Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Đến lượt các trang mạng của TQ bị tấn công

Tác giả: Patrick Goodenough

(CNSNews.com) – Trung Cộng, nào giờ vẫn thường bị tố giác tấn công các trang mạng chính phủ của các nước phương Tây và các Tập đoàn quốc tế, thì nay chính mình phải nếm mùi đau thương này.
Trong những ngày gần đây, các tay Hackers Việt đã liên tục tấn công, đưa các khẩu hiệu có nội dung bảo vệ chủ quyền biển Đông lên các trang mạng của chính phủ Trung Cộng.
Hacker đưa hình hải quân VN lên trang web TQ


Họ đưa lên hình ảnh một chiến sĩ hải quân, tay cầm súng đứng trước tượng đài chủ quyền trên một hòn đảo của quần đảo Trường Sa, với phía sau là tấm bản đồ lãnh hải biẻn Đông. Một khẩu hiệu bằng tiếng Anh và Việt nói rằng “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.
Các khẩu hiệu còn có thông điệp nói rằng người Việt Nam “sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển, bầu trời và lãnh thổ quốc gia”.
Các cuộc thảo luận trên các diễn đàn Á Châu và của các nhà đấu tranh Việt Nam cho biết các trang mạng bị tấn công là các trang thông tin của một số bộ phận thuộc chính quyền các tỉnh thành Trung Cộng, chẳng hạn như Khu kinh tế đặc biệt của tỉnh Triết Giang, Sở Nông nghiệp tỉnh Giang Tô và một cơ quan đầu tư phát triển của tỉnh Quảng Đông.
Trung Cộng liên tục chối bỏ các cáo buộc rằng chính phủ dung dưỡng hoặc để các tin tặc của mình tấn công các trang mạng trên thế giới. Tuần rồi, công ty Google cho biết các tin tặc Trung Cộng đã đột nhập hàng trăm hộp thư GMail của các nhà đấu tranh Trung Quốc, cũng như của các quan chức chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.
Không chắc là các tay Hackers Việt có nguồn gốc xuất xứ từ bên trong Việt Nam, bởi vì chính phủ cộng sản của quốc gia này luôn kiểm soát chặt chẽ hệ thống internet và bắt bớ hàng loạt các nhà đấu tranh, Bloggers chỉ vì họ viết và đăng tải các bài viết có nội dung được cho là chống chính phủ.
Trong cuộc nói chuyện với CNSNews hôm Thứ Hai, ông Đoàn Việt Trung, một lãnh đạo trong cộng đồng người Việt tại Úc, cho rằng không có bàn tay của chính quyền Việt Nam trong vụ này. Ông nói: “Các vụ tấn công này sẽ gieo vào đầu của hàng ngàn nguời sử dụng internet có tài, khiến họ nghĩ rằng mình có khả năng tấn công các hệ thống và các trang mạng của chính phủ Việt Nam, và chính cái ý nghĩ đó khiến cho chế độ lo sợ”.
“Chế độ này sống được là nhờ sự kiểm soát chặt chẽ và áp đặt sự sợ hãi. Không kiểm soát được điều này sẽ khiến chế độ sụp đổ. Nỗi lo sợ này được đặt lên trên tất cả các quyền lợi khác”.
Trong một hướng khác, tinh thần người Việt Nam đã được khơi dậy qua cuộc chạm trán ở biển Đông mới đây, bằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội hôm Thứ Bảy. Đây là cuộc biểu tình được tổ chức, rỉ tai thông qua trang Facebook và các trang mạng khác.
Ông Trung còn nói rằng, mặc dầu cuộc biểu tình vẫn diễn ra nhưng chính quyền Việt Nam không hài lòng với việc này. Một số nhà đấu tranh đã bị cô lập, không cho ra đường, trong khi tại cuộc biểu tình ở Hà Nội có một vị tướng hải quân yêu cầu mọi người giải tán, đã không được mọi người hưởng ứng.
Ông Trung nói rằng vị ấy đã bảo với đoàn biểu tình là “mọi người phải tin tưởng vào nhà nước trong đối sách với Trung Quốc trong khi vẫn giữ vững mối quan hệ song phương”.
Một trường Đại học ở Sài Gòn đã lệnh cho sinh viên không được tham gia biểu tình, nếu bất tuân sẽ bị đuổi học. Nhiều cơ quan nhà nước cũng đưa ra những lệnh cấm tương tự.
Ông Trung nói rằng, nhà nước Việt Nam chỉ có nhu cầu “bảo vệ chế độ” mà không thấy được cái lợi của các cuộc biểu tình.
“Một khi người dân cảm nhận được sức mạnh quần chúng thì họ trở nên tự tin hơn trong khi các lực lượng an ninh của chế độ sẽ kém tự tin hơn. Các cuộc biểu tình sau này sẽ có thêm nhiều người tham gia hơn và chắc chắn rằng mọi việc sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, bởi vì khi ấy người dân cảm nhận rằng chế độ hèn nhát đối với Trung Cộng trong khi lại nặng tay với người dân trong nước”.
Những tranh chấp nguy hiểm
Các vụ tấn công tin học xảy ra vào lúc các căng thẳng ở Biển Đông gia tăng khi Trung Cộng đang có tranh chấp về vùng biển Đặc quyền Kinh Tế (EEZ) với người láng giềng Việt Cộng, Phi Luật Tân, Mã Lai, Đài Loan và Brunei.
Hôm 26 tháng 5, ba chiếc tàu hải giám Trung Cộng đã ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam và cắt đứt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam đang hoạt động trong vùng.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng cho biết tuần rồi tàu hải quân Trung Cộng đã bắn đuổi tàu đánh cá Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển của quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó chính phủ Phi Luật Tân tố giác tàu Trung Cộng xâm phạm lãnh hải thuộc vùng biển Đặc quyền Kinh Tế (EEZ) trong vùng quần đảo Hoàng Sa và bày tỏ quan ngại về việc truyền thông loan báo Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan khổng lồ vào hoạt động trong vùng trong tháng 7 này. Tổng Thống Benigno Aquino hôm thứ Năm cho biết sẽ chính thức khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về việc này.
Vùng biển Đặc quyền Kinh Tế (EEZ) là lãnh hải nới rộng cách bờ 200 hải lý được Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) công nhận.
Hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh đã được nêu ra trong cuộc Đối thoại Shangri-La, ở Singapore vào tuần rồi, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng từ các nước trong khu vực, bao gồm Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates và tướng Lương Quang Liệt, người tương nhiệm của Trung Cộng.
TQ muốn độc chiếm biển Đông bằng bản đồ hình Lười bò
Năm ngoái Bắc Kinh đã khiến Hoa Kỳ bất ngờ khi tuyên bố rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, một ngôn từ mà từ lâu nay Bắc Kinh vẫn sử dụng đối với vấn đề Tây Tạng và Đài Loan.
Đổi lại, Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ có “quyền lợi quốc gia” trong tự do lưu thông, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trung Cộng tức giận với việc Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào khu vực và lời tuyên bố rằng khu vực này có thể tự giải quyết vấn đề mà không cần đến “sự can thiệp từ bên ngoài”.
Trung Cộng luôn né tránh thương thảo đa phương với các nước trong khu vực, mà chỉ tìm cách giải quyết song phương với từng nước với lợi thế về sức mạnh của nước lớn.
Trước khi đến dự cuộc Đối thoại Shangri-La, ở Singapore, ông Lương Quang Liệt cũng đã lập lại điều này. Theo lời của người phát ngôn Geng Yangheng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng đã nói trong chuyến thăm Phi Luật Tân và Nam Dương rằng “Không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông mà chỉ nên giải quyết với nhau dựa trên cơ sở song phương”.
Ở Singapore, ông Gates đã có phản ứng nhẹ nhàng, kêu gọi các quốc gia trong vùng hãy thống nhất một “cơ chế đa phương” để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á do Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến Lược tổ chức, ông Gates cảnh báo rằng “nếu không có quy luật” thì sẽ khó tránh khỏi các cuộc chạm trán quân sự, và như vậy sẽ chẳng có ai hưởng lợi cả.
Mặc dầu mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Cộng có tiến triển kể từ năm ngoái, nhưng tại Singapore ông Gates đã nói rõ rằng nâng cao quan hệ không có nghĩa là phải chước giảm quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.
Ngược lại, ông còn nói, canh tân vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ ở Á Châu, nếu không muốn nói là gần trên cùng, trong các ưu tiên của ngân sách quốc phòng trong tương lai”.
Ông Gates, người sắp từ nhiệm trong tháng này, cũng tuyên bố trong dịp này rằng Hoa Kỳ sẽ đưa một số Thủy Tốc Đỉnh (LCS) đời mới đến Singapore. Đó là những khinh tốc của hải quân được thiết kế cho các hoạt động cận duyên.
Lê Minh phỏng dịch
(Nguồn: http://www.cnsnews.com/news/article/china-s-turn-be-hacked)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét