghiệp nhỏ. Đối với doanh nghiệp nhỏ, hiệu quả chính là yếu tố bắt buộc và cốt lõi, việc phí phạm bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng dễ dàng khiến công ty đi đến phá sản. Vì lẽ đó, họ cố gắng hoạt động hiệu quả hơn, sáng tạo và cải tiến nhiều hơn so với công ty lớn.
Như vậy, để thành công, người chủ doanh nghiệp nhỏ cần có cách nhìn, lối suy nghĩ khác so với người điều hành doanh nghiệp lớn. Ngược lại, nếu rập khuôn theo lối đi tư duy của người khác, chắc chắn sẽ thất bại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét