Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Hoa Kỳ và cách xử trí với Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa

Hoa Kỳ ứng xử ra sao với sự hung hăng của Trung Quốc ngoài Ðông hải? Dù là nhìn từ bên ngoài, có lẽ ta nên nhìn từ cái đầu... Hoa Kỳ nghĩ gì về Trung Quốc?
Tâm lý của con người dễ chú ý đến biến cố gần hơn là chuyện ở xa về không gian lẫn thời gian.
Gần nhất, Hoa Kỳ bị suy trầm kéo dài với thất nghiệp và tài sản gia cư mất giá nên dân Mỹ quan tâm nhất đến kinh tế. Giữa chu kỳ tranh cử - hai năm một lần - mối ưu lo của họ chi phối luận cứ của chính trường. Giữa không khí u ám, xã hội Mỹ lại đầy nhiễu âm về lẽ thịnh suy: Nghe nói xu hướng lụn bại của Hoa Kỳ đã bắt đầu...

Như vậy, dường như chân trời lý luận của dân Mỹ chỉ thu hẹp vào điểm mốc ở gần là vụ sụp đổ tài chánh 2008 và nạn tổng suy trầm 2008-2009 rồi tranh luận kéo dài về tương lai mờ mịt.
Nhìn ra khỏi chân trời Hoa Kỳ, tình hình lại chẳng khá hơn: Sự tàn lụi không là đặc sản Mỹ.
Toàn khối Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng 2008 với hậu quả đe dọa đồng Euro lẫn hệ thống chính trị Liên Âu. Nhật Bản thì suy sụp từ năm 1990, cơn địa chấn Tháng Ba chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng và phơi bày những bất toàn của chính quyền trong cách ứng phó.
Như vậy, quả là kinh tế thị trường và dân chủ chính trị của cả ba khối kinh tế dẫn đầu thế giới đang chậm rãi sụp đổ. Ðấy là lúc nhiều người ngợi ca ưu thế của “Giải pháp Bắc Kinh”! Nào có ngẫu nhiên: 2010 cũng là khi kinh tế Trung Quốc chính thức vượt Nhật và ai ai cũng nói đến chân trời 2015, khi Trung Quốc sẽ vượt Mỹ...
Ðúng thời điểm ấy, Bắc Kinh lại quậy sóng Ðông hải và uy hiếp Ðông Nam Á. Biết đâu chừng, “Giải pháp Bắc Kinh” chẳng là tai họa cho thiên hạ mà các nước dân chủ đang lụi bại chẳng ngăn nổi?
Ðó là cách nhìn gần.
***
Mà “Giải pháp Bắc Kinh” ấy là gì? Chúng ta cần lui về thời điểm xa hơn để nhìn ra nhiều mâu thuẫn khác từ Hoa Kỳ bất nhất.
Năm 1989, Ðông Âu rung chuyển dẫn tới sự tan rã của Liên Bang Xô Viết. Năm 1989, Bắc Kinh cũng rúng động vì vụ biểu tình tại Thiên An Môn nhân tang lễ của cựu Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang, mất ngày 15 Tháng Tư. Nhưng khi lãnh đạo Liên Xô thoái lui tại Ðông Âu thì lãnh đạo Trung Quốc lại ra tay đàn áp tại Bắc Kinh. Từ đó, người ta nhất thời nhìn ra hai hướng ứng phó, lùi hay tiến. Với hai hậu quả tương phản!
Thật ra, từ vụ Liên Xô sụp đổ năm 1991, hậu quả đáng kể chính là nhận thức về tương quan giữa kinh tế và chính trị.
Từ 1991 - bất chấp vụ thảm sát Thiên An Môn - các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa tại Mỹ đều có chánh sách nhất quán xuất phát từ một nhận thức được doanh gia, học giả và dư luận cùng chia sẻ: Chủ nghĩa tư bản kinh tế và dân chủ chính trị là chân lý toàn cầu. Thời “Lịch sử Cáo chung” bắt đầu!
Chánh sách nhất quán lưỡng đảng dẫn tới đối sách chung với Trung Quốc - và cả Việt Nam: Gia tăng hợp tác kinh tế để thị trường sẽ chuyển hóa chính trị. Một mô thức rất hợp ý Marx! Bao tử căng hơn sẽ làm cái đầu thông thoáng hơn.
Sau khi đả kích chính quyền Cộng Hòa của George H. W.Bush (Bush 41) là không trừng phạt Bắc Kinh tội đàn áp dân chủ, năm 2000, Tổng Thống Bill Clinton bên Dân Chủ mở cửa WTO cho Trung Quốc hội nhập vào kinh tế toàn cầu, “vì quyền lợi và lý tưởng Hoa Kỳ”. Kế nhiệm là Tổng Thống George W. Bush (Bush 43) cũng cổ võ việc đó và tin vào giá trị luân lý của thị trường. Cũng là “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”! Từ năm 2005, chính quyền Bush 43 còn mong Trung Quốc sẽ cùng gánh vác thiên hạ sự với tinh thần trách nhiệm - “responsible stakeholder”.
Về Việt Nam, sau khi Clinton thiết lập bang giao - theo lộ trình của Bush 41 - Bush 43 cũng mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO theo cùng ước vọng. Phú quý rồi thì sẽ biết lễ nghĩa!
Bây giờ, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tăng trưởng kinh tế và đạt xuất siêu với Hoa Kỳ. Mà vẫn mạnh tay đàn áp dân chủ. Và, lạ chưa, hai nước lại chĩa súng vào nhau ở ngoài Ðông hải và ngó vào “quốc tế”, vào Hoa Kỳ!
Hà Nội thì mong “quốc tế” lên tiếng can thiệp sau khi cấm Mỹ xía vào nội bộ Việt Nam về nhân quyền. Ngược lại, Bắc Kinh đòi “quốc tế” đừng can thiệp vào nội tình Ðông hải, là chuyện nội bộ mà Trung Quốc sẽ giải quyết theo phương pháp song phương với từng nước!
Còn về “thiên hạ sự” của thế giới, quốc gia chẳng biết điều này đang thách đố vị trí siêu cường của Mỹ...
***
Kết hợp “ký ức 1989” và “ký ức 2009” - những biến cố chi phối cách suy nghĩ gần xa của dân Mỹ - ta thấy ra nhiều mâu thuẫn quái dị. Hình như là Mỹ hố!
Sau hơn 60 năm mở thị trường cho các nước dễ xuất cảng để tranh thủ đồng minh, nay Hoa Kỳ bị nhập siêu và cần xuất cảng, một bước ngoặc rất lạ. Sau khi tin vào sức mạnh của thị trường, Hoa Kỳ thấy kinh tế không chuyển hóa chính trị. Ngược lại, chính là nền dân chủ và quyền tự do của kinh tế lại gây vấn đề! Sau khi lạc quan chờ đợi kinh tế sẽ diễn biến hòa bình, người ta thấy ra chân lý khác: Các chế độ độc tài có khả năng quản lý kinh tế hữu hiệu hơn.
Và “Giải pháp Bắc Kinh” lại có giá trị hơn giải pháp tư bản: Dùng hệ thống chính trị độc đoán để phát triển kinh tế lên hàng cường quốc với tiềm năng bành trướng khó ngừa.
Chuyện “Lịch sử Cáo chung” đã cáo chung! Ðó là về lý luận: Bắc Kinh “tổng hợp quốc lực” - chữ của họ - để chủ nghĩa tư bản nhà nước vượt chủ nghĩa tư bản của xã hội đa nguyên.
Về đối sách, ngày nay khi đại cường tân hưng này đe dọa thế giới thì siêu cường Mỹ lại tuột dốc lịch sử. Ngoài những lúng túng với cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo, Mỹ chưa biết xử trí thế nào với một con rồng có hai sừng: Trung Quốc vừa là chủ nợ, đối tác kinh tế, lại vừa là đối thủ đang đòi leo qua đầu Mỹ! Kết luận có vẻ hợp lý là sự lớn mạnh tất yếu của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ muốn ngăn cũng khó.
Ðâm ra cả hai ngả cương nhu đều bất toàn: Chẳng đẩy Trung Quốc thành đối tác chiến lược cùng với mình giải quyết thiên hạ sự mà chỉ khiến xứ này thành đối thủ chiến lược. Và chủ nợ số một.
Kết luận chìm bên dưới là ách độc tài lại có ưu thế! Các nước độc tài thân Mỹ đều bị phản ứng dân chủ của dân Mỹ đánh gục. Chứ các nước độc tài chống Mỹ đều có vẻ vững mạnh hơn, từ Bắc Hàn tới Sudan, từ Venezuela tới Iran... Hà Nội thấy ra sự hấp dẫn của “Giải pháp Bắc Kinh” nên chạy theo định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa. Và giữa giải pháp cứu đảng với cứu nước, nhiều đảng viên đã chọn.
Tức là Hoa Kỳ bị tréo giò lạc quẻ vì nhận thức sai từ 1989 đến 2009, và ngày nay thì hết khả năng trị rồng... Hậu quả bất ngờ của lý luận lạc quan!
Nhưng đấy là nhìn từ bên ngoài, chứ chẳng lẽ lãnh đạo Mỹ lại khờ đến vậy? Nghi quá!
***
Hoa Kỳ có nét tạp chủng và là trường tranh luận bất tận về mọi chuyện gần xa.
Xứ này cũng quy tụ tinh hoa mọi mặt của thế giới vì đón nhận di dân đã vượt nhiều đợt sàng lọc và đào thải. Lãnh đạo thì đổi thay rất nhanh nhờ khả năng thực dụng cao độ, nếu không, chính họ bị cử tri đào thải. Trên diễn đàn đa nguyên có năm sáu trường phái đều hùng hồn cãi nhau về cách nhìn Trung Quốc: Phải chống, phải đối thoại hơn đối đầu, phải kết hợp hơn là ly gián. Hoặc là phải thu dọn gia cang trước khi nói chuyện trói rồng. Ðó là trên sân khấu rất ồn.
Bên dưới, người nào việc nấy trong công quyền vẫn mẫn cán chuẩn bị mọi loại giải pháp cho lãnh đạo. Kể cả thuật trị rồng, chỉ thi thố khi quyền lợi bị đe dọa.
Cột báo này viết đến hóa nhàm về nền kinh tế đi xe đạp của Trung Quốc. Ðạp chậm là đổ! Mà càng đắc chí đạp nhanh - với thành tích tưởng là làm Mỹ xanh mặt - thì càng sớm xuống hố. Dịch theo Mỹ, “kháng long hữu hối” nghĩa là lên quá thì hóa dại...
Về tốc độ, đà tăng trưởng rồng cọp mà thiếu phẩm chất của xứ này chỉ đào sâu bất công xã hội, gây nguy cơ phân hóa chính trị và khuếch tán thảm họa môi sinh - đập Tam Hiệp Ðại Bá là đại họa còn độc hơn bom nguyên tử. Hoa Kỳ ở vào vị trí thấy rõ những điều ấy nhất. Thấy mà không phun ra. Còn lên sân khấu cãi cọ như Ðào cốc Lục tiên, hoặc ra vẻ e sợ thế mạnh của thiên triều chủ nợ! Dân Mỹ cãi thật trên diễn đàn và bán sách như tôm tươi, vì quả là thế mạnh ấy đang thể hiện về quân sự với chiến pháp bất cân xứng bằng siêu kỹ thuật để hóa giải ưu thế Hoa Kỳ.
Nhưng sự thật là khi Bắc Kinh lập xâu chuỗi các căn cứ hải quân từ Thanh Ðảo qua Ðông hải tới Vịnh Bengal và Biển Á Rập, thì Hoa Kỳ đã sẵn dao bén, mài giũa từ thời lập quốc khi tách khỏi đế quốc hải dương là nước Anh. Nay có nút chặn ở mọi nơi: Hai Eo biển Malacca và Hormuz trên hải lộ sinh tử của Trung Quốc vẫn do các hạm đội Mỹ kiểm soát với kỹ thuật của khoa học giả tưởng. Dư luận Mỹ cứ thất thanh về con rồng đỏ, có khi chỉ để vận động ngân sách và sợi dây trói rồng! Nhiều giới chức ngoại giao cũng hùa vào báo động, để tác động đồng minh. Chung một mối lo thì mới đứng cùng chiến tuyến.
Và chính Bắc Kinh đang gây ra mối lo đó, với tám nước đang có tranh chấp về chủ quyền.
Cho nên, Hà Nội chờ Mỹ phản ứng mà biết đâu Hoa Kỳ lại chờ xem Việt Nam hành xử ra sao. Và xem những ai trong đảng còn muốn theo “Giải pháp Bắc Kinh”. Cách ngôn: Ðại bá hay tiểu bá gì thì cũng thua đại bợm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét