Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Theo chân những người làm thủy điện:“Ngược”… (kỳ 2)

(Tamnhin.net) - Từ Mường Tè Lai Châu, chúng tôi xuôi đường rừng về Sơn La. Phải đi gần 50 cây số nữa mới đến nhà máy. 

Đập chính nhà máy thủy điện Sơn La
Bài 2: Gặp chuyên gia Trung Quốc tại thủy điện Sơn La
Phó giám đốc ban điều hành dự án Thủy điện Sơn La, Ninh Duy Phóng tiếp chúng tôi giữa buổi trưa nắng hầm hập. 

Nhà máy thủy điện Sơn La khởi công xây dựng tháng 12 năm 2005. Nay đã hoàn thành giai đoạn đầu, tổ máy số 1 đã đi vào hoạt động.

Với tổng công suất 2.400 mê ga oát,  tổng số vốn đầu tư là 58 ngàn tỷ đồng, Thủy điện Sơn La được coi là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Phó giám đốc Ninh Duy Phóng cho biết, nhà máy đã hoàn thành trước thời gian dự định gần 2 năm và khi cao nhất đã có gần 13 ngàn con nười làm việc ở đây.

Cũng như ở Lai Châu, một trong những khó khăn ở đây là tiền. Tiền cho dự án phải đi vay. Vay với lãi suất trên 20%. Hiện EVN đang nợ gần 1000 tỷ đồng. Có công trình làm xong cả năm mới được thanh toán. 

“ Giờ nhiều hạng mục công trình phải đi vay, nên làm đến đâu, ngân hàng ngốn hết…!” – Ninh Duy Phóng than phiền.

Tôi hỏi: Khi hoàn thành xong cả 6 tổ máy, phải mất thời gian bao lâu nghành điện mới thu hồi hết vốn?

Ninh Duy Phóng nói: 2 400 mê ga oát, tính ra có khoảng 10 tỷ kw điện. Theo giá bán của ngành điện hiện nay một kw oát là 7. 500 đồng, như vậy chỉ trong 10 năm là thu hồi đủ vốn. 

Nhưng, đó chỉ là tính toán trên giấy.

Phải, vì ngành điện điều hành ra sao cho tiết kiệm, cho đỡ hao phí năng lượng, hao phí sức người, hao phí bao nhiêu thứ khác?!

Mà điều đó, chẳng ai biết trước được! Nên, vẫn là một bài toán chưa có đáp số thực sự về kinh tế.

Vẫn theo tư duy như trước đây khi xây dựng thủy điện Sông Đà, tôi cứ tưởng thủy điện Sơn La, Lai Châu vẫn dùng các máy phát điện của Nga, một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất máy phát giành cho các nhà máy thủy điện.  Nhưng khi hỏi, mới hay không phải vậy.


Một góc của tổ máy số 1 - Nhà máy thủy điện Sơn La

Cả 6 tổ máy phát điện Sơn La và sau này của Thủy diện Lai Châu đều mua từ Trung Quốc.

À, phải rồi, lúc ở ngoài công trường , tham quan đập chính, đập tràn, xem tận nơi các công nhân, kỹ sư đang lắp đặp, vận hành các tổ máy tôi thấy có một số người nước ngoài. 

Một kỹ sư trẻ, đẹp trai, có nước da trắng hồng, giống hệt người Hàn Quốc đang đứng nói chuyện với công nhân Việt Nam.Tôi những lấy làm lạ. Sao ở đây lại có người Hàn Quốc nhỉ? Họ đi du lịch chăng? 

Du lịch gì nơi công trường đang ngổn ngang cát bụi này!

Một lúc sau, chính người ngoại quốc này, cùng một người nữa nhiều tuổi hơn hỏi chúng tôi đi nhờ xe về khu nhà ở. Thì ra, họ nói tiếng Trung Quốc.

Tôi cũng biết võ vẽ vài câu tiếng Tàu. Nói chuyện đôi câu với họ. Khi tôi hỏi giá một tổ máy phát điện đang lắp đặt cho thủy điện Sơn La là bao nhiêu? 

Một trong hai chuyện gia Trung Quốc đang ngồi trên xe với chúng tôi bảo: "Gần một trăm triệu đô la Mỹ". Người phiên dịch nhắc lại cũng y như thế.

Gần một trăm triệu đô la Mỹ một tổ máy phát điện, mà thủy điện Sơn La lặp đặp 6 tổ máy vị chi gần 600 triệu đôla.


Toàn cảnh tổ máy số 1

“Máy phát điện của 6 tổ máy thủy điện Sơn La hiệu ALLTOM, là của một hãng Pháp liên doanh với Trung Quốc” – Ninh Duy Phóng cho biết.

“Giống như xe Hon Da của Nhật sản xuất tại Việt Nam” một người  nói vui 
Tôi ngoái nhìn người chuyên gia Trung Quốc với nước da trắng hồng như người Hàn Quốc và nhớ đến những chiếc xe đạp Phượng Hoàng.


Tôi đã từng đi xe đạp Phựơng Hoàng của người Trung Quốc làm, mà có loại ta thường gọi là “xe trâu”…

Mấy chục năm, người Trung Quốc đã có máy phát điện cả trăm triệu đô một tổ máy bán ra nước ngoài. Bán sang Việt Nam. Tài thật!

(Còn tiếp)
Xuân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét