Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Ăn cắp 10 triệu/cây nhờ vàng trộn tạp chất



(VEF.VN) - Hợp chất vonfram khi trộn với vàng, các đối tượng lừa đảo có thể lấy cắp được từ 1 đến 3 chỉ trong 1 cây vàng. Với giá vàng hiện nay, kẻ gian có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng khoảng 10 triệu đồng/cây vàng.

Nguồn "xách tay"
Tại cuộc trao đổi "Sự thật về vàng độn vonfram và một số kim loại nặng khác" được tổ chức chiều 20/5/2011 tại Hà Nội, ông Đào Vĩnh Phát, chuyên gia vàng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: Đầu tháng 5/2011, một số DN vàng cho biết hiện trên thị trường đã xuất hiện một hợp kim giống như vàng mà máy đo thông thường cho ra kết quả vàng 9999. Hiện nay, loại hợp kim này mới tồn tại dưới dạng nguyên liệu, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang. Thông tin ban đầu cho biết, loại hợp kim này đã xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai và Cao Bằng.
Theo phản ánh của một số chủ tiệm vàng tại Lào Cai, Cao Bằng và Hà Nội, từ đầu năm 2011, họ đã nhận được lời rao bán của một số đối tượng từ Hong Kong. Những người này chào vàng 9999 xuất xứ từ Hong Kong được đúc đặc dưới dạng vàng thỏi. Khi đưa vào máy thử thì cho ra kết quả đúng là vàng 9999 nhưng một số chủ tiệm vàng cho biết là khi lấy kìm cắt đôi thỏi vàng thì thấy bở chứ không dẻo như vàng 9999 bình thường.
"Thông tin từ các DN đã mua phải vàng độn thì vàng được đưa từ nước ngoài vào, đóng dấu như vàng thật, có thể là "vàng xách tay". Bởi vậy, thời điểm này được xem như là cuộc khủng hoảng vàng của Việt Nam. Dẫn tới doanh thu vàng trang sức chỉ còn 30 - 40% trong thời gian gần đây", ông Phát nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định: Việc vàng bị độn vonfram xuất hiện trên thị trường những ngày qua là có thật. Vàng bị độn vonfram xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009. Tính chất lý hóa học của vonfram gần giống vàng từ tỉ trọng (của vàng là 19,25, vonfram là 19,3), lợi dụng đặc điểm này, kẻ gian đã dễ dàng tạo ra vàng giả kém chất lượng.
Theo ông Phát, vàng và vonfram khác nhau về nhiệt độ nóng chảy (nhiệt độ nóng chảy của vàng là 10640C, của vonfram là 34100C. Khi nung vonfram với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh, vonfram khi đó chưa đủ nhiệt độ nóng chảy, tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
"Trong tháng 3 và 4 một số DN tư nhân đã mua phải loại vàng giả này, nhưng tháng 5/2011 chưa có DN nào mua phải vàng độn vonfram. Vì hiện đã có 6 phương pháp nhận biết vàng độn vonfram là: Cán mỏng; Xét cơ tính; Xì chảy điểm; Nấu chảy bằng nồi gốm hoặc Graphit; Phân kim để tính hàm lượng và cài đặt phần mềm nhận biết vonfram", ông Phát cho biết.
So sánh mẫu vàng trộn tạp chất (bên trái) và vàng thật
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Trúc, việc vàng bị độn vonfram đã xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2009. Còn trên thị trường thế giới, loại vàng này đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Kẻ gian chọn vonfram để độn vào vàng là vì nguyên tố này có tính năng lý, hóa gần giống với vàng. Trên thực tế, cả vàng và vonfram đều có tỷ trọng gần giống nhau (của vàng là 19,25, vonfram là 19,3). Dựa vào đặc điểm khối lượng riêng này, người ta tạo ra vàng kém chất lượng bằng cách trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy.
Theo nhận định của PGS. TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học Việt Nam, khả năng vàng miếng có hợp chất lạ có thể là vonfram. Hợp chất này là một kim loại chuyển tiếp có màu từ xám thép đến trắng, rất cứng và nặng, chịu nhiệt khối lượng riêng lớn và nhiệt độ nóng chảy rất cao, bền trong không khí ở nhiệt độ thường, tan trong hỗn hợp axitniric và axit flohidric. Các khoáng vật chính là vonframit, seelit, tungstit.
Cắn vàng để kiểm tra
Ông Nguyễn Thanh Trúc khuyến cáo: Các DN và người dân không nên mua vàng không rõ nguồn gốc mà chỉ nên mua vàng miếng và vàng trang sức của các thương hiệu uy tín trong nước. Bởi quy trình sản xuất vàng của các thương hiệu uy tín thường được quản lý chất lượng ngặt nghèo từ khâu nhập, chế tác cho đến phân phối. Hơn nữa, khi mua vàng của các thương hiệu uy tín, khách hàng đều được lấy hóa đơn biên nhận, trong đó có ghi số seri của miếng vàng. Đây chính là cơ sở để người dân có thể bảo vệ mình khi xảy ra sự cố. Trong trường hợp nếu thấy nghi ngờ về sản phẩm vàng miếng đang cất giữ, người dân hoàn toàn có thể mang vàng và giấy biên nhận đến các đại lý mà mình đã mua yêu cầu thẩm tra và kiểm định.
Để giảm thiểu những thiệt hại có thể gây ra cho người dân và cho chính các DN kinh doanh vàng, hiện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn các hội viên cách thức kiểm định và phát hiện vonfram có trong vàng để tránh mua phải vàng giả.
Nếu đen đủi mua phải, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại không nhỏ, bởi nguyên liệu trộn vào vàng là vonfram một nguyên tố có tính năng lý, hóa gần giống với vàng... Các loại máy đo hiện hành đều không phát hiện được. Nên theo ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, có thể cắn thử lên miếng vàng mà bạn muốn xem xét. Vàng giả sẽ không để lại bất kỳ vết cắn nào trong khi vàng thật sẽ có, nguyên nhân là do vàng thường mềm hơn các kim loại khác. Kiểm tra trên bề mặt vàng, nhìn một cách cẩn thận, nếu có bất kỳ điểm màu xanh lá cây hoặc màu đen, thì đó là vàng giả. Đặc biệt chú ý đến các cạnh và móc khi kiểm tra bề mặt vàng vì sự đổi màu thường xuất hiện ở đây. Giữ vàng trong tay và so sánh trọng lượng. Vàng thật thường đặc, dày hơn và vàng giả sẽ nhẹ hơn.
Hiện nay, tuy các DN kinh doanh vàng hàng đầu đều đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với Nhà nước nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý gần như không kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vàng. Còn chất lượng của vàng nữ trang do các tiệm vàng sản xuất thì hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của chủ tiệm. Vì thế, các chuyên gia trong lĩnh vực vàng khuyên người tiêu dùng nên đến các đơn vị có trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để kiểm tra chất lượng sản phẩm vàng.
Cũng theo ông Phát, hiện tại chỉ có DN mua phải loại vàng độn này. Trên thực tế chưa có người tiêu dùng nào mà phản ánh với nhà kinh doanh, cơ quan chức năng về việc mua phải vàng độn vonfram. Nếu người tiêu dùng mua phải thì nên phản ánh với các cơ quan pháp luật để được can thiệp kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét