Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Mang nặng kiếp người

NTT: Là một bác sĩ thú ý, sau khi nghỉ hưu, Hội An làm nghề “chích chó” ở thành phố Vũng Tàu. Trong những lúc vắng khách, rỗi rãi không biết làm gì, chị mở chiếc máy vi tính cũ kỹ gõ ra những bài báo rồi mail cho tờ báo tỉnh. Nhuận bút bài báo không nhiều, nhưng cũng hơn tiền công cả tuần “chích chó”. Rồi chị gõ truyện. Nhiều truyện ngắn của chị đã được in trên báo Văn Nghệ và một số tờ báo khác, khiến chồng chị ngạc nhiên, dù anh là tác giả bài thơ nổi tiếng “Khúc hát sông quê” được phổ nhạc và là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Sắp tới chị sẽ cho xuất bản tập truyện ngắn “Mang nặng kiếp người“. NTT.ORG xin giới thiệu cùng bạn truyện ngắn được chị lấy làm tên cho tập truyện.
 

Mang nặng kiếp người

Truyện ngắn của HỘI AN                                                                                                                                                                 
       Sau lời tuyên án của vị chánh án “30 tháng tù giam cho bị can Vũ Thị Lương về tội giết người trong trạng thái bị kích động”, người đàn bà gục xuống nức nở: “Sao không cho tôi chết đi! Tôi muốn được chết, tôi không muốn sống nữa mà!”
      Cả phòng xử án tự nhiên lặng đi một lúc. Nhiều người rưng rưng nước mắt thương cảm. Hầu hết nguyện vọng của những bị cáo là xin giảm án, có ai lại xin được chết như chị. Có người nói nhỏ: “Đáng lẽ nên tha bổng cho chị ấy”. Nhưng lại có người khác khẽ khàng: “Không thể được, dù sao vẫn là tội giết người”. 2 nữ cảnh sát đỡ chị đứng dậy nhưng chừng như cảm thấy chị không là đối tượng nguy hiểm nên họ không tra còng mà dẫn chị về chiếc xe bít bùng đang đợi. Vài người hàng xóm nước mắt ngắn dài nắm chặt lấy bàn tay của chị. Một người đàn bà trạc tuổi chị dắt một bé trai non nớt, chừng chưa lên 10 tới: “Mày cứ yên tâm, để tao lo cho thằng Hà” rồi bảo đứa bé: “Con chào mẹ đi, để mẹ đi xa”. Đứa con trai lóng ngóng một chút rồi ôm chặt lấy mẹ. Nó cũng òa khóc theo tiếng nức nở của mẹ nó. 2 nữ cảnh sát nán đợi một chút rồi bảo chị: “Đi thôi”. Chị gần như muốn lả đi. Dáng đi cà thọt trông nặng nhọc. Tấm lưng gầy còm cõi. Tất cả những người dự khán ái ngại đưa mắt trông theo. 
* * *  
      Ngày đó, có một cô bé lanh lợi ở vùng quê Quảng Ngãi tham gia du kích từ năm 14 tuổi. Cô dũng cảm và cũng rất mưu trí nên thường được chọn làm giao liên cho những cuộc di chuyển quân quan trọng. Nhưng dù nhanh nhẹn mấy rồi cô cũng không tránh được những mảnh đạn vãi như trấu hồi ấy ở quê hương cô. Cô bị thương 2 lần, lần thứ nhất nhẹ, vào phần mềm, còn lần thứ 2 vào xương cẳng chân. Cô phải mổ trong một bệnh xá dã chiến thiếu thốn dụng cụ thuốc men. Từ khi thành một thương binh, tên cô được đèo thêm từ Lương “thọt”. Cô ở lại phục vụ thương binh nặng tại bệnh xá cho đến ngày hòa bình mới trở về làng quê cũ.
      Lúc này, cha mẹ và em gái cô đã chết trong một trận càn của địch, chỉ còn lại đứa em trai út ở nhờ nhà bà con, đến lúc cô về mới trở lại nhà. 2 chị em trong ngôi nhà hoang lạnh của xóm quê nghèo bắt đầu gây dựng sửa sang lại nhà cửa vườn tược, lập bàn thờ cho những người đã khuất. Cô tần ngần mãi khi không thể kiếm đâu ra tấm ảnh của cha mẹ và em gái để treo lên bàn thờ nên bàn thờ khá trống trải, trong khi bức vách phía phải lại khá rậm rạp phong phú vì những giấy khen và huân huy chương của cô còn giữ được. Rồi em trai cô đi học một lớp trung cấp chuyên nghiệp. Cô tham gia công tác đoàn thể ở địa phương. Lúc này cô đã 27 tuổi, lứa tuổi những người con gái quê cô phần lớn đã yên bề gia thất. Nhưng đàn ông hầu hết đều tham gia trận mạc. Số người trở về ít lắm. Trong làng bấy giờ chủ yếu là đàn bà. Nhiều cô xinh đẹp còn ế đầy ra, dạng có tật như cô làm sao kiếm được chồng. Ban ngày, lo công việc và hoạt động đoàn thể, người ta thấy cái dáng đi chấm phẩy vất vả của cô khắp nơi, khi làng trên lúc xóm dưới, những lo lắng cho công việc làm cô cũng nguôi ngoai. Nhưng mỗi đêm về, chỉ một mình trong ngôi nhà vắng, đối diện với cái bàn thờ cô tịch và một đám huy chương, cô thấy lẻ loi cô đơn làm sao. Cô thèm có một người để vào ra hôm sớm, thèm tiếng trẻ bi bô trong căn nhà quạnh quẽ.
     Quyết định táo bạo tới với cô trong một lần họp chi bộ xong, cô ngồi lại với anh bí thư cũng là thương binh và đã có con cái đề huề mà cô rất cảm mến. Cô nghiêm túc nói với anh: “Anh cho em xin một đứa con. Em sẽ giữ kín hoàn toàn chuyện này. Đứa con mang họ em, và nó chỉ có mẹ thôi.” Bị bất ngờ, anh bí thư lúng túng mãi nhưng rồi cũng thương cảm đồng ý và mọi việc theo đúng kế hoạch của cô.
     Không ai kỉ luật cô trong trường hợp này nhưng cô tự thấy mình không còn đủ uy tín đứng trước những cuộc họp nên xin nghỉ công tác khi cái bụng bắt đầu lớn. Kể từ đây, cô bắt đầu giống như một cái bóng. Ban ngày, lủi thủi một mình với ruộng nương ngô lúa. Ban đêm, lọ mọ một mình với heo gà cám bã. Những đêm trăng sáng, xong việc, cô mắc võng trước sân ngôi nhà trống trải, nằm ru đứa con trong bụng. Cô lầm thầm nói chuyện với con, mong sao nó sẽ là chỗ dựa cho cuộc đời bớt quạnh hiu, là niềm hạnh phúc sẻ chia với mẹ sau này.
      Rồi một bé gái xinh xắn ra đời. Nó không giống cô, cũng không giống bất kì ai. Da nó trắng hồng, làn môi mọng đỏ, cái mũi dọc dừa, đôi mắt đen tròn và khuôn mặt thanh tú. Có lẽ nó là đứa con tiên phật ban cho cô nên vừa dễ tính, không hay quấy khóc, ít bệnh tật lại hay ăn chóng lớn. Lòng người mẹ xiết bao sung sướng và chứa chan hi vọng về một tương lai tốt đẹp dành cho đứa con yêu dấu. Hàng xóm có người xì xào bàn tán, đoán non đoán già về cha đứa bé nhưng chỉ là sau lưng chứ trước mặt, họ tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của cô.
      Dạo này tự nhiên người cô nở nang hơn, da dẻ mịn màng ra. Người làng nói: Gái một con có khác. Và cùng với sự nở nang da thịt, hình như trong người cô nhiều lúc cũng lâng lâng một cảm giác khác lạ. Sau buổi làm lụng, vào nhà tắm dội mấy gáo nước, xoa xoa tay vào bầu ngực nở nang mịn màng, cô tưởng tượng như bàn tay mình là một bàn tay đàn ông nào đó đang vuốt ve, vuốt ve…Cô nhớ lại cảm giác của những chung đụng và thấy trong người tự nhiên râm ran. Đôi lúc, mắt cô mơ màng, thân thể nóng rực đòi hỏi. Cảm giác lạ lẫm kia thi thoảng lại về hành hạ cô. Cô nghi ngờ tự hỏi tại sao bao nhiêu năm trước đây mình không bao giờ thế này. Có phải hồi đó mình như một mảnh đất hoang chưa khai phá, mọi cây trái đều là sản phẩm của tự nhiên hoang dại nên nhiều sức đề kháng sâu bọ quấy phá  chăng? Nhưng rồi cô cố gắng ép mình bởi xung quanh cô chẳng có ai. Bố đứa con cô sau khi “giúp đỡ” xong thì hình như có ý tránh mặt.
      Trong làng lúc đó có một người đàn ông vẫn hay đỡ đần cô những việc nặng của đồng áng. Ngày trước gã cùng đội du kích với cô và kém cô vài ba tuổi. Gã tên Mùi, chắc là tại đẻ năm mùi. Sau chiến tranh, gã đã kịp cưới vợ ngay và bây giờ đã có 3 đứa con trứng gà trứng vịt có trai có gái. Sáng nay, lúc cô đang đánh vật với những lượm lúa thì gã đến: “Được mùa mừng quá hả? Thóc nhiều vầy làm sao ăn hết? Làm chia ăn cũng chia nha!” Ô hay! Cô ngạc nhiên khi gã xưng hô trống không, không còn một chị hai chị như trước. Dù không đô con nhưng yếu trâu còn hơn khỏe bò, chỉ nửa buổi sau gã đã giúp cô thu dọn xong đám lúa.
      Tối đó về, trong hương lúa mới thơm nồng, dưới ánh trăng đêm sáng lấp lóa rải đầy sân vườn, gã vừa tuốt lúa giùm cô vừa trò chuyện. Họ nhắc lại những kỉ niệm hồi còn cùng nhau trong đội du kích. Cô bỗng tự nhiên thấy gã gần gũi thân thiết quá. Rồi điều mà cả hai cùng nghĩ đến đã đến. Họ đổ ập vào nhau trên đống rơm mới khi công việc vừa xong. Tối đó gã không về, họ dội nước tắm cho nhau rồi quấn lấy nhau suốt đêm, như đồng lúa trong kì hạn hán khô nẻ, ngây ngất sung sướng đón cơn mưa rào. Lúc đó, con bé Hạnh vừa tròn 3 tuổi.
      Làng xóm có người dè bỉu chê cười cái sự đa mang có chanh còn thèm cả khế của gã nhưng có người cũng thông cảm: Bà vợ đau yếu bệnh tật quanh năm thế kia, thỏa mãn sao được với thằng cha tuổi con dê! Còn gã thì từ từ từng bước chuyển đại bản doanh sang nhà Lương, nhà cũ của gã chỉ là cơ sở phụ.
     Giữa chợ đông người, có lúc Lương cũng giật mình nhìn những ánh mắt không mấy thiện cảm của người làng. Với vợ con Mùi thì lúc nào cô cũng mang mặc cảm tội lỗi. Thật chẳng hay ho gì khi phải tranh cướp hạnh phúc của gia đình người ta nhưng rồi quá mù ra mưa, nỗi buồn, nỗi khổ của những đêm cô đơn những ngày vất vả đã lấn át. Cô muốn có người đỡ đần sẻ chia, chung chăn chung gối để ngày bớt ngắn đêm bớt dài. Cũng may là vợ con gã hiền lành nhẫn nhục nên cái sự đánh ghen đã không xảy ra. Hay bởi tình trạng đau ốm quanh năm đã không còn đâu sức lực để người ta ham hố giành lại? Dù hạnh phúc cô vừa có là khiếm khuyết, chẳng vẹn tròn lung linh gì nhưng dù sao cô cũng được an ủi. Mỗi bữa tối ngồi vào mâm cơm, cô gắp thức ăn vào chén con, vào chén gã, thấy ánh đèn tỏa rạng những nụ cười, lòng cũng ấm áp thêm một chút.
      Lúc con bé Hạnh lên 8, lúc anh bí thư- người bố bí mật của nó đã mất do vết thương cũ tái phát sinh ung thư, lúc mà người làng quen mắt, nghiễm nhiên coi Lương như là vợ của Mùi thì cô sinh thêm một thằng cu, đặt tên là Hà. Lương mừng rỡ vì đủ nếp đủ tẻ trong nhà. Mùi không tỏ thái độ vui hay buồn rõ rệt. Hay gã lo lắng có sự ràng buộc sâu sắc hơn? hay gã không muốn vất vả hơn khi thêm một đứa bé cần chăm sóc, nuôi dưỡng? Cũng may là dạo này con bé Hạnh đã lớn, đã có thể đỡ đần mẹ nhiều việc. Nó ngoan ngoãn và chăm chỉ, lại xinh xắn dễ thương. 
* * *       
      Dạo này người làng đã hầu hết gọi Lương là chị hoặc bà vì Lương già hẳn đi. Cái chân khập khễnh như càng nặng nề hơn khiến chị đi đứng vất vả. Tấm lưng chị như còng hơn hẳn ngày trước. Đã lâu nay, Mùi ít qua lại hơn. Bà vợ đau ốm của gã đã mất nhưng mấy đứa con do hoàn cảnh rèn giũa cũng đã tự lo được mọi việc ruộng vườn. Người ta đồn gã thi thoảng có lên thị xã tìm gái . Tuy nhiên lời đồn đãi thì biết đâu được mà lường.
     Hạnh bước vào tuổi 16.
     Cô bé vẫn siêng năng chăm chỉ và ngày một lớn. Lương vừa mừng vừa lo ngại thấy con nở nang sớm quá, đôi má hồng hào, cặp mắt lung linh sáng, bầu ngực no tròn dần và cặp đùi tròn lẳn như một cây chuối sắp lên buồng. Một lần Lương bắt gặp Mùi chăm chăm ngó con bé khi nó đang thoăn thoắt múc nước giếng. Cặp giò trắng hồng lộ ra dưới cái quần xắn cao quá khuỷu. Bộ ngực chật căng sau lần áo mỏng núng nính chuyển động theo từng động tác của đôi tay trắng ngà thoăn thoắt. Lương nghi ngại nhưng rồi chị tự gạt đi: Mùi đã coi con Hạnh như con đẻ từ lâu rồi. Có lẽ không đời nào…Và chị đã sai lầm khi giao nhà  cho mấy cha con để đi chăm sóc em trai đang bị tai nạn nặng ở thị xã cách nhà trên ba chục cây. Sau khi học xong, cậu em xin được việc ở thị xã, làm việc mấy năm rồi cưới vợ định cư ở đó luôn. Vừa rồi một tai nạn lao động do bất cẩn, cậu bị quấn vào dây cua roa, sự sống đang bị đe dọa. Chị không thể không lo lắng khi ngoài vợ con, cậu ấy chỉ còn có chị là ruột thịt. Không kịp nghĩ ngợi, chị bắt xe tới ngay với em.
      Tối đó, khi Hạnh học bài xong, Mùi gọi từ ngoài sân:
      – Hạnh ơi, ra dượng nhờ chút.
       Hạnh xếp sách vở rồi ra sân: “Dượng gọi con?”
      – Con ra mang cá về để dượng thu dọn lưới. Nãy giờ dượng bắt cá ngoài ao.
      Cô bé vâng lời mau mắn đi ra ao ở cuối vườn. Màn đêm tĩnh mịch và huyền bí. Hình như trời đang chuyển mưa nên chẳng có ngôi sao nào. Chỉ có ánh sáng le lói từ ngọn đèn chai từ tay Mùi cầm đi phía trước cách một quãng. Tiếng ếch nhái kêu uôm uôm từ ngoài ao vọng vào. Mùi đã thu dọn lưới xong và đang vác trên vai đi về. Gã đưa  rổ cá cho Hạnh cầm:
    – Lấy mấy con kho làm thức ăn, còn nữa nhốt trong bể mai nhờ bà Sáu bán dùm để đóng tiền học cho 2 chị em.
      Khi xong mọi việc là lúc đêm đã khuya, thằng cu Hà ngủ từ hồi nào, hàng xóm chìm trong yên ắng. Hạnh cũng díp mắt lại. Cô lên giường buông màn, cũng vừa lúc cơn mưa bắt đầu tới rì rào, rì rào nhè nhẹ.  Nhưng khi cô đang mơ màng thì có một bàn tay choàng qua vai cô siết nhẹ, một giọng nói lào thào lẫn trong tiếng mưa:
   – Dượng đây, con đừng sợ nhé! Dượng thương con!
     Liền đó, một bàn tay luồn vào áo cô và những tiếng thở ngắn cố ghìm nén, nóng hổi đang kề bên cạnh. Hạnh lờ mờ hiểu ra chuyện gì nhưng không hiểu sao, cô cũng cảm thấy không được làm ầm lên nên cô cố gắng kháng cự trong im lặng. Cô dùng tay cào cấu tấm lưng trần và cắn vào khuôn ngực rắn chắc đang cố ép chặt vào cô. Tuy nhiên, được một lúc thì tay cô bắt đầu lỏng ra khi đôi tay cùng cái miệng tham lam và sành sỏi kia cứ mân mê chà xát mãi vào những vùng nhạy cảm của người con gái. Ý chí chống đỡ trong cô tê liệt dần mặc dù vẫn lờ mờ biết hậu quả và tội lỗi đang đến với mình. Không biết là bao lâu nhưng rồi gã đã chiếm đoạt được cô một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, gã cũng khôn ngoan chuẩn bị trước để không để lại hậu quả trong người cô bé.
     Sáng mai, khi ánh sáng ban ngày rọi tới cũng là lúc Hạnh tỉnh táo hẳn. Cô vô cùng sợ sệt chuyện xảy ra hồi đêm. Như đoán trước được diễn biến trong lòng cô bé, Mùi đã dậy từ lúc nào. Gã vỗ vỗ vào vai cô an ủi:
    – Đây là bí mật của dượng và con. Con đừng nói cho mẹ hay ai biết nhé. Con cứ đi học bình thường đi, không có gì  đáng lo lắng lắm đâu. Thế nhé!
     Hạnh ngồi trong lớp mà đôi mắt mơ màng, đầu óc lơ mơ đờ đẫn chẳng tiếp thu được gì.
     Đi học về, Hạnh ngượng ngùng không dám nhìn ông dượng đang trìu mến chìa cho cô một trái ổi thơm phức. Bữa cơm, Hạnh ăn qua quýt rồi xách cuốc ra đồng làm cỏ lúa để khỏi phải đối diện với ông dượng cùng đứa em trai trong nhà. Buổi tối, cô đem sách vở tới nhà cô bạn gái cuối xóm học chung, định bụng là sẽ ngủ luôn ở đó. Chẳng hiểu sao đến giờ ngủ cô lại nhớ ra là nồi cá kho lúc nẫy vội vàng quên cất vào chạn. Và rồi mọi chuyện lại diễn ra trong đêm giống hệt như tối hôm trước. Có khác chăng là Hạnh ít có biểu hiện chống đỡ và tỏ ra đáp ứng hơn. Những hôm sau không biết ông dượng có nghĩ ngợi gì không chứ khi màn đêm vừa buông xuống là trong trái tim non trẻ của Hạnh như có một búi tơ tằm lớn, rối rắm nhiều chiều trái ngược. Cô vừa sợ sệt, vừa mong đợi. Vừa mang mặc cảm tội lỗi, vừa muốn buông thả mình trong một thứ khoái cảm mà cô chưa bao giờ nếm trải trước đó. 
* * *   
       Sau nửa tháng, tình trạng cậu em khả quan hơn, Lương để lại cho một mình cô em dâu xoay xở rồi sốt ruột trở về. May là mọi việc ở nhà khi vắng chị vẫn bình thường. Thái độ của con gái thiếu cởi mở vui vẻ, có lúc gần như trầm mặc khiến chị hơi thắc mắc nhưng rồi chị cũng không chú tâm nhiều. Mùi tỏ ra chu toàn hơn trước. Vườn rau đã đến lứa cắt bán được, may mà chị về kịp. Ngay sáng hôm sau là chị đi chợ đều đều mỗi hôm.
      Một hôm gánh rau của chị có người mua sỉ nên chị về sớm. Vào đến sân, chị nghe hình như có tiếng người. Lạ nhỉ, chắc chị nhầm chứ làm gì có ai. 2 đứa đều đi học, Mùi thì đã ra đồng từ sớm. Bước thêm mấy bước, chị chợt nghe có tiếng thở dồn dập trong nhà, tiếng nan giường kêu kèn kẹt. Bước vào nhà, chị thất kinh ngã vập vào bậu cửa. Trên giường là Mùi và tấm lưng trần nhễ nhại trắng của con gái chị đang lăn lộn.
        Đầu óc chị hoa lên vì cú va đập và những gì đang xảy ra trước mắt như một cơn ác mộng. Hạnh đã mặc được quần áo và đang run như gà con gặp mưa trong góc nhà. Mùi dạn dĩ ôm xốc chị dậy, mồm lắp bắp xin lỗi. Nhưng tai chị đã ù đặc, mắt chỉ còn lại một màu xám. Chị thấy gã đang biến hình thành một con bạch tuộc khổng lồ nuốt dần cả mẹ con chị và cả căn nhà vào bụng.
       Chị tỉnh dậy trong trạm xá xã toàn mùi cồn và thuốc sát trùng. Mùi đã biến mất tăm, chỉ còn con Hạnh bên cạnh. Lập tức chị nhớ lại mọi việc và lòng như nghẹn lại. Không, không phải là những ghen tuông đàn bà thông thường. Chị giận Mùi, thương xót và lo lắng cho con. Rồi nó có chú tâm học hành được nữa không khi đã nếm trái cấm quá sớm? Đường đời nó còn dài dằng dặc. Rồi nó sẽ đi đứng ra sao khi vừa ra cửa đã giẫm phải bùn dơ? Nhìn vẻ lo lắng và hối lỗi của nó chị mềm lòng lại một chút. Ôi! Đứa con côi cút, đứa con bé bỏng khờ khạo của chị. Trở về nhà, chị ngồi phân tích những sai trái cho con nghe. Chị quyết tâm cứu con ra khỏi vũng lầy mà nó đã lỡ bước chân vào. Nghĩ ngợi chán chê chị đi đến một quyết định.
       Chị có cô bạn thân từ hồi du kích tên Hường cũng đang sống một thân một mình ở xã bên cạnh. Ngay chiều đó, chị tới nhà bạn thăm dò. Không dám nói thật những gì xảy ra, chị chỉ mềm mỏng nhờ vả bạn giúp đỡ khi hoàn cảnh chị không được thuận lợi cho con học hành. Trong tình trạng cô đơn, chị Hường mừng rỡ giục chị đưa Hạnh tới ngay vào ngày mai. Chị cũng mừng tưởng rằng mọi sự sẽ êm xuôi sau đó. Nhưng rồi  cuộc đời vẫn chưa hết oái oăm.
        Từ khi con Hạnh được gửi đi, Mùi buồn bã hẳn và hay đi uống rượu. Mỗi lần uống say gã lại kiếm cớ để gây sự với chị, nhiều khi chỉ vì một lí do hết sức nhỏ nhặt. Chị cố nín nhịn, những mong sóng gió qua đi. Nhưng không, hình như gã nhớ Hạnh. Nỗi nhớ bệnh hoạn về da thịt thơm nức mùi hương trinh nữ của con bé làm gã mụ mẫm, làm gã thay đổi tính nết. Tính dục quả thật có sức mạnh khôn lường biến đổi con người mà có khi người ta đã không chống lại được.
       Một tối khi chị đang lơ mơ ngủ thì gã đi nhậu về. Gã vào giường túm tóc dựng chị dậy. Gã đòi ngay ngày mai phải đem con bé về. Chị nhẹ nhàng lấy khăn ướt lau mặt và thay đồ cho gã. Chị nhẹ nhàng an ủi gã rằng anh có biết tội loạn luân là tội đáng đi tù không. Lão gầm lên: “Tao có quyền làm mọi việc trong nhà này. Này thì đi tù! Đi tù cũng được” Gã tát chị những cái tát nảy lửa. Chị cuống quýt chống đỡ. Nhưng trong lòng chị một ngọn lửa đang bốc lên. Gã là cái thá gì mà dám phá nát cuộc đời con gái chị? Gã là oan nghiệt của chị ư? Tại sao gã không thấy được tội lỗi của mình mà còn hành hạ chị thế này? Đừng tưởng chị nhịn mãi. Con giun xéo mãi cũng quằn. Rồi ra sao thì ra. Trong cơn quẫn trí chị vớ lấy cái dùi đang dựng cạnh giường. Cái dùi gỗ lim khá nặng vẫn dùng vào việc nặng… Chỉ qua mấy nhát là Mùi đã lăn ra bất tỉnh. Gã không còn bao nhiêu sinh lực khi đang say rượu. Mùi bất tỉnh, còn chị lúc đó mới tỉnh ra. Bà con ơi! làng nước ơi! đưa chồng tôi đi cấp cứu.
Nhưng Mùi đã tắt thở hoàn toàn trên đường tới trạm xá. 
* * *   
       Bây giờ thì chị đang là tù nhân của căn phòng nữ tù số 6 này. Từ khi vào đây hầu như chị không nói năng gì. Thi thoảng đôi mắt chị mờ đi như sương khói. Tâm trí chị lúc tê liệt lúc lại bấn loạn. Sao người ta không để chị chết đi? Chị muốn được chết đi còn hơn. Kể từ đây cuộc sống với chị là một gánh nặng khôn cùng. Lương tâm chị sẽ bị dằn vặt suốt những ngày lê thê còn lại. Dù sao, gã cũng từng là chồng chị. Dù sao, đã có những lúc gã mang cho chị niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Con gái chị sẽ căm ghét chị đến bao giờ? Hường vào thăm đã không giấu được những điều định giấu: Khi tin tức loang ra, Hạnh mặc cảm không còn mặt mũi nào tới lớp. Vả lại, lúc này Hường đã phải mang cả cu Hà về nuôi. Hạnh đã lớn, cô không muốn gánh nặng mưu sinh lại vô lí đè nặng vai dì Hường. Vậy là cô lên thị trấn làm tiếp viên nhà hàng. Chị mơ hồ nhìn thấy tương lai con gái đang trượt dài theo vết trượt đầu tiên.
       Con trai chị có lẽ cũng căm hận chị lắm. Chị đọc trong đôi mắt kinh hoàng của nó ngày hôm ấy nỗi căm thù chị đã giết cha nó. Còn nhỏ quá, nó không biết là cha mình có lỗi. Chị ấm lòng biết bao cái ôm lóng ngóng của con khi phiên tòa vừa xong. Nhưng để đối diện với nỗi đau trong cả đời, liệu rồi nó có tha thứ cho chị?
Còn dân làng, còn những đồng đội cũ… Nỗi mặc cảm khiến chị không còn muốn tiếp xúc với ai. Có lẽ trời đã bắt chị trả giá… Giá chị cứ được ở mãi trong tù còn hơn. Nghĩ đến ngày trở về mà chị sợ hãi. Chao ơi, sao mà trớ trêu…
       Đêm đã khuya, mấy cô bạn tù đã ngủ. Họ không có giấc ngủ êm đềm như người đời bên ngoài. Có người thi thoảng giãy đạp. Có kẻ lâu lâu la lối. Có người lảm nhảm những câu vô nghĩa. Nhưng dù sao họ còn ngủ được. Ngoài kia, trăng hạ tuần đã lên cao. Mặt trăng đỏ đọc và hao khuyết như một đĩa tiết gà bị lẹm. Những dải mây trắng trôi rải rác trên khung trời bé tí cửa sổ phòng giam như những dải băng tang lượn lờ. Không khí đêm hè nóng bức và ngột ngạt. Hình như có tiếng đàn ghi ta bập bùng ở một phòng nào đó vọng sang. Tiếng đàn khô dòn, văng vẳng, vỡ vụn trong đêm. Chị căng tai lắng nghe. Một giọng ca nam trầm đục não nề đang ngâm ngợi một giai điệu nhạc Trịnh: “Nghe xót xa hằn trên tuổi trời. Tuổi thơ ơi! Tuổi thơ ơi! Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Nước mắt chị chảy dài lặng lẽ 
9/2008
Trình bày bìa: Nguyễn Trọng Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét