Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

'Ði dây' với nhân dân, coi chừng té

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

“Ði dây” là hai chữ được dùng khá thường xuyên để miêu tả cách thức “lăng ba vi bộ” của nhà cầm quyền Việt Nam.

Thông thường nhất, người ta nói chính quyền Việt Nam “đi dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong quá khứ, khi nội bộ quốc tế cộng sản hục hặc nhau, người ta cũng từng nói Việt Nam thời Hồ Chí Minh đã “đi dây” giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Khi đi dây như vậy, chính quyền Việt Nam không thể hiện rõ lập trường. Anh phe ai, Brezhnev hay Mao? Không biết. Anh muốn thân ai, Mỹ hay Tàu? Cũng không biết.

Tất nhiên, nhà nước Việt Nam, hay cụ thể hơn là nhà nước cộng sản Việt Nam, cũng nghĩ ra được một câu trả lời để nói nghe như một thứ lập trường. Hỏi anh phe ai, Brezhnev hay Mao, nhà nước Việt Nam sẽ trả lời nước đôi rằng chúng tôi về phe xã hội chủ nghĩa, cả Nga lẫn Tàu. Thoáng nghe qua thì cũng hợp lý, nhưng thật ra không hợp lý chút nào. Như hỏi anh yêu ai, Hoạn Thư hay Thúy Kiều, anh không thể trả lời chung chung là tôi yêu phụ nữ. Khi Nga với Tàu tố cáo lẫn nhau là không theo đúng chủ nghĩa cộng sản, nếu anh tự gọi là cộng sản anh phải chọn một trong hai.
Nhưng đó là bản chất của đi dây. Người đi dây không có lập trường mà chỉ muốn nửa bên này nửa bên kia, vừa A vừa B, vừa say vừa tỉnh. Nếu đi giỏi, động tác đi dây sẽ có tính hài hòa. Ði dây không giỏi, sẽ giống như người tâm thần phân liệt.
Trong hai tuần mới đây, một hiện tượng đi dây mới, lại diễn ra. Ðó là chuyện biểu tình. Trong chuyện này, nhà nước Việt Nam lại một lần nữa biểu hiện sự thiếu lập trường và động thái nửa muốn thế này nửa muốn thế nọ.
Một mặt, nhà nước ra vẻ như muốn chống hành động xâm lăng của Trung Quốc, nên nhá đèn xanh hay vàng gì đó, cho người dân xuống đường biểu tình.
Ở Hà Nội, Sài Gòn trong ngày 5 tháng 6, cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, không có xung đột lộ liễu giữa dân với công an.
Nhưng bên cạnh đó, nhà nước vẫn sợ hãi khi nhìn một cuộc xuống đường. Nhiều nhân vật nhạy cảm bị ngăn chặn không được tham gia. Nhạc sĩ Tuấn Khanh chẳng hạn, đóng vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình 2007, bị chặn không được vào trung tâm Sài Gòn. An ninh bủa vây một loạt nhân vật khác, các blogger Hồ Lan Hương, Uyên Vũ, Bướm Ðêm, Tạ Phong Tần. Blogger Mẹ Nấm bị bắt, bị giam hơn một ngày.
Một thí dụ của nỗi sợ “biểu tình” là cuộc đối thoại giữa an ninh và Mẹ Nấm. “Ý kiến của công an: Nhà nước không cho phép biểu tình, biểu tình là vi phạm pháp luật, cho dù đó là tuần hành ôn hòa” - Mẹ Nấm kể lại.
Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam, gọi cuộc biểu tình tuần hành là chuyện “một số người đi ngang qua” tòa đại sứ, tòa tổng lãnh sự, cũng là kết quả của tính tâm thần phân liệt đối với hiện tượng “biểu tình”: Cũng muốn dân chống Trung Quốc lắm, nhưng cũng không muốn dân “biểu tình” chút nào.
Nhất là biểu tình tự phát. Nếu để dân tự phát lần 1, rồi tự phát lần 2, biết làm gì khi dân tự phát lần 3, lần 4, lần n?
Nỗi sợ này lên cao hơn khi người dân biểu tình tự phát tuần thứ nhì. Tất cả những gương mặt trí thức tham gia biểu tình Chủ Nhật trước đều bị theo dõi và đe dọa không được bước ra khỏi nhà. Họ cũng bị cô lập thông tin, nhiều người còn không biết có cuộc biểu tình lần 2.
Và tất nhiên, không thể không nhắc đến những vụ bắt thanh niên giữa ban ngày, với tấm hình nóng nhất trong ngày và nhiều hình khác.
Ði dây giữa nhu cầu chống ngoại xâm và nhu cầu cai trị dân chúng, Ðảng Cộng Sản lại biểu lộ lập trường mập mờ, không rõ rệt.
Nhưng đi dây có gì xấu? Chẳng phải chính sự điêu luyện đi dây giữa Liên Xô và Trung Quốc đã giúp miền Bắc nhận viện trợ từ cả hai phía? Không phải vậy. Lợi điểm đó chỉ ngắn hạn. Ơn mưa móc nhận được từ Nga với Tàu, thế nào cũng có lúc phải trả.
Tới khi đánh nhau xong, cả hai bên Liên Xô - Trung Quốc đều quay sang đòi nợ, không chỉ nợ vật chất, mà còn đòi nợ tinh thần. Thắng rồi, cả hai bên đều hết nhân nhượng với sự lấp lửng, và đòi hỏi Ðảng Cộng Sản Việt Nam phải nói rõ: Anh đứng ở đâu trong quốc tế cộng sản? Anh về với Nga, hay về với Tàu? Khi Việt Nam ngả hẳn về phía Liên Xô, Trung Quốc cho rằng cộng sản Việt Nam tráo trở, “dạy cho một bài học.”
Lẽ ra bài học phải rút ra, là “chớ có mà đi dây.” Nhưng Việt Nam dường như vẫn cứ không chịu học bài này. Khi đi dây giữa Tàu với Mỹ, Việt Nam tập trận với Mỹ là bị Trung Quốc lên án. Thử hỏi Philippines, Nam Hàn, nhiều nước khác tập trận với Mỹ, có bị Trung Quốc lên án không? Tại sao lại lên án Việt Nam? Vì Trung Quốc lại một lần nữa có cảm tưởng cộng sản Việt Nam tráo trở, đi nước đôi.
Ði dây, do đó, thực ra là có hại chứ không lợi lộc gì.
Ði dây với nhân dân, lại càng hại nữa. Nhân dân thấy gì khi mình biểu tình chống Trung Quốc mà bị bắt?
Nhân dân thấy gì khi tuần trước được bật đèn xanh đèn vàng, mà mấy ngày sau, Trung Quốc đòi Việt Nam xử lý dư luận, thì tuần sau đó quả nhiên dư luận bị xử lý?
Sẽ tới một ngày, nhân dân hết nhân nhượng với sự lấp lửng, và đòi hỏi Ðảng Cộng Sản Việt Nam phải nói rõ: Anh đứng ở đâu, về với dân, hay về với Tàu?
Liệu có dễ dàng đi dây với lòng yêu nước của dân mãi được không?







HỒ THƠM đã nói

“Nhưng gì thì gì đừng đánh đồng bào mình
Đừng bẻ tay , vặn cổ đồng bào mình
Hãy vặn cổ bẻ tay bọn xâm lược.
Thuế đồng bào nuôi các anh bấy nay
Làm thế coi không được.”

Nói với Ông ,
Lão già gần sáu mươi tuổi
Sức đã tàn lực đã kiệt
Nhưng lòng yêu nước vẫn chưa tàn ,chưa kiệt
Vẫn không quen chịu nhục chịu hèn
ông nói với lũ chó săn , ” Và cả với đứa nào rắp ranh bán nước”
“Tại sao tôi đi ?”
Chẳng biết chúng có nghe không ? Chúng có hiểu không ?
Ông nói
“Các anh an ninh này”
Dù vẫn biết ‘còn Đảng còn mình”
Nhưng các anh thì cũng từ dân nghèo sinh ra
không phải ai cũng con vương con tướng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét