Các chế độ độc tài tồn tại được chính yếu là nhờ nắm hầu hết quyền lực quốc gia trong tay. Người dân bị kiểm soát bao tử và toàn thể xã hội bị khống chế nên sức đề kháng thường rất yếu, và do đó mà của cải, tài sản, phương tiện đều tập trung vào trong tay một thiểu số lãnh đạo và thân nhân của họ.
Mặc dù chế độ độc tài có bị chi phối bởi thế giới bên ngoài như nguồn lợi nhuận từ giao thương với các quốc gia hoặc chịu áp lực tẩy chay, phản đối của thế giới, nhưng sự sống còn của họ tùy thuộc vào yếu tố quốc nội. Đương nhiên, áp lực quốc tế vẫn có thể rất hiệu quả ở một số mặt như việc lên tiếng can thiệp về phương diện đàn áp nhân quyền, tôn giáo, và nhất là khi có một phong trào phản kháng mạnh mẽ ở trong nước. Những biện pháp tẩy chay, cấm vận, cắt đứt ngoại giao của thế giới lên chế độ độc tài lúc đó sẽ góp một phần trợ giúp rất lớn trong nỗ lực chấm dứt độc tài. Do đó, muốn vận động thế giới hỗ trợ mạnh mẽ chúng ta phải coi nỗ lực xây dựng phong trào phản kháng ngay tại quốc nội là then chốt. Để làm được điều này, Giáo sư Gene Sharp, một lý thuyết gia về Đối Đầu Bất Bạo Động đã đề nghị bốn việc:
Thứ nhất là tăng cường sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức bằng chính sự quyết tâm, niềm tin, và những cách thức phản kháng. Đây là nỗ lực mà các phong trào dân chủ tại Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc rất quan tâm khi họ tìm cách đưa ra những đòi hỏi, tạo áp lực lên các cơ quan chính quyền buộc họ phải nhượng bộ, đạt tới những chiến thắng nhỏ, giúp cho người dân thấy phấn chấn để quyết tâm đoàn kết tiến tới trong những áp lực kế tiếp.
Thứ hai là tăng cường sức mạnh của những đoàn thể, tổ chức, hay các nhóm nằm ngoài khuôn khổ kiểm soát của chế độ; và nhất là những định chế của tập thể quần chúng bị áp bức như công nhân, nông dân, người bán hàng rong, người lái xe taxi, xe ôm… Đây là nhu cầu thiết yếu để xây dựng môi trường sinh hoạt dân chủ với sự ra đời của nhiều tập hợp quần chúng ngoài luồng, kích thích làn sóng bất mãn trong xã hội gia tăng, thoát khỏi sự sợ hãi để đứng lên tranh đấu.
Thứ ba là xây dựng một lực lượng phản kháng mạnh mẽ với sự liên kết của nhiều thành phần quần chúng từ dân oan đến công nhân, từ thanh niên sinh viên đến tín đồ các tôn giáo nhằm công khai tranh đấu cho những quyền lợi và nguyện vọng cho đến khi chế độ độc tài phải thỏa mãn. Kinh nghiệm Đông Âu (1989), Serb (2000), Georgia (2003) cho thấy là các phong trào quần chúng phải tạo được thế liên hoàn trong cách tạo áp lực. Mục tiêu là để khi những đòi hỏi của một lực lượng quần chúng nào đó bị thoái trào hay mệt mỏi vì kéo dài quá lâu, thì phải có nhóm quần chúng khác nổi lên tiếp tục nhồi sóng việc tạo áp lực. Có như vậy mới đẩy chế độ độc tài rơi vào thế tứ bề thọ địch và tiến thoái lưỡng nan, trước sức ép đa diện của các nhóm quần chúng.
Thứ tư là khai triển một chiến lược tổng thể sáng suốt, thực tiễn và linh động để từng bước dồn chế độ độc tài vào thế suy yếu và mất dần quyền lực độc tôn trong sự lớn mạnh của lực lượng dân chủ. Đây là một nỗ lực tối quan trọng nhằm tìm một mẫu số chung giữa các tập hợp quần chúng trong việc đưa ra những đòi hỏi thay đổi theo từng đợt áp lực, khiến cho chế độ đôc tài lúng túng và mất dần khả năng giải quyết.
Bốn công việc nói trên chỉ là những nỗ lực tối thiểu phải làm. Trong thực tế, mỗi thành phần quần chúng có những sở trường và sở đoản khác nhau trong cách phản kháng, nên khó có thể đòi hỏi giống nhau. Ngoài ra, điều sai lầm mà người ta thường thấy trong những cuộc phản kháng chính trị trước đây là chỉ giới hạn vào hai cách: Biểu tình hay Đình công. Trong đối đầu bất bạo động, dựa trên sở trường và sở đoản của từng tập hợp quần chúng và nhất là dựa trên những yêu sách đấu tranh, có đến trên 200 phương thức biểu hiện sự phản kháng toàn diện của những quần chúng bị trị. Theo Giáo sư Gene Sharp, người ta đã xếp thành ba loại chính đi từ mức độ phản kháng nhẹ lên cao và quyết liệt gồm: 1/ Phản đối; 2/ Bất hợp tác; 3/ Đối đầu hay trực diện.
Khác với những hành động đối đầu mang tính quân sự, đối đầu bất bạo động thường chủ yếu ở dạng phản kháng toàn diện mang tính chính trị, bao gồm những việc từ phủ nhận tính chính danh, tư thế đại diện của chế độ độc tài tiến lên hành động bất hợp tác, bất tuân phục các chính sách và sau cùng là huy động số đông ngăn cản, tẩy chay…. để làm tê liệt, suy yếu bộ máy cai trị. Trong toàn bộ diễn tiến này, điều quan trọng là làm sao điều hướng để đám đông không đi quá đà dẫn đến bạo động – dù chỉ bạo động trong một giới hạn nào đó – cũng sẽ phản tác dụng, vì nó là lý cớ để cho chế độ độc tài ra tay đàn áp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc bạo động xảy ra ở mức độ nào đó khi bị công an hay người của chế độ khiêu khích là điều không thể tránh được. Dù có cản trở đến đâu, sự bực dọc và thù ghét chế độ độc tài nơi một số người khó có thể kiềm hãm khi bị khiêu khích. Trong những trường hợp này, chúng ta quy trách nhiệm cho guồng máy độc tài; nhưng cần phải giữ vững phương thức đối đầu bất bạo động để vô hiệu hóa những âm mưu khiêu khích hầu xuyên tạc chính nghĩa đấu tranh của quần chúng bị trị. Sau đây là một số phương pháp đấu tranh:
Trước hết, đối đầu bằng phương thức phản đối. Theo Giáo sư Gene Sharp thì phương thức này có đến 54 loại hành động nhằm bày tỏ sự bất mãn của từng người hay của một nhóm người đối với các cơ quan nhà nước độc tài, chia làm 7 hình thức.
Lên tiếng phản đối chính thức bằng tuyên ngôn, thỉnh nguyện thư, thư ngỏ về một quyết định, một chính sách hay về một hành động nào đó của chế độ – mà dân chúng thấy rằng quyền lợi của họ bị xúc phạm.
Rải truyền đơn, kẻ biểu ngữ trên các đường phố hoặc tán phát rộng rãi lá thư kêu gọi nhằm vận động dân chúng tham gia vào một vấn đề gì.
Phô bày một biểu tượng, một hình vẽ, một lá cờ hay phục hoạt lại một hình ảnh của những giá trị chính đáng nhưng bị chế độ độc tài loại ra từ lâu.
Tổ chức thắp nến, đêm không ngủ, cầu nguyện, trình diễn âm nhạc… để quy tụ số đông tham gia và truyền đạt những thông điệp phản kháng.
Tổ chức diễn hành với xe hoa, cờ, biểu ngữ hoặc tuần hành, những nghi thức tôn giáo, đua xe để quy tụ số đông tham gia.
Tổ chức các lễ vinh danh những người quá cố bị chế độ độc tài đàn áp, khai dụng những tang lễ, thăm viếng nơi chôn cất của người quá cố… để biểu dương tinh thần đấu tranh của họ.
Trả lại thẻ đảng, huy chương, bằng khen đã nhận từ chế độ độc tài, hoặc từ chối, im lặng, quay lưng với các buổi lễ do chế độ cưỡng bức tham dự.
Chủ yếu của phương thức phản đối nhằm giúp cho người dân từ tâm trạng sợ sệt có thể cùng với những người khác bày tỏ sự bất đồng của mình đối với các chính sách cai trị mà không sợ bị trả thù hay trù dập
Kế đến, đối đầu bằng phương thức bất hợp tác. Theo Giáo sư Gene Sharp thì phương thức này có đến trên 100 loại hành động, được chia là ba nhóm: 1/ bất hợp tác về xã hội; 2/ bất hợp tác về kinh tế bao gồm đình công, tẩy chay; 3/ bất hợp tác về chính trị.
Về bất hợp tác xã hội: Đây là một hình thức phản kháng mang tính chất bất tuân phục vào các nguyên tắc đưa ra của chế độ độc tài. Ví dụ tẩy chay giao tiếp, tẩy chay các sinh hoạt giao tế trong xã hội, rút tên ra khỏi các định chế xă hội, chấm dứt các dịch vụ tôn giáo, ngưng các sinh hoạt thể thao, xã hội…. Đây là hình thức phản kháng gây ra nhiều ảnh hưởng và tranh thủ một số đông quần chúng tham gia. Ví dụ, cuộc đấu tranh của các nhà sư chống lại chính quyền quân phiệt Miến vào tháng 9 năm 2007 đã ra quyết định chấm dứt những dịch vụ tôn giáo trong tập thể quân đội. Quyết định này đi đôi với các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn nhà sư trên các đường phố của Thủ Đô Rangoon để phản đối các chính sách phi dân chủ, đàn áp đối lập khiến cho quân phiệt Miến rất lo sợ.
Về bất hợp tác kinh tế: Đây là hình thức phản kháng mang tính chất tẩy chay của một giới quần chúng đối với các cơ quan của nhà nước độc tài. Sự phản kháng này có hai loại:
Tẩy chay gồm những hành động như không mua bán sản phẩm của những xí nghiệp tiếp tay chế độ độc tài đàn áp người dân; giữ tiền ở nhà không bỏ vào trong ngân hàng tín dụng nhà nước; không cho nhà nước hay cơ quan công quyền thuê mướn; từ chối làm việc với những công ty, nhà máy đàn áp nhân phẩm công nhân; tự lãng công, bãi công; rủ nhau rút tiền hàng loạt ra khỏi ngân hàng nhà nước; từ chối trả nợ, trả lãi xuất; từ đối đóng thuế; từ chối đóng các lệ phí hành chánh cho những thủ tục mang tính phục vụ người dân… Những hình thức tẩy chay này cần huy động nhiều người cùng tham gia thì mới có tác dụng cao. Đây là hình thức phản kháng đã được hầu hết các phong trào dân chủ từ Đông Âu (1989) cho đến Liên Xô (1991), Georgia (2003), Ukrainer (2004) áp dụng.
Đình công gồm những hành động phản kháng tập thể từ chỗ lãng công ngắn hạn, dài hạn trong công ty phải tiến đến chỗ vận động các chuyên gia, các thành phần công nhân khác cùng tham gia để tạo thành phong trào đình công lớn trên quy mô tỉnh, thành phố, khu vực rồi lên toàn quốc. Khi đã đẩy lên thành quy mô ở cấp thành phố hay khu vực, phải tạo được thế liên hoàn giữa các nhóm đấu tranh để thay phiên nhau kéo dài các cuộc đình công và qua đó tổ chức hóa bộ phận lãnh đạo công đoàn. Cuộc đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết khởi đi từ Xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdank vào tháng 4 năm 1980 với sự ra đời của Ủy ban đình công. Bốn tháng sau, Ủy ban đình công đã biến cải thành Công Đoàn Đoàn Kết và phát triển đến hai thành phố Poznam và Warsaw. Đến tháng 12 năm 1980, Công Đoàn Đoàn Kết đã phát triển lên thành 10 chi nhánh trên toàn quốc với các cuộc đình công diễn ra liên tục đòi tăng lương, đòi dân chủ, đòi tư do ngôn luận…. tạo môt áp lực sinh tử lên đảng Cộng sản Ba Lan sau đó.
Về bất hợp tác chính trị: Đây là hình thức phản kháng mang tính chất vừa phủ nhận, vừa thách đố quyền lực chính trị đối với chế độ độc tài. Nỗ lực phản kháng về mặt chính trị được diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo vị trí và khả năng đối đầu của từng người hay từng tập hợp quần chúng, song song với lòng dũng cảm. Sự phản kháng chính trị được biểu hiện dưới các hình thức:
Phủ nhận tính đại diện nhà nước: Công khai từ chối ủng hộ nhà nước; Viết và phát biểu kêu gọi mọi người đứng lên chống lại những chính sách cai trị độc tài và bất công; Công khai đòi hỏi nhà cầm quyền thực thi các quyền tự do của con người…
Bất hợp tác với nhà nước: Kêu gọi tẩy chay hệ thống lập pháp; Tẩy chay các cuộc bầu cử; Tẩy chay các công việc và chức vụ của nhà nước; Tẩy chay các cơ bộ, các cơ quan, tổ chức chính quyền và đoàn thể ngoại vi; Bãi khóa, rút khỏi các cơ quan giáo dục nhà nước; Từ chối trợ giúp các cơ quan điều tra của nhà nước…
Bất tuân phục các lệnh của nhà nước: Bất hợp tác lệnh bắt lính hay trục xuất; Bất tuân các luật lệ bất chính; Từ chối lệnh tụ tập hay tham gia hội họp các Tổ dân phố hay các cơ quan nhà nước; Khiếu kiện các cơ quan nhà nước; Ngồi vạ để đòi hỏi công lý; Tổ chức cầu nguyện tập thể…
Sau cùng, đối đầu bằng phương thức trực diện. Theo Giáo sư Gene Sharp thì phương thức này có khoảng 41 loại hành động nhằm đối đầu một cách công khai, ôn hòa nhưng quyết liệt để tạo áp lực thay đổi mạnh mẽ như tuyệt thực vô hạn định, chiếm ngụ bất bạo động một cơ quan nhà nước; hình thành một chính quyền song song để thách đố quyền lực chính trị của nhóm lãnh đạo. Phương thức phản kháng này đòi hỏi người tổ chức phải nắm vững kỹ thuật, can đảm và kiên quyết theo đuổi cho đến khi đạt mục tiêu như Chiếm diễn đàn; Gây quá tải cho phương tiện chuyên chở công cộng; Đề nghị tạo lập một cơ chế xã hội mới thay thế; Tạo một hệ thống thông tin liên lạc khác thay thế thứ thông tin của nhà nước; Gây quá tải hệ thống hành chánh qua một chiến dịch nào đó; Công bố danh tánh công an, mật vụ đàn áp người dân vô tội; Rủ nhau phản kháng tập thể để đi vào tù tập thể cho đến lúc nhà nước không còn dám bắt giữ nữa.
Tóm lại, Đối Đấu Bất Bạo Động là một kỹ thuật hành động trong xã hội phức tạp, bao gồm nhiều phương pháp, nhiều phương cách tạo thay đổi và đòi hỏi một số cách hành xử riêng biệt. Trong tất cả hơn 200 loại phản kháng – rút tỉa từ những kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào dân chủ đã thành công – nỗ lực đối đầu dưới hình thức bất hợp tác chính trị cần phải được sửa soạn và lên kế hoạch cẩn thận. Những người tham gia cần phải hiểu rõ những điều đòi hỏi nơi họ và mức thang kết quả có thể chấp nhận được qua những lần phản kháng. Bởi vì trong các cuộc đối đầu, bất hợp tác chính trị là một thế trận liên tục thay đổi với những đòn công và phản công. Không có gì đứng yên. Tương quan lực lượng vì thế mà thay đổi nhanh chóng tùy theo khả năng ảnh hưởng và tác động của mỗi phía. Ngoài ra, một số phương pháp đối đầu bất bạo động đòi hỏi người ta phải làm những hành động không dính dáng gì đến đời sống thường ngày, chẳng hạn như phát truyền đơn, in ấn bí mật, tham gia tuyệt thực, tọa kháng trên đường phố. Những nỗ lực này đòi hỏi người thực hiện phải có ý chí kiên trì. Tuy nhiên, cũng có những phản kháng chỉ cần người ta làm khác với đời sống thường ngày một chút là đủ. Đó là công nhân vẫn đến sở nhưng thay vì mẫn cán làm việc thì lại làm chậm hơn hay kém hiệu quả hơn thường lệ, hoặc công nhân rủ nhau khai bệnh tập thể để không đi làm được vào cùng một thời điểm nhất định…
Đối đầu bất bạo động đã cho chúng ta rất nhiều phương thức phản kháng. Điều quan trọng là phải biết khai dụng những phương thức phản kháng nào phù hợp cho từng yêu sách để nhanh chóng thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét