Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Lòng mẹ và sự "từ mẫu"?

Tác giả: KỲ DUYÊN

Phải rất buồn mà nói rằng, từ lâu cái câu khẩu hiệu: Lương y như từ mẫu (Thầy thuốc như mẹ hiền) đã được bệnh nhân hiểu một cách mai mỉa rằng-"Từ mẫu" tức là từ bỏ tấm lòng người mẹ (!)

Ngày 7-5- 2011, báo Tuổi Trẻ có một bài viết với tiêu đề giản dị: "Mẹ của trẻ bị bỏ rơi". Nhưng câu chuyện lại mang đến cho người đọc những xúc cảm đa chiều. Đó là hai người đàn bà- chị Đặng Thị Hiệp, và chị Nguyễn Thị Lành, đều ở lứa tuổi 50- tri thiên mệnh. Không rõ vì những ẩn ức nào trong đời riêng, mà hàng chục năm nay, các chị chỉ đắm đuối với số phận của những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn bị cha mẹ chúng nhẫn tâm vứt bỏ.
Và thế là Tổ ấm Bình Minh (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trở thành gia đình mẹ Hiệp, mẹ Lành cùng hàng chục đứa con sơ sinh đang khát sữa, khát sự âu yếm vỗ về của tình mẹ.
Con số trẻ được 2 mẹ nuôi nấng không hề nhỏ, nếu như biết rằng, mỗi năm có tới 50 đứa trẻ vô tội được nhặt mang về đây. Những giọt sữa ân tình và nhân ái của cuộc đời góp lại nuôi hàng trăm thiên thần, từ mong manh sự sống, đến khi da trắng môi hồng, thông qua Ban bác ái xã hội Giáo phận Huế, và nhờ vào đôi tay, tấm lòng của mẹ Hiệp, mẹ Lành.
Ảnh Tuổi Trẻ.
Những người như mẹ Hiệp, mẹ Lành không hiếm trong đời này. Một sư thầy Đàm Lan hàng chục năm nay nuôi nấng hàng trăm bé thơ và những đứa trẻ bị ruồng bỏ, không nhà không cửa, cư ngụ dưới mái chùa Bồ Đề (Gia Lâm- Hà Nội). Một người mẹ trẻ Mai Anh gắn bó cả cuộc đời gia đình mình với bé Thiện Nhân, em bé bất hạnh mới sinh bị vứt bỏ, bị thú hoang ăn đứt cả bộ phận sinh dục và một bên chân.
Một ông bố có cái tên như phận làm người của ông- Tống Phước Phúc, hàng chục năm nay, tình nguyện chôn cất các hài nhi không may, rồi nuôi dưỡng, khuyên nhủ những người mẹ trẻ lầm lỡ dũng cảm chấp nhận bổn phận làm mẹ, để nuôi dưỡng các sinh linh của chính mình... Cũng may, vẫn còn có những con người, họ có thể không được làm mẹ, có thể là nhà tu hành, thậm chí có thể là một người đàn ông...Tất cả đều trọn vẹn hai chữ- lòng Mẹ.
Nhưng cũng giá như trong đời này, không có những người bố, người mẹ ích kỷ và vô trách nhiệm, vô cảm đến nhẫn tâm, đến ghẻ lạnh sau những hoan lạc, những mê đắm tối tăm của họ. Thì đời sẽ bớt đi những bất hạnh bé thơ.
Tiếc thay, sự ích kỷ, vô cảm của con người giờ đây, cũng ngang nhiên trú ngụ ngay trong lương tâm của những người có học thức, có trình độ, lại nhân danh trách nhiệm xã hội cao quý- thầy thuốc cứu người. Nó như sự đối chứng xấu hổ với những người mang nặng tấm lòng người mẹ lặng lẽ trong đời nói trên.
Bởi mới đây, ngày 5-5, báo Tuổi Trẻ có bài điều tra mang tiêu đề "Bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ". Tóm tắt: Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động (1A Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM, gọi là Trung tâm 1A), là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Chợ Rẫy nhận điều trị tiếp những người có bệnh lý tạm ổn định của bệnh viện CR (do quá tài) chuyển sang.
Đương nhiên vệ tinh này phải có bổn phận "thối" lại những lãi lờ thơm tho cho bệnh viện CR: 15% trên tổng số tiền thu được. Số tiền được phân bổ cụ thể: Ban Giám đốc 2,5%, phòng Kế hoạch tổng hợp 2,5%, phòng Tài chính kế toán 2,5%, khoa Chuyển bệnh 7,5%.
Nói cho công bằng, ở thời buổi này, và sự làm ăn ở đâu cũng vậy, ông có rút chân giò, bà mới thò chai rượu. Người thầy thuốc cũng cần phải sống, khi mà đồng lương Nhà nước trả cho họ còn eo hẹp. Thế nhưng ở đây, cái sự thầy thuốc "cắt cổ" bệnh nhân- như tên bài viết- để tự cứu mình, trước khi họ ra tay mổ xẻ cứu người, nó thất đức quá, nhất là ở cái ngành cần chữ đức làm đầu.
Để bù lại cái 15% đã mất, Trung tâm 1A đã làm gì mà đến nỗi có biết bao cảnh "bệnh nhân khóc, bác sĩ cười"?
Đến nỗi nhiều bệnh nhân cho rằng mình đã bị lừa. Và họ chua chát tặng cho vệ tinh này danh hiệu cao quý "Bệnh viện 2 ngày 3 triệu". Cứ nằm 2 ngày, chưa biết bệnh tình ra sao, đã nhận giấy thông báo nộp tiền tạm ứng 3 triệu đồng. Các bệnh nhân dù nặng hay nhẹ, đều được điều trị gần như giống nhau, cùng được truyền dịch, chích thuốc 2-3 lần/ngày, được phát thêm vài viên thuốc uống,và đều có mức viện phí hơn 1 triệu đồng/ngày.
Cũng không phải chỉ có vệ tinh Trung tâm 1A. Ngay giá thuốc kê cho bệnh nhân- là của bệnh viện CR áp giá cho vệ tinh- cũng rất cao. Một bênh nhân bị chấn thương sọ não nhẹ, vẫn đi lại được, mà được kê đơn tới 800.000-1 triệu đồng/ngày. Không tin nổi, BS Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện CR, cũng phải thốt lên: Không có lý gì mà kê tới giá đó? Ông bác sĩ quản lý khoa còn hoa mắt với giá thuốc nói chi người bệnh?
Phải rất buồn mà nói rằng, từ lâu cái câu khẩu hiệu: Lương y như từ mẫu (Thầy thuốc như mẹ hiền) đã được bệnh nhân hiểu một cách mai mỉa rằng-"Từ mẫu" tức là từ bỏ tấm lòng người mẹ (!).
Có ai, người thầy thuốc nào còn nhớ tới Lời thề Hippocrates? Hay người ta chỉ nhớ mỗi câu thành ngữ VN "Lời thề....cá trê chui ống!"(?)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét