Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Buôn bán đại thụ: Có cách “quản” nào thay cho… cấm?

(Tamnhin.net) - Từ hơn một năm nay, một số trường hợp người mua cây cảnh là dạng cây đại thụ từ vùng này chuyên chở đi vùng khác bị cản trở. Gần đây, có những vụ khi phát hiện, người mua bị buộc hoàn nguyên cây lại vị trí đã bứng đi. Có cách nào làm khác không? 
Những người buôn bán “màu xanh”

Đất nước tiến sâu vào thời bình, nhiều “ngành hàng” mới xuất hiện. Những khối đá nguyên sơ ngủ hàng triệu năm được “đánh thức” và trở thành nhiều tuyệt phẩm làm đẹp cho đời.

Từ lòng đất, những cái rễ cây còn lại sau khi khai thác cũng được các nghệ nhân chế tác, tạo nên những giá trị mỹ học, giá trị kinh tế lớn hơn nhiều lần để nó “ngủ yên” trong lòng đất và rồi tiêu đi cùng năm tháng.

Trong lĩnh vực cây cảnh, từ chỗ chơi những giò phong lan, chậu cúc nay người ta đã tiến tới việc “san sẻ” một khoảng xanh, một sắc màu của hồng hoang về vùng phố thị trơ trụi, để tạo nên những vẻ đẹp rất dân dã, hoang sơ.
Những cái cây, khi được chuyển từ rừng hoặc vùng đồi, vùng thôn dã về đô thị, về mặt kinh tế - xã hội, đó là thực hiện một cuộc “tái cơ cấu” môi trường hợp lý hơn.

Một tiểu khu rừng vài chục héc-ta nay mất đi dăm chục cây gần như vô hại nhưng ở ven đô, vốn bị bê tông hóa, “quy hoạch hóa” nhiều năm nay, nơi hiện diện của gạch đá, sắt, tôn… trong nắng nhiệt đới gay gắt, thì những khoảng xanh do dân buôn kéo về, cho dù được trồng ở nhà nào, xét về mặt tổng thể, cái lợi cho môi sinh nhiều hơn cái hại.


Tại Úc, khi chặt cây trong vườn nhà mình phải xin phép cơ quan quản lý cũng chính vì ý nghĩa ấy. Cái cây xanh trong vườn nhà anh là thành tố cho một khu vực an sinh chung.

Ở chỗ cái cây bị bứng đi, khác với các “trào lưu” phá rừng khác, buôn bán, khai thác cây cảnh không phải nghề khai thác hàng loạt. Nó là nghề “kén chọn” hàng kinh khủng. Có cây, nếu có giá trị làm gỗ thì tốt nhưng thẳng đuột, phổng phao, dân buôn không màng, thậm chí cho không lấy.

Người mua ưu tiên chọn thế cây. Nó có thể là một “bố già” mang dáng nét gì đó, ngôn ngữ gì đó dị thường, thân gỗ thì “phức tạp”, cong queo, cổ kính.


Cái làm nên giá trị, cái mời gọi người mua là những giá trị mỹ học hơn là giá trị vật liệu, khối lượng cây gỗ. Ở dạng gỗ vật liệu, loại này có khi chỉ có giá… củi đun gạch!

Do đó, cần thấy rằng việc mua từ vùng rừng, vùng bán sơn địa một số lượng nhỏ, rất nhỏ những cây lớn không ảnh hưởng gì (nếu tính số lượng, quy cho từng khu vực 10 ha thì có thể số lượng cây được dân buôn “chiếu cố” bứng đi chỉ khoảng một vài phần vạn).

Những cái lợi

Có thể nói, không nghề nào tạo ra giá trị gia tăng cao như nghề cây cảnh. Một cây cảnh ở vị trí này chỉ có giá chừng 1 triệu, thậm chí 500.000 đồng, khi được dân chơi thẩm định, cọ sát, có thể nó bật lên 100 lần là chuyện nhỏ.

Do đó, nghề cây cảnh có thể nói là một nghề độc đáo, tạo sức bật tài chính rất lớn, tạo công ăn việc làm và tạo ra những sân chơi kỳ thú, hữu ích.

Từ sức mạnh này, có thể thấy thấp thoáng hình bóng một tiềm năng của những vùng có nguồn cây cảnh.

Với người mua, người chơi, cây cảnh cho dù được đầu tư giá nào cũng đem lại những lợi ích tại chỗ, dễ thấy.

Một khu quy hoạch dân cư sau khi phân lô trở thành một mặt bằng phẳng lì, chói mắt mà không có bóng dáng cây xanh thì sức hút hàng hóa yếu hẳn. Nếu có cây xanh, nhìn sẽ “bắt mắt” hơn. Nhìn hẹp lại, một cái biệt thự mươi tỷ đồng nếu trơ trọi bốn bề toàn bê tông, rào chắn bằng cơ khí, gạch đá thì cũng không phát huy hết giá trị hàng hóa.

Người buôn bán, kinh doanh cây cảnh sống bằng việc lấp đầy những khoảng trắng đó. Chính họ đã tạo nên giá trị cho một tầm văn minh đô thị tương đối hoàn hảo, cao cấp hơn. 

Hướng đi nào cho mặt hàng cây lớn?

Nhìn cách “quản” hiện nay, theo kiểu nhất cấm, nhị cấm và cách xử buộc chủ buôn phải đem cây trồng trở lại rừng có phần khiên cưỡng, máy móc.

Trong xã hội đã xuất hiện một nhu cầu. Nhu cầu này không gây hại cho cộng đồng mà đem lại nhiều lợi ích; có nơi, nó đạt đến mức siêu lợi nhuận thì là điều cần quan tâm.

Nên chăng các địa phương có cách đánh giá tiềm năng này và tạo ra một hạn mức khai thác có thể.

Sau đó, có thể chủ động mở “siêu thị” cây dưới dạng online giới thiệu, đấu giá và thực hiện các giao dịch sơ bộ.

Từ phía cơ quan quản lí nhà nước như ngành kiểm lâm, thuế vụ… cũng nên tập trung, chủ động tìm ra một định chế để khai thác tiềm năng này.

Hiện nay, giá cả mặt hàng này rất đáng ghi nhận. Có những cây trị giá cả trăm triệu hoặc nửa tỷ, có thể chịu mức cước vận chuyển bằng máy bay lên thẳng nếu nhà kinh doanh tạo được dịch vụ đáp ứng. Nếu chuyên chở bằng báy bay trực thăng (trong cự li độ 100 km) thì hàng hóa rất có giá, không phải chặt bỏ cành cội nhiều như khi đi bằng ô tô. Như vậy, lại thêm một kênh thu nhập, một tiềm năng cho ngành vận tải hàng không nữa.

Số tiền thu được trước hết dành một phần tái phủ xanh đồi rừng, như vậy sẽ xuất hiện hình ảnh: bán vài cây rừng cong queo, hầu như không có giá trị lâm sản, được một đống tiền có thể trồng cả ha rừng mới thì hưởng lợi biết bao.

Qua vấn đề này, thấp thoáng hình ảnh bộ máy quản lý của ta chưa đủ độ linh hoạt, sáng tạo khi tiếp cận những vấn đề mới. Do đó, nhiều dạng tiềm năng vẫn bị “chôn chặt” không “phát” lên được, là một thiệt thòi.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét