Hơn một tuần trở lại đây, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, rau xanh... đã tăng giá trở lại sau một thời gian hạ nhiệt. Thực tế này được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.
Nhiều mặt hàng tăng giá
Tại các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM, giá hàng loạt các mặt hàng thực phẩm đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian tạm hạ nhiệt. Đầu tiên là rau xanh. Ví dụ, xà lách búp Đà Lạt vọt từ 25.000 - 30.000 đồng/kg lên 60.000 - 70.000 đồng/kg; cải thìa lên mức gần 30.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với trước đó)... Theo các tiểu thương, giá nhiều loại rau tăng mạnh như vậy là do nguồn cung khan hiếm khi trời mưa liên tục, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Trong khi đó, giá thịt heo sau một thời gian giảm nhẹ đã bật tăng trở lại. Thịt ba rọi rút sườn loại ngon tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tận Bình, TP.HCM dao động ở mức 130.000 - 135.000 đồng/kg (tăng khoảng 15.000 đồng so với thời điểm đầu tháng 6); thịt nạc dăm lên mức 110.000 đồng (tăng 10.000 đồng)...
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở ngành hàng này cho hay, giá thu mua heo hơi sau khi giảm về mức 55.000 - 56.000 đồng/kg cách đây 3 - 4 tuần đã tái lập lại mức xấp xỉ 60.000 đồng/kg như thời điểm cuối tháng 4. Nguyên nhân là do heo đang được thu mua để chuyển ra các tỉnh phía Bắc khi giá heo hơi ở khu vực này ở mức 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Tương tự, các loại trứng gà, trứng vịt bán tại chợ cũng điều chỉnh tăng. Trứng vịt tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình lên mức 32.000 đồng/vỉ 10 quả; trứng gà ở mức 25.000 đồng/vỉ 10 quả. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, tăng cao nhất trên thị trường hiện nay là trứng vịt, giá trứng thu mua tăng mỗi ngày thêm 100 - 200 đồng/chục mà cũng không có hàng để mua.
Theo bà Huân, nguồn hàng thiếu hụt như vậy là do thương nhân Trung Quốc đi đường tiểu ngạch sang tận nơi thu mua vịt nên người dân giết vịt đẻ bán. Những thương nhân này còn thu mua trứng để làm trứng muối phục vụ cho mùa sản xuất bánh trung thu sắp tới, tương tự như các các cơ sở, công ty trong nước. Trong khi đó, giá trứng gà cũng tăng thêm 10% so với trước đó vì giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TP.HCM xác nhận rằng, do giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng trứng vịt tăng 32%, ảnh hưởng đến giá thành trứng (tăng 24%) nên sở này vừa chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp tăng giá bán trứng vịt theo chương trình bình ổn thêm 2.500 đồng/10 quả (từ mức 27.000 đồng/vỉ 10 quả lên 29.500 đồng/vỉ), tương ứng 9%.
Còn với mặt hàng trứng gà, thịt gia súc, gia cầm, sở này cũng nhận được đề nghị của doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá bán tại các điểm bình ổn nhưng chưa đồng ý do mức biến động đầu vào chưa đủ 15% như điều kiện.
Các doanh nghiệp còn bổ sung thêm, ngoài thịt heo, giá thu mua gà công nghiệp, gà tam hoàng lại tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua. Theo đó, giá gà công nghiệp hiện ở mức 41.000 - 42.000 đồng/kg gà lông; gà tam hoàng mức 48.000 - 50.000 đồng/kg gà lông.
Những nguyên nhân đẩy giá gà lên là nguồn cung từ các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước thiếu hụt sau thời gian bỏ chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất ngân hàng tăng cao. "Giá bán gà đang được quyết định bởi các công ty lớn, công ty nước ngoài. Mình họ một chợ nên họ đẩy giá gà lên cao", đại diện một doanh nghiệp không muốn nêu tên nói.
Lo cho CPI tháng 6 và các tháng tiếp theo
Hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, một số cơ quan chức năng đã đưa ra dự báo, CPI tháng 6 sẽ tiếp tục tăng so với tháng 5 nhưng mức tăng sẽ thấp hơn. Nhiều người còn cho rằng, mức tăng có thể dưới 1,2%. Cơ sở của dự báo này là nguồn cung ở nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường hiện được cải thiện, giá cả ổn định.
Tuy nhiên, diễn biến mới của nhiều loại hàng hóa đang cho thấy, con số dự báo này không dễ thành hiện thực. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, việc giá các mặt hàng thực phẩm tăng trở lại như đang diễn ra về cơ bản sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI tháng 6, khi việc lấy giá lần cuối của tháng sẽ được thực hiện vào ngày 15-6.
Theo ông Phong, có 500 mặt hàng để tính CPI nhưng những mặt hàng tăng giá kể trên lại là có quyền số lớn. Ông Phong dự báo, mức tăng của CPI tháng 6 so với tháng 5 sẽ trên 2%, khoảng 2,5%. Chỉ số tăng giá cả năm theo đó sẽ ở mức 17 - 18%.
HSBC trong báo cáo phát hành vào ngày 7-6 của mình nhận định mức tăng trung bình của chỉ số CPI theo tháng của Việt Nam là trên 2% trong 6 tháng trước, vì thế chỉ cần chỉ số này tăng 0,4% trong tháng 6 thì lạm phát theo năm (year-on-year) vào thời điểm tháng 6 của Việt Nam sẽ vượt 20%. HSBC dự báo CPI theo năm vào tháng 6 sẽ là 20,4%.
Ngay cả khi giá vẫn ổn định ở mức hiện nay, HSBC cho rằng không hy vọng lạm phát theo năm của Việt Nam có thể trở về mức một con số ít nhất là cho tới đầu năm 2012. Thực phẩm, chiếm 40% rổ tính CPI, có vai trò quan trọng quyết định trong việc tính toán lạm phát của Việt Nam. "Sự tăng giá lương thực thế giới vẫn chưa phản ánh đầy đủ vào giá cả của Việt Nam. Và giá thực phẩm có khả năng sẽ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới", HSBC nói trong báo cáo.
Trong khi đó, World Bank dự báo rằng lạm phát tính theo năm của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào cuối quí 2 và sau đó giảm dần về mức 15% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, có đạt được mức trên không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ có quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11 hay không.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng, áp lực tăng giá ở nhiều mặt hàng vẫn sẽ tiếp tục trong những tháng tới khi những câu chuyện về lãi suất, giá thức ăn chăn nuôi... đang đè nặng lên người nuôi, trồng.
Ở ngành chăn nuôi gia súc, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Phú An Sinh (FAS Food) nói rằng, việc tăng giá của thịt heo, thịt gà trong thời điểm vốn được coi là thấp điểm (mùa nóng) này tạo ra những lo lắng về giá trong những tháng tiếp theo. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi người chăn nuôi đang gặp quá nhiều vấn đề để tái đầu tư, gây đàn mới.
Theo ông Minh, đó là không vay được vốn ngân hàng vì các ngân hàng đang hạn chế cho vay nông nghiệp do lo ngại rủi ro; là các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi... tăng liên tục và chuẩn bị vào mùa dịch bệnh.
Trong khi đó, nguồn hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu như heo, gà cũng không thể giải quyết áp lực giá. Đơn giản vì giá hàng nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức cao, cộng thuế nhập khẩu vào sẽ cho giá tương đương hàng trong nước.
(Theo TBKTSG)
Trong khi giá cả trong nước tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản khan hiếm thì các thương nhân Trung Quốc (TQ) vẫn ồ ạt gom hàng khiến nguồn cung càng thêm căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện không thể cạnh tranh mua nguyên liệu.
Thu mua tận nơi
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các mặt hàng nông sản của VN đều tăng giá mạnh, nhưng đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp (DN) trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các DN của TQ.
Giá thanh long Bình Thuận luôn bấp bênh do quá phụ thuộc vào thị trường TQ - Ảnh: D.Đ.Minh |
Sau cao su, thủy sản, thịt heo… đến lượt mặt hàng hồ tiêu, cà phê cũng trở thành đối tượng mua gom ồ ạt của các thương nhân TQ. Không cần chờ các đối tác trong nước gom hàng, hiện các thương nhân TQ đã trực tiếp dùng xe con, xe du lịch tới tận các vườn tiêu thu mua sau đó tập kết và vận chuyển về TQ qua đường tiểu ngạch. Những người TQ mua gom thường trả mức giá cao hơn 1 - 2% so với giá thị trường. Ước tính, tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân TQ mua gom theo hình thức này.
Tương tự như hồ tiêu, mặt hàng sắn cũng đang được ồ ạt xuất khẩu sang TQ với số lượng tăng chóng mặt. Mặc dù giá sắn trong nước liên tục tăng nhưng sắn VN vẫn ào ạt tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc bởi giá sắn xuất khẩu sang TQ đang cao hơn so với trong nước. Theo dự tính, xuất khẩu sắn củ năm 2011 có khả năng lên đến hơn 4 - 5 triệu tấn.
Gần đây nhất, thương nhân TQ cũng sang tận VN để tranh mua trứng vịt mang về nước. Bà Phạm Thị Huân - TGĐ Công ty Ba Huân - cho biết: “Mùa trung thu nhu cầu sử dụng trứng muối làm nhân bánh khá lớn nên DN TQ sang VN giành mua rất nhiều”. Nhiều DN trong nước cho biết hiện sản lượng trứng thu mua hằng ngày từ ĐBSCL sụt giảm 30 - 40%, giá tăng lên rất cao nhưng vẫn không có hàng.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, giá đường bán lẻ tại TQ hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg so với tại VN, nên một số nhà máy ở miền Trung, miền Bắc đang bán ra lượng đường khá lớn cho các DN thương mại đem xuất sang TQ. Mặc dù chưa thống kê số lượng đường xuất tiểu ngạch, nhưng Hiệp hội Mía đường đã phải tính đến giải pháp nhập khẩu nếu thị trường tăng giá đột biến.
Không chỉ thu mua các loại nông sản hàng hóa lớn, TQ còn mua cả đỉa, rùa... Một DN tư nhân cho biết gần đây có rất nhiều cuộc gọi đến hỏi mua trứng rắn ráo trâu để bán sang TQ với số lượng lớn.
Thị trường bấp bênh
Nông sản hút hàng, lên giá là niềm vui của nông dân, nhưng cũng là nỗi lo của các DN trong nước, bởi phải cạnh tranh thu mua một cách gay gắt với DN nước ngoài. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN - bức xúc: “Trong mùa thu hoạch hồ tiêu, các DN trong nước rất khó mua được tiêu của dân, bởi họ nâng giá lên từng ngày. Toàn bộ vùng tiêu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ là không ai cạnh tranh được với họ, bởi họ mua tận nơi và luôn mua cao hơn DN trong nước từ 3.000 - 4.000 đồng/kg vì họ không phải đóng thuế”. Một DN ở Long An cho biết: “Hiện các loại hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu… đang thiếu trầm trọng. Ngoài việc ngư dân giảm đánh bắt do giá dầu cao còn có nguyên nhân khác là một số thương lái mua hàng từ các tàu cá rồi bán trực tiếp cho các tàu cá TQ. Thường thì giá mua của thương lái cao hơn vì không phải đóng thuế. Điều này gây khó khăn cho DN thủy sản trong nước”.
Bình Thuận hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng thanh long. Hiện toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha với tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Có 75% sản lượng thanh long của Bình Thuận hiện nay xuất khẩu qua TQ bằng đường tiểu ngạch (bán ngay tại cửa khẩu biên giới mà không có ký kết bất cứ hợp đồng nào). Đây là thị trường rủi ro rất cao. Mỗi năm thanh long đi TQ bị dội hàng hai ba lần, mỗi lần khoảng mươi ngày khiến giá thanh long rớt thê thảm.
Nhiều chủ DN thanh long Bình Thuận cho biết điều họ lo ngại nhất là sự tráo trở, lắt léo của các bạn hàng TQ. Các thương nhân TQ hiện đã cắm người tận các nhà vườn ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), tùy theo tình hình thu hoạch mà định giá. Hễ thấy thanh long thu hoạch nhiều là lập tức ép giá. Gần đây, thanh long đang được các lái buôn TQ mua với giá 21.000 đồng/kg bỗng đột ngột bị ép xuống còn 4.000/kg mà không rõ lý do. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở Bình Thuận chuyên buôn bán thanh long đi TQ nói: “Buôn bán với họ phập phồng lắm. Lúc có lãi, nhưng lại lỗ ngay, không biết thế nào mà lần”.
Rủi ro lớn khi phụ thuộc vào một thị trường Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội (Hà Nội): Nếu xuất khẩu tập trung quá nhiều vào một thị trường bao giờ cũng kèm theo rủi ro cao. Do đó, đã từ lâu chúng ta kêu gọi phải đa dạng hóa thị trường để rủi ro giảm bớt. Thực tế đã chứng minh rất nhiều sự vụ vì quá phụ thuộc vào một thị trường mà sản phẩm của ta phải chịu thiệt. Chẳng hạn mua với giá như thế này nhưng khi sản phẩm, nhất là nông sản, đến cửa khẩu lại bị khách hàng TQ chèn ép giá, nếu không bán sẽ phải đổ đi, đành chấp nhận giá nào cũng bán. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế: Tập trung quá đáng vào một thị trường là bất lợi và rủi ro. Giả dụ, bình thường thì nhiều sản phẩm tập trung vào thị trường Nhật Bản là không có vấn đề. Nhưng khi ở Nhật xảy ra sóng thần, động đất, ngay lập tức sản phẩm bị chựng lại. Đối với thị trường TQ, chúng ta muốn cải thiện mức độ nhập siêu với nước này bằng cách tăng cường xuất khẩu, vì thế đã quá tập trung vào thị trường TQ. Cho nên, một khi họ làm giá thì rủi ro là không tránh khỏi. TQ là thị trường rất “đặc thù”, họ sẵn sàng mua hàng của ta, ngay cả cho việc tái xuất, nhưng lúc không cần thì trở mặt ngay. Để tháo gỡ tồn tại này, về lâu dài cần giải quyết khâu phân phối của hàng Việt. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Các vấn đề liên quan tới việc sản phẩm xuất khẩu quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt TQ, đã đề cập hơn 10 năm qua, nhưng không được quan tâm thấu đáo. Nếu chưa mở rộng được thị trường, chí ít cũng phải đa dạng hóa sản phẩm trong cùng một thị trường; đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng cao hàm lượng giá trị gia tăng... để tránh bị thiệt hại khi xảy ra biến động. N.T.Tâm |
Quang Thuần - Quế Hà
SGTT.VN - Ngành công thương cho biết, tuần qua, giá cả thực phẩm tiếp tục có biến động, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thịt heo và thịt gà.
Giá thịt heo các loại ở các tỉnh như: Kiên Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Bình Phước… tiếp tục tăng từ 1.000 – 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thịt heo tăng được xác định là do nguồn cung hạn chế. Giá thịt gà các loại cũng đồng loạt tăng giá từ 2.000 – 5.000 đồng/kg tại các tỉnh như: Tuyên Quang, Kiên Giang… Nguyên nhân được giải thích là do giá thịt heo tăng cao, người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gà để thay thế, làm kéo theo giá thịt gà tăng lên. Ngoài ra, sau thời gian giảm và đứng giá, tuần qua, giá các loại trứng gia cầm cũng tăng khoảng từ 1.000 – 2.000 đồng/chục ở tại các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang.
G. MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét