SGTT.VN - Nghề của tôi là dạy học, sau nhiều thập kỷ đứng trên bục giảng và gắn bó với công tác giáo dục, tôi nhận thấy cách tốt nhất là dạy cho học trò cách tự học.
“Đưa công nghệ thông tin vào trường học không cẩn thận sẽ biến đọc chép thành nhìn chép”. Ảnh: Hồng Thái |
Ngay sau cách mạng tháng Tám, tôi đã tham gia dạy bình dân học vụ, từ năm 1947 tôi làm giáo viên bậc trung học phổ thông. Khi đó tôi chỉ có trong tay tấm bằng toán đại cương mà đã ra đi dạy, tức là phải cố gắng rất nhiều, qua đó cũng thấy được lợi ích của tự học. Phải tự mình đi tìm kiến thức cho mình thì mới mau trưởng thành được.
Bẩm sinh con người đã có khả năng tự học. Đứa trẻ bú mẹ nằm trong nôi đã biết nhiều thứ, dần dần lớn lên phân biệt được kẻ quen người lạ và tỏ thái độ khác nhau, cười, khóc… cái đó ai bày cho đâu! Nhu cầu muốn biết, muốn khám phá, tính tò mò… phải được khuyến khích, kích thích ở trẻ. Sao cho không biết cái gì sẽ cảm thấy ấm ức, từ đó tìm mọi cách để biết, để hiểu. Đó là tự học, tự làm giàu kiến thức cho mình.
Nhưng nếu chỉ để con người tự phát triển theo khả năng bẩm sinh thì lâu. Tại sao không tận dụng người đi trước, để gia tốc khả năng tự học. Đây chính là nguồn gốc sinh ra nghề dạy học. Thực chất dạy học là truyền thụ, còn việc tiếp thu và tiếp thu đến đâu, là thuộc về người học. Luật Giáo dục của ta khẳng định: “Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục”, tôi không đồng ý. Người thầy dù có một bồ kiến thức rót cho mình, dẫu mình có thuận lợi hơn người mà không chịu học thì cũng vô ích... Học trò quyết định cuối cùng chất lượng giáo dục.
Kiến thức loài người phát triển nhanh lắm. Kiến thức mới ra đời, lại có cái mới hơn nữa. Không ai sở hữu nổi mọi cái mới nếu chỉ đặt mục đích theo kịp kiến thức mới. Vấn đề là học thế nào để biết cách tìm ra những kiến thức cần thiết mở mang nhận thức, rèn luyện tư duy và áp dụng hữu hiệu những kiến thức đó vào cuộc sống và công việc. Một đất nước mà gồm những người luôn tự mình đi tìm cái mới, cái chưa biết, đất nước ấy sẽ tiến rất nhanh. Tôi nghĩ, thế hệ trẻ rèn được điều này mới quan trọng chứ không phải cứ nhồi sọ được nhiều mới là quan trọng. Tôi đã từng đưa ra phép tính 14 = 9. Là vì trước học 9 năm, mà chất lượng được thừa nhận là tốt. Nay học 12 năm, kể cả học thêm, tính ra khoảng 14 năm. 14 năm song cũng chỉ bằng 9 ngày xưa. Hiệu suất không hơn, nước nghèo như ta vậy là đã phung phí!
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn |
Tự học cũng là một bài toán kinh tế: dạy và học thế nào hiệu quả nhất, tiết kiệm được tiền của nhất? Câu trả lời là làm cho người học sớm tự học được là cách giáo dục hiệu quả nhất!
Tôi dạy học nhiều năm và biết rằng có thể khái quát quan điểm của mình về phương pháp tư duy một cách rất đơn giản: nếu muốn hiểu cái gì, thì đừng để nó đứng yên mà phải làm cho nó vận động. Do vậy, tự học vất vả nhưng lại được lợi là sớm biết cách học chủ động, “chụp” được những kiến thức không ai biết.
Cha ông ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Theo tôi khi mới học phải có thầy, nhưng đến một lúc nào đó phải không có thầy. Như đứa trẻ phải cai sữa, vì không ai bú mẹ suốt đời. Đến lúc nào đó phải cai dạy cho học trò, chính người thầy phải ý thức điều đó. Làm cho học trò có thể độc lập được và không dựa dẫm vào người khác, mới đúng là thầy.
Dạy cho học sinh biết quả đất xoay quanh mặt trời… không quan trọng bằng dạy cho học sinh biết vì sao con người lại phát hiện ra điều đó. Dạy cái gì mới là quan trọng.
Rồi việc nhà trường đã có sách giáo khoa, trò có sách nhưng cứ thụ động chờ thầy giảng xong rồi mới học. Thầy giảng trước, trò học sau. Lẽ ra phải thay đổi cách đó: có sách giáo khoa rồi thì trò cứ tự học. Sau đó thầy có thể gọi, kiểm tra xem trò học thế nào, hỏi xem trò nghĩ thế nào mà làm như thế, tức là buộc trò phải động não.
Ngày nay, có lúc phải giật mình vì những luận án tiến sĩ chẳng ra gì – không phải do tự học, tự làm, mà do mua bán, đạo, chép, nhờ làm hộ… Học và tự học, cũng là rèn đạo đức, nhân cách, học làm người. Quay cóp, học giả thì không thành người.
Ngành giáo dục muốn phát triển, phải hâm nóng lại sự tự học; càng lơi là chuyện tự học càng tụt hậu.
Thuận lợi của tự học bây giờ là có công nghệ thông tin hỗ trợ, nhưng đó là con dao hai lưỡi. Không thể mượn máy tính tư duy hộ, tự học vẫn là cái gốc của mọi vấn đề. Thậm chí, đưa công nghệ thông tin vào trường học không cẩn thận sẽ biến đọc chép thành nhìn chép: học trò trước nhìn bảng, nghe thầy giảng, nay nhìn máy tính!
GS. TS NGUYỄN CẢNH TOÀN (*)
(*) Nguyên hiệu trưởng đại học sư phạm Hà Nội, thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo (1976 – 1989), phó chủ tịch hội Toán học, tổng biên tập tạp chí Toán học và tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét