Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Tâm thế cam chịu (kỳ 1)

(Tamnhin.net) - Nếu với hai chữ “cam chịu” được cả xã hội thấy nội hàm của nó là “thúc thủ”, là “bó tay”, là “thất bại” để vươn lên thì hai từ đó chỉ là cái dấu nhấn không sáng sủa của một phân khúc thời gian. Nhưng, nếu viết hoa, đóng biển nó một cách… cam phận, cam chịu thì đó là cả vấn đề lớn mà bạn đọc sẽ thấy một phần qua loạt bài viết này. 
Nhẫn với… hổ!

Tôi chụp tấm ảnh trên đây cũng chỉ do một khoảnh khắc lang thang gần tòa soạn, với sự nhạy cảm của nhà nghề chứ chưa hình dung nó sẽ đắc dụng, trở thành tấm ảnh đại diện đầy ý vị  cho loạt bài này.

Khi bấm máy xong, tôi cứ thắc mắc hoài, ông họa sỹ nào đó để tạo ra một bức tranh, thường phải có một thông điệp gì đó gửi gắm vào đó.

Chữ “nhẫn” là một công cụ giáo dục con người biết cam chịu những khó khăn tức thời thì tốt. Trong tình cảm gia đình, nhiều khi chữ “nhẫn” cũng góp phần duy trì trạng thái (xấu) tương đối để chờ thới cơ vươn tới, làm thay đổi tình hình tốt hơn .

Nhưng ở đây, tác giả trình bày chữ “nhẫn” bên cạnh con hổ đói!

Hai hình tượng này có vẻ không phù hợp, khó đội trời chung. Anh “nhẫn” thêm một vài phút, không “phắn” cho kịp, tôi xơi tái anh rồi thì nhẫn cái nỗi gì?!

Tôi day dứt rất nhiều sau khi in tấm ảnh ra và bây giờ, cứ mỗi buổi đi làm, lại đi qua tiệm tranh của ông họa sỹ, hy vọng tìm được chút lóe sáng trên bức tranh, góp phần giải mã cái bí ẩn giữa “nhẫn” và “hổ đói”.

Những khi mở trang viết để bàn về đề tài có tựa đề “tính cam chịu” thì thấy bật lên đại ý của bức tranh. 

Phải chăng, tay họa sỹ uyên thâm kia muốn gửi gắm một thông điệp lớn đến với cộng đồng bằng chính cái vô lý của hoàn cảnh: nhẫn ở đâu chứ đừng “nhẫn” bên cạnh một con hổ đói, không gì vô lí hơn cứ “nhẫn” hoài trước một hoàn cảnh cực kỳ nguy nan, khẩn cấp.

Xã hội ta, ở nhiều địa hạt từ giao thông đến giáo dục, kinh tế đã thập thò ẩn hiện những con hổ rình dập bên cạnh. Nhiều lúc nó đã hớp gọn một ngoạm mất vài trăm tỷ đồng (như vấn đề ở một số ngân hàng đang xảy ra) nhưng mọi động tác, xem ra vẫn cứ “nhẫn”, thế mới tài! Nhiều vụ việc, báo chí đã xộc vào tận trung tâm, làm sáng tỏ bao nhiêu vấn đề nhưng khi phỏng vấn đến nhà chức trách, họ chỉ đáp một câu gọn lỏn “tôi chưa được báo cáo” hoặc “sẽ xem xét xử đúng người, đúng tội”, là xong. 

Nhiều khi, cách hành xử sau đó không thật thỏa đáng, mọi người cũng “nhẫn” nại im lặng, nhẫn nại cho qua.

Cội nguồn của chữ “nhẫn” Việt

Tôi phải viết cho rõ chữ “Việt” bên cạnh chữ nhẫn để rạch ròi với chữ nhẫn của các nước khác.

Vua Nhật đã phải nén tất cả tính kiêu hùng của một đế quốc, xuống tàu chiến Mỹ kí hiệp ước đầu hàng năm 1945. Từ giây phút này, cả nước Nhật đã thực hiện giai đoạn “nhẫn” có thời hạn và chỉ chưa đến chục năm sau, nhiều sản phẩm công nghiệp Nhật trong đó có radio, ô tô, tàu thủy đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Những năm 50, ở Mỹ có bức tranh biếm họa kèm một khúc thuyết minh về   một tên chán đời, dùng súng ngắn tự tử nhưng không chết vì dùng súng… của Nga!

Người Nga đã “nhẫn” vài năm và đến 1957, họ phóng tàu vũ trụ vào không gian.

Còn ở ta, chữ “nhẫn” được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ẩn nhẫn, chờ thời

Trốn tránh trách nhiệm

Lười sáng tạo

Cố tình làm lơ

Vân vân và vân vân

Mặc dù vậy, nhưng ở một góc nhìn đặc biệt, cũng có người hưởng lợi từ chữ “nhẫn” nên cuối cùng, chữ “nhẫn” Việt có vẻ còn trường tồn, bền bỉ.

Chúng ta cùng đi vào một vài hình ảnh cụ thể

“Nhẫn” với sự thiệt thòi nhân mạng

Tấm ảnh dưới đây rất giống những bức ảnh cùng nội dung cắm khắp đây đó dọc đường bộ ở ta.


Người “thiết kế” ra ý tưởng này có lý khi cảnh báo cho tài xế thận trọng hơn khi qua đây.

Nhưng, nhìn vào nhu cầu phát triển của thời đại thì không được.

Chúng ta đi thật sâu vào vấn đề này.

Đây là vị trí dốc lên của cây cầu vượt Quang Trung.

Cây cầu này được khánh thành vài năm gần đây, làm bằng công nghệ tân tiến, đầu tư thỏa đáng từ khâu thiết kế đến thi công, nhìn phớt qua, nó rất đẹp.

Nhưng ở ngay trên thân cầu, nó có hai cái… ngã ba.


Đương nhiên, ở một khẩu độ ngắn dưới 100 mét thế này, không thể dựng hai trụ đèn xanh đỏ để điều tiết giao thông ngay trên cầu.

Do đó, các phương tiện phải “đè mặt” nhau rẽ trái ngay trên cầu.

Tuyến đường này cực kỳ đông và lưu tốc của các phương tiện cao, nhất là những xe đang xuống dốc.

Bởi vậy, khi xe dưới dốc đang gắng đạp ga để vọt lên (thường là như vậy với xe lên dốc) nhưng xe xuống đổi hướng, chạy cắt mặt xe này và thế là bao nhiêu tai nạn đã xảy ra, như tấm biển đã cảnh báo rất chính xác.

Thế nhưng, theo dõi và nghiên cứu tình hình này thì thấy ngành giao thông có vẻ thúc thủ, “nhẫn” đến cùng và tấm biển này có lẽ là biện pháp cuối cùng sau những tồn tại chết người (theo nghĩa thật nhất của từ này).

Có thể làm gì?

Những ai đã sinh sống tại đây đều biết, ở thời điểm giải tỏa, xây cầu đất đai vùng này rất rẻ. Để có được sơ đồ hợp lý (như ở vòng xoay cầu vượt trạm 2 gần Suối Tiên, không khó.

Nhưng, sự đã rồi thì sao đây?

Nhìn vào sơ đồ hiện nay, không phải quá khó để uốn nắn những bất cập, tạo thuận tiện trong lưu thông, giải quyết tốt nhất bài toán nhân mạng.

Để làm rõ chủ đề này, xin phép bạn đọc cho đi sâu vào vấn đề một cách cụ thể hơn.

Tuyến xe đi từ Gò Vấp lên cầu, muốn chuyển hướng rẽ sang An Sương có thể đi đến ngã tư gần nhất (chỉ 500 mét) rồi quay lại, bó theo đường dẫn chân cầu ra An Sương mà không phải rẽ chắn ngang mặt cầu như bây giờ nữa. Cái “ngã ba” trên cầu ở đầu hướng đường Tô Ký chỉ còn dùng cho xe từ xa lộ rẽ sang Gò Vấp, xong.

Các phương tiện đi từ Hóc Môn lên cầu, muốn chuyển hướng rẽ về phía Thủ Đức đi thẳng xuống chân cầu, hết cầu rẽ trái ra xa lộ vòng trở lại hướng Thủ Đức dưới dạ cầu.


Cái “ngã ba” trên cầu, bên phía Gò Vấp chỉ dùng cho xe từ xa lộ lên cầu, đi thuận chiều về Hóc Môn.

Có một phát sinh nhỏ là ở điểm quay đầu chuyển hướng dưới vị trí hết dốc cầu hướng Gò Vấp hiện nay hơi hẹp như trong tấm ảnh trên, con đường sắp rẽ chỉ rộng 15 mét, nay muốn an toàn, tạo một vòng xoay nhỏ và phải giải   tỏa chừng 5 mét sâu vào lề đường thành một vòng cua an toàn. Đất đai tại đây cũng không phải vấn đề quá lớn cho một dự án vĩnh cửu, một dự án dân sinh lớn như thế này.

Tóm lại, bài toán “duỗi” thẳng, triệt tiêu các điểm giao cắt trên cầu vượt Quang Trung không phải quá khó, đến mức cứ phải “nhẫn” hàng trăm năm, chấp nhận tình trạng hiểm nguy thường trực, không giống ai này.


Trên đây chỉ là bài toán cụ thể, hình ảnh cụ thể ở một địa điểm thuộc TP.HCM, nó đang được giao cho chữ “nhẫn” quản lý không biết đến bao giờ. Và nó còn “nhẫn”, mỗi năm còn có vài chục mạng người qua đây rồi rẽ vào bệnh viện.

Điều cần rút ra ở đây là, ở đâu thiếu tinh thần năng động, sức sáng tạo, ở đó chữ “nhẫn” sống dài dài…

Và, tại đây, ông họa sỹ tạo nên bức tranh trên đầu bài thật chí lí! Cứ việc “nhẫn” bên cạnh hiểm nguy rình rập.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét