Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

"Ngòi nổ" lãi suất là sự trục lợi của ngân hàng lớn

(Tamnhin.net) - "Ngòi nổ" lãi suất cao hiện nay ở các NH nhỏ là sự thiếu thanh khoản còn ở các ngân hàng lớn là sự trục lợi. 
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã khẳng định như vậy trong bài  trả lời phỏng vấn báo chí về thực trạng và các nhóm giải pháp khống chế cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, trước khi bàn về vấn đề giảm lãi suất, phải nhận diện đúng bối cảnh. Đành rằng lạm phát là nguyên nhân lớn nhất khiến lãi suất cao nhưng "cuộc chiến" lãi suất giữa các NH cũng chính là một trong những lý do quan trọng đẩy lãi suất lên cao.

NH nhỏ tăng lãi suất vì bị lép vế, bị yếu thanh khoản, còn NH lớn viện cớ NH nhỏ tăng lãi suất nên phải tăng theo để giữ khách. Nhưng ẩn sau đằng đó thì NH lớn vẫn có lợi thông qua việc cho NH nhỏ vay trên thị trường liên NH. Rất dễ thấy điều này vì các NH lớn huy động số lượng tiền rất lớn trong khi tín dụng năm nay bị đã bị khống chế 20% nên thực chất là để "luộc" lại mấy NH nhỏ. Khi NH nhỏ bị "luộc" 22% - 23% thì huy động trong dân chúng 19% như hiện nay không phải là cao.

Như vậy, lãi suất cao hiện nay là do "ngòi nổ" sinh ra từ cả các NH nhỏ và lớn. Tạo ra một vòng xoáy không có điểm dừng. Vì vậy, giải pháp tình thế cần làm hiện nay là tháo "ngòi nổ" từ chính các NH.

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, "ngòi nổ" lãi suất cao hiện nay ở các NH nhỏ là sự thiếu thanh khoản còn ở các ngân hàng lớn là sự trục lợi. NH Nhà nước hoàn toàn có thể tiếp vốn cho NH nhỏ trên thị trường mở bằng các cơ chế, điều kiện dễ dàng hơn. Như vậy, NH nhỏ sẽ không bị các NH lớn trục lợi. Đối với các NH lớn, chỉ cần khống chế lãi suất liên NH họ sẽ không còn cửa để trục lợi các NH nhỏ thông qua việc cho vay lãi suất cao trên thị trường này. Cuộc đua lãi suất sẽ hạ nhiều và lãi suất sẽ giảm xuống.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhấn mạnh, bài toán giảm lãi suất không hề đơn giản. Đó chỉ là một trong những biện pháp tình thế cần phải làm. Để giảm lãi suất,  phải tiến hành song song 2 nhóm giải pháp. Giải pháp căn cơ và giải pháp hành chính. Giải pháp căn cơ là thực hiện đúng Nghị quyết 11, cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công như chúng ta đã nói rất nhiều lần. Còn giải pháp tình thế, ngoài việc tháo ngòi nổ như tôi nói trên, chính sách tiền tệ còn phải làm thêm 2 việc nữa. Đó là quản trị về khối lượng tín dụng và cơ cấu tín dụng. Tại thời điểm này, chúng ta cần sử dụng biện pháp hành chính để "bắt" tín dụng "chảy" vào sản xuất, chảy vào khối DNVVN. Hiện khối DNVVN khó vay vốn nên có tâm lý giá nào cũng vay đã đẩy lãi suất lên cao. Thêm một giải pháp nữa là "quản trị tuân thủ". Ở các nước đặt rất nặng vấn đề này. Vì vậy, phải tăng kỷ luật thị trường lên để thực hiện nghiêm những quy định đã đưa ra.

Giải pháp căn cơ và giải pháp tình thế phải được tiến hành đồng bộ thì mới mong kéo được lãi suất xuống một cách từ từ và chắc chắn. Còn nếu chúng ta "đánh trực diện" vào lãi suất thì không thể giải quyết tận gốc các vấn đề của thị trường như đã nói trên.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương khẳng định, nếu khống chế đầu ra (trần lãi vay) thì đầu vào (huy động) kể cả áp trần hay để tự do cũng sẽ giảm xuống. lãi suất đầu vào giảm, không ai gửi tiền vì lãi suất hiện lên tới 19% mà huy động tháng 4 vừa qua vẫn giảm. Đó là chưa kể, nếu sử dụng trần lãi suất cho vay còn dẫn tới nhiều hậu quả. Các ngân hàng (NH) sẽ giảm quyết liệt vay trung và dài hạn bởi lãi suất như nhau, cho vay ngắn hạn "ăn" hơn nhiều và cũng ít rủi ro hơn; NH chắc chắn sẽ hạn chế cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vì khối này rủi ro cũng cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Như vậy, việc mất cân đối càng thêm nghiêm trọng, áp lực càng căng.

Bên cạnh đó, nếu khống chế đầu ra, hiện tượng lách lãi suất sẽ xảy ra y như năm 2008. NH sẽ "đẻ" ra hàng loạt các loại phí, hàng loạt các chiêu "lách" lãi suất. Áp dụng trần huy động như hiện nay, đầu ra các doanh nghiệp có thể phải vay đến 25%. Nhưng nếu chặn đầu ra, thả cửa đầu vào thì không có gì bảo đảm sẽ không có cuộc chạy đua lãi suất huy động. Khi đó, lãi vay không chỉ là 25% như hiện nay mà sẽ cao hơn rất nhiều. Khối DNVVN càng không thể tiếp cận được vốn. Vấn đề hệ thống ngân hàng  phần lớn đã vì trục lợi mà làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Thời kỳ loạn lãi suất như thế này thể hiện sự yếu và kém của nhà quản lý và sự bất ổn của nền kinh tế tăng trưởng nóng,  tính phụ thuộc và không ổn định. 

Đức Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét