Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Kỳ diệu tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt

Kỳ diệu tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt
Kênh ngoại cảm đã góp phần rất quan trọng trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: C.T                     

Chương trình khảo nghiệm “Tìm mộ bằng khả năng đặc biệt” đã tìm thấy và xác nhận được hàng vạn hài cốt liệt sĩ một cách kỳ diệu.
Đề tài khoa học kỳ lạ nhất
Những nhà khoa học đầu tiên khởi xướng Chương trình khảo nghiệm “Tìm mộ bằng khả năng đặc biệt” là TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA (Chủ nhiệm Chương trình); Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an (Chủ nhiệm Chương trình giai đoạn đầu, nay là Phó chủ nhiệm), GS.TS Phan Đăng Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ văn hoá - kỹ thuật truyền thống (Phó chủ nhiệm), TS. Phạm Hồng Kỳ…
Về sau, Chương trình còn có thêm sự tham gia của TS. Phạm Huy Thận, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Thư ký Chương trình).
Theo TS. Vũ Thế Khanh, thời kỳ đó (những năm 90 của thế kỷ trước), dư luận trong nước xôn xao về việc một số người có khả năng đặc biệt, như có thể nhìn xuyên đất, giao tiếp được với người âm… Đó là các nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Phúc Lộc, Thẩm Thuý Hoàn, Nguyễn Thị Nguyện…
Khi đó, dư luận có 2 chiều đối nghịch, dẫn đến tình trạng rất lộn xộn, hoang mang trong dư luận xã hội: những gia đình tìm được mộ thì ca ngợi hết lời, trong khi một số người không tin thì phản ứng gay gắt. Tại một số địa phương, chính quyền và cơ quan an ninh, vì không kiểm soát nổi, đã ngăn cấm, bất kể đúng sai.
Trước thực trạng như vậy, các nhà khoa thấy rằng, đã đến lúc cần tìm hiểu, nghiên cứu khoa học một cách chính thống để làm rõ: nếu không có thật thì sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng nhà nước kiên quyết dẹp bỏ, còn nếu đây là một hiện tượng thực tế khách quan thì kiến nghị phương thức ứng xử thích hợp.
Trên cơ sở đó, 3 cơ quan khoa học gồm UIA, Viện Khoa học hình sự, Trung tâm Bảo trợ văn hoá - kỹ thuật truyền thống đã có tờ trình Chính phủ xin cho phép tiến hành khảo nghiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và đã được Chính phủ chấp thuận. Như vậy, lần đầu tiên, một đề tài nghiên cứu khoa học rất đặc biệt là khảo nghiệm khả năng ngoại cảm, ứng dụng trong tìm mộ liệt sĩ thất lạc đã được thực hiện, do các cơ quan khoa học tiến hành dưới sự chỉ đạo, giám sát của các cơ quan chức năng.
Để chắc chắn việc khảo nghiệm được trung thực, khách quan, loại trừ những yếu tố có thể mang tính chất dàn xếp, sắp đặt, các cơ quan nghiên cứu đã điều các nhà ngoại cảm ra khỏi môi trường cũ của họ để cắt đuôi tất cả các hoạt động chân gỗ, cò mồi… (nếu có). Theo đó, các nhà ngoại cảm được ăn ở, sinh hoạt hoàn toàn ở cơ quan, làm việc dưới sự điều hành và giám sát của các cơ quan chức năng.
Những người đi giữa hai “làn đạn”
Nghiên cứu về ngoại cảm, tâm linh - một đề tài hết sức nhạy cảm, các nhà khoa học đã phải đối mặt với không ít phản ứng, dị nghị trong dư luận. Họ đã chấp nhận đi giữa hai “làn đạn” của dư luận xã hội trên chặng đường đưa hài cốt các liệt sĩ về quê hương.
Một “làn đạn” xuất phát từ những kẻ lợi dụng hiện tượng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan, lừa gạt người dân. Đương nhiên, những người này tìm mọi cách ngăn cản, chống phá chương trình nghiên cứu, sợ sự thật được làm rõ thì họ… mất đường làm ăn.
“Làn đạn” thứ hai là từ một số người không tin vào tâm linh, vào khả năng ngoại cảm, nên tỏ thái độ nghi ngờ, thậm chí công kích mạnh mẽ. Trong số những người nghi ngờ có cả các quan chức cấp cao, kể cả một số lãnh đạo của Bộ Công an, khiến các cơ quan khoa học phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, việc rất nhiều trường hợp tìm thấy mộ liệt  sĩ bằng ngoại cảm đã phá tan mọi nghi ngờ. Những người trước đây bán tín bán nghi, thì sau đó đã thực sự bị thuyết phục.
Trong số những hài cốt liệt sĩ được tìm thấy bằng ngoại cảm, có cả cố Tổng bí thư Trần Phú (được tìm thấy ở Công viên Lê Thị Riêng, TP.HCM); liệt sĩ - nhà văn Nam Cao (tìm thấy ở Gia Viễn, Ninh Bình); liệt  sĩ Vũ Thị Kính, em gái nguyên Phó thủ tướng - GS. Trần Phương; liệt  sĩ tiền bối cách mạnh Bùi Văn Thịnh (tức Thơ Lanh - bạn tù Hoả Lò cùng thời với các đồng chí Đỗ Mười, Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình…); liệt  sĩ Lê Duy Nhuận – bạn của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; liệt  sĩ  - thủ trưởng cũ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ; liệt sĩ - trung tá tình báo Lý Văn Tố...
Đặc biệt, trường hợp tìm thấy hài cốt liệt sĩ - anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Hiệu trong tình thế “mò kim đáy biển” đã khiến bất cứ người nào từng chứng kiến cũng phải bị thuyết phục bởi sự kỳ diệu của tâm linh (liệt sĩ Hiệu cùng con tàu không số nổ tung trên biển - cách đất liền 120 km - sau khi bị địch phát hiện trong một chuyến chi viện miền Nam năm 1972).
Sự ghi nhận ngọt ngào
Năm 1998, Chương trình khảo nghiệm đã kết thúc giai đoạn I với thành công vang dội: 70% trường hợp nghiên cứu đã được tìm thấy. Đây là xác suất mộ liệt sĩ được tìm thấy rất cao trong bối cảnh phần lớn hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trong rừng sâu, sông, suối, núi non, địa hình hiểm trở…, hiện trạng địa lý cũng thay đổi rất nhiều sau hàng chục năm.
Ban chủ nhiệm Chương trình khảo nghiệm đã báo cáo kết quả lên Chính phủ. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu và quyết định cho phép tiếp tục thực hiện khảo nghiệm ở mức độ cao hơn và đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường có hình thức khen thưởng. Riêng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng khẳng định, phương pháp nghiên cứu của Chương trình là khoa học, khách quan, có độ tin cậy cao, đã khẳng định được một sự thật khách quan và đề tài có ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng xã hội.
Tiếp đó, kết quả nghiên cứu còn được báo cáo ở cấp cao hơn. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với hiện tượng đặc biệt này cũng như ý nghĩa xã hội của nó.
Chương trình sau đó tiếp tục được phép triển khai giai đoạn II và III, theo hướng tiếp tục mở rộng đối tượng, nghiên cứu và phát hiện những khả năng đặc biệt khác, hướng hoạt động ngoại cảm vào các công việc hữu ích, lành mạnh hoá các hoạt động tâm linh. Ngoài ra, Chương trình khảo nghiệm còn thiết lập các kênh giao lưu trực tiếp với hương linh các liệt sĩ để việc tìm kiếm hài cốt nhanh hơn, tiến tới phổ thông hoá việc tìm hài cốt thất lạc.
Giao lưu áp vong để liệt sỹ chỉ đường tìm hài cốt
Hiện cả nước có khoảng 20 nhà ngoại cảm đã được xác nhận có khả năng ngoại cảm. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mộ liệt sĩ là quá lớn, nên các nhà ngoại cảm luôn bị quá tải. TS. Vũ Thế Khanh đưa ra một so sánh: “Với số hài cốt liệt sĩ vẫn còn thất lạc, nếu mỗi năm tìm được 1.000 mộ liệt sĩ, thì 500 năm nữa, chúng ta vẫn chưa tìm hết”.
Tuy nhiên, quá trình khảo nghiệm đã đi sang một giai đoạn cao hơn, đó là hình thức giao lưu áp vong: vong linh liệt sĩ nhập thẳng vào người nhà để chỉ dẫn vị trí hài cốt của mình.
Hài cốt liệt sĩ Lê Ngọc Bính là một trong rất nhiều trường hợp vừa được tìm thấy thông qua hình thức giao lưu áp vong. Khi khai quật, gia đình đã tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ có cả lọ penecilin có ghi đầy đủ thông tin: “Lê Ngọc Bính – Đ.V.v-10-K.B – T.C. 388 – H.S. 18-10-1969”. Đúng như thông tin trên giấy báo tử gia đình nhận được năm 1972.
Tại buổi giao lưu áp vong diễn ra vào tháng 12/2010 tại Liên hiệp UIA (số 1 Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội), liệt  sĩ Bính đã về nhập vào cô em gái và nói với các anh trai: “Em hy sinh vì bị sức ép của bom. Có cô giao liên tốt lắm, cô ấy sẽ chỉ chỗ em nằm. Thôi, em đi đây, em lại vào Tây Ninh đây…”.
Theo những thông tin có được, gia đình đã tìm vào Tây Ninh, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, gia đình đã tìm được cô giao liên (nay đã lên chức bà) tên là Ba Điệp, người đã từng chôn một liệt sĩ tên Bính - người miền Bắc.
Nhờ những chỉ dẫn từ trí nhớ của bà Ba Điệp, gia đình đã tìm thấy chính xác vị trí mộ liệt sĩ Bính, tìm được cả vật chứng trong hài cốt là lọ penecilin ghi rõ ràng thông tin chính xác về liệt sĩ, không sai một chi tiết nào.
Theo TS. Vũ Thế Khanh, rất nhiều trường hợp mộ liệt sĩ đã được tìm thấy qua hình thức giao lưu áp vong. Tuy nhiên, để tỷ lệ thành công cao hơn, trước khi tiến hành giao lưu, các gia đình nên thực hiện nghi thức cầu siêu trước. Lý do là, đa phần liệt sĩ khi hy sinh trong trạng thái đau đớn về thể xác (bị thương, bị tra tấn, đánh đập…), nên nhiều liệt sĩ về trong trạng thái đau đớn, nên không nói được nhiều, không đủ thông tin để người nhà có thể đi tìm. Do đó, nghi thức cầu siêu theo nghi lễ Phật giáo, nói nôm na là để “chữa bệnh” cho các liệt sĩ, sẽ giúp họ hết đau đớn, nhờ đó khi giao lưu sẽ nói được nhiều thông tin hơn.
Thực hiện mục tiêu này, Chương trình khảo nghiệm đã tổ chức Pháp hội: “Uống nước nhớ nguồn” để thực hiện nghi lễ tri ân, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Pháp hội được tổ chức liên tục hàng tuần và đã nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Lời kết
Qua Chương trình khảo nghiệm “Tìm mộ bằng khả năng đặc biệt”, với những bằng chứng khoa học xác thực, các nhà khoa học đã chứng minh những hiện tượng tâm linh là một thực tế khách quan không thể phủ nhận, mặc dù việc lý giải hiện tượng này vẫn còn cần thêm thời gian.
15 năm qua, các nhà khoa học đã vượt qua tất cả các “làn đạn” từ nhiều phía để đưa hài cốt hàng vạn liệt sĩ  về quê hương. Sự “khởi đầu nan” giờ đã qua, trong báo cáo khoa học của Viện Khoa học hình sự, Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý đã viết: “Việc nghiên cứu giờ đã thuận lợi hơn về mặt dư luận. Chúng ta cần tổ chức nghiên cứu sâu hơn, tiếp cận sát hơn nữa với hiện tượng. Thế hệ này làm không xong, thế hệ sau cần tiếp nối, bởi con người có khả năng nhận thức được thế giới và nhận thức của chúng ta là một quá trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét