Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

1,4 triệu người Trung Quốc khổ vì đập Tam Hiệp

- "Mặc dù mang lại lợi ích toàn diện và to lớn, song dự án đập Tam Hiệp cũng gây ra những vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp như tái định cư ổn định cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và ngăn ngừa các thảm họa địa chất". 
 
1,4 triệu người đảo lộn cuộc sống

Đó là nội dung chính của tuyên bố được Quốc Vụ viện Trung Quốc đưa sau cuộc họp về đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Khởi công năm 1992 trên sông Dương Tử với kinh phí 23 tỷ đô la, công trình này tạo ra một hồ chứa với chiều dài bằng cả nước Anh, vận hành 26 turbin khổng lồ. Kể từ khi bắt đầu phát điện, năm 2008, đập Tam Hiệp đã đáp ứng nhu cầu nóng bỏng về năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, nó cung cấp 84 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia.

Một cặp vợ chồng sống cạnh bờ sông phải di dời để phục vụ việc xây dựng đập.
Một cặp vợ chồng sống cạnh bờ sông phải di dời để phục vụ việc xây dựng đập.

Tuy nhiên, ở thời  điểm hiện tại, khi các kỹ sư đang tiến hành những khâu kiểm tra, đánh giá cuối cùng ở công trình thế kỷ này, Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận, họ đang phải đối mặt với những vấn đề khẩn cấp mà nó đặt ra. Một trong số đó là chương trình tái định cư cho khoảng 1,4 triệu người, vốn bị một số ý kiến chỉ trích rằng không thành công như mong đợi. Rất nhiều người dân tái định cư đã không thể gây dựng lại cuộc sống như trước khi bị di dời khỏi khu vực hiện nay là lòng hồ.    

Ô nhiễm, động đất và nguồn nước

Ngay khi kế hoạch xây dựng đập Tam Hiệp được thông qua, nhiều nhà hoạt động môi trường đã lo ngại về ảnh hưởng của nó đến điều kiện sinh thái địa phương. Và 19 năm sau, nỗi lo ngại đó dường như là có lý. Mưa lớn và lũ lụt mùa hè năm 2010 đã kéo một lượng lớn rác sinh hoạt và phế thải xây dựng theo dòng chảy của sông Dương Tử đổ về hồ chứa. Ở nhiều khu vực, rác tập trung lại dày đến nỗi có thể đi được trên đó. Rác nhiều đến mức người ta lo nó có thể làm nghẽn các cửa đập.

Một nỗi lo ngại khác là trữ lượng nước cực lớn của hồ chứa có thể làm tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn và động đất ở các khu vực lân cận. Rất nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ này và Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận đây là một vấn đề mà họ đang tìm cách kiểm soát bằng cách đầu tư các hệ thống cảnh báo thảm họa và gia cố hai bên bờ sông.

Khả năng kiểm soát nguồn nước sông Dương Tử của đập Tam Hiệp cũng là vấn đề được quan tâm. Lưu vực của dòng sông dài nhất châu Á này đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng đầu tiên trong nửa thế kỷ qua. Mực nước sông xuống thấp nhất kể từ khi đập Tam Hiệp hoạt động, năm 2003.
 
Tại các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, số người không có nước sạch để sử dụng đã lên đến hơn 700.000. Gần 1 triệu hecta đất nông nghiệp đang hạn nặng, đe dọa mất mùa trên diện rộng. Tàu bè đã bị cấm lưu thông trên đoạn sông dài 151km từ Vũ Hán đến Nhạc Dương vì nước quá cạn, chỗ sâu nhất chỉ còn khoảng 3m. Trước một số ý kiến lo ngại việc trữ nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp gây hạn hán, đại diện ban quản lý công trình này cho biết, từ đầu năm đến nay họ đã xả khoảng 17 tỷ m3 nước xuống hạ lưu để chống hạn.

Hương Tiên (theo Guardian và NY Times, 20/5)

 

Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp gây hại


- Theo báo cáo gần đây của Chính phủ Trung Quốc, đập Tam Điệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới là nguyên nhân chính gây ra các hiểm họa môi trường và an sinh xã hội. 

Kết luận được đưa ra sau cuộc họp về  định hướng phát triển của dự án thủy điện của Trung Quốc.

Người chủ trì phiên họp – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định “Mặc dù dự án Tam Điệp đã mang lại lợi ích to lớn trên nhiều mặt, nhưng chúng ta không thể bỏ qua việc bảo vệ sinh thái, ngăn ngừa tai biến địa chất và cần phải nhanh chóng di chuyển người dân địa phương sống xung quanh một cách khẩn trương”.

Một người dân đang nhặt rác bên sông Dương Tử. Rác bị dồn ứ 2 bên sông gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Một người dân đang nhặt rác bên sông Dương Tử. Rác bị dồn ứ 2 bên sông gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuần trước, Văn phòng Quản lý Vận tải Đường thủy trên sông Dương Tử (Trung Quốc) đã quyết định cấm tàu bè lưu thông trên đoạn sông dài 151km từ Vũ Hán đến Nhạc Dương vì nước quá cạn, chỗ sâu nhất chỉ còn khoảng 3m. Đoạn sông này bình thường rộng tới 150m, nhưng nay đã bị thu nhỏ lại rất nhiều. Chỗ hẹp nhất còn chưa đầy 50m.

Đây là  đợt hạn hán nghiêm trọng đầu tiên ở khu vực này trong nửa thế kỷ qua, kéo mực nước sông Dương Tử xuống thấp nhất kể từ năm 2003. Tại các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, số người không có nước sạch để sử dụng đã lên đến hơn 700.000. Gần 1 triệu hecta đất nông nghiệp đang hạn nặng, đe dọa mất mùa trên diện rộng. 

Đập Tam Điệp được xây dựng vào đầu năm 1993 với nguồn vốn 22,5 tỷ USD trên sông Dương Tử.  Các nhà chức trách đã từng ca ngợi con đập này như một giải pháp cho bài toán năng lượng quốc gia và cũng là một cách để chế ngự sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, là nỗi ám ảnh của người dân vào mùa mưa lũ. 

Trong một diễn biến khác, ngày 16/5/2011, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện ở Myanmar, Lào và Campuchia nhằm giúp nước này đáp ứng nhu cầu điện năng đang gia tăng do sự phát triển kinh tế của khu vực phía Nam Trung Quốc.

Theo nhật báo trên, các công ty Trung Quốc dự định sẽ đầu tư khoảng 48 tỷ USD để xây dựng các nhà máy điện với tổng sản lượng lên tới 32 triệu KW trong 15 năm tới. Cùng với việc cho phép Trung Quốc mua điện từ các nhà máy này, các dự án này sẽ hỗ trợ về mặt hạ tầng cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang di chuyển sang khu vực Đông Nam Á. 

Lê Thanh Trang (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét