Lê Nguyên Hồng
Loạn lạc xảy ra trong một đất nước, phản ánh sự khủng hoảng của một thể chế, đế chế, triều đại, hay chế độ. Đại loạn là khi quốc gia đó mất kiểm soát và mất cân bằng trong trật tự xã hội, quan chức tác trách, pháp luật lỏng lẻo bất minh, lòng dân không phục, nạn cướp bóc hoành hành. Các chuẩn mực đạo đức xã hội bị bào mòn thoái hóa, biến dị. Dân nghèo trỗi dậy, giặc ngoài nhòm ngó vv…
Nước Việt Nam, hàng ngàn năm qua luôn phát triển theo một quy luật có dạng đồ thị hình sin: Thịnh – Suy => Suy – Thịnh. Hiện nay nó đang đi xuống dốc với tốc độ khủng khiếp, mang trong mình sự loạn lạc khôn cùng, thể hiện sự suy tàn nghiêm trọng của thể chế Độc tài Cộng sản. Đại loạn nay đã bắt đầu vượt qua giai đoạn “mầm” và phát triển thành “cây”, có lẽ phải gọi mối nguy hiểm khôn lường ấy là “cây đại loạn”… Đại loạn ở Việt Nam không còn là nguy cơ, nó đã gõ cửa chế độ, len lỏi vào từng ngôi làng, từng ngõ xóm, từng con phố, góc chợ, cuối đường.
Đại loạn luôn sẵn sàng cướp đi miếng cơm của bác dân cày, sẵn sàng cướp đi tuổi thơ của em bé, sẵn sàng phá tan hạnh phúc của mọi gia đình. Chúng ta cùng tìm hiểu xem ác thần Đại loạn đang hoành hành ở Việt Nam như thế nào?
Loạn mua quan bán chức:
Có lẽ còn trắng trợn hơn cả thời Phong kiến, nạn mua quan bán chức trong xã hội Việt Nam từ mấy chục năm nay đã tồn tại và phát triển như một thứ bệnh dịch kháng thuốc.
Trước đây là chuyện đút lót thông qua quà biếu. Nay thì là chuyện ăn chia hẳn hoi, rành mạch, ví dụ: Để được chuyển sang làm cảnh sát giao thông, một viên công an bình thường sẽ phải chung chi khoảng từ 1 đến 2 trăm triệu đồng cho cấp trên. Muốn được lên chức bí thư, chủ tịch huyện, một viên trưởng phòng sẽ phải chi khoảng 500 triệu trở lên. Chức chủ tịch, bí thư tỉnh, thành phố (vùng núi) là 1 đến 3 tỉ, tùy theo vị trí chức vụ người đó đang ngồi, còn những chức vụ này ở vùng đồng bằng thì cần phải chạy với khoản tiền lớn hơn. Cấp thứ trưởng, bộ trưởng thì vô cùng, tùy theo túi tiền của kẻ mua và mối quan hệ thân tình gần gũi của người bán.
Theo những thông tin truyền miệng rò rỉ từ người nhà của một số ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản, để leo lên được chức phó thủ tướng, một ông bộ trưởng nọ đã phải chi 2 triệu USD. Còn một bộ trưởng khác thì đã chi hơn 800 ngàn USD…“Báo cáo của các cơ quan Nhà nước đã thừa nhận có hiện tượng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội, “chạy” dự án, “chạy” bằng cấp, “chạy” khen thưởng và kể cả chạy tuổi nữa” (Phát biểu của Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12)
Loạn văn bản pháp luật:
Riêng Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và các bộ chủ quản qua các nhiệm kỳ, đã ban hành và ký duyệt hàng chục ngàn văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật. Đối với Chính phủ thì theo Vụ pháp luật của Văn phòng Chính phủ “để đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết như kế hoạch đã đăng ký, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31/2006/CT-TTg ngày 25/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; thường xuyên báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng được phân công chỉ đạo về tình hình soạn thảo văn bản”.
Cũng theo thông tin từ Vụ này thì “tính đến thời điểm đầu năm 2011, các luật do Quốc hội thông qua chỉ riêng năm 2010 đã có hiệu lực như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật nuôi con nuôi, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,... Như vậy, trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần ban hành khoảng 90 văn bản quy định chi tiết cho các Luật đã có hiệu lực”…
Nói một cách ngắn gọn là Việt Nam hiện nay đang có một rừng luật, thậm chí người ban hành nó cũng không thể nào nhớ nổi tên của các luật mà mình đã ký. Và tốc độ “sản xuất luật” của Quốc hội và Chính phủ luôn được đẩy mạnh. Nhưng thực tế nếu tiến hành điều tra lại, thì rừng luật nói trên đã đi vào cuộc sống như thế nào? Lấy ví dụ vụ Vinashin thất thoát do tham nhũng lãng phí 1 trăm ngàn tỉ, được thanh tra tới 11 lần ở cấp nhà nước nhưng không phát hiện được sai phạm, đến nay vẫn không thể quy trách nhiệm quản lý thuộc về ai.
Gần đây nhất là vụ chìm tàu Dìn Ký, làm 16 người chết, sau khi họp đi họp lại ở cấp tỉnh Bình Dương và thành phố Biên Hòa, vẫn không biết ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Mặc dù Dìn Ký hoạt động không phép nhiều năm nay…
Loạn giao thông:
Giao thông vốn được coi như mạch máu của đất nước, nhưng những “mạch máu” này ở Việt Nam rất hẹp và chỉ chiếm tỉ lệ khoảng dưới 10% mặt bằng đô thị, có nơi là dưới 5%. Trong khi đó tỉ lệ mặt bằng dành cho giao thông trung bình của các đô thị hiện đại lại cần ít nhất là 20% diện tích mặt bằng đô thị. Vì vậy nạn tắc đường thường xuyên xảy ra trầm trọng tại Hà Nội và Sài Gòn là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó luật lệ giao thông không được tôn trọng, vì bản thân các luật này có nhiều điểm bất hợp lý, phản khoa học, cộng thêm ý thức người tham gia giao thông yếu kém, đã tạo nên một trạng thái giao thông hỗn loạn, gây hậu quả lớn là ách tắc giao thông ở khu vực đô thị và thường xảy ra tai nạn thảm khốc ở các cung đường liên tỉnh. Người dân bước chân ra khỏi nhà là như đi vào một trận đánh mà mình nắm chắc phần thua. Cứ đi ra đường an toàn trở về nhà đã là một may mắn tuyệt vời…
Loạn hàng Tầu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất:
Theo tạp chí Công Nghiệp Việt Nam, số ra ngày 18/10/2010, có tới 50% đồ kỹ thuật số, 60% số phụ tùng ô tô, 72% đồ may mặc, giầy dép, túi xách mang nhãn hiệu nổi tiếng, 71% đĩa DVD, thẻ nhớ... là hàng giả lưu thông công khai tại Việt Nam (số liệu này chắc chắn là còn khiêm tốn). Trong 100% các gia đình ở Việt Nam đều có sự hiện diện của hàng Tầu, từ xe máy, quạt, điện thoại, và nhiều hàng gia dụng khác. Điều đáng nói là ngoài việc hàng Tầu có chất lượng kém, thì nó phần lớn đều là hàng buôn lậu, làm thất thoát nguồn thu thuế của quốc gia. Hàng hóa của Tầu đã thực sự khuynh loát thị trường tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là sự độc hại thì không có một cơ quan nào có thể kiểm định. Đây là một hiểm họa lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
Loạn băng đảng, chém giết:
Chưa bao giờ nạn chém giết, cướp bóc, lại kinh hoàng như hiện nay ở Việt Nam. Có người nói “ở Việt Nam mạng người không bằng mạng chó”, quả có hơi ngoa dụ, nhưng hoàn toàn phản ánh rất đúng thực tại. Chuyện cướp tiệm vàng, trộm ô tô xe máy, đuổi chém người cả trong các bệnh viện như phim hành động Holywood là chuyện thường xuyên xảy ra. Hiện nay chuyện các băng đảng giang hồ dàn trận chiến với hàng chục đến vài chục người có hung khí lạnh và nóng trong tay, sẵn sàng tàn sát nhau như thời trung cổ là chuyện không còn xa lạ gì nữa. Ra đường đồng nghĩa với sự không an toàn, đó là cách giải thích vì sao người dân lại ngán tham gia giao thông là như vậy…
Loạn chiến tranh:
Nếu liệt kê đầy đủ các mầm loạn ở Việt Nam thì còn phải tốn giấy mực nhiều, như loạn chuẩn văn hóa, loạn chuẩn giáo dục, loạn bằng giả, loạn cò dịch vụ, loạn thu phí vv... Nhưng có lẽ loạn chiến tranh là đại loạn lớn nhất đang rình rập non sông Việt Nam. Với những tuyên bố hiếu chiến, thể hiện tham vọng Biển Đông, Trung Quốc đã khơi mào những đụng độ trên biển bằng hàng loạt những vụ gây hấn và xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng. Ngoài ý đồ bành trướng thường thấy ở các nước lớn, cũng là điều tất nhiên và tự nhiên.
Một yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc được đà lấn tới, đó là Việt Nam tỏ ra dè dặt tới mức đớn hèn trong cách hành xử trên bình diện ngoại giao, nhất là cách giấu nhẹm các vụ ngư dân và hải quân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công trên Biển Đông trong nhiều năm qua. Đây là biểu hiện tâm lý sợ hãi của con mồi trước kẻ đi săn. Nắm được tâm lý này cho nên Trung Quốc càng lấn tới. Nếu Việt Nam đã là một nước giàu mạnh thì họ sẽ không dám khinh xuất như vậy.
Chiến tranh biển, và có thể là cả trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ xảy ra, nếu quốc tế không kịp can thiệp. Biển Đông đang nóng lên từng ngày với các vụ diễn tập quân sự, tàu chiến tăng cường. Đây thường là dấu hiệu dạo đầu cho mỗi cuộc chiến. Nếu chiến tranh xảy ra, những sự rối ren loạn lạc trong nước sẽ nhân cơ hội gia tăng. Người dân sẽ rút tiền tại các ngân hàng, mua vàng tích trữ, giao dịch tiền tệ sẽ ngưng trệ lưu thông, loạn càng thêm loạn. Xét cho cùng, vì là nước nghèo, nước yếu cho nên Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng đứng giữa ngã ba đường, không biết đi đâu về đâu. Để đất nước đói nghèo, để xảy ra loạn lạc, không cứng rắn và cương quyết từ đầu trên Biển Đông, đó đều là trách nhiệm của những người đã và đang nắm quyền đất nước. Họ sẽ làm gì? Liệu họ có dám thẳng thắn nhìn nhận là, để xảy ra cơ sự này chính do bởi họ?
Đại loạn là điều tất yếu:
Vụ việc hơn 300 người dân nghèo tấn công mỏ vàng Bồng Miêu lúc 2 giờ sáng ngày 4/6/2011 cướp hàng chục tấn quặng vàng và dùng đá, dùi cui, dao rựa, đập bể kính xe, đánh toác đầu bảo vệ mỏ vàng. Rồi ngày 25/05/2011 khoảng hơn 30 người dân đã tấn công trạm kiểm lâm Xuyên Á. Hoặc ngày 12/04/2011 hàng trăm người dân đã tấn công trạm liểm lâm Thanh Chương – Nghệ An vv.., là những ví dụ cho thấy nỗi bức xúc của người dân lành, do đói khát thiếu thốn, do bất mãn với chính sách bất công của nhà nước, do căm ghét cán bộ công quyền lộng hành, đã buộc phải bùng phát thành bạo lực. Đại loạn là điều tất yếu! Khi guồng máy cầm quyền tỏ ra yếu kém, bất lực, tham nhũng, hách dịch cửa quyền, “hèn với giặc, ác với dân”.
Khi hố sâu giai cấp giữa quan chức và người dân lao động ngày càng lớn. Khi pháp luật bất công và bất minh. Khi mâu thuẫn giàu nghèo gia tăng. Khi các băng nhóm tội phạm hình sự được sự bảo kê của các cán bộ thừa hành pháp luật. Khi người dân nghèo không có việc làm. Khi cái đói hành hạ. Khi giặc ngoài ngấp nghé giang sơn. Tất cả những yếu tố đó sẽ làm nên đại loạn…
Lê Nguyên Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét