Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Chuyện Tàu

Lê Phan

Vào ngày 1 tháng 7 tới đây đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ ồn ào kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng. Và theo lời của viên phó giám đốc trung tâm nghiên cứu lịch sử đảng thì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ vĩnh viễn nắm quyền cai trị bởi nhờ đảng mà Trung Quốc ngày nay đã được thế giới kính nể ngưỡng mộ.
Trước đó, hôm 1 tháng 6, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao chính quyền Bắc Kinh Khương Du đã giải thích hành động của các tàu Trung Quốc trong vụ Bình Minh 02 như sau “Chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải là rõ ràng và nhất quán.
Lần này tàu hải giám của Trung Quốc đã thực thị hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc.”
Trước khi bị bắt, nghệ sĩ Ngải Vệ Vệ đã viết “Tôi xin nghiêm chỉnh tuyên bố là thời đại chụp mũ đã khởi đầu, và chúng ta sẽ nguyền rủa kẻ thù một cách nhẹ nhàng cho đến chết.”
Ông Ngải, tội nghiệp, hiện nay vẫn hầu như là mất tích với chính quyền không cho biết giam cầm ở đâu và vì lý do gì, chỉ nói một cách mập mờ là “tội kinh tế”.
Nhưng lời tuyên bố của ông Ngải đã nhắc cho chúng ta đến một cái thời đen tối trong lịch sử chẳng mấy vẻ vang gì của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thời Cách Mạng Văn Hóa của ông Mao. Ðó là giai đoạn mà hiện tượng “chụp mũ” lên đến đỉnh cao.
Mới đây tờ Financial Times ở Luân Ðôn có kể lại câu chuyện của một blogger ở Trùng Khánh tên là Phàn Hồng. Ông cựu công chức 45 tuổi này đã bị một năm cải tạo lao động hay như người Hoa thường thích dùng, một năm lao cải, chỉ vì dám chế nhạo ông Bạch Hy Lai.
Ông Bạch, một trong những giòng con lãnh tụ, trong hai năm qua đã “ồn ào làm sạch” thành phố Trùng Khánh. Việc ông dẹp băng đảng thì không ai chê nhưng cách ông làm thật đáng sợ. Hơn thế ông còn nổi tiếng nhất là trong 12 tháng qua đã hồi sinh các chiến dịch “đấu tố” thời ông Mao, cũng như các phong trào vận động mà người Hoa đã tưởng được chôn theo ông Mao rồi. Ngay cả trong âm nhạc ông cũng cho hồi sinh các bài hát thời ông Mao.
Ông Phàn, một viên chức sở kiểm lâm hồi hưu, đã post lên blog của mình một bài thơ chế nhạo gián tiếp vụ xử một luật sư nhân quyền vì đã dám đứng ra bênh vực cho một trong những nhân vật băng đảng mà ông Bạch đưa ra xử. Sau vụ đó, ông luật sư bị đưa ra tòa do chính lời khai của tên băng đảng mafia nói là ông luật sư đã “sách động” hắn khai man là bị tra tấn khi hỏi cung. Ông luật sư bị hai năm tù. Ông Phàn đã viết blog của mình trong hình thức một bài thơ liên hoàn, nôm na theo phóng viên tờ FT, là “ông Bạch Hy Lai đã làm bậy rồi đem phân cho ông công an ăn, ông công an mời ông viện kiểm sát nhân dân, văn phòng viện kiểm sát mời luật sư họ Lý. Luật sư bảo: Cái thứ này hôi quá, ai làm người đó ăn.”
Ðây không phải lần đầu tiên ông Phàn đụng chạm nhà nước. Nhưng lần này ông mắc tội phạm thượng, dám đụng đến lãnh tụ tương lai của đất nước và do đó ông đã bị kết tội “phá rối trị an và phổ biến tin đồn thất thiệt” và bị kêu án một năm lao cải. Cậu con trai của ông làm ồn lên cũng đã biến đâu mất.
Ông Phàn quả là không biết điều tí nào cả vì ông Bạch Hy Lai đang có tham vọng vào Bộ Chính Trị. Hơn thế ông còn có tham vọng muốn thay ông Châu Vĩnh Khang, hiện là ủy viên Bộ Chính Trị cầm đầu ngành công an. Ông Bạch, con trai của Tướng Bạch Nhất Ba, vốn là một trong các vị đại tướng bạn của Mao và Ðặng, đang muốn chứng tỏ mình “hồng” hơn ai hết. Và ông còn được sự khuyến khích của ông Tập Cận Bình, người được coi sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Ðào. Hôm tháng 12 vừa qua, ông Tập đến thăm Trùng Khánh và lên tiếng khen ngợi chiến dịch hồi sinh cách mạng kiểu ông Mao là “đi vào lòng nhân dân và đáng được khen thưởng”.
Mà quả là ông Phàn quá khinh thường ông Bạch. Trước ông, một bà đã đưa lên blog của mình bản dịch một bài trên báo chí ngoại quốc viết về Cách mạng Hoa Lài. Bà này cũng bị kêu án một năm lao cải.
Cũng trong cái luận điệu ngôn ngữ kiểu 1984 đó, phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh mới hôm giữa tuần đã thản nhiên trả lời Liên Hiệp Quốc về sự mất tích và giam cầm bất hợp pháp 300 nhà sư Tây Tạng: “Nhà chức trách địa phương đang tổ chức dạy luật pháp cho tu viện Kirti để duy trì trật tự tôn giáo ở đó. Không có chuyện có ai bị thủ tiêu”.
Cái lối ăn nói và cách hành xử của nhà cầm quyền này làm cho chúng ta nhớ đến “1984” của George Orwell. Ðây là thế giới mà Bộ sự thật chuyên lo chuyện nói láo, Bộ hòa bình chuyên lo chiến tranh và Bộ Tình thương đặc biệt lo chuyện tra tấn. Trong cái thế giới đó, tất cả đều ngược chiều.
Thành ra khi Phát Ngôn Nhân Khương Du nói đến “chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng” thì chúng ta có thể hiểu là “hành động phi pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, và hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn bất chính”. Cũng theo lối nói đó, khi ông Hồng Lỗi nói “không có ai bị thủ tiêu” thì hẳn thế giới phải hiểu là có.
Và cũng theo suy diễn như vậy thì khi trung tâm nghiên cứu lịch sử đảng nói là đảng sẽ cầm đầu vĩnh viễn thì hẳn chúng ta có thể nghĩ là số đảng khó thọ.
Shakespeare bảo bà mẹ của Hamlet là “thou dost protest too much”, bởi bà ta trong thâm tâm biết mình có tội, nên bề ngoài càng phải nói là không. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc nếu quả thật tự tin vào tương lai thì đâu cần một ông sử gia nhà nước lên tiếng biện minh cho sự tiếp tục tồn tại của mình. Ðảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa ở Mỹ, vốn đã ra đời lâu hơn đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiều mà đâu có cần phải mở họp báo tuyên bố gì đâu.
Cái khổ của cái lối “doublespeak” này là càng dùng thì càng đi vào một mê hồn trận. Khổ hơn nữa là những lời nói lươn lẹo này trở thành nhập tâm và rồi chính họ tin vào những điều họ nói thành ra họ không còn biết đâu là sự thật nữa.
Hồi sau năm 1975, một người bà con ở Hà Nội vào đã tâm sự với tôi câu chuyện cái mặt nạ. Ông bảo sống cuộc sống ở ngoài đó lúc nào cũng phải mang một cái mặt nạ. Ở trong nhà đeo mặt nạ với vợ con. Ra ngoài đường đeo mặt nạ với hàng xóm láng giềng. Vào sở đeo mặt nạ với đồng nghiệp. Khi đi họp chi bộ đảng đeo mặt nạ đảng viên. Chỉ có đêm khuya về một mình mới dám cởi mặt nạ. Nhưng dần dà, khi lúc đêm đến, nhìn mặt thật của mình mà không nhận ra mình được nữa. Cái mặt nạ đã trở thành mặt thật!
Trung Quốc đang quay trở về giai đoạn đó. Chỉ sợ Việt Nam cũng bắt chước theo. Nếu quả thật vậy thì đáng buồn lắm thay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét