Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Hàng TQ len lỏi 'cửa chính', 'cửa phụ' vào Việt Nam

Tác giả: THỦY CHUNG
(VEF.VN) - Bằng đủ con đường, hàng Trung Quốc đang cắm rễ trong từng ngõ ngách trên thị trường Việt Nam. Chúng ta đang nhập quá nhiều hàng hóa mà DN trong nước hoàn toàn sản xuất được. Người tiêu dùng Việt Nam đang vô tình góp phần làm giàu cho DN Trung Quốc.
Theo TS. Doãn Hữu Tuệ, Giảng viên cao học Luật thương mại quốc tế (Chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Ngoại thương Hà Nội và ĐH Tours - Pháp), nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh từ 2,67 tỷ USD năm 2005 lên 12,7 tỉ USD năm 2010 (gấp 4,76 lần).
Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2010, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc càng tăng nhanh hơn. Điều này đã được dự báo trước.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, sự "phụ thuộc" lẫn nhau giữa các nền kinh tế là dễ hiểu, song theo ông Tuệ, sẽ chính xác hơn nếu nói kinh tế Việt Nam đang chịu tác động rất lớn từ kinh tế Trung Quốc.
Len cả "cửa chính", "cửa phụ"
- Vậy đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc VN thâm hụt thương mại lớn với TQ, trong đó nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân nào là chủ quan?
TS. Doãn Hữu Tuệ: Không khó để chỉ ra các nguyên nhân này nhưng để phân định rạch ròi khách quan - chủ quan lại không hề đơn giản, vì trong cái khách quan có cái chủ quan và ngược lại. Tôi chỉ xin nêu một số nguyên nhân, theo tôi là cơ bản nhất:
Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất: công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên buộc phải nhập một số lượng lớn các loại hàng hóa phục vụ sản xuất từ Trung Quốc. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc những năm gần đây, nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất thường chiếm 55- 60%.
Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp Trung Quốc liên tục thắng thầu tại các công trình lớn của Việt Nam như xây dựng nhà máy điện, xi măng, bô xít, phân bón, giao thông... Giá nhân công thấp, máy móc thiết bị rẻ và nhiều lợi thế khác, các nhà thầu Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nhà thầu Việt Nam và các nước. Khi thực hiện các công trình này, các nhà thầu Trung Quốc hầu như chỉ nhập máy móc, thiết bị từ Trung Quốc. Nhóm máy móc thiết bị chiếm 22- 25% trong kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một nguyên nhân cũng rất dễ nhận thấy là hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam thua xa hàng Trung Quốc về mẫu mã, hình thức và giá cả. Người tiêu dùng Việt Nam cũng vẫn "dễ dãi", ta lại hầu như chưa sử dụng được các công cụ tự vệ, các hàng rào phi quan thuế, phi thương mại..., nên hàng hóa Trung Quốc, kể cả hàng kém chất lượng, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Đây cũng là một hiện tượng đáng lo ngại trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc bên cạnh nhập siêu và thâm hụt thương mại.
Mặt khác, trong khi Trung Quốc liên tục thay đổi chính sách biên mậu, chính sách tỷ giá và áp dụng các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu, thì ta vẫn chưa có những thay đổi phù hợp và kịp thời để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc đang len lỏi khắp ngõ ngách trên thị trường Việt Nam. Ảnh: TTD (Tuổi trẻ)
Cuối cùng, cần nhấn mạnh đến nguyên nhân cơ bản là việc cắt giảm thuế theo tinh thần ACFTA, đến năm 2015 sẽ có 90% dòng hàng hóa Trung Quốc có mức thuế suất 0-5%. Hàng hóa Trung Quốc vốn không khó khăn gì thâm nhập thị trường Việt Nam qua "cửa phụ", nay lại có thể đàng hoàng vào Việt Nam bằng "cửa chính".
Nhập siêu từ Trung Quốc đã được coi là nguy cơ?
- Các nước trên thế giới hầu như đều có thâm hụt thương mại với TQ, vậy VN có nên lo ngại về việc này không? Các nước nhìn nhận và đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc như thế nào?
Cả Mỹ và EU đều có mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường các nước này. Những nước này đều nhìn nhận đây là nguy cơ đối với nền kinh tế của họ. Việt Nam cũng không thể nói là không nên lo ngại.
Các nước thường có những giải pháp quyết liệt cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Mỹ và EU liên tục cáo buộc Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng Nhân dân tệ (NDT) để giành lợi thế xuất khẩu.
Paul Dales - chuyên gia kinh tế thuộc Capital Economics nhận định "thâm hụt thương mại (của Mỹ) với Trung Quốc leo cao kỷ lục có thể làm tăng thêm những quan ngại về cuộc chiến tiền tệ", trong khi Paul Krugman - chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel - cho rằng "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng tiền tệ trên thế giới".
Các nước có thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng thường áp dụng các biện pháp bảo hộ dưới hình thức cứu trợ tài chính, viện trợ chính phủ, các biện pháp phòng vệ (thuế chống phá giá, chống trợ giá..., ví dụ Mỹ áp thuế chống phá giá cho vỏ xe, ống thép Trung Quốc). Các hình thức như trợ giá xuất khẩu, rào cản phi thuế quan, kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống tiêu chuẩn địa phương... cũng được áp dụng.
Điều đáng lưu ý là Việt Nam có xem thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc là một nguy cơ thực sự đối với nền kinh tế chưa? Đã quyết liệt thực hiện các biện pháp giảm thiểu nhập siêu từ Trung Quốc chưa? Doanh nghiệp Việt Nam đã làm hết khả năng để cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc trong sản xuất hàng hóa và đấu thầu các công trình lớn chưa? Người tiêu dùng Việt Nam đã thực sự nhận thức về tầm quan trọng của việc tiêu dùng hàng hóa nội địa chưa?
Khi doanh nghiệp Việt Nam còn phải sử dụng cả sợi, da lẫn keo dán của Trung Quốc để làm giày xuất khẩu, khi doanh nghiệp Trung Quốc còn chiếm thế thượng phong trong đấu thầu các công trình lớn ở Việt Nam, khi mỗi gia đình Việt Nam còn dùng cả lọ đựng tăm, dao thái rau, đôi đũa, cái thìa... "made in China" thì nhập siêu với Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên.
- Vậy Việt Nam mất gì và được gì trong thực tế là chúng ta thâm hụt thương mại lớn như vậy với Trung Quốc?
Nhập siêu không hẳn là hoàn toàn bất lợi cho nền kinh tế, vấn đề là nhập gì và sử dụng như thế nào. Ví dụ, nhập máy móc, thiết bị để hiện đại hóa công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm là rất cần thiết và có lợi cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, cái mất của Việt Nam là chủ yếu. Việt Nam đang nhập quá nhiều hàng hóa mà doanh nghiệp trong nước hoàn toàn sản xuất được. Người tiêu dùng Việt Nam đang vô tình góp phần làm giàu cho doanh nghiệp Trung Quốc, tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc cắm rễ ở mọi ngóc ngách trong thị trường Việt Nam, khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao.
Cái "được" lớn nhất có lẽ là tình hình đó buộc ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện quyết liệt những giải pháp mang tầm chiến lược nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Quan hệ thương mại không quyết định "thế" của Việt Nam
- Theo ông, Viêệ Nam cần làm gì để đảo ngược tình thế?
Việt Nam cần xây dựng và thực hiện quyết liệt một chiến lược dài hạn với những biện pháp đồng bộ, bài bản nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để giảm thiểu nhập siêu, từng bước cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc.
Việc đề ra các giải pháp cụ thể không quá khó, vấn đề là làm thế nào tạo được sự đồng tâm mạnh mẽ, hiệp lực chặt chẽ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tất nhiên đảo ngược tình thế trong một sớm một chiều là điều không thể, song ta hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình nếu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với một lộ trình phù hợp.
- Vậy theo ông, việc VN ở thế khó hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc có ảnh hưởng đến vị thế của VN trong các vấn đề khác, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông hiện nay, không?
Theo tôi là không! Cái "thế" của chúng ta trong các "vấn đề khác" không phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc mà phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vào truyền thống lịch sử của dân tộc ta, nhất là lòng yêu nước, bản lĩnh cũng như tinh thần đoàn kết của nhân dân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét