Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Khi người ta cần thuê “người yêu”

LTS: Cuộc sống bận rộn và những giằng xé của các giá trị gia đình truyền thống đã làm nảy sinh những nhu cầu kỳ lạ, và được nền kinh tế thị trường lập tức đáp ứng bằng những dịch vụ mà cách đây vài năm, có nằm mơ người ta cũng không nghĩ ra! Nhưng đáng vui hay đáng buồn, khi mọi thứ, kể cả những quan hệ thiêng liêng đều có thể mua bán, cho thuê, trao đổi (dẫu chỉ trên hình thức)? Bên cạnh nội dung chúng tôi phản ánh, rất mong nhận được ý kiến của các chuyên gia và phụ huynh cùng trao đổi về một hiện tượng đã xuất hiện ở nhiều nước và đang dần phổ biến tại Việt Nam.
Kỳ 1: Yêu theo... hợp đồng!
SGTT.VN - Đáp ứng nhu cầu tìm bạn, tìm người để cùng đi chơi, cùng chia sẻ những nỗi niềm thầm kín, một số công ty khai sinh dịch vụ nghe rất thú vị: “Cho thuê người yêu”.

Cần đóng thế tình nhân? Có liền!
Trong vai một người cần bạn trai cùng đi dự một bữa tiệc lớn, tôi gọi cho số điện thoại của trang web dịch vụ cho thuê người yêu. Chủ nhân là cô gái tên H., 30 tuổi, quản lý của dịch vụ cho thuê người yêu tại quận 4. “Chỗ em hầu hết khách hàng là đàn ông, chị là cô gái hiếm hoi yêu cầu thuê người đi chơi đó. Em sẽ sắp đặt cho chị hai chàng thiệt cao to, đẹp trai, thành đạt để chị thoải mái lựa chọn”. Theo H., hai chàng trai mà cô để ý cho tôi đều trên 30, cao ráo, thành đạt: “Các anh ấy thích một mối quan hệ mở, làm quen nhiều người, chứ không thích lấy vợ vội. Nhưng biết đâu gặp chị, duyên may thành vợ thành chồng cũng nên! Dịch vụ của em đã kết nối cho nhiều cặp rồi đó”.
Tôi hỏi tiếp phương thức thanh toán. H. trả lời: “Nếu chị cần người ngồi càphê, trò chuyện, tâm sự, trong vòng hai tiếng chị chỉ trả khoảng 800.000 đồng. Còn như cộng tác viên bên em phải đi dự tiệc cùng chị, nghĩa là anh ấy phải ăn mặc đẹp, đưa đón chị, trong tiệc phải nắm tay chị cho thân mật, trò chuyện, cười đùa với nhiều người... thì chị phải hỗ trợ chừng 1,5 triệu đồng. Còn nếu chị muốn đi tỉnh có người đi cùng, chi phí sẽ cao hơn nhiều”. Bàn bạc xong giá cả, H. cho tôi xem bản hợp đồng bốn trang. Bản hợp đồng yêu cầu khách hàng phải cung cấp số chứng minh thư cho công ty, thanh toán trước và phải tuân thủ những nguyên tắc do bên công ty đưa ra. Tôi hỏi những nguyên tắc ấy là gì, H. cho biết: “Ví như trong hợp đồng đi tỉnh xa với khách, khách đã nói thuê hai phòng cho khách và nhân viên của công ty. Nhưng lúc đến nơi khách lại đổi ý chỉ lấy một phòng là vi phạm hợp đồng. Công ty cam kết chỉ cho nhân viên cùng ăn, uống, trò chuyện với khách chứ không được ngủ cùng. Nhân viên nào ngoan cố bước vào phòng ngủ của khách, công ty sẽ bồi thường toàn bộ hợp đồng”. Sau những giải thích về nội dung trong hợp đồng, H. cho tôi số điện thoại của “hai anh bồ hờ”. Xong buổi trò chuyện với H., tối về, tôi lần gọi điện thoại cho một trong hai anh chàng. Chàng tên L., 32 tuổi, rất tự tin: “Em yên tâm đi, em là khách hàng nên em có quyền làm mọi thứ. Đi chơi với anh, em sẽ được bảo vệ an toàn, thoải mái và vui vẻ”... Tôi ra vẻ nghi ngờ, rồi thoái thác ký hợp đồng với H., bảo để suy nghĩ vài hôm.
Rao tìm người yêu trên mạng
Ngoài việc tìm đến các công ty nhờ tìm người khoả lấp nhu cầu, không ít trường hợp ngại đến chốn công khai, tự mình mày mò lên mạng, đăng thông tin cá nhân mong tìm người như ý. “Cần thuê gấp một người làm người yêu trong vòng một ngày. Giá cả sẽ thoả thuận sau (việc nghiêm túc đấy). P/s: Nếu bạn có người yêu rồi thì nhớ vụ này phải báo với người yêu bạn xem cô ấy có đồng ý không đã nhé, tránh tình trạng khuôn mặt mình bị dính trọn axít...” – lời rao tuyển của nick name Carol@... có vẻ rất khẩn thiết. Tuy nhiên, những lời phản hồi hầu như mang tính giỡn đùa: “Anh xấu trai, chưa bồ, đi chơi được không em?”, “Có thuê thì thuê cả đời chứ có một ngày thì chán chết”... Rốt cục, nội dung tuyển người đã một tháng mà cô Carol này vẫn chưa nhận một lời đồng ý nghiêm túc. Sau vài ngày, từ tiêu chuẩn chọn người cao trên mét bảy, trẻ trung, cô hạ tiêu chuẩn xuống còn mét rưỡi... nhưng chẳng ai động lòng.
Không chỉ thuê người yêu, nhiều trường hợp tự rao trên mạng cho thuê mình để làm người đóng thế người yêu. Ví như chàng trai có nick ngaychuabinhyen@... đưa hẳn một danh sách tiêu chuẩn lên mạng cho ai có nhu cầu thì gọi: “Tôi: 30 tuổi, chững chạc, vui tính. Người Sài Gòn. Cao 1,77m. Đa phong cách (sang trọng, trẻ trung, năng động). Hiện tại tôi đang làm nhân viên văn phòng, nay muốn tham gia dịch vụ cho thuê người yêu vì mong có thêm thu nhập, có cách nhìn khác về cuộc sống và mọi việc xung quanh. Tôi chắc chắn không làm các bạn gái thất vọng”.
“Tai nạn nghề nghiệp”
Với những gì phản ánh ở trên, xem ra chữ “tình” bây giờ cũng có chức năng kinh doanh, và mang lại nhiều lợi nhuận. Một giờ đồng hồ làm người yêu thuê, bạn sẽ bỏ túi khoảng 30% chi phí trọn gói. Có lẽ vì vậy mà nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng, kể cả công nhân cũng hăng hái nộp đơn dự tuyển. Họ xem như đây là việc làm ngoài giờ tăng thu nhập trong thời buổi bão giá này. Tuy nhiên, đằng sau dịch vụ này, không ít những giọt nước mắt đắng họng của những cô gái trót làm “người yêu thuê” lại gặp phải những tay thuê giả mà làm thiệt. H.M., sinh viên, 20 tuổi, một lần theo anh chàng khách nọ về Vũng Tàu giúp đóng vai người yêu ra mắt gia đình, chẳng ngờ lúc quay lại thành phố, chàng khách nổi hứng cho xe rẽ hướng Lộc An, đòi nghỉ qua đêm với “cô người yêu”. Mai quyết liệt thoái thác, anh chàng bảo sẽ bo thêm. Cô kiên quyết xuống xe, một mình bắt xe đò về thành phố, sau đó bỏ luôn nghề “vợ thuê” này, vì như cô tâm sự, “tránh được một lần, còn sau này với nhiều khách khác, ai biết được họ sẽ giở trò gì”.
L.T., nhân viên của một công ty cho thuê người yêu, cũng chia sẻ: “Thực tế cũng có một vài công ty lấy danh nghĩa cung cấp nhân sự, nhưng lại trá hình chăn dắt mối. Đôi khi tụi em cũng khốn đốn khi bị nhầm lẫn, nghi ngờ. Trong các hợp đồng với khách, tụi em luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng, trường hợp nào nên đi, trường hợp nào nghi ngờ thì ở nhà. Có những vị khách ký quỹ luôn hàng chục triệu đồng, và khi nào có nhân viên mới trẻ trung, xinh đẹp thì anh ta đăng ký đi chơi xa. Dần dà, bên em nhận thấy mục đích của vị khách này không được lành mạnh, nên công ty cắt hợp đồng với ông luôn”.
NGUYÊN CAO


Kỳ 2: Tình cho không, sao lại đi thuê?
SGTT.VN - Khá nhiều ý kiến về chuyện đi thuê người yêu: người ủng hộ vì xã hội thay đổi ắt phát sinh nhu cầu mới, kẻ phản bác cho rằng hiện tượng này đi ngược quy luật tình cảm con người. Tuy nhiều ý kiến đối chọi, trong đời sống vẫn xuất hiện ngày càng nhiều những trường hợp tìm đến các dịch vụ cho thuê người yêu với các lý do xem ra có thể cảm thông.
Cần người tâm sự giải toả áp lực
T.N, giám đốc một công ty cho thuê người yêu tại TP.HCM, cho biết: phần đông khách hàng tìm đến dịch vụ là chủ doanh nghiệp, trưởng phòng kinh doanh. Mỗi người một lý do riêng, tuy nhiên, phần lớn đều vì quá nhiều áp lực, căng thẳng trong công việc mà họ không thể yêu một người thực thụ, chỉ cần người để tâm sự trong chốc lát.

Ví như trường hợp của Thanh Tùng, 35 tuổi, trưởng phòng dự án của một công ty công nghệ thông tin. Tùng là khách hàng thường xuyên của một dịch vụ cho thuê người yêu. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị càphê với Tùng, được anh chia sẻ: “Công việc của tôi luôn bị áp lực về tiến độ và chất lượng. Tôi gặp không ít bế tắc, quê lại xa, người thân bên cạnh không có, bạn bè hầu hết đã lập gia đình. Tôi không kén chọn người yêu, nhưng tìm được người tâm đầu ý hợp hơi khó. Mỗi lần căng thẳng như vậy, gọi đến dịch vụ cho thuê người yêu, chỉ một tiếng sau, công ty đã “gửi” cho tôi một cô gái vừa xinh đẹp, duyên dáng, lại ăn nói dịu dàng, có duyên. Mỗi giờ có cô ngồi bên chuyện trò, tôi mất khoảng một triệu. Nhưng với tôi, cái giá đó hợp lý. Vì trên thực tế, bạn không dễ tìm ra một người yêu bạn lại biết thông cảm, chia sẻ những trăn trở của bạn. Nếu bạn có một cô người yêu xinh đẹp như thế, bạn phải chiều chuộng hết mức mới giữ được chân cô ấy, nhất là các cô gái thời nay. Trong khi đó, tôi chỉ cần một cuộc gọi là có ngay. Và tôi cũng chỉ cần một tiếng đồng hồ trò chuyện để giảm áp lực cuộc sống. Sau đó, chúng tôi chia tay nhau, ai nấy trở về với cuộc sống riêng”.
Yêu bằng tiền tiện hơn!
Thường suy nghĩ này xuất phát từ những người từng tan vỡ trong tình yêu, hôn nhân. Hà Ngân – 32 tuổi đã ly dị chồng, hiện sống độc thân và đang ký quỹ thuê người yêu vài chục triệu đồng tại một dịch vụ, thổ lộ: “Lúc còn sống với chồng, tôi phải gánh nặng nhiều thứ. Ngoài công việc, cuối ngày tôi lại chợ búa, cơm nước, đón con, dọn dẹp. Chồng tôi chỉ việc xách cặp về nhà, nằm ỳ phòng khách xem phim, đọc sách báo. Đôi khi tôi bị mệt mỏi, cần chồng trò chuyện, thì anh lại bỏ đi uống bia với bạn bè. Vậy là chia tay. Giờ thì độc thân nhưng mỗi lần đi dự tiệc cùng đối tác, bạn bè, hay đi du lịch xa, chỉ cần tôi alô một phát, dịch vụ cung cấp ngay cho tôi một anh đẹp trai, ăn nói khéo léo, lịch sự đem xe đến trước cửa nhà đón tôi. Tại bữa tiệc, anh chàng này quan tâm đến tôi hết mực nhé: thăm hỏi, chuyện trò với bạn bè tôi rất thân thiết, lấy thức ăn cho tôi, còn hỏi tôi có mệt không, có vui không. Chúng tôi diễn như thật, chẳng ai tin “anh chàng” là người được thuê. Xong tiệc, tôi trả tiền thì ai đi đường nấy, xem nhau như kẻ lạ, không phải khóc lóc, mất ăn, mất ngủ, không phải mất công quan tâm, chăm sóc, rồi tìm mọi mưu kế giữ chân nhau. Cuộc sống vì thế nhẹ tênh, có nhiều thời gian cho những mối quan tâm khác”.
Để cứu nguy lúc cấp bách
Ngoài những lý do cần người xua tan áp lực hoặc khoả lấp tâm hồn trong phút chốc, không ít cô gái ghét chuyện chồng con nhưng gia đình cứ thúc ép, đành nhờ các dịch vụ cho thuê chú rể để mang về quê ra mắt ba mẹ. Ninh Vân, 28 tuổi, vẫn thích vét sạch đồng lương cuối tháng để ngao du khắp nơi, nhưng ba mẹ cô ở quê thì cứ thúc con gái lấy chồng như gọi đò. Một lần nọ, ông bà bắt cô về để mai mối cho một anh giáo viên ở quê. Hoảng quá, cô gọi điện cho gia đình thông báo liều rằng đã có người yêu. Ai ngờ, cuối tuần đó ông bà già đòi lên thành phố xem mắt con rể tương lai. “Người yêu” xuất hiện kịp lúc ba mẹ Vân bước vào cửa phòng trọ, rồi cùng Vân trải qua một ngày đưa ông bà đi chơi, ăn uống thoả thuê. Khi ba mẹ về thì cũng là lúc Vân bỏ ra ba triệu trả cho “người tình hờ”: “Mất đến ba triệu đồng, nhưng mình thoát khỏi “nạn” lấy chồng. Tạm thời cứu nguy tình thế đã, chuyện gì nữa tính sau!”
Một vài trường hợp còn có những nỗi niềm thầm kín không thể thú thật với gia đình, đành nhờ dịch vụ thuê người yêu che giấu bí mật của mình. Khương Linh, 30 tuổi, có tình cảm với người cùng giới. Nhưng vì vai trò của một giáo viên, cô đành ngậm ngùi che giấu thân phận. Vì không thể nhờ bạn bè đóng thế người yêu, Linh phải nhờ dịch vụ chọn cho cô một chàng trai. Mỗi lần về quê, Linh dẫn chàng theo ra mắt gia đình. Đi chơi với bạn bè, Linh cũng thuê chàng trai đó để xoá tan nghi ngờ của mọi người về giới tính của mình. Linh tâm sự: “Tôi chẳng vui gì khi thực hiện những việc lén lút này, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Nhưng, không thể để ba mẹ sốc khi biết mình không thể yêu đàn ông, lại càng không muốn xã hội có cái nhìn xa lạ với mình, tôi đành liều như thế”.
NGUYÊN CAO
DỊCH VỤ CHO THUÊ NGƯỜI YÊU Ở TRUNG QUỐC VÀ SINGAPORE
Su Fei, 25 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: “Rất nhiều người trẻ đang bận rộn với công việc và ưu tiên phát triển sự nghiệp. Mối giao tiếp xã hội của họ có hạn, nên khó tìm được người yêu như ý. Vào các dịp lễ tết, họ rất cần có người yêu để giới thiệu với gia đình, vì áp lực từ phía cha mẹ muốn con mình ổn định gia thất, sinh con đẻ cái. Trên các diễn đàn, nhan nhản các mẩu quảng cáo “thuê người yêu” hoặc “hợp tác đóng giả người yêu” để làm an lòng phụ huynh. Đó là nhu cầu có thật của xã hội và đang có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ”. Zhao Xudong, trưởng khoa xã hội học tại đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định: “Việc thuê người đóng giả người yêu cho thấy truyền thống Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Nhưng nó cũng cho thấy thế hệ trẻ có thói quen dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề xã hội và văn hoá”.
Ngay tại Singapore, đơn đặt hàng dịch vụ cho thuê người yêu tăng 30 – 50% trong dịp lễ tết. Một người bạn gái thuê có bằng đại học, ngoại hình xinh xắn có thể kiếm 5.000 – 20.000 SGD cho một buổi họp mặt, ăn tối ba giờ với “đối tác” trong ngày cao điểm. Bà Violet Lim, giám đốc điều hành một dịch vụ cho thuê người yêu, nói: “Vào dịp tết, nhiều bạn trẻ còn độc thân cảm thấy bị áp lực khi người thân hỏi dò về tình trạng hôn nhân. Do vậy, tốt nhất là thuê một bạn trai/bạn gái để không phải lo lắng, giải toả nghi vấn là tại sao họ không có người yêu”.
BÁ NHA (THEO AFP, CHINA DAILY)
CAO KIM THUẬN – 28 tuổi, nhân viên truyền thông:
THUÊ NGƯỜI YÊU? BÌNH THƯỜNG THÔI!
Với tôi, dịch vụ này không liên quan gì đến chuyện tình cảm trai gái thời nay. Và nó cũng bình thường như bao dịch vụ khác. Khi cần thiết, và trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta cũng cần lắm sự có mặt của một anh chàng hay cô nàng nào đó đi dự tiệc cùng, đi chơi cùng mà không cần phải quan tâm, chăm sóc đến người ta, hoặc chịu bất kỳ mối ràng buộc nào khác. Nếu ở trong hoàn cảnh bắt buộc nào đó, tôi cũng sẽ cần đến dịch vụ thuê người yêu này. Tuy nhiên, phải chọn nơi gửi niềm tin, kẻo lại trúng những công ty trá hình thì hậu quả không lường trước được!
HÀ QUANG THANH – kỹ sư điện tử:
KHÔNG VIỆC GÌ PHẢI ĐÁNH LỪA MỌI NGƯỜI
Tôi đồng ý với những dịch vụ cung cấp nhân sự như cho thuê thư ký, hướng dẫn viên du lịch, chứ không tán thành chuyện thuê người yêu, thuê chú rể vờ ra mắt gia đình. Nếu tôi bị gia đình thúc ép lấy vợ, chưa thích cưới thì tôi sẽ nói thẳng mình không thích. Không việc gì phải thuê người để đánh lừa mọi người. Chuyện gì cũng có hồi kết của nó là sự thật. Đôi khi bị phát hiện lại thêm nhiều hệ luỵ không hay. Hơn nữa, tôi tôn trọng những tình cảm thật sự, nên không chấp nhận những trường hợp vợ tạm, vợ hờ. Nhưng dù tôi không thích nhưng dịch vụ đó có ích cho một số người, cũng không thể bác bỏ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét