Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ TRƯỚC HÀNH ĐỘNG " NÉM ĐÁ DÒ SÔNG " CỦA TRUNG QUỐC ( Phần 1 )

Phạm Viết Đào.

1.Phải vạch trần sự nguy hiểm của  tà thuyết địa-chính trị “ Đường lưỡi bò trên Biển Đông” của Trung Quốc…


Người Trung Quốc có câu “ Ném đá dò sông “, một việc cần phải làm đối với những kẻ phiêu lưu, xông vào nơi đất mới, bơi vào vùng sông nước lạ mà họ chưa từng đặt chân đến…Ném đá đó là hành vi để thử phản ứng thông qua việc nghe ngóng tiếng vọng của khí mà đoán định ra vùng nước nông sâu, mà xem những thủy quái nào tụ sinh, tiềm ẩn…

Trung Quốc có một môn võ bí truyền, đó là “ khí công” một môn võ chuyên tấn công đối thủ bằng khí, sử dụng khí để đạt mục đích triệt hạ đối thú…Việc tàu Hải giám Trung Quốc tấn công, cắt phá giây cấp truyền tin của đối với tàu Bình Minh của PETROVIETNAM có thể coi đây là một loại hành động ném đá dò sông của Trung Quốc, một hành vi thuộc thế võ khí công ? 

Vậy hành động tiếp theo của Trung Quốc sau hành động “ ném đá dò sông “ này sẽ là gì ? Đây là một bài toán thuộc dạng hình học không gian mở và động; đáp án sẽ phụ thuộc vào cả hai phía: Phía Trung Quốc và phía Việt Nam; các bên sẽ đưa ra các loại thông số gì để dẫn tới kết cục tương ứng…Trong tình hình thế giới đương đại thì thông số, đáp số của một bài toán, kết cục của một cuộc cờ đôi khi lại không chỉ phụ thuộc vào 2 đối thủ đang ngồi đối diện nhau trên bàn cờ…

Ngay trong cuộc đối đầu Mỹ-Việt, mặc dù Mỹ là đế quốc đầu sỏ, khuynh đảo thể giới, thế nhưng  cuối cũng cũng đã phái chịu áp lực từ nhiều phía trong cuộc chiến Việt Nam; nhiều việc làm Mỹ không tự đơn phương quyết định được…

Trong cuộc đối đầu Việt-Trung hiện nay, cục diện rõ ràng khác xa với cuộc đối đầu Việt-Mỹ; khác xa với cuộc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cămpuchia…Cămpuchia và Thái Lan có thể kiện nhau ra Liên hiệp quốc với hy vọng có thể đề nghị được phân xử công bằng cho cả 2 phía; còn Việt Nam tất nhiên khi cần thiết cũng có thể đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nhưng chắc chắn Việt Nam khó lòng hy vọng một kết quả vật chất nào đó tại cái diễn đàn đa phương nay, nếu mình không tự bảo vệ được vị thế của mình, giữ được thân mình…

Tất nhiên Trung Quốc với lợi thế nước lớn, với tiềm lực quân sự lớn hơn gấp nhiều lần với Việt Nam, điều đó không có nghĩa Trung Quốc muốn làm gì thì làm; Trung Quốc muốn có quyền và có đầy đủ khả năng khuynh loát mọi vấn đề trên Biển Đông như thế nào cũng được ?! Vậy thì hành động “ném đá dò sông” như vừa qua nhằm mục đích gì ? Phải chăng để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển, áp đặt quyền  kiểm soát của đế quốc Đại Hán tại khu vực Biển Đông, một khu vực hứa hẹn tiềm ẩn về dầu hỏa, là con đường giao thương đi lại huyết mạch trên biển của cả vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một khu vực đông dân cư, phong phú về sản vật và năng động về kinh tế của thế giới hiện nay…

Với tư tưởng bá quyền Đại Hán, Trung Quốc đang muốn nắm giữ vai trò sen đầm khu vực, khống chế cái vùng biển chìm nổi tiềm năng này, biến nó thành cái ao nhà mình bằng tà thuyết địa chính trị “Đường lưỡi bò trên Biển Đông”… Đây là một tà thuyết xảo quyệt và nguy hiểm vì nó có khả năng kích hoạt tư tưởng Đại Hán, tư tưởng bá quyền nước lớn của những phần tử quá khích, “đầu trọc” Trung Quốc, muốn Trung Quốc có những bước đi tắt, đón đầu để thoát ra khỏi những khủng hoảng nội sinh…

Nước Anh phát động cuộc chiến tranh bá chủ thiên hạ với ngọn cờ mang màu sắc địa chính trị “ Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh “; nước Pháp với ngọn cờ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái", một ngọn cờ quang minh chính đại do giai cấp tư sản Pháp dựng lên để đạp đổ ngai vàng dưới sự trị vì của các ông vua Louis coi “Nhà nước Pháp là tao”…Ngọn cờ đại nghĩa đó đáng tiếc lại được dùng làm phướn, với danh nghĩa đi khai sáng văn minh cho những dân tộc khác; nó đã trở thành cơ sở cho những đội quân viễn chinh xông vào châu Phi, châu Á để đi ăn cướp…
Còn Hitler phát động cuộc chiến tranh chinh phục châu Âu bằng học thuyết Quốc xã-Quốc gia xã hội chủ nghĩa; Đây là học thuyết làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sát nhập cả châu Âu và Nga vào nước Đức để người Đức nắm quyền cai trị; vì giống người Đức như học thuyết của Friedrich Nietzsche (1844-1900) được Hitler tôn thờ suy tôn là dân tộc thượng đẳng, do đó nên người Đức có thẩm quyền cai trị dẫn dắt thế giới…
Các tập đoàn quân phiệt hiện đại đã khôn ngoan hơn, thực dụng hơn, gắn các mục tiêu chính trị, quân sự vào các mục tiêu kinh tế nhãn tiền để kích hoạt dân chúng; Do vậy tà thuyết “ Đường lưỡi bò trên Biển Đông “ là một tà thuyết địa chính trị hiện đại hết sức nguy hiểm; nó không chỉ đe dọa an sinh kinh tế-quốc phòng của Việt Nam, của khu vực ASEAN mà cả vùng Đông Bắc Á…Chúng ta cần phải nhận thức sớm, phải vạch trần cho được âm mưu, thủ đoạn của những cái đầu nóng mang tư tưởng Đại Hán…

Với tà thuyết này, Trung Quốc rất dễ đánh lạc dư luận trong nước, chuyển lửa ra ngoài biên cương, xả van stress của cái “nồi áp suất Trung Hoa”- một cái nồi hầm luôn phải làm các chức năng được lịch sử Trung Hoa giao phó: chuẩn bị cho các buổi tiệc lịch sử; nhà văn Lỗ Tấn từng viết: Lịch sử Trung Hoa là lịch sử của những bữa tiệc thịt người…

Hiện nay Trung Quốc ngoài việc phải đối phó với tình trạng tăng trưởng nóng ngoài tầm kiểm soát; vấn đề mâu thuẫn sắc tộc giữa người Tây Tạng, người ở khu vực Nội Mông với người Hán; mâu thuẫn giữa người thành phố với người nông thôn; mâu thuẫn giữa khu vực phía Đông và phía Tây Trung Quốc; Mâu thuẫn giữa tầng lớp giàu mới nổi lên với quảng đại nhân dân Trung Hoa đang sống trong mức nghèo khổ; Mâu thuẫn giữa mô hình phát triển với lực lượng sản xuất, với ý chí Đại Hán; Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, tập quyền vơi nhu cầu dân chủ, nhân quyền của người dân…Những xung đột, mâu thuẫn đó phần đa đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa: Sự phát triển không đồng đều về kinh tế; sự phân chia tranh giành quyền lợi giữa các nhóm lợi ích không theo sự cầm cân nảy mực của lý trí, pháp quyền…

Đó là những vấn đề nội tại có thật của xã hội Trung Hoa đương đại; với tà thuyết “ Đường lưỡi bò trên Biển Đông” nó sẽ trở thành cái “bánh vẽ” ngon xơi để mê dụ người dân Trung Quốc, là miền đất hứa để làm nguội những cơn khát bản năng sinh tồn, đó là tà thuyết “ Đường lưỡi bò trên Biển Đông “…Với tà thuyết này, nó có khả năng vừa kích hoạt được tinh thần Đại Hán, lại có khả năng giảm áp lực bên trong do phát sinh từ các xung đột nội tại của xã hội Trung Hoa thời kinh tế thị trường…

Người Trung Quốc vẫn thường sử dụng phương sách: Phòng ngự bằng phương pháp tấn công; Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh 1979 để củng cố, kích cầu và gia cố các thế lực quân sự trong nước; tạo cơ hội để đổ tiền đổ của vào các dự án quân sự để dùng tiền tài, thu phục nhân tâm, củng cố vì trí đầu lĩnh của y…

Gia Cát Lượng xua quân bình Man, 5 lần ra Kỳ Sơn cũng chỉ nhằm mục đích giữ cho cái ghế của mình không bị lung lay; giữ cho nhà Thục Hán không bị sụp đổ nhanh. Bởi Gia Cát Lượng hiểu rõ nội tình, nếu để quân Ngụy, hay Ngô chủ động tấn công trước thì Thục Hán sẽ sụp đổ nhanh…

Các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam cần phải vạch trần rõ âm mưu thủ đoạn nguy hiểm ẩn đăng sau cái tà thuyết “Đường lưỡi bò trên Biển Đông “; Vạch trần âm mưu thâm độc này trước hết để nhân dân Trung Quốc không bị cái tà thuyết này mê dụ, lôi vào một cuộc chiến tranh trên biển với các quốc gia láng giềng…Vạch trần âm mưu ẩn sau tà thuyết “ Đường lưỡi bò trền Biên Đông” để các quốc gia trong khu vực nhận thấy: đây không phải là một tà thuyết tào lao, nói chơi của nhà cầm quyền Bắc Kinh; Bởi ẩn phía sau tà thuyết này có cả một chiến lược lập trình sẵn của những kẻ mang tư tưởng Đại Hán, của những kẻ phòng thủ quyền lợi ích kỷ của mình, của băng nhóm mình bằng phương pháp phát động chiến tranh tấn công các nước láng giềng, danh nghĩa là để thu lợi về kinh tế nhưng chưa chắc đã thu lợi được gì…

( Còn nữa… )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét