Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Những chuyện “nát như tương” ở BV Nội tiết Trung ương

Hiện nay BV Nội tiết Trung ương đã rơi vào tình trạng bất ổn, mất đoàn kết, tham nhũng, cán bộ nhân viên bệnh viện hoang mang, dao động…
Mới đây, báo điện tử Công luận đã đăng bài “Sẽ làm rõ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng ở BV Nội tiết Trung ương” phản ánh về những hành vi tiêu cực của một số cá nhân là lãnh đạo Bệnh viện (BVNTTƯ). Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, tại bệnh viện này còn có hàng loạt những chuyện lình xình và làm sai chế độ, chính sách khác nữa.
Công văn yêu cầu thu hồi số tiền in cuốn sách “ma” Hướng dẫn sàng lọc đái tháo đường
Công văn yêu cầu thu hồi số tiền in cuốn sách “ma” Hướng dẫn sàng lọc đái tháo đường
Trù dập người tố cáo


Ngoài việc cố ý làm trái, để xảy ra việc mua hóa chất đắt, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng, ông Đỗ Trung Thành, Phó Giám đốc BVNTTƯ còn bị tố cáo thiếu trách nhiệm, khi để lĩnh vực mình phụ trách có nhiều sai phạm về quản lý tài chính; có những việc làm vô nguyên tắc, thiếu trung thực…

Theo đơn của ông Lưu Thế Cường, bác sĩ công tác tại Khoa Huyết học- Tế bào, thì ông Thành đã cho nghiệm thu và tiếp nhận các thiết bị y tế (máy thở cho khoa Hồi sức cấp cứu) mua không đúng hồ sơ mời thầu. Theo hồ sơ mời thầu, BVNTTƯ sẽ mua máy thở đa năng dùng cho cả bệnh nhân là người lớn và trẻ em, tuy nhiên khi nhận hàng thì đó chỉ là máy trợ thở nhưng ông Thành (Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu) vẫn ghi biên bản là máy đáp ứng tiêu chuẩn và tính năng như hợp đồng và cho nghiệm thu.

Vì máy không đáp ứng đúng yêu cầu mua sắm nên không phát huy được tác dụng, không dùng được, hiện nay vẫn bỏ đắp chiếu. Trong khi đó có nhiều bệnh nhân nặng cần thở máy nhưng không được đáp ứng phải xin về nhà vì hết hy vọng cứu sống hoặc phải chuyển viện để được thở máy. Ông Thành còn là người chỉ đạo hủy chứng từ của Quỹ ban đời sống khiến thanh tra không thể kết luận số tiền trong quỹ là bao nhiêu, thu chi thế nào… 

Trong suốt 10 năm làm việc tại BVNTTƯ, ông Thành luôn được giao phụ trách hậu cần và trực tiếp phụ trách phòng Tài chính- Kế toán nhưng đến khi xem xét trách nhiệm của các cá nhân trong quản lý tài chính thì ông Thành đã trả lời rằng ông không phụ trách tài chính, kế toán. Đây là hành vi trốn tránh trách nhiệm, cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Cũng theo bác sĩ Lưu Thế Cường, sau khi bị tố cáo những sai phạm, ông Đỗ Trung Thành quay sang trù dập cán bộ- những người dám đấu tranh để làm rõ những sai phạm của cá nhân ông Thành. 

Cụ thể là việc kỷ luật cách chức Bí thư Chi bộ của bác sĩ Hoàng Kim Ước, Phó Giám đốc BVNTTƯ; kỷ luật cảnh cáo Đảng bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Quyền trưởng khoa Nội tiết 2. Ông Thành với tư cách là Phó Giám đốc, quyền Bí thư Đảng ủy đã tìm mọi cách để kỷ luật hai cán bộ này, mặc dù việc kỷ luật đối với 2 trường hợp trên bị 100% số đảng viên trong chi bộ phản đối. Một trường hợp khác là bác sĩ Hồ Khải Hoàn bị bãi nhiệm chức vụ phụ trách khoa một cách vô căn cứ, trong khi đó nhiều cá nhân có sai phạm lại được ông Thành bao che, dung túng…

Về việc này, bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, khoa Nội tiết 2 cho rằng, trong quý 1 và 2 năm 2010, bác sĩ Trần Thị Thanh Hóa, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã câu kết với y tá trưởng Nguyễn Thị Mai Thanh kê đơn khống cho 16 bệnh nhân, chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền BHYT. Hành vi sai phạm này đã bị BHXH TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ và xuất toán tổng số tiền 434 triệu đồng (tính cả sai phạm xảy ra trong năm 2009). Tuy nhiên, sau khi được giao giải quyết lại vụ việc trên, ông Đỗ Trung Thành lại cho ra kết quả ngược lại, đó là bà Hóa, bà Thanh đều không có sai phạm gì!?

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn


Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc- ngoài việc gian lận chiếm đoạt tiền BHYT còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm nhiều việc nhằm mưu lợi riêng. Cụ thể, ông Quang đã trực tiếp rải tờ rơi để lôi kéo bệnh nhân về phòng khám của gia đình mình, xác nhận sai sự thật để giúp bác sĩ Nguyễn Thúy Hường “đạo” luận văn thạc sĩ. 

Năm 2010, ông Quang có cháu ruột thi công chức nhưng vẫn được chỉ định làm Chủ tịch hội đồng tuyển dụng. Trước đó, năm 2009, ông Quang đã ký công văn vượt thẩm quyền gửi 63 địa phương và các bộ ngành, đề nghị phải mua máy thử đường huyết của hãng Johnson & Johnson. Để có những công văn này, trước đó ông Quang đã yêu cầu hãng Johnson & Johnson tài trợ tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo(!)

Đặc biệt, từ giữa năm 2009, trong quá trình triển khai Dự án mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường, ông Quang đã chỉ đạo lập chứng từ khống để quyết toán, rút số “tiền in sách” Hướng dẫn sàng lọc đái tháo đường tổng số tiền hơn 58 triệu đồng. Trên thực tế, Dự án đã không in quyển sách trên. Ngoài ra, ông Quang cũng là người chỉ đạo việc rút 160 triệu đồng tiền kinh phí hoạt động “Phân tích chi phí hiệu quả can thiệp phòng chống bệnh đái tháo đường- giai đoạn 1”. Việc làm gian dối này đã bị kiểm toán Nhà nước phát hiện và xuất toán.

Ngoài những vi phạm trên, thời gian qua, tại BVNTTƯ còn xảy ra nhiều sai phạm, nhiều sự việc bất hợp lý khác nhưng vẫn chưa được giải quyết hoặc đã được xem xét nhưng chưa thỏa đáng, còn có chuyện bao che, bưng bít, che giấu thông tin…

Có thể nói, trong suốt một thời gian dài, một số lãnh đạo, cán bộ có chức trách ở BVNTTƯ đã có những hành vi làm trái những quy định về quản lý kinh tế, lạm dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, quản lý điều hành bệnh viện tùy tiện… Điều đó đã gây nên sự bức xúc trong cán bộ, nhân viên của bệnh viện, là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Thực tế là hiện nay BVNTTƯ đã rơi vào tình trạng bất ổn, mất đoàn kết, tham nhũng, cán bộ nhân viên bệnh viện hoang mang, dao động…

Đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra tại để Bệnh viện NTTƯ sớm đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Theo CL

Sẽ làm rõ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng ở BV Nội tiết Trung ương
Thứ Bảy, 21.5.2011 | 17:57 (GMT + 7)
Thời gian qua, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra, làm rõ…
Cơ quan công an sẽ vào cuộc

Thời gian qua, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BV) đã xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm trong quản lý kinh tế và điều hành bệnh viện. Một số cán bộ, nhân viên của BV đã làm đơn thư tố cáo, kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng. Liên quan đến những sai phạm này, ngày 26/4/2011, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có công văn số 175/VPBCĐ-V.III gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an để cơ quan công an điều tra, làm rõ theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước ngày 1/6/2011.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm.


Những sai phạm, tiêu cực của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã được xác định là thuộc trách nhiệm của ông Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc BV), ông Đỗ Trung Thành (Phó Giám đốc BV) phụ trách tài chính, kế toán. Sau khi Bộ Y tế có kết luận thanh tra, ông Bình đã phải kiểm điểm, chuyển công tác nhưng ông Thành vẫn vô can!?

Chính vì vậy, sau khi có Kết luận thanh tra số 393/BC-TTrB ngày 17/4/2009, số 378/TB-BYT ngày 28/4/2009 của Bộ Y tế, một số cán bộ, nhân viên của BV tiếp tục có đơn tố cáo, kiến nghị cho rằng kết luận thanh tra chưa chính xác, có biểu hiện bao che và mức đề nghị xử lý đối với những cá nhân có trách nhiệm liên quan chưa thỏa đáng.

Tổ chức dịch vụ có thu tiền nhưng không nộp thuế.

Dưới thời ông Tạ Văn Bình làm Giám đốc, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức các dịch vụ trông xe, cho thuê quầy thuốc, cho thuê nhà ăn, thu tiền giặt là… đều có thu tiền nhưng không kê khai nộp thuế. Tổng thu từ các dịch vụ này trong 2 năm 2007- 2008 là hơn 654 triệu đồng. BV còn tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám chữa bệnh ngoài giờ, giá thu cao hơn mức quy định của Bộ Y tế. Sau khi thanh tra, cuối năm 2009, Cục thuế Hà Nội đã ra quyết định tăng doanh thu chịu thuế trong 3 năm từ 2006- 2008 của BV lên hơn 51 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt chậm nộp thuế hơn 2,2 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra của Cục thuế Hà Nội cũng đã xác định được ông Bình dùng xe ô tô cơ quan không đúng quy định, riêng số tiền xăng xe không hợp lệ đã lên tới hơn 236 triệu đồng. Sau đó, BV đã quyết định truy thu số tiền Ban đời sống chi 50.000 đồng/người/tháng nhưng số tiền chi xăng dầu không đúng quy định vẫn bị “treo” ở đó.

Điều đáng nói là những sai phạm về thuế, tài chính nêu trên lại được phanh phui vào thời điểm hơn 3 tháng sau kể từ khi ông Đỗ Trung Thành, Phó Giám đốc BV, báo cáo tại hội nghị cán bộ, công chức rằng BV đã nộp hơn 500 triệu đồng tiền thuế và đã khắc phục xong sai sót. Việc ông Thành báo cáo không đúng sự thật khiến dư luận không khỏi nghi ngờ rằng có sự mập mờ, gian lận trong quản lý tài chính của BV.
 Công văn số 175/VPBCĐ-V.III của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an
Công văn số 175/VPBCĐ-V.III của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu

Đơn tố cáo, kiến nghị của cán bộ, nhân viên BV Nội tiết còn cho rằng, trong 2 năm 2007- 2008, lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu, dẫn đến mua đắt nhiều loại hóa chất, gây thiệt hại tổng cộng hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, BV Nội tiết đã mua hơn 60 loại hóa chất của hãng Roche đều có giá cao hơn rất nhiều nếu so với giá mua hóa chất cùng loại, cùng thời điểm, cùng xuất xứ, quy cách của Bệnh viện Bạch Mai. Chẳng hạn đơn giá mua hóa chất Prolactin Calset của BV Bạch Mai năm 2007 là 988.365 đồng/hộp thì của BV Nội tiết là 1.385.500 đồng, đơn giá mua hóa chất năm 2008 như Glucose HK-L của BV Bạch Mai là 2.051.490 đồng/hộp thì của của BV Nội tiết là 2.413.517 đồng. Tương tự, giá mua các loại chất như Urea, Calci, Insulin… của hai bệnh viện lần lượt là 2.696.400 và 3.172.235 đồng; 1.693.650 và 1.992.529 đồng; 34.650 và 40.764 đồng mỗi hộp. Tổng số tiền thiệt hại từ việc mua đắt này trong 2 năm là hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, BV Nội tiết còn mua hơn 20 loại hóa chất khác cũng được cho là bị nâng giá nhưng không có con số đối chiếu.

Sở dĩ có chuyện mua đắt này vì BV Nội tiết không mua hóa chất từ nhà phân phối được hãng Roche ủy quyền là Cty HAPHACO mà lại mua từ các Cty dược không phải là nhà phân phối chính thức. Trong khi Cty HAPHACO luôn bán các sản phẩm của Roche đúng với giá nhà sản xuất đưa ra (đây là yêu cầu bắt buộc của Roche) thì BV Nội tiết không chọn nhà cung cấp này. Theo bác sĩ Lưu Thế Cường (Khoa Huyết học- tế bào, BV Nội tiết Trung ương) việc mua hóa chất từ công ty trung gian để công ty này tăng giá đã được BV Nội tiết thực hiện nhiều năm và nhiều lần trong năm. Việc có sự chênh lệch về giá giữa nhà phân phối chính thức và Cty trung gian, lãnh đạo BV Nội tiết hoàn toàn biết điều này bởi chính BV Nội tiết cũng có hợp đồng đặt máy với Roche và HAPHACO là nhà phân phối được ủy quyền cung cấp hóa chất.

Đơn của cán bộ, nhân viên BV Nội tiết còn tố cáo ông Thành có sự gian dối khi báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế về quá trình thực hiện hợp đồng đặt máy xét nghiệm miễn dịch, máy xét nghiệm sinh hóa, mua thuốc thử cho các xét nghiệm trên hệ thống modular analytics. Ông Thành đã báo cáo rằng Hợp đồng ký ngày 24/10/2005 giữa Cty Roche đã được thay thế bằng hợp đồng số 266/HĐ-BVNT-Roche nhưng trên thực tế, 2 hợp đồng trên vẫn song song tồn tại và áp dụng cho 2 modular E170 khác nhau. Do đó, đã dẫn đến việc Thanh tra Bộ Y tế đã kết luận HAPHACO không tham gia đấu thầu cung cấp hoá chất cho 2 loại máy xét nghiệm nói trên và những bằng chứng về việc mua hóa chất bị nâng giá của BV Nội tiết đã bị ông Thành ém nhẹm…

Việc mua đắt nhiều loại hoá chất trên đây thuộc về trách nhiệm của ông Đỗ Trung Thành. Ông Thành là Phó Giám đốc trực tiếp giám sát và thẩm định kết quả, là người ký hợp đồng đặt máy, tổ trưởng tổ thẩm định thầu, thay mặt Giám đốc ký thông báo mời thầu, ký duyệt hồ sơ mời thầu nhưng để xảy ra việc mua hóa chất do công ty trung gian nâng giá, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng nhưng đến nay ông Thành và một số cá nhân có liên quan vẫn không phải chịu bất kỳ một hình thức kỷ luật nào. Số tiền chênh lệch hơn 3 tỷ đồng rơi vào túi ai, cho đến nay cũng chưa có câu trả lời xác đáng.

Cũng tại BV Nội tiết thời gian qua còn xảy ra một số sự việc lình xình, tiêu cực khác, trong đó có việc ông Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Vinh Quang bị tố cáo gian lận bảo hiểm y tế. Theo đó, tại bảng chấm công tháng 1/2010, ông Nguyễn Vinh Quang đi làm đủ 20 ngày công, tức là không nghỉ ngày nào.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Quang lại có một bệnh án điều trị nội trú từ ngày 11 đến 25/1/2010. Sau đó, liên tục trong các tháng 2,3,4, 5/2010, ông Quang đều đựơc kê đơn cho lĩnh thuốc bảo hiểm y tế để điều trị, trị giá mỗi đơn khoảng trên 1 triệu đồng. Những sự việc trên đến nay vẫn bị chìm xuồng, không được xác minh, làm rõ.

Tuy nhiên, trước những sai phạm rõ ràng, việc bưng bít, che giấu của một số cá nhân của BV Nội tiết là không thể. Công văn số 175 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nêu rõ: “Căn cứ tài liệu của các cơ quan có liên quan và tài liệu thu thập xác minh của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương, cùng với kết luận thanh tra cho thấy ông Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc), ông Đỗ Trung Thành (Phó Giám đốc) có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế và điều hành Bệnh viện, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát tiền của, tài sản Nhà nước”.

Dư luận tin rằng, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những sai phạm nghiêm trọng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ sớm được làm rõ, những cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật.
Theo CL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét