Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Phải cải cách từ “cái gốc” là tiền lương tối thiểu

CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN ĐẶNG NGỌC TÙNG:

Đích thân Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã làm việc với Cty TNHH Nike VN (58 nhà máy với 240.000 CN gia công, chi phí bình quân 9.000 đồng/suất ăn) để bàn giải pháp nâng cao bữa cơm CN -một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động.
Chúng tôi đã phỏng vấn Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng về việc phải làm gì và làm thế nào để đời sống CN thực sự được cải thiện, mang lại quan hệ lao động hài hoà trong DN. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho biết:
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng tiếp xúc công nhân Cty Hansoll để yêu cầu chủ doanh nghiệp giải quyết những nhu cầu của công nhân tại đây. Ảnh: D.M.Đ
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng tiếp xúc công nhân Cty Hansoll để yêu cầu chủ doanh nghiệp giải quyết những nhu cầu của công nhân tại đây. Ảnh: D.M.Đ
Nguyên nhân chủ yếu có tính phổ biến của tranh chấp lao động chính là tiền lương. Bữa ăn cũng như các khoản phụ cấp nhà ở, xăng xe, chuyên cần, tiền thưởng... thực chất là tiền lương, nhưng được các chủ DN tách ra, không đưa vào HĐLĐ nhằm tiết giảm nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ. Đã thế, tất cả các khoản thu nhập của NLĐ bình quân chỉ khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, không đủ giải quyết các nhu cầu tối thiểu và đây chính là nguyên nhân thường xuyên diễn ra tranh chấp lao động.
Vì lương thấp, NLĐ buộc phải tăng ca triền miên để có thêm thu nhập bù đắp những khoản thiếu hụt trong cuộc sống, nên thường ngừng việc đòi nâng lương. Vì lương thấp (lại phải tăng ca quá mức) NLĐ không có điều kiện tự nấu ăn, nên vẫn xem bữa ăn phụ giữa ca là bữa ăn chính và là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu tái tạo sức lao động, nên thường ngừng việc đòi cải thiện bữa ăn.
Vì lương thấp, NLĐ không đủ trả tiền nhà trọ, điện, nước, tiền ăn... nên thường ngừng việc đòi mức lương cao hơn trong những dịp Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) hoặc đòi tăng tiền thưởng cuối năm. Vì lương thấp, NLĐ không gắn bó với DN, khiến quan hệ lao động cũng không ổn định.
Đề nghị Chủ tịch phân tích rõ quan hệ về tiền lương trong các DN FDI?
- Hiện, nước ta có hàng trăm “nhà thầu phụ” chuyên gia công các mặt hàng dệt - may, da - giày cho các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh các loại hàng hóa có thương hiệu  và lợi ích từ thị trường VN mang lại cho các chủ hàng rất lớn. Ví dụ: Công lao động tối thiểu ở một số nước từng SX dệt - may, da - giày hiện từ 3,5USD đến  4USD/giờ, với 8 giờ/ngày và 26 công/tháng một NLĐ phổ thông được trả từ 800USD đến 832USD/tháng.
Thế nhưng, NLĐ phổ thông ở VN chỉ được trả khoảng 60USD đến 80USD/tháng, nếu tính cả tăng ca cũng chỉ khoảng 150USD/tháng. Ví dụ thứ hai: Một đôi giày mũ da (có thương hiệu) giá xuất xưởng tại VN (bao gồm nguyên phụ liệu, nhà xưởng, khấu hao máy móc, điện, nước, công LĐ...) khoảng từ 8,2USD đến 10USD/đôi, nhưng được chủ hàng bán vào EU khoảng 63USD đến 70USD/đôi (gấp 7 lần). Người  tiêu dùng phải mua từ 100USD đến 140USD/đôi.
Về phía các “nhà thầu phụ” (tức chủ DN),  thực chất là những người làm công  hưởng phí quản lý, sản phẩm làm ra gồm những loại nguyên phụ liệu nào? nguồn cung cấp ở đâu? giá cả bao nhiêu? công LĐ ra sao?... đều do chủ hàng chỉ định, tính toán, quyết định  “sát nút”. Do đó, để hưởng lợi cao hơn, các chủ DN chỉ còn cách tiết giảm BHXH, BHYT, hoặc cắt xén tiền lương NLĐ... Chính vì vậy, trong các vụ tranh chấp LĐ, chủ DN không tự giải quyết được các yêu sách của NLĐ, mà thường chờ xin ý kiến “Cty mẹ” (tức chủ hàng).
Trước đây, các chủ DN khu vực FDI phân chia  theo khu vực quốc gia, vùng lãnh thổ và nhà đầu tư, sau này họ hình thành tổ chức hiệp hội (là tiền thân nghiệp đoàn giới chủ), để liên kết thống nhất mức lương và các chính sách áp dụng thấp nhất cho NLĐ. Và, họ đã bám vào mức LTT (không sát thực tế) để trả công cho NLĐ mà vẫn không vi phạm luật.
Vậy, tổ chức CĐ đã và đang làm gì để cải thiện tiền lương CN, thưa Chủ tịch?
- Các DN thâm dụng LĐ thường sử dụng LĐ trẻ và trả lương thấp nên NLĐ không có tích lũy, đến khi họ lập gia đình, sinh con đẻ cái, không đủ điều kiện giải quyết những nhu cầu tối thiểu khác với chi phí cao hơn, dẫn đến cả một thế hệ NLĐ sẽ nghèo khó, kiệt sức sau nhiều năm đóng góp làm giàu cho DN. Đặc biệt, với điều kiện sống thiếu thốn, cường độ LĐ cao, đa số NLĐ không có điều kiện nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, đến khi tuổi cao, sức yếu, bị mất việc thì NLĐ cũng  không biết lấy gì sinh sống. Hậu quả nặng nề này xã hội ta phải gánh chịu!
Vì vậy, Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị, được Chính phủ chấp thuận giao Bộ LĐTBXH chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu  tách  LTT của NLĐ ra khỏi khu vực hành chính sự nghiệp. Tổng LĐLĐVN cũng giao Viện CNCĐ cùng Ban Pháp luật Tổng LĐLĐVN phối hợp với Trường ĐH Công đoàn và Trường ĐH Tôn Đức Thắng nghiên cứu để tham gia cùng các bộ, ngành xây dựng tiền LTT trình Chính phủ. Tới đây, LTT của NLĐ sẽ không ấn định điều chỉnh theo lộ trình hiện nay, mà được quy thành “rổ thực phẩm” rồi cộng với trượt giá,  đảm bảo cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện LĐ bình thường bù đắp sức LĐ và một phần tích lũy tái sản xuất theo đúng quy định tại Điều 56 Bộ luật LĐ.
Xin cảm ơn Chủ tịch.
Dương Minh Đức thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét