Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Khách quê…liệt truyện

Hiệu Minh
Bác sỹ thú y ở DC. Ảnh: HM
Bác Lưu Văn Say đề nghị viết một bài về “Khách quê sang DC”, Tổng Cua thấy thú vị hơn là mấy bài cafe nặng đầu. Chứng khoán Cua cũng mất như thụi, nói chi mấy ông nông dân được tiền đền bù đất.
Ai có chuyện khách ở quê ra góp cho vui. Thanks.
Cua có gốc thủ đô
Khoe tý cho oách. Đời lão may mắn, toàn ở Thủ đô hay cố đô. Du học sang Ba Lan học tiếng ở Krakow, cố đô Ba Lan. Về Warsaw học Toán – Tin cũng là thủ đô XHCN.

Làm thực tập sinh ở Plovdiv, cố đô của xứ hoa hồng Bulgaria. Sau này chuyển về Sofia cũng là thủ đô.
Khi tốt nghiệp đại học, Tổng Cua “sống và làm việc” trong căn phòng 6m2 ở khu Thành Công gần giữa…Hà Nội.
Sang xứ Mỹ cũng dặt dẹo quanh DC, phòng làm việc gần gia đình Obama bên Nhà Trắng.
Tổng Cua công cán ở Bắc Kinh, Moscow, Budapest, Bucharest, London, Tokyo, Honiara (Solomon), Port Moresby (PNG), Vientiane, Phnom Penh, Bangkok, Ulaanbaatar, Jakarta… kể mãi không hết. Đến cả Siem Reap khỉ ho cò gáy, nguyên đô Campuchia.
Nếu kể cả lúc sinh ra trong hang núi Nhội và lớn lên ở Trường Yên, cố đô Hoa Lư, có thể nói, Tổng Cua là người của các thủ đô trên toàn cầu.
Ai tiếp xúc đều bảo, lão Cua vẫn là cua đồng, chân chưa sạch phèn. Như ai đó nhận xét trên blog vừa rồi, dù ăn mày xứ Tây, miệng Cua chưa rời vú mẹ. Mình chả giận bác còm sỹ đó chút nào.
Đi xa mà không mất gốc có cái hay. Mới cắp đít ra khỏi nhà được vài ngày đã chửi cả làng ngu mới là…ngu thật.
Khách…thích thủ đô
Ở thủ đô hay được tiếp khách. Thôi thì đủ kiểu, sinh viên, bà con, họ hàng, bạn của bạn, cháu của bạn đứa bạn. Đến nước nào, ai chả thích ra thăm cái tỉnh uy quyền nhất nước.
Hồi ở cố đô Hoa Lư rất ít khách, vì mình còn bé, làm gì có người ở xa đến chơi. Vả lại, chả ai thích đến cái làng toét mắt, theo các cụ, do.. hướng đình.
Thời những năm đầu 1960, sông Trường Yên nối từ bến đò Hoàng Long vào khu thành cổ bẩn quá. Dân “kín” (gánh) nước đổ bể, rửa bát, rửa mặt, tắm giặt trong khi phía bên kia là vài bác chổng mông tương xuống sông. Ỉa chảy, hắc lào, ghẻ lở, toét mắt là phải thôi.
Sau này xã bắt xây hố xí, đào giếng thì nạn toét mắt mới hết, khách xa về đông hơn. Bây giờ thì du lịch như kiến tới cầu xin ở chùa Bái Đính.
Du học sang Ba Lan ở Warsaw, mùa Hè là các bạn đua nhau đổ về. Phòng KTX lúc nào cũng chật cứng. Đánh răng, rửa mặt…xếp hàng rồng rắn, ăn mỳ sợi với cá hộp tanh lòm. Nhưng ai cũng vui, năm sau lại muốn đến nữa, vì thế mình ít được đi thăm tỉnh khác.
Khách quê của Luck và Bin. Ảnh:HM
Warsaw có cung văn hóa hữu nghị Ba Lan – Liên Xô, giống như đại học Lomonosov. Ngày nào chả học ở đó. Thế mà bạn đến lại đưa lên tầng cao nhất ngắm các em tóc vàng, mắt xanh, mặc váy cộc đi dưới phố. Thủ đô Ba Lan thì Cua thuộc lòng vì năm nào cũng vài lần làm hướng dẫn viên du lịch.
Bên Sofia bạn chỉ vào lăng Georgi Dimitrov, nhiều lần đến nỗi có lần cụ tỉnh dậy, tặng huy chương Lao động vẻ vang cho Cua. Trèo lên đỉnh Vitusha phủ tuyết trắng bốn mùa, công viên cây ăn quả Bankia, có lẽ đến vài chục lần.
Sau này về Hà Nội, bà con từ quê ra chơi muốn thăm lăng HCM, dạo bờ Hồ chụp ảnh, ăn kem Tràng Tiền. Chương trình làm việc kín mít từ sáng đến tối. Mệt nhưng vui. Có lẽ thế mà lão viết được blog chăng.
Bạn đến chơi thì tiếp rất cẩn thận, trong khi đó…
Giữa Hà Nội – Bố quê bị bỏ đói
Nhớ có lần ông già nhà này ra chơi không hẹn trước vì thời đó làm gì có điện thoại. Đi làm ở sở rồi tót đi chơi với người yêu luôn. Mãi tối mịt mới về, thấy cụ đứng ở trên tầng 4 khu Thành Công đợi con trai yêu quí.
Mình mừng và hỏi “Bố ăn gì chưa?”. Ông già thản nhiên “Tao ăn rồi”, và thở dài đánh sượt.  Tưởng cụ ăn rồi nên chả nấu nướng gì, cứ thế hai bố con đi ngủ.
Về quê ông kể, con học hành nhất làng mà ngu. Bố từ quê ra, nó hỏi mỗi một câu, chả thèm nấu cơm, để bố đói cả đêm, không nhắm mắt được. Ông già đay chuyện này đến cuối đời.
Ông bố bị bỏ đói. Ảnh: HM
Rút kinh nghiệm lần sau, Tổng Cua nhờ bạn đi chợ, nấu nướng, cụ bảo “Tao ăn ở ngoài bến xe Kim Liên no thật rồi”.
Bố phòng xa, con phòng xa, cơm canh nguội tanh. Khách quê có chuyện ăn thật, ăn giả vờ, chủ Hà thành biết đằng nào mà lần.
Ông bảo, tao thích ra đây vì Hà Nội có tivi, thèm gì nhà mày bữa cơm. Khu nhà cao tầng toàn ỉa đái lên đầu nhau, tầng dưới đốt hương, tầng trên đánh rắm, đi lại rón rén, nhà bé bằng cái lỗ mũi, tắm tiết kiệm từng gáo nước, chán bỏ mẹ.
Nhà Cua nghèo, không có tivi, không đài đóm. Cụ sang nhà hàng xóm xem nhờ Denon đen trắng tậm tịt “có hình, không tiếng”, phải nghe nhờ nhà bên “có tiếng, không hình”. Thật ra, cụ thích xem hình, tai hơi nặng nên tiếng có hay không, với cụ không quan trọng.
Cụ nhận xét, cái tivi bé thế mà họ nhét được cả cô Kim Tiến mặc áo dài vào trong, xinh ơi là xinh. Mà sao cô Kim Tiến chạy sô giỏi thế, tao xuống tầng 1 thấy cô ấy đang trong tivi, sang nhà bên cạnh, cũng đúng cô này đang nói, lạ thật.
Rồi cụ ước, giá bao giờ tao lên tivi nhỉ. Lúc nào có tiền, con nhớ mua cho bố một cái mang về quê xem cho đã đời, thử chui vào xem có vừa không.
Giữa DC – tiếp bạn chữa chó mèo
Sang thủ đô Mỹ cũng hay tiếp khách. Có lần ông Nguyễn Trọng Tạo rồi ông Thắng nhà văn tới nhà đọc văn kể thơ. Bạn bè đồng nghiệp không kể hết.
Mấy hôm rồi, ông bạn nghiên cứu sinh từ thời ở Sofia bỗng mò sang. Làm Phó TGĐ của công ty thuốc thú y Hanvet đóng ở làng Bần có món tương nổi tiếng, đi đâu lão cũng phải sắp xếp thời gian.
Công ty của lão được giải thưởng về bảo vệ môi trường. Mình đã tới và thú nhận là cực sạch, có lẽ sạch nhất Việt Nam.
Lão bảo, bác sỹ nhân y cứu nhân loại, bác sỹ thú y cứu cả thế giới, có lẽ đúng. Dân thú y không hành bệnh nhân, không sờ mó lung tung, không vòi tiền của chó mèo.
Phó TGĐ Hanvet thăm Great Falls. Ảnh: HM
Mấy lần về HN, rủ rê mãi, lão mới quyết đi theo đoàn “Xúc tiến Thương mại” do VCCI tổ chức sang thăm Hoa Kỳ một lần cho biết.
Sau 36 tiếng bay trên trời từ Hà Nội, Nhật, đến Dulles ở Texas (chả hiểu sao lại bay xuống bang này), rồi về Dulles ở DC, đến Washington, lão chính thức chuyến thăm đất nước có nhiều giấc mơ.
Chương trình chi tiết về “xúc tiến” như sau: 9 giờ ăn sáng, 10 giờ họp hội thảo 2 tiếng. Ăn trưa. Chiều thăm bảo tàng. 5 giờ bắt đầu thăm…shopping mall, “thương mại” chính thức bắt đầu.
Hội thảo bó gọn trong nửa ngày, những ngày còn lại “xúc” trong shopping mall thực tiễn hơn. Cả đoàn thích giá cả ghi rõ trên từng mặt hàng. Tiền thanh toán bao gồm cả sau thuế và đôi lúc được giảm giá vì mua nhiều. Lần đầu biết thế nào là buy one get one free, sướng chưa từng thấy.
Chuyên về thuốc thú y nên đến cửa hàng CVS, COSCO,  SAFEWAY, Vitamin World… lão rất chăm chú xem các loại thuốc cho chó mèo, lợn gà. Thấy hắn đọc rất kỹ lọ thuốc nước nhỏ tai cho chó mà mình cứ cười lão mãi.
Hóa ra, lão bảo, nhìn thế này đủ hiểu tại sao Mỹ giầu. Lọ thuốc nhỏ tai chó giá tới 19$ Mỹ. Tham khảo thuốc thú y của Mỹ, từ DC đến New Jersey, sang tận New York, cứ tưởng lão lông bông đi mua đồ cho vợ, con, bạn bè.. nhưng mình nhầm.
Không biết các bác khác trong đoàn “xúc tiến thương mại” bằng cách nào. Số quần dockers, áo sơ mi hay giầy đủ loại nhãn mác, Ipad 2, Ipod và máy tính trong vali hay là các bác nghiên cứu thị trường như lão bạn nhà này. Có tâm với công việc thì ở đâu người ta cũng làm được.
Thăm nước người nghĩ về môi trường
Tổng Cua nghỉ một ngày làm việc đưa lão bạn thăm mấy nơi mà lái xe mới đến được. Đầu tiên là Great Falls, suối đầu nguồn sông Potomac, đẹp mê hồn. Hai bên bờ cây cối xanh tươi, nước thác tung trắng xóa.
Anh bạn nhớ truyện “Mao Trạch Đông – ngàn năm công tội”, trong đó, người phó của Mao Trạch Đông sang thăm một nước tư bản đã thốt lên “chủ nghĩa cộng sản là đây chứ tìm ở đâu”.
Tới Great Falls, lão ấy mơ, giá như ao Vua, Ba Vì, Sóc Sơn giữ được như thế này thì có khác chi bên Mỹ.
Trong nghĩa trang Arlington. Ảnh: HM
Định về DC thăm bảo tàng thì bỗng trời mưa mịt mù đúng lúc qua nghĩa trang quốc gia Arlington. Chả hiểu các cụ xưa xúi bẩy thế nào mà hai lão già quyết thăm nghĩa địa vào lúc mưa tầm tã, ướt như chuột lột, trong nghĩa trang không bán áo mưa hay ô.
Lão kể, hồi ở Sofia, tuyết ngập hàng mét, thế mà lão và đứa bạn đi thăm nghĩa địa vài tiếng, dù cảnh sắc lạnh lẽo đến ghê người.
Về tới khu ký túc xá mới biết tin, trước đó một giờ, một SV tây điên, xả súng bắn chết 9 người, trong đó có hai sinh viên Việt Nam. Hai ông bạn ở ngay trong khu nhà đó. Hú vía.
Thăm nghĩa trang lão trầm trồ, sao lại có cái thứ “Văn Điển” đẹp hơn cả thiên đường. Mộ mà không phải là mộ, chỉ có những tấm bia trắng, đề tên tuổi của người đã khuất, chôn theo hàng lối. Đường đi lại có cả tên phố đàng hoàng, cây xanh phủ khắp trông như một công viên, không ai nghĩ đó là nơi khói hương của người đã khuất.
Xem khu mộ của gia đình Kennedy, anh ngạc nhiên về tính thoáng của người Mỹ. Sau khi Kennedy bị ám sát (1963) thì năm 1968, Jacky đi bước nữa với tỷ phú Aristotle Onassis, người Hy Lạp. Bà chết năm 1994 lại được chôn cạnh chồng cũ tại nghĩa trang này. Đây là nơi viếng thăm nhiều nhất trong khu nghĩa trang.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington được xây trên một phần đất điền trang cũ của tướng Robert E. Lee (ai xem Cuốn theo chiều gió sẽ nhớ ra vị tướng trong nội chiến này), có diện tích 2,53 km² và là nơi an táng của hơn 290.000 binh lính, sĩ quan hoặc cựu chiến binh của quân đội Hoa Kỳ kể cả nhiều nghị sỹ và tổng thống. Rất nhiều lính chết trận trong chiến tranh Việt Nam được chôn tại đây.
Hình như được các cụ cao bồi phù hộ độ trì nên cuối tuần đó, Tổng Cua bán được cái nhà ở Vienna, với sự chứng kiến của lão bạn. Không bán được, tiền lãi vay ngân hàng, tiền thuế, đủ các loại tiền… mỗi ngày mất hàng trăm đô. Mấy tháng nay Tổng Cua như ngồi trên đống lửa.
Lão bạn thăm nhà cổ của Tổng thống Washington ở Vernon, cách DC vài chục km. Hôm sau đi Annapolis, thủ phủ và bến cảng của bang Maryland.
Thăm thú vài nơi, lão lầm bầm, thế này mà bảo tư bản sắp chết thì lạ thật. Tớ là đảng viên mà còn mất lập trường, huống chi dân ngoài đảng như Cua. Rồi lão lo diễn biến hòa bình.
Thử tay lái HN trên đường cao tốc. Ảnh: HM
Nhưng lão tính tiếp, nếu chữa chó mèo được nhiều tiền, thế nào cũng đưa tiger sang Mỹ, diễn biến thú y cho bọn Mỹ biết tay.
Tổng Cua khuyên, bây giờ còn sức, còn tiền, cố đi du lịch cho mở mang đầu óc. Sau này già, có tiền, có thời gian, chẳng chống gậy đi được. Hắn gật gù bảo, Cua nói hay sai, riêng lần này…đúng.
Đôi lời kết
Viết tới đây, Tổng Cua nhớ ông già mơ cái tivi thưở trước. Mấy năm sau, đi loạng quạng thế nào, bị chiếc xe bò trong làng va phải, ông ngã gẫy tay và hỏng hai mắt. Đúng lúc đó, con đủ tiền mua cái tivi mầu thì ông không xem được nữa. Thương người biết nhường nào.
Khuất núi hơn chục năm rồi, có thể ông quên chuyện bị con trai bỏ đói lần ấy. Nhưng tôi tin, ông vẫn nhớ cái tivi thần kỳ mà cô phát thanh viên chui được vào trong.
Hy vọng, anh bạn ấn tượng với chuyến sang DC vì không bị rỗng ruột như ông già nhà này trong lần ra thăm Hà Nội. Người quê thường nhớ lâu cái cách mà dân thị thành chúng ta tiếp đón.
Hiệu Minh. 25-05-2011.
Hành nghề ở Hoa Kỳ. Ảnh: HM
Tham vấn người xưa. Ảnh: HM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét