Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Cổ phiếu cỏ

Đào Tuấn

Một thị trường chứng khoán đi lên bằng cách câu kéo những con bạc khát nước, thay vì sản xuất kinh doanh thực sự thì làm sao có thể phát triển bền vững được. Vấn đề cổ phiếu xuống giá không thể bơm tiền vào cứu là giải quyết được, mà cần phải có những chính sách khuyến khích sản xuất và phải chấp nhận cho những công ty không có năng lực phá sản. 

Đã có những câu hỏi đặt ra là liệu thị trường chứng khoán đã qua tâm bão khi có tới 4/5 ngày mỗi tuần của 4 tuần mỗi tháng thị trường chỉ toàn nhìn thấy màu đỏ, khi mà các cổ phiếu đã đổ đèo xuống thấp dưới giá trị thực hàng trăm phần trăm? Câu trả lời là chưa. Luồng tiền vào thị trường này đã ít thì lại liên tục gặp đèn đỏ. Còn về khía cạnh tâm lý thị trường: Người ta sẵn sàng đổ tiền, theo tâm lý bầy đàn, dù để đuổi theo những mã chứng khoán đã cao hơn giá trị thực cả chục lần, chứ không ai chịu dại bỏ tiền mua “cổ phiếu cỏ” để không thể bán được cho ai.

Sau khi công ty chứng khoán Kim Long rút khỏi thị trường hồi đầu tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đã ảm đạm liền rơi vào tình cảnh vắng như chùa bà Đanh. Các phòng giao dịch rút dần. Các phiên giao dịch với thanh khoản teo tóp. Các nhà đầu tư không còn quan tâm đến sự lên xuống khi muốn tháo chạy cũng đã quá muộn. Hai hiện tượng đáng chú ý nhất của thị trường trong suốt tháng qua là sự thờ ơ của cơ quan quản lý, còn nhiều việc nước sôi lửa bỏng hơn là quan tâm đến một thị trường dành cho đám đông đánh bạc; sự buông xuôi của các công ty chứng khoán, đã chán nản mức hoặc muốn vứt tất để rút khỏi thị trường hoặc quẫn đến mức ôm tiền bỏ trốn; Và không thể không nhắc tới sự vô cảm của các nhà đầu tư đang hàng ngày, hàng giờ nhìn thấy tiền bạc, tài sản của mình biến thành giấy vụn. Khi giá trị chứng khoán lập kỷ lục mới: Chỉ trên dưới 2.000 đồng/cổ phiếu, thì sự vô cảm với tiền bạc bị mất đi, hoặc dửng dưng với các kỷ lục phá đáy liên tục được thiết lập có vẻ là một chỉ dấu cho sự nguy hiểm. 2 ngàn đồng là gì? Là số tiền chỉ đủ mua một chén trà, một lần gửi xe đạp, một mớ rau muống. Là mệnh giá một tờ giấy bạc mà có nhìn thấy ngoài đường người ta thậm chí còn không buồn dừng lại nhặt. Là “cỏ”.

Tại sao lại có hiện tượng “cổ phiếu cỏ”, thấp một cách phi lý với mức độ âm (-), chỉ bằng 20% giá trị tối thiểu? Câu trả lời thứ nhất là tình trạng lỗ triền miên của các CTCK. Lỗ từ những mã chứng khoán gắn với những tên tuổi lớn, đình đám một thời như Bảo Việt cho đến những “con” một thời từng được coi là “hiện tượng”, như SME. Ngoài chuyện lỗ, làn sóng nhà nhà chứng khoán, người người chứng khoán như những năm vàng son 2007 khi chỉ số vnIndex lập kỷ lục 1.170,76 điểm chỉ còn là những câu chuyện cổ tích. (Phải tính cả nguyên nhân này vì đặc điểm lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là tính phi quy luật và sự chi phối của tâm lý đám đông). Và quan trọng nhất, các chính sách tài chính tiền tệ trong một năm mà lạm phát đã hai con số sau chỉ 5 tháng, có vẻ đã liên tiếp dựng đèn đỏ suốt dọc đường đi của luồng tiền. Một minh chứng cụ thể: Chính sách tài chính của năm tài khoá 2011, kể cả những chính sách “thuốc kháng sinh” hay liệu pháp mạnh trong giai đoạn ngắn đều đặc biệt lưu ý “không ưu tiên” nguồn tiền vào các thị trường tài chính, bất động sản.

Đã có những nhà đầu tư thích cảm giác mạnh đã bỏ tiền mua lại những cổ phiếu cỏ nhưng “hoạt động thu gom” này không phải là hoạt động đầu tư, chính xác chỉ như một cơn cao hứng dại dột, hoặc như đánh đề.

Một thị trường tồn tại được hay không, chứ chưa nói đến phát triển, phụ thuộc vào yếu tố đầu vào, là luồng tiền, và tính thanh khoản. Khi những câu hỏi về sự sụp đổ của thị trường đã được đặt ra thì có lẽ đã đến lúc cần sự can thiệp của nhà nước, hơn là những lời trấn an, bởi thị trường chứng khoán, về lý thuyết, là kênh huy động vốn- không dám nói có hiệu quả hay không- của các doanh nghiệp, lực lượng làm ra của cải vật chất và tạo việc làm xã hội. Sự can thiệp, vì vậy, ít nhất cũng tạo được một cú hích tâm lý cho đám đông.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét