Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Theo chân những người làm thủy điện:“Ngược”...

(Tamnhin.net) - Con đường vào Mường Tè nhiều đèo dốc, nhưng Quân, cậu lái xe của tập đoàn Sông Đà với tay lái “lụa”, đi về con đường rừng này đã quen nên chúng tôi cảm thấy yên tâm khi qua những khúc ngoặt xóc nẩy người, phía dưới là thăm thẳm vực sâu … 
Giám đốc Nguyễn Văn Tiến (thứ 2 bên trái) chụp ảnh cùng đoàn tham quan tại nơi sẽ là đập chính của nhà máy thủy điện Lai Châu
Bài 1: Thủy điện Lai Châu “ Chạy lũ”!

Xe đi qua những nơi mà chẳng bao lâu nữa  có thể sẽ bị chìm dưới làn nước.  Bun Tờ, Cam Hồ, Nậm Hàng,Nậm Khao, Nậm Mạnh, Mù Cả …

Tám xã của huyện Mường Tè với gần 6.000 người dân sẽ bị ảnh hưởng, sẽ phải di dời, tái định cư nơi khác vì thủy điện Lai Châu.

Tôi nhìn dòng sông Đà ngầu bọt thăm thẳm phía dưới, lại nhìn lên những ngọn núi, nơi những chiếc cần cẩu, những máy đào, máy xúc như sắp chạm phải trời xanh…

Một cảnh tượng hùng vĩ, nơi con người đang tạo dựng lên không phải những kỳ quan, mà là năng lượng, là sức mạnh vô hình để phục vụ chính con người.


Nhà máy thủy điện Lai Châu, một trong những công trình trọng điểm của quốc gia với lượng diện tích chiếm đất là 4.913 hecta, vùng mặt công trình là 950,0 hecta, vùng lòng hồ là 3.963 hecta, với tổng số tiền đầu tư lên đến 35.700 tỷ đồng. 

Theo thiết kế, thủy điện Lai Châu có ba tổ máy, mỗi tổ công suất 400mW. Như vậy, tổng công suất của nhà máy là 1.200 mW.

Tiếp chúng tôi tại đại bản doanh, giám đốc ban điều hành dự án Nguyễn Văn Tiến, với mái đầu húi cua, mà theo anh, là do người dân bản địa ở đây: “Cắt cho tôi đấy”. Sành điệu – tôi bảo. Đường, điện, đến đâu là “ Văn minh” đến đấy, quả không sai!
Trước khi vào câu chuyện chính thức, anh chỉ cho chúng tôi cái chợ bên cạnh công trường. Đó là cái chợ mà mấy anh em cán bộ ở đây nói vui là 
“Phố Hồng Công”. 

“Hay phố đèn đỏ?” – một người đùa.

“Nghĩa là có cả tươi …mát …”.

Ở đâu có nhu cầu, ở đó ắt có người phục vụ.


Nhưng, khi hỏi chuyện một số công nhân, kỹ sư, mới biết lương của họ mới trả hết tháng 12 năm 2010. Nghĩa là còn nợ lương công nhân?


Điều này đã được giám đốc Nguyễn Văn Tiến xác nhận.

Câu chuyện xoay quanh những khó khăn của công trường. Cái khó nhất theo giám đốc Tiến là cùng một lúc phải thi công: Đào đất ở trên cao; Đổ bê tông ở giữa; Đắp đê quai. Mà lẽ ra phải làm tuần tự. Từ đào đất trên cao, rồi đến đổ bê tông ở giữa, sau đó mới đắp đê quai.

Tại sao phải làm một lúc để … khó khăn như vậy?

Vì phải chạy lũ.

Chạy lũ?

Phải, phải!

Sao phải chạy lũ?

Vì là thủy điện Sơn La …

Đập thủy điện Sơn La đã xong. Tổ máy số một đã chạy. Nước đã tích gần đầy. Nếu Lai Châu không làm nhanh trước mùa lũ những hạng mục công trình cần thiết, tất cả có thể sẽ chìm trong biển nước!

Tôi nhìn công trình thoát nước bên bờ phải sông Đà với những mảng tường bê tông sừng sững như vách núi, nơi sẽ thoát nước khi ngăn sông, đắp đập đã được hoàn thành trước mùa lũ mà cảm thấy nhẹ người. Những người thợ ở đây đã vượt lên khó khăn, gian khổ, thiếu thốn , để hoàn thành công việc
đáng khâm phục này.

Cái khó thứ hai là vấn đề đầu tiên, tiền đâu?

Tôi bảo, đây là công trình trọng điểm quốc gia sao còn lo tiền. Giám đốc Tiến chỉ cười.

Tổng số tiền mà chủ đầu tư (EVN) phải thanh toán  đến lúc này là 956 tỷ đồng nhưng nay mới nhận được 251 tỷ, còn nữa chưa lo được. Vốn tín dụng do nhà thầu phải vay ngân hàng lãi suất lên đến 22%. 

“Thế nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thành xuất sắc công việc” – Giám đốc Tiến bảo.

Như vậy, không những khó khăn cho gần 3000 con người làm việc trên công trường mà tập đoàn Sông Đà, một tập đoàn kinh tế lớn khó mà có lãi.


Xe chất lượng cao đến tận lán ở của công trình

Làm kinh tế phải đi vay với lãi suất lớn như vậy, phải chạy nước rút, chạy lũ, nói như giám đốc Tiến là “ Cưới chạy tang” …lời lãi về kinh tế cho tập đoàn tính sao đây?

Nhà báo Xuân Ba cùng đi trong đoàn hỏi: Vậy các ông làm kinh tế hay làm chính trị?

“Cả hai, vừa làm kinh tế, vừa làm chính trị” – Giám đốc Tiến lại cười.

Phải chăng chỉ có những tập đoàn kinh tế nhà nước mới làm như vậy thôi?!
Theo quyết định của thủ tướng chính phủ số 958 / TTg-KTN ngày 26-6-2010 thì tổ hợp nhà thầu xây dựng thủy điện Lai Châu do thủ tướng chỉ định
gồm: Tập đoàn Sông Đà làm tổng thầu và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.

Tuy khó khăn như vậy, nhưng giám đốc Tiến rất lạc quan “ Chúng tôi xác định với tin thần của những người lính, đã hoàn thành công việc “ chạy lũ” trước thời gian …”

Khi ở ngoài công trường, giữa bộn bề cát sỏi , giữa vách núi đá gan gà,  nơi sẽ là con đập cao trên 300 mét chắn ngang dòng sông Đà hung dữ, tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với người kỹ sư họ Đường, quê tận Nghệ An. Anh sinh năm 1978, vẫn chưa vợ. Anh nói ở giữa vùng rừng núi heo hút này tìm bạn đời khó lắm!

Tôi nói với anh rằng, ban nãy, tôi đã nhìn thấy chiếc xe khách chất lượng cao, có dường nằm hẳn hoi, đậu ngay bên lán ở …
“Vâng, nhưng mỗi lần đi về Hà Nội thôi đã mất cả triệu đồng”.

Ra thế. Những người làm thủy điện ở đây phải vượt qua rất nhiều thứ ta gọi là khó khăn …Để kịp thời “chạy lũ”!

 (Còn tiếp)
Xuân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét