Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Khi nào thì đến lượt ta?

Samachoa


Một bữa nằm mộng, thấy đi lạc lên cõi trời, gặp hai người đàn ông mặt mũi khá khôi ngô đang ngồi bên bàn tròn, trên một đám mây hồng nhạt. Trên bàn là một bầu rượu với vài cái ly nhỏ. Tôi dừng lại quan sát vì thấy hơi lạ: người dán một bên mắt, người bịt một bên tai. Tôi lân la đến gần để nhìn cho rõ. Hai vị đó giật mình ngẩng lên ngó tôi một lúc, rồi cười hể hả, kéo cái ghế ở giữa, vỗ xuống vài cái.

- Ở trần gian mới lên hả? Ngồi làm vài ly chơi.
Tôi vâng dạ gật đầu cảm ơn rồi y lời. Sau vài lần chạm cốc, ba bên đều cảm thấy cởi mở hơn, mới xưng huynh gọi muội. Không ngờ được, trước mắt tôi là hai vị Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ.
- Ôi thật là có mắt như mù, tiểu muội xin kính một chung xem như tạ lỗi. Nhưng chẳng hay vì lẽ gì, mà hai huynh bị thương thế kia?
Cả hai mới vỗ đùi bật cười khoái chí.
- Hai ta nào có thương tích chi, chỉ tại trần thế nhiễu nhương quá! Có những chuyện không nên thấy, không nên nghe đôi khi lại tốt hơn. Nhất là cái xứ của muội, hai ta chẳng bao giờ dám liếc mắt, dõng tai về phía ấy.
-  Huynh nói chí phải, dân chúng xứ muội cũng bịt mắt bịt tai để an phận sống qua ngày.
- Ta nghe họ âm thầm kêu ca đến phát mệt. Mặc dù trong lòng bất mãn, nhưng ngoài mặt họ vẫn im lặng chấp nhận sự cai trị đó.
- Có điều hai huynh chưa rõ, đó là bởi vì chính quyền thường hay chơi trò rung cây nhát khỉ. Hễ người dân có rục rịch gì, thì lập tức họ sẽ bày ra vài cái chết trong ngục, với vài chứng cứ mà những tưởng trẻ con còn không tin được để chứng minh rằng nạn nhận tự vẫn. Họ công khai thách thức "thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết", luật pháp bọn ta lập ra là để áp dụng cho bọn dân đen khó trị như các ngươi đó chứ. Họ có hàng trăm cách để đe dọa tinh thần người dân. Và dù họ có diễn bất cứ trò hề nào, dân đen xứ muội cũng phải nhắm mắt bịt tai mà vỗ tay cổ vũ ra vẻ nhiệt tình, nếu không sẽ không có cuộc sống yên ổn.
- Nghe muội kể mà huynh tưởng đâu thời muội đang sống là thời phong kiến cách đây vài trăm năm.
- Muội nghĩ là họ tinh vi hơn. Vì thật ra họ biết diễn trò, đồng thời biết cách vừa đấm vừa xoa. Họ không dại dột dồn dân chúng đến bước đường cùng để dân chúng nổi loạn, mà họ cứ nuôi để hút máu từ từ.
- Không ai dám đứng lên vì lẽ phải sao?
- Có chứ, nhưng tất cả đều bị chụp lên đầu cái mũ phản động hết rồi!
- Muội có biết vì sao đất nước muội ra nông nổi như hôm nay không?
- Xin huynh chỉ dạy!
- Vì người dân không bao giờ nghĩ đến câu "Khi nào thì đến lượt ta?".
- Khi nào thì đến lượt ta?
- Đúng. Khi nhìn thấy người khác bị áp bức bất công, mỗi người nghĩ đến bản thân và gia đình trước hết, đó là điều hiển nhiên, nhưng mà nếu một mai họ trở thành nạn nhân, thì họ mới cảm hết nỗi đau của người trong cuộc. Lúc đó người khác cũng sẽ hành động như họ trước đây. Họ trách những người chung quanh ư? Huynh thấy họ nên trách mình trước tiên, muội xem có phải không?
- Huynh nói chí phải.
- Trong đầu người dân xứ muội, hầu hết đều mang mầm mống "phản động" (theo cái từ mà bọn cầm quyền bên muội định nghĩa, và ta thấy nó ngớ ngẩn gì đâu), đó là điều bọn ta biết được khi chưa bịt mắt bịt tai. Và để giữ vững chiếc ghế của mình, theo bọn cầm quyền, các mầm mống đó phải bị tiêu diệt, cho nên dân của muội nên sớm học câu hỏi đó là vừa, để mà lựa cho mình cách cư xử đúng, trong khi còn kịp.
Tôi lặp đi lặp lại câu hỏi vài lần, mồ hôi rịn đầy trán, và giật mình thức giấc. Dù là mơ, nhưng không phải là không đáng để suy ngẫm.
Khi nào thì đến lượt ta?
Đâu biết được ở cái xứ này.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét