Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tại sao chiến tranh tại châu Á vẫn có thể xảy ra

Tác giả: HUGH WHITE
Tương lai hòa bình của châu Á sẽ tùy thuộc vào khả năng Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - có thể cả Ấn Độ - tạo ra một trật tự khu vực mới phản ánh các tương quan về quyền lực và kinh tế đang nổi của "Thế kỷ châu Á"

30 năm qua, Đông Á không xảy ra cuộc chiến tranh lớn nào. Nhưng trật tự ổn định tại khu vực này dựa trên một quan hệ duy nhất và đặc biệt giữa ba cường quốc lớn nhất khu vực, và quan hệ này hiện đang chịu sức ép từ sự lớn mạnh của Trung Quốc. Tương lai hòa bình của châu Á sẽ tùy thuộc vào khả năng Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - có thể cả Ấn Độ - tạo ra một trật tự khu vực mới phản ánh các tương quan về quyền lực và kinh tế đang nổi của "Thế kỷ châu Á".
Tạo ra một trật tự mới ổn định sẽ đòi hỏi ba cường quốc này phải hy sinh quyền bá chủ: Mỹ sẽ phải nhượng bộ nhiều nhất và học cách đối xử công bằng với Trung Quốc và Nhật Bản; Trung Quốc sẽ phải từ bỏ giấc mơ bá chủ của mình và chấp nhận Nhật Bản là một cường quốc lớn hợp pháp; và Nhật Bản sẽ phải chấp nhận cái giá và sự phức tạp của sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính chiền lược. Chúng ta không thể đảm bảo rằng họ sẽ vượt qua các thách thức này thành công.
Nếu quan niệm về "chiến tranh" giống như cha ông ta - tức là những cuộc xung đột lớn giữa các nước hùng mạnh, cướp đi sinh mạng của hàng tỷ người và thay đổi trật tự quốc tế - thì ngày nay, chiến tranh tại châu Á không thể xảy ra. 30 năm qua, Đông Á đã tận hưởng hòa bình như chưa từng được biết đến trước đó. Tại Đông Bắc Á, các nước lớn trong khu vực - Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ - đã duy trì quan hệ hòa hảo và hợp tác. Hơn nữa, trừ một số sự cố nhỏ tại quần đảo Trường Sa, không cường quốc nào ở Đông Á sử dụng vũ lực đáng kể chống lại một quốc gia châu Á khác kể từ sau sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979.
40 năm qua, các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cam kết không sử dụng vũ lực với một quốc gia khác; những vấn đề khó khăn như Đài Loan, Triều Tiên và Trường Sa đã được xử lý hiệu quả, và các vấn đề khó trên bán đảo Đông Dương đã được giải quyết. Các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn xảy ra ở các điểm nóng như biên giới Thái Lan - Myanmar, và vẫn còn một nguy cơ thực sự lớn ở khu vực vành đai phía Tây châu Á, thậm chí là nguy cơ hạt nhân, nguy cơ chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, không thể xảy ra một cuộc chiến lớn ở Đông Á.
Vẫn có những điểm nóng khu vực như xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia.
Trong khi đó, hầu hết các nước trong khu vực đều được hưởng sự phát triển mạnh mẽ về chính trị và xã hội. Đáng chú ý nhất, các nền kinh tế ở Đông Á đã tăng trưởng ngoạn mục, trong đó có sự biến đổi của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế châu Á cũng trở nên hội nhập hơn, với việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và người từ nước này sang nước khác. Cuối cùng, sự hội tụ chính trị và hội nhập kinh tế đã góp phần củng cố sự phát triển của các thể chế khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN+3 (gồm ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) - những thể chế dù còn khiêm tốn nếu so với các chuẩn mực của châu Âu nhưng ít nhất đã mở ra sự khởi đầu cho việc hướng xây dựng các thể chế có thể xử lý các vấn đề khu vực trong các thập kỷ tới. Tại châu Á, thật khó mà tưởng tượng một cuộc "chiến tranh" theo nghĩa truyền thống.
Nếu trật tự hiện tại ở Đông Á không đặt ra nguy cơ chiến tranh ngày hôm nay, nhưng liệu chiến tranh ở Đông Á có thể xảy ra trong tương lai hay không? Câu hỏi này còn tùy vào câu trả lời cho một câu hỏi khác sâu hơn: liệu Đông Á có duy trì được trật tự mà nó đã được hưởng trong vài thập kỷ qua? Nếu có thể, tương lai của châu Á sẽ được đảm bảo và tầm nhìn của Immanuel Kant về nền hòa bình vĩnh viễn sẽ gần trở thành hiện thực. Nếu không, cuộc chiến tranh lớn giữa các cường quốc có thể lại một lần nữa không chỉ tồn tại trong suy nghĩ, mà là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Lạc quan rằng trật tự trong nhiều thập kỷ qua sẽ được duy trì, hay bi quan rằng nó sẽ sụp đổ, còn tùy thuộc một phần vào việc hiểu thế nào về các thập kỷ hòa bình gần đây. Nhiều người cho rằng hòa bình ở châu Á là sản phẩm của các sức mạnh không thể xoay chuyển của lịch sử, chuyển xã hội quốc tế khỏi một thế giới bị chế ngự bởi các nhà nước-dân tộc để hướng tới một hệ thống trong đó các tác nhân phi nhà nước đóng vai trò người chơi chính, và đặt ra những nguy cơ lớn nhất.
Trong thế giới mới này, mối đe dọa truyền thống - một cuộc xung đột lớn - dường như không nhiều. Quan điểm này thảng "mùi" Whiggish và Marx, với niềm tin vào các quá trình lịch sử không thể đảo ngược. Những người ủng hộ quan điểm này có xu hướng coi trật tự hòa bình ở châu Á là một thực tế bền vững, tin rằng các cá nhân và thậm chí các nhà nước ít hoặc không kiểm soát các quá trình lịch sử mà mình đã tạo ra. Họ tràn trề hy vọng rằng nền hòa bình này sẽ kéo dài, bất kể từng cá nhân hành động thế nào và các chính sách của quốc gia như thế nào.
Quan điểm bi quan hơn mang tính bảo thủ lỗi thời kiểu Edmund Burke. Những người ủng hộ quan điểm này thấy không có thay đổi căn bản của xã hội quốc tế, và gắn hòa bình trong những thập kỷ qua với sự may mắn, ngẫu nhiên và mong manh.
Nói cách khác, họ tin rằng nền hòa bình này là sản phẩm của sự may mắn, được trợ giúp bởi các quyết định nhạy cảm của giới lãnh đạo quốc gia. Họ thừa nhận một khả năng rất rõ là sự không may mắn và các quyết định không khôn ngoan có thể đảo ngược vận may này và phá hủy hòa bình. Vì vậy họ không cho rằng hòa bình ở châu Á trong thời gian qua sẽ kéo dài; ngược lại, họ tin là nếu không nỗ lực, không có những quyết định khôn ngoan và nếu thiếu chút may mắn, thì điều đó sẽ không xảy ra.
Nói một cách công bằng, quan điểm thứ hai có sức thuyết phục hơn: bằng chứng là ngày càng khó duy trì trật tự đã nuôi dưỡng nền hòa bình trong những thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế đang xói mòn các nền móng của trật tự khu vực, và việc xây dựng một trật tự mới, phản ánh đúng hơn thực tế kinh tế của "Thế kỷ châu Á", vẫn chưa bắt đầu. Khi công cuộc này được khởi động, chúng ta sẽ thấy rõ rằng việc xây dựng một trật tự mới ổn định ở châu Á đòi hỏi những nhượng bộ đáng kể của tất cả các cường quốc trong khu vực.
Chưa biết liệu họ có sẵn sàng và có thể đưa ra những nhượng bộ này hay không, nếu không muốn nói là chắc chắn họ sẽ không làm như vậy cho đến khi họ hiểu rõ hơn hòa bình đang bị đe dọa đến mức nào. Nếu họ không muốn nghĩ theo cách mới về trật tự châu Á và vị trí của mình trong đó, thì chiến tranh - một cuộc chiến thảm họa và toàn diện - là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trên thực tế, có hai thách thức cần đối phó. Một là định hình ý tưởng và xây dựng một trật tự mới ở châu Á có thể tạo ra kiểu hòa bình và ổn định trong nhiều thập kỷ tới giống như trật tự hiện nay đã tạo ra trong 35 năm qua. Thứ hai là đạt được trật tự mới này một cách hòa bình. Để đối phó với các thách thức này, các cường quốc châu Á sẽ cần chấp nhận một số sự thật: rằng hòa bình ở châu Á tùy thuộc vào cách các nước liên quan đến nhau, đặc biệt là cách họ định hình và quản lý quan hệ quyền lực với nhau; rằng các quan hệ này không thể bị bỏ mặc cho may mắn, mà cần được thiết kế và xây dựng theo từng bước để tạo ra một trật tự hòa bình, ổn định và bền vững; rằng điều này sẽ không xảy ra trừ phi các nước lớn đặt một trật tự ổn định là ưu tiên cao nhất của mình; và rằng điều này đòi hỏi một sự thừa nhận chung và liên tục là gìn giữ hòa bình quốc tế quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu quốc gia nào khác. Tất nhiên, chỉ những người coi chiến tranh là mối nguy hiểm hiện tại và rõ mới sẵn lòng hy sinh vì lợi ích quốc gia - điều cần làm để gìn giữ hòa bình.
Châu Giang trích từ cuốn"Why War in Asia Remains Thinkable" của tác giả Hugh White, do Nhà xuất bản Survival phát hành.
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét