Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Đặng Lê Nguyên Vũ: Một góc nhìn xiên

Tác giả: HUỲNH PHAN
Khi Đại sứ Nga hỏi về nhà máy trà Cao Lộc của Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trả lời: "Bỏ rồi. Chỉ làm cà phê thôi. Sống cà phê, chết cà phê, lên thiên đường cũng mang cà phê theo".

Cách đây gần nửa năm, người viết có tham dự một cuộc hội thảo về "Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Đắk Lắk thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm", do Tập đoàn Trung Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Văn phòng Chính phủ tổ chức ở Ban Mê Thuột. Trong đó, có phần trình bày của Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ về học thuyết cà phê.
Vũ nói rằng mạch tư tưởng của Cà phê Triết Đạo sẽ được triển khai từ 4 ý niệm chủ đạo là Tạo (sáng tạo) - Nguyên (trọn vẹn, không pha tạp) - Trung (trung tâm) - Định (vững vàng, minh bạch).
Một đồng nghiệp ngồi dưới đã nhận xét với người viết rằng nếu Vũ là người Trung Quốc, và đưa ra tư tưởng này trong giai đoạn Đại Cách mạng Văn hoá (1966-1976), ắt hẳn ông sẽ gặp đại hoạ. "Bởi nếu ai đó đọc cụm từ trên theo một thứ tự khác, tức là Trung - Nguyên - Định - Tạo, và chụp thêm chữ Phản (ẩn trong đó) là ông đủ lãnh ngay cái cuốc vào đầu", đồng nghiệp này vừa cười giải thích.
Mười ngày đáng nhớ trong cuộc đời doanh nhân họ Đặng
Thế nhưng, con người sinh ra trên đất Việt và chỉ phát triển tư tưởng này sau khi Đại Cách mạng Văn hoá kết thúc hơn 3 thập kỷ đã không tránh khỏi loạt búa rìu dư luận, do công luận khởi xướng vào ngày 10.5.2011, và kết thúc vào ngày 19.5.2011. Bài "Phát ngôn & Hành động" trên Tuần Việt Nam của đồng nghiệp Khánh Linh, xuất bản vào ngày 20.5.2011, dường như chỉ là ý kiến nhận xét của một "giám khảo độc lập".
Mọi chuyện xuất phát từ cuốn sách 'Tài năng và Đắc dụng", trong đó người ta phát hiện ra Vũ được xếp cạnh những nhân vật lịch sử của Việt Nam và một số danh nhân trên thế giới, trong đó có vị anh hùng dân tộc mà vào ngày 19.5.2011 là kỷ niệm 121 năm ngày sinh của ông. Người đồng nghiệp nói trên lại gọi điện nói với người viết rằng lần này chữ "Phản" đã được thay bằng chữ "Danh".
Người viết đã theo dõi vụ xì căng đan này với một sự quan tâm đặc biệt, với những cảm giác háo hức, pha chút thất vọng, cùng với sự ngạc nhiên.
Háo hức là vì đây là cơ hội rất tốt để có thêm những thông tin, những gợi ý đánh giá về "hiện tượng Đặng Lê Nguyên Vũ", mà người viết đã theo dõi từ chục năm nay. Và điều đáng quan tâm hơn cả là cách phản ứng của Vũ, hay người ta thường gọi là 'xử lý khủng hoảng", trong vụ tai tiếng này. Hơn nữa, ông cũng chính là một nhân vật trong loạt bài "Gặp gỡ Ban Mê" mà người viết đã trót đăng ký với toà soạn.
Thất vọng là vì cho đến lúc bắt tay vào viết bài này, người viết vẫn không tìm được lời giải đáp là tại sao người ta lại "đánh" một cuốn sách (và một trong hai nhân vật đương thời duy nhất trong đó), sau khi nó được xuất bản gần ba năm. Hay có đồng nghiệp nào đã biết nhưng vẫn tiếp tục "găm" lại câu trả lời thêm ba năm nữa cho chuyên mục "Chuyện bây giờ mới kể"?
Còn ngạc nhiên là vì hai lẽ.
Thứ nhất, đó là sự "kín tiếng" đến bất ngờ của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên, trong con mắt của nhiều người là rất "nổ" và hay "cướp diễn đàn".
Thứ hai, đó là sự lên tiếng muộn màng của một người được coi là khá hiểu Đặng Lê Nguyên Vũ lại khiến câu chuyện, dường như đã nguội đi, đã lại được hâm nóng lại.
Mặc dù, người viết thừa nhận rằng, về "đại cục", như từ ông dùng trong bài Đặng Lê Nguyên Vũ - Kẻ "vĩ cuồng", đăng trên một trang mạng,  ông đã hoàn toàn có lý.  Nhất là những đoạn ông hàm ý về "ý thức công dân" trong con người của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.
Đặng Lê Nguyên Vũ - Kẻ "vĩ cuồng"?
Nhưng có lẽ do quá coi trọng đại cục mà nhà báo Lưu Trọng Văn ít để ý đến "tiểu cục". Điều đó khiến cho những lập luận bảo vệ Vũ của ông trở nên kém thuyết phục. Đó là chưa nói tới việc nó khiến cho  nhận thức của không ít độc giả về Vũ lại trở nên lẫn lộn hơn.
Ông cho rằng Vũ "đang bị không ít kẻ hẹp hòi, đố kỵ, chĩa đòn roi tấn công không thương tiếc vì những điều ai đó đã cố tình dựng lên."
Bản thân người viết khi đọc lại phần tự thuật của Vũ cũng thấy rõ sự khập khiễng, và không đủ tầm, khi so sánh với phần giới thiệu về những nhân vật khác trong cuốn sách. Giá kể mà Vũ kể thêm về những kinh nghiệm thất bại của ông khi nhượng quyền thương hiệu quá ồ ạt đối với hệ thống quán Trung Nguyên, hay khi triển khai G7 Mart, và cách ông chuyển hướng thế nào để tiếp tục phát triển, thì hay biết bao. Người bị vấp ngã mà vùng đứng dậy đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bao giờ cũng khiến người khác quan tâm hơn những người tiến đều đều.
Nhận xét của ông không sai. Nhưng công luận và dư luận cũng có lý và có quyền của họ khi phản ứng mạnh mẽ về cuốn sách, và về sự hiện diện của Đặng Lê Nguyên Vũ trong đó, với giả định lúc đầu rằng doanh nhân này là đồng tác giả.
Lẽ ra, là người hiểu rõ Vũ, hiểu rõ câu chuyện Trung Nguyên, ông nên chỉ đích danh những "ai đó" đầu têu "dựng chuyện". Đó là những người chịu trách nhiệm biên soạn cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" - những người dường như đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi cho ra cuốn sách. Với cả độc giả lẫn nhân vật trong cuốn sách là Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bởi, mặc dù các tác giả biên soạn sách đã giải thích là họ " chỉ tập trung làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào" , việc để một nhân vật "gây nhiều tranh cãi" trong dư luận cho tới thời điểm đó như Đặng Lê Nguyên Vũ tự thuật, thay vì họ tự tìm hiểu theo những tiêu chí của mình, là một quyết định quá ư mạo hiểm.
Và họ đã có thể cứu được cuốn sách, cũng như nhân vật họ lựa chọn, nếu phân tích những phát ngôn và hành động mà dư luận và công luận cho là "ngông cuồng" của Đặng Lê Nguyên Vũ, hoàn toàn là do đặc điểm tâm lý bình thường của giới trẻ - những người đang trong quá trình khám phá thế giới và khám phá chính bản thân mình.
Thêm vào đó, cái khát khao mãnh liệt muốn chia sẻ những điều họ phát hiện được qua sách vở, qua cuộc đời, với những người khác, cũng là một đặc điểm tâm lý khác của những người tự học, chứ không qua trường lớp, như Vũ. Và những điều họ phát hiện, vốn đã chẳng giống ai, thường lại được họ trình bày bằng một phương pháp luận không bài không bản, nên thường mang tính hồn nhiên, bột phát, và dễ gây sốc.
Là một người tự coi mình là rất hiểu ông Vũ, ông Văn cũng đã bỏ lỡ cơ hội này khi lên tiếng bảo vệ người bạn trẻ của mình. Nhà báo từng trải này lại chọn cái phong cách "hồn nhiên" của Vũ để bảo vệ Vũ.
Ông Văn đã khẳng định: "Đặng Lê Nguyên Vũ "vĩ cuồng" ư? Đúng! Nhưng chỉ "vĩ cuồng" cái khát vọng làm sao đất nước Việt trở nên vĩ đại. Háo danh ư? Đúng, nhưng không hề háo danh cho mình mà lúc nào cũng hừng hực háo danh cho dân tộc, cho quốc gia."
Về điểm đầu tiên, người viết có thể đồng ý với ông Văn. Bởi đây cũng là khát vọng của nhiều người Việt Nam, trong đó có cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và, tuy không hoàn toàn đồng ý, người viết cũng chấp nhận 12 trong số 13 điểm mà ông Văn đưa ra để minh chứng rằng "Vũ đã cho tôi thấy những việc Vũ đã làm với tư cách một kẻ "vĩ cuồng" nhất ở thời điểm này của đất nước này để tôi thêm vững niềm tin vào thế hệ trẻ của đất nước".
Theo những gì người viết được biết, đề án này là do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng, với vai trò khá nổi bật của nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hoá & UNESCO Phạm Sanh Châu. Mặc dù, người viết công nhận rằng vai trò của Vũ trong đó là không nhỏ, từ tài trợ tổ chức hội thảo đến đóng góp vào nội dung đề án (phần quảng bá). Thậm chí, người viết cũng không phản đối nếu ông Văn nói rằng Vũ đã tham gia ngay từ giai đoạn xây dựng ý tưởng cho đề án.
Thế nhưng, liên quan đến điều thứ hai, thật khó mà chia sẻ được. Mặc dù, dẫn chứng của ông Văn về việc Vũ đã "tập hợp các chuyên gia về đối ngoại, lập ra đề án "Ngoại giao văn hóa", rồi "vận động Bộ Ngoại giao ủng hộ và biến nó thành hiện thực", dường như đã chụp cho Vũ cái mũ "háo danh cho mình".
Vũ có thể "háo danh" cho mình, bởi sự trả giá cho cái "háo danh" (giả định đó) một mình Vũ chịu. Tuy không thể nói là điều đó không tạo ra những tác động tiêu cực tới niềm tin của những người tin và ủng hộ Vũ, ủng hộ khát vọng vươn lên và những ý tưởng táo bạo của doanh nhân Việt, mà Vũ là một trong những đại diện.
Chứ còn hừng hực "háo danh" vì dân tộc, vì quốc gia là một điều vượt quá sự chịu trách nhiệm của Vũ. Quốc gia này chả đang phải trả giá cho những sự háo danh kiểu như Vinashin, hay bệnh thành tích, trong đó có phong trào phổ cập tiến sĩ đó sao.
Theo thiển nghĩ của người viết, dân tộc này, quốc gia này dường như vẫn đang trong quá trình xác định "danh phận" của mình ở đâu, trong bàn cờ địa chính trị và địa kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhất là trong ván bài của các siêu cường.
Sự im lặng khôn ngoan?
Bà Võ Hà Giang, Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại của Trung Nguyên, cho biết rằng Trung Nguyên cũng đã tính tới khả năng chủ động thông tin với báo chí để xử lý khủng hoảng ngay từ đầu, nhưng đến phút chót ông Vũ đã quyết định im lặng. "Anh Vũ nói mình không làm điều gì sai, cuối cùng mọi người sẽ hiểu", bà Giang kể.
Những người hiểu đầu tiên hiểu ra vấn đề là những người biên soạn sách, khi họ cuối cùng đã lên tiếng khẳng định rằng Vũ đã không bỏ tiền ra mua danh. Theo bà Giang, lẽ ra họ cần phải làm thêm một điều nữa là khẳng định tiếp rằng Vũ đã không thực sự ý thức được rằng những tư liệu do ông cung cấp lại được dùng cho cuốn sách về các vĩ nhân.
"Tại sao phía Trung Nguyên không yêu cầu điều đó, như một lẽ công bằng? Bởi nếu họ thừa nhận điều này, cuộc cãi vã này sẽ chấm dứt", người viết hỏi lại.
"Xét cho cùng, những từ mà người ta bình luận về anh Vũ như "nổ, "háo danh", "ngông cuồng", hay "vĩ cuồng" thực ra cũng không mới. Cái mới chỉ là sự dồn dập trong 10 ngày qua thôi", bà Giang đáp.
Câu trả lời "lửng lơ" của người đại diện truyền thông của Đặng Lê Nguyên Vũ khiến người viết giật mình. Dường như sự im lặng kéo dài này là có sự tính toán?!
Vậy Vũ tính toán gì ở đây?
Chợt nhớ lại hai cuộc hội thảo trong vòng 6 tháng trở lại đây ở Ban Mê Thuột, mà Vũ đã bỏ tiền ra mua vé mời mỗi lần mấy chục quan chức, học giả. Trong đó, có cả những học giả bay cả nửa vòng trái đất sang Việt Nam. Và họ đã làm gì trong hội thảo? Họ phản biện những ý tưởng, những quan niệm về đề án cà phê của Vũ.
"Thôi chết rồi! Dường như ông trẻ này đang hưởng lợi từ cuộc hội thảo miễn phí trên báo chí và trên mạng kéo dài suốt 10 ngày qua đây. Chỉ có điều nội dung họ phản biện là hình ảnh mà chính ông xây dựng từ trước tới nay thôi", người viết chợt nghĩ.
Nếu đúng như người viết suy luận, đây thực sự là một cơ hội trời cho để Vũ kiểm chứng lại về hình ảnh mà mình đang cố xây dựng trước công luận và dư luận, cũng như chuyện nhân tình thế thái, cho những điều chỉnh phù hợp.
Nhà báo Lưu Trọng Văn kể: "Nhà điêu khắc Lê Liên ở Hà Nội không hề ngạc nhiên khi Vũ nhờ ông làm 30 bức tượng các vĩ nhân trên thế giới ở mọi thời đại từ chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, văn hóa, tôn giáo.
Ông (Lê Liên) bảo: "Anh biết khát vọng cháy bỏng của chú mày cho đất nước mình rồi, chú mày muốn có tượng các vĩ nhân không để trưng, để ngắm, để làm cảnh đâu mà để hàng ngày đối chất chứ gì?"
Vũ gật đầu."
Muốn xây dựng khát vọng, hàng ngày Vũ đã đối chất với các vĩ nhân, qua các bức tượng của họ mà Vũ đặt tạc ở tận Hà Nội. Nhưng muốn hiện thực hoá những khát vọng đó, chắc chắn Vũ phải học dần cách đối chất với những con người bình thường - những người sẽ đồng hành với Vũ trong chặng đường dài sắp tới.
Từ những người nông dân trồng cà phê trong mô hình đặc khu kinh tế xanh mà ông đang xây dựng, đến những người tiêu thụ cà phê của Trung Nguyên, từ những vùng miền và nền văn hoá khác nhau. Và cả cái cộng đồng chế biến cà phê nữa.
Và bài học mở đầu là lắng nghe họ nói những điều họ nghĩ về ông.
Nhà báo Lưu Trọng Văn, như vậy, cũng có thể rút lại lời hiệu triệu "thánh chiến" với những thế lực đang có âm mưu "chống" Giáo chủ của Thánh địa Cà phê Toàn cầu. Xét cho cùng, mọi người chỉ hoàn toàn tin người bạn trẻ của ông, khi những ý tưởng, khát vọng của Vũ được thực hiện. Ở đất nước này, người ta đã có quá nhiều trải nghiệm về khoảng cách giữa những mục tiêu cao đẹp và những kết quả nghèo nàn rồi.
Đồng nghiệp Khánh Linh đã nhận xét về thái độ của Vũ trong "cuộc cãi vã", theo chị là "vô bổ", là "sự im lặng có văn hoá" . Người viết lại cho rằng đây là "sự im lặng khôn ngoan", trong một "cuộc tranh luận hữu ích", của một người đàn ông đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới trong cuộc đời của mình - giai đoạn của sự từng trải và lịch lãm. Ngày 10.2.2011 vừa rồi Đặng Lê Nguyên Vũ đã tròn 40 tuổi.
Trong buổi gặp với Đại sứ Nga Andrey G.Kovtun bên lề Festival Cà phê Quốc tế lần thứ ba, khi nghe nhà ngoại giao này hỏi về nhà máy trà Cao Lộc của Trung Nguyên, Vũ đã trả lời: "Bỏ rồi. Chỉ làm cà phê thôi. Sống cà phê, chết cà phê, lên thiên đường cũng mang cà phê theo."
Hôm đó, khi cùng Phạm Sanh Châu đưa Đại sứ Kovtun về khách sạn bằng xe của Trung Nguyên, người viết đã nhìn thấy trên mui xe có dòng chữ: "Just Coffee & For Coffee".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét