- Theo tính toán của Bộ GD-ĐT để di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM cần hơn 91.000 tỷ đồng. Cũng theo tính toán của Bộ thì tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015 khoảng 70.000 tỷ.
Di dời ĐH cần hơn 91.000 tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ GD- ĐT, để di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành đối với Hà Nội, cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 240 triệu USD), đối với TPHCM cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 300 triệu USD).
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi về việc di dời ĐH (Ảnh Từ Lương) |
Về đất đai để di dời các trường, theo Bộ GD-ĐT, TP Hà Nội sẽ cần tối thiểu khoảng 3.500 ha, TP.HCM cần 1.750 ha cho việc di dời các trường ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch đất đai cho các khu ĐH tập trung ở vùng thủ đô, vùng TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm để triển khai xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo chất lượng cao.
Về tài chính, theo tính toán của Bộ GD-ĐT để di dời các trường ĐH, CĐ thì ở Hà Nội, cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 240 triệu USD), đối với TP.HCM, cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 300 triệu USD); bình quân 50 - 60 triệu USD/trường...
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trước mắt, giai đoạn 2011 - 2015, mỗi thành phố sẽ thí điểm di dời 5 trường với nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD (300 triệu USD/1 thành phố). Nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên 1.200 USD.
Giai đoạn 2015-2020 mỗi thành phố sẽ di dời tiếp khoảng 10 đến 15 trường. Nhu cầu vốn theo phương án di chuyển 10 trường/1 thành phố cần khoảng từ 1.200 triệu USD (600 triệu USD/1 thành phố nếu không phải giải phóng mặt bằng) hoặc 2.400 triệu USD (1.200 triệu USD/1 thành phố nếu tính cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng)... Giai đoạn 2020-2030 sẽ di dời các trường còn lại.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành TP Hà Nội và TPHCM.
70.000 tỷ đồng đổi mới chương trình
Thông tin trên vừa được Bộ GD-ĐT tính toán để chi cho đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015. Báo Thanh niên dẫn lời của một số chuyên gia, số tiền lớn không đáng lo mà sử dụng thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề đáng bàn.
Ảnh Thanh niên |
Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) vừa được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức góp ý kiến đầu tháng 6/2011.
Tại buổi lấy ý kiến, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự băn khoăn về dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để triển khai thí điểm vào năm 2017: Đề án có gì mới? Có giải quyết được những bất cập của giáo dục hiện nay không?
Nội dung chính của đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông gồm: xây dựng chương trình, biên soạn SGK các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy (kinh phí 962 tỉ đồng), đầu tư cơ sở vật chất (35.000 tỉ đồng), đầu tư thiết bị dạy học (30.050 tỉ đồng), triển khai thí điểm chương trình - SGK (3.591 tỉ đồng). Dự kiến năm 2017 thí điểm, năm 2019 triển khai đại trà.
Trao đổi trên báo Thanh niên, Tuổi trẻ GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, 70.000 tỉ đồng không phải chỉ để biên soạn chương trình, SGK mới mà còn dự kiến cho nhiều hạng mục khác của đề án như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên... Kinh phí dự kiến cho việc xây dựng chương trình, SGK chỉ có 962 tỉ đồng. Tuy vậy, con số ấy cũng là rất lớn.
- Nguyễn Hiền (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét