Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

BÀN VỀ CÁI SỢ. TẠI LÀM SAO MÀ KHÔNG SỢ?

Đạm Phương nữ sử
Bà Lê xuyên phu nhân có câu: “ Không có gì vô ích và vô lý bằng cái sợ”. Vì nói đến cái sợ là đủ làm cho người đời mất hết sự can đảm, sự tri thức, sự quả quyết, ví như làm ruộng sợ mất mùa, đi buôn sợ lỗ vốn, làm thợ sợ nghề ế, làm học trò thì sợ đông quá người dùng không hết, ấy là cái sợ nó làm ngăn trở con người, hoạt động người đời biết là bao, mà khi chi chỉ ngăn trở về đường vật chất đã thế, về đường tinh thần tưởng ra mà sợ, đặt bày ra mà sợ. Cho nên kinh Phật nói rằng: “ Đừng nên để lòng vào chỗ sợ hãi lắm mới xa lìa trong trường chiêm bao tráo trác.” Thành Phật thành Tiên cũng trọng cái tâm quả cảm hết thảy. Nếu lấy cái lý thuyết: lòng người ta cần phải có sợ mới có chí tiến thủ, có sợ thua kém người ta mới nảy nở được nhiều lợi ích, có sợ pháp luật thì mới tu tỉnh được cái lòng gian tà. Nói như thế, sợ phải, phải nên sợ. Như lấy triết lý mà giải thì cái chí khí của con người ta nên nuôi bằng một cái chất trong sạch hết sức là của tạo hóa chúc thác*, cho người có cái lương tâm, cái lương tâm bắt buộc phải làm, làm mới hết bổn phận. Nếu sợ mà phải làm điều gắng gượng, có sợ thì có khi không sợ, sợ thì làm chớ không sợ thì sao? Sợ mà phải làm trung thành, tất không khỏi có khi gian nịnh; sợ mà phải làm mạnh dạn, tất không khỏi có khi nhút nhát; sợ mà phải làm ra bộ hiền lành, tất có khi lộ màu độc ác.

Nói tóm lại, sợ mà phải làm chắc không hết bổn phận, không bằng tự biết bổn phận mới làm hết bổn phận đặng. Ôi lòng người ta là cái gốc của muôn việc, trước chính đặng lòng, sau muôn việc sửa trị: con thảo cha, tôi ngay vua, vợ thuận chồng, em kính anh, bạn tin nhau, đó là điều nghĩa vụ, bổn phận phải làm chớ có phải tại sợ đâu. Cổ lai trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, tiết phụ, bao giờ có ai nói vì sợ mà phải làm cho ra trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, tiết phụ không? Nếu thế thì đã không thành trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, tiết phụ rồi. Tuy thế, không nên bắt buộc người ta sợ, duy dạy làm sao cho người ta biết cái nghĩa vụ của con người đời phải làm cho hết bổn phận mới là xứng đáng. Tôi còn nhớ thủa nhỏ đướng đứng hầu bên tiên công** vừa có người đến bẩm việc, người đó run sợ nói năng thất thố, ngài bèn ung dung mà phủ dụ rằng: Ta cũng là người chớ có phải cọp hùm gì mà phải sợ, chỉ nên làm việc cho hết bổn phận thì không sợ ai. Sợ là sợ không làm hết bổn phận mới nên sợ.
Nay có người miệng vẫn nói sợ pháp luật, sợ mất danh dự, sợ chúng bạn mỉa mai, sợ thiên hạ chê cười mà hành động hằng ngày mỗi sự mỗi trái ngược, như thế là sợ đầu môi miệng, lợi ích gì cho công việc đâu.
Trung Bắc Tân văn, số  3-1-1924, mục Lời đàn bà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét