Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Đa số im lặng

Vinh Anh
 
Nửa tháng qua, không phải, cả tháng nay rồi, từ cái ngày “Bình Minh 02” bị cắt cáp, qua mấy lời của “người phát ngôn”, qua hình ảnh và phát biểu của những quan chức ở mấy cái hội nghị khu vực và qua những câu trả lời phỏng vấn của các vị có chức sắc, rồi lại tiếp những hình ảnh vui buồn lẫn lộn, đan xen trong hai ngày chủ nhật mùng 5 và 12 tháng 6 vừa rồi, vẫn thấy miệng đắng ngắt mỗi khi nghĩ về cái đa số im lặng.

Nếu hỏi từ bao giờ, cái điểm khởi đầu về chuyện anh hàng xóm ấy, cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ nhớ nhất từ hồi có ông bô-xít Huệ Chi xuất hiện, mới theo dõi được thường xuyên các chuyện của nước ta với anh hàng xóm.

Năm bảy chín đánh Pôn-pốt rồi đánh Tầu ở biên giới, Hà Nội vẫn bình an nhưng đã thường xuyên “bám” theo cái vụ nạn kiều để mở mang đầu óc. Mang tiếng là lính nhưng chỉ biết về Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1974, cũng là nhờ mấy anh lính cộng hoà, chống Tầu. Đến việc Mỹ bỏ đồng minh, rồi mất đảo. Thua. Lúc đó còn chiến tranh, đang dốc sức vào trận cuối, chẳng biết nên mừng hay vui. Chỉ thấy có điều gì đó gai gai gờn gợn. Chẳng gì cũng là biển đảo của người Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam. Lờ mờ mới chỉ biết được thế, nghĩ được thế. Hy vọng mong manh để giải thích cho sự non kém của mình: chắc là một hành động chi viện của người đồng chí anh em(!).

Than ôi, ấu trĩ một thời là thế! 

Đời người có nhiều lúc ngờ ngệch, ngây ngô đáng thương nhưng cũng đáng thông cảm, bỏ qua. Đó là tuổi ấu thơ và cũng có cả một thời tuổi thanh niên sôi nổi nữa. Nhưng khi đã bước qua cái ngưỡng ban đầu bỡ ngỡ đó, ta phải có trách nhiệm với mọi suy nghĩ và hành động của mình, không thể đổ cho khách quan được nữa. Không thể nhìn đời bằng con mắt ngây thơ trong sáng vô tư được nữa. Cuộc đời bây giờ là cạm bẫy và nhiều thứ gọi là nhiễu nhương. Lúc này cuộc sống đòi hỏi ta phải đứng trên đôi chân của chính mình, không thể cứ dựa vào trên đôi vai của người khổng lồ mãi được.

Dẫu vẫn biết con người vốn “tính bản thiện”nên thật khó trách cứ. Con người phải chăm lo cuộc sống cho mình và gia đình ngày một tốt và cái mối liên quan dây nhợ này sẽ mỗi ngày một dài. Khó trách, nếu ai đó vì cái mối dây nhợ đó mà không quan tâm đến việc nước lắm. Đó là những con người bình thường của xã hội.

Nhưng rồi tự hỏi, có trách được không, những bạn trẻ chỉ biết chăm lo cho cá nhân mình, những trí thức chỉ biết đứng ngoài cuộc và “phán”. Và thêm nữa, vốn rất tự hào về mảnh đất Thăng Long, vốn rất tự hào nó là nơi quy tụ những nhân tài đất Việt, vốn rất tự hào về những người được mệnh danh là sĩ phu Bắc Hà, mà sao lại vẫn thấy lẻ bóng lắm, cô đơn, thiếu nhiều tiếng nói lắm..

Bình thường sẽ biến thành tầm thường nếu đi xa thêm một đoạn nữa.

Sáng ngày 5 tháng 6, đi loanh quanh xem “thời tiết chính trị” ở khu vực Đại sứ quán Tầu. Sau một vòng lượn qua các phố, thấy vững khí hơn, cho xe lên hè phố, trước quán cà phê “Cột Cờ”.

Nhìn những gương mặt trẻ măng, thương chúng nó và cũng tự hào về chúng nó quá. Bảo vệ được đất nước này chính phải nhờ vào chúng. Chợt thấy chúng nó vượt qua mình nhiều lẽ, độ thông minh tự tin và lòng dũng cảm. Thêm tin tưởng vào lớp trẻ hơn.

Nhưng vẫn thấy một điều gì chưa thoả mãn. Còn muốn hơn nữa kia. Đó là nhìn số lượng đoàn người giăng biểu ngữ, vẫy cờ bày tỏ thái độ và hát quốc ca, thấy cái sự tự hào của mình hơi quá. Những người mang sắc phục để đề phòng cuộc xuống đường sao lại nhiều thế. Trưa về mở máy, thấy “ngượng” với người Sài Gòn. Ở trong đó, người ta rủ nhau xuống đường có bài bản, có cả ông già chuyên nghiên cứu lịch sử đã 92 tuổi cũng tham gia “tụ tập”. Ở Hà Nội không thấy mấy ai, [...]. Hoá ra, nỗi sợ hãi mà Ngô Bảo Châu nói vẫn rất thật và hiện hữu quanh ta. Miệng chát đắng.

Yêu nước trên đất đai Tổ quốc mình mà vẫn phải có lòng dũng cảm và vượt rào chắn, kỳ khôi không? Lại cái điều đắng ngắt và khô bỏng trong miệng! Hoá ra đa số còn im lặng trông chờ nhiều quá.

Lần thứ hai, ngày 12 tháng 6, thấy trí thức Hà thành trỗi dậy cũng đáng nể hơn. Có một điều buồn tiếp, lực lượng giữ trật tự nhiều quá, nhiều hơn cả số người đi. Cũng buồn cho ở trong kia, lần này không thấy trí thức dẫn đầu, lại còn có sự bắt bớ nữa.

Phải công nhận, Hà Nội có Giáo sư Huệ Chi làm cho người đi “tụ tập” như mình sướng, làm hả dạ người Hà Nội. Nghe giáo sư nói với mấy anh cảnh sát khi đứng gần sứ quán Trung Quốc mà người nổi gai vì cảm động và tự hào: “Nhân dân ta biểu dương lực lượng để bọn xâm lược biết quyết tâm sắt đã của cả nước ta. Nếu ngăn cản đoàn biểu tình thì các cháu đứng về phía nào? Các cháu có thấy chống nhân dân biểu tình phản đối xâm lược là nhục hay không?”. Có lẽ, số người nghe giáo sư nói là lực lượng chuyên trách đông hơn thanh niên sinh viên.

Cũng như ngày 5 tháng 6 tuần trước, các trí thức Sài thành đối thoại với một số vị lãnh đạo trong trụ sở Đoàn thanh niên thành phố, người Sài gòn chắc cũng tự hào lắm. Nhưng thể hiện lòng yêu nước đâu chỉ có một lần?(Ý một tiêu đề trên blog NXD)

Sáng nay đọc bài “Giáo sư Lê Văn Lan đòi tiêu huỷ bộ phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long” và phần chua thêm của Tiến sĩ Diện, lại thấy quyết tâm của dân mình cần sự đồng lòng của đa số quá. Tin rằng, nếu VTV chiếu bộ phim đó, không chỉ có giáo sư Lan và tiến sĩ Diện biểu tình trước cổng VTV, chắc chắn số người đồng hành sẽ nhiều hơn. Đa số im lặng kia sau nhiều suy ngẫm về những việc vừa xảy ra, sẽ biết đường phải đi của mình, sẽ biết mình phải hành động như thế nào cho hợp đạo lý.

Đừng im lặng thêm nữa!

VINH ANH
14/6/2011  
*Bài do tác giả gửi trực tiếp tới NXD-Blog. Xin cảm ơn tác giả!

Cùng xem lại những hình ảnh đáng nhớ của Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh
.



























 

   
Sưu tập ảnh trên của nhiều tác giả. Xin phép không ghi rõ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét