Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Vàng: Không thể quản lý theo cách chúng ta đang làm

(Tamnhin.net) - Không thể quản lý vàng theo cách chúng ta đang làm do tỷ lệ dự trữ vàng so với GDP quá lớn. Dứt khoát phải lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh, nhưng không nên quản lý theo kiểu biến lượng của cải tương đương tới 50% GDP cả nước thành thứ nằm một chỗ, không sử dụng được. 
Nguyên bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá
Nguyên bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á châu (ACB) đã nhấn mạnh điều này trong  phát biểu tại Hội thảo mang tên Tác động của thị trường vàng tới thị trường tài chính Việt Nam, do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội. 

Dự trữ vàng hiện nay ở Việt Nam, khoảng 1.000 tấn theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới và ít nhất là 460 tấn theo tính toán của của hãng nghiên cứu và tư vấn về vàng Anh GFMS. Tương ứng với hai số liệu này, lượng vàng dự trữ ở Việt Nam có giá trị dao động từ 21 đến 45 tỷ USD, tương đương 20-45% GDP Việt Nam năm ngoái. 


Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định tầm quan trọng của khối tài sản khổng lồ này và  nhu cầu đầu tư, tích trữ vàng của người dân là có thật và rất lớn. 

Kết quả cuộc điều tra thử nghiệm quy mô nhỏ do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thực hiện trên địa bàn Hà Nội cho thấy gần một phần ba số hộ gia đình tham gia khảo sát có đầu tư và tích lũy bằng vàng, trong đó 92% giải thích tích trữ vàng do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát. Cũng theo kết quả điều tra này, vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư. 

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính nêu rõ,những con số trên cho thấy một nguồn lực tài chính lớn không đến được nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, mà chạy quanh giữa những kênh đầu tư tài chính, trong đó có vàng - đôla. Nguồn vốn hoạt động không chính thức này gây sức ép không nhỏ tới thị trường ngoại hối. 

Nghị quyết số 11 ban hành cuối tháng hai đề ra chủ trương quản lý thị trường vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Trong quá trình Ngân hàng Nhà nước dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo của Chính phủ, đã có lúc ban soạn thảo cân nhắc tới ý tưởng giao dịch một chiều, chỉ cho phép người dân bán vàng cho Nhà nước mà không được mua lại đồng thời xóa sổ các thương hiệu vàng miếng hiện nay. 

Theo kế hoạch, cuối tháng 6 là hạn chót Ngân hàng Nhà nước phải trình dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng lên Chính phủ. Hiện nội dung dự thảo chưa được công bố, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không còn ý tưởng giao dịch một chiều nữa, người dân vẫn có quyền mua bán tại những điểm được cấp phép. 


Ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng không thể phủ nhận nhu cầu đầu tư tích trữ tài sản bằng vàng của người dân, đây là tập quán hình thành bởi quá khứ chiến tranh liên miên, lạm phát cao và kéo dài. 

Nhu cầu này vẫn còn khi kinh tế chưa ổn định, lạm phát vẫn còn cao. Một khi đã có nhu cầu, cần tổ chức để người mua có chỗ mà mua, người cần bán có chỗ mà bán. Nên quản lý nó chứ không nên coi đây là hình thức vô thừa nhận. Cần có khuôn khổ pháp lý để huy động nguồn tài sản tích lũy của dân phục vụ cho phát triển kinh tế. 


Ông Trương Đình Tuyển
Nguyên bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển cũng cho rằng nhu cầu đầu tư của dân là có thật, nên không thể xóa bỏ kinh doanh vàng miếng.

Một khi có nhu cầu thì người ta sẽ tìm ra phương thức để thỏa mãn. Đó là quy luật. Nếu không có phương tiện tốt, ắt sẽ nảy sinh phương tiện xấu vì khi chưa nghiên cứu ký cơ chế quản lý thị trường mà đã đề ra mục tiêu xóa kinh doanh tự do, sẽ tạo tâm lý không tốt trong dân.

Minh Giang

Ngăn chặn chảy máu vàng qua biên giới

 
(Tamnhin.net) - Nghị quyết 11 giao cho NHNN điều hành những mảng công việc rất quan trọng trong đó có việc ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gây chảy máu vàng qua biên giới. 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.
Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí mới đây

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. 

Các chuyên gia cho rằng nếu không được ngăn chăn hiệu quả, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới với sức hút của “nước láng giềng khổng lồ” sẽ làm kho vàng 1000 tấn trong dân của Việt Nam rơi vào nguy cơ bị suy giảm đáng kể… 

Số liệu chính thức của Việt Nam cho thấy, khoảng 2-3 tỷ USD vàng/năm đã rời khỏi Việt Nam trong 2 năm qua. 

Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới ở Việt Nam đặc biệt hợp với khẩu vị của Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 của thế giới (chỉ đứng sau Mỹ) là thế lực đang thực hiện chủ trương tăng cường mua vàng dự trữ với khối lượng lớn.

Trung Quốc đã mạnh mẽ khuyến khích người dân tích trữ vàng thông qua việc tăng  nhập khẩu từ nước ngoài để đẩy mạnh bán vàng miếng cho dân.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa qua đã tăng cường bán vàng miếng cho người dân, trung bình mỗi tuần 5 tấn, thậm chí có tuần cao nhất tới 15 tấn. Chỉ riêng trong tháng 1, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã bán được 7 tấn vàng – gần một nửa so với tổng 15 tấn được bán ra trong năm 2010. 

Theo thống kê của Ngân hàng Thụy Sĩ (USS), trong 2 tháng đầu năm 2011, người Trung Quốc mua gần 50% sản lượng vàng của thế giới (bao gồm cả Việt Nam) trong thời gian này. 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Nghị quyết 11 cũng giao cho NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%; đặc biệt Chính phủ giao cho NHNN tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. 

NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để bảo đảm kiềm chế lạm phát. 

NHNN cũng điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý; bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối… 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đánh giá, sau 5 tháng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và gần 4 tháng thực hiện NQ 11 của Chính Phủ, kết quả ban đầu đạt được rất tốt. 

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 6,92%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,46%). Và nếu so với chỉ tiêu cả năm tăng dưới 20%, thì có thể khẳng định rằng, tăng trưởng tín dụng đang đi đúng với mục tiêu đề ra. 

Đặc biệt, trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tín dụng đã được tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng tín dụng đã đạt 25% (trong khi tăng chung chỉ là 6,92%). 

Đối với khu vực phi sản xuất, nếu như cuối năm 2010 tỷ trọng tín dụng chiếm 18,87% thì đến cuối tháng 5/2011 chỉ còn chiếm 16,91%. Rõ ràng, kết quả thực hiện nhiệm vụ đang đi đúng hướng theo mục tiêu điều hành của Chính phủ và NHNN. 

Thứ hai, Chính phủ gần đây đã đánh giá cao NHTW trong việc ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá giao dịch trong biên độ mà NHNN đã công bố, điều hành. Nhất là NHNN đã mua vào được một lượng ngoại tệ khá lớn trong vài tháng gần đây. Thứ ba, thị trường vàng rất ổn định, giá vàng trong nước theo sát giá vàng thế giới, có thời điểm thấp hơn… 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 6,92%  là không thấp trong điều kiện GDP 5 tháng đầu năm tăng 5,6%, dự kiến 6 tháng cuối năm tăng 5,6 - 6%. Hơn nữa, trong bối cảnh phải ưu tiên kiềm chế lạm phát thì tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy là phù hợp. 

Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp là do có biến động tiền gửi nhưng NHTW đã kiểm soát rất chặt chẽ nên không có hiện tượng điều hành giật cục mà rất linh hoạt. 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, phải rất linh hoạt, nhất là trong việc thực hiện những mảng công việc mà Chính phủ giao cho NHNN và việc thực hiện bằng được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra. 

Về lãi suất, Chính phủ đã ban hành NQ số 83 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2011, trong đó nhận định: lãi suất cao tác động đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất là điều không thể tránh khỏi. Bởi không có quốc gia nào lạm phát cao mà lãi suất lại thấp. Để giảm tổng cầu thì lãi suất phải cao, phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng. 

Trong NQ 83, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành phân bổ đều chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán theo các quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, và mùa vụ sản xuất, kinh doanh…  NHNN quán triệt các NHTM tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống…

Về nguyên tắc chung, khi CPI giảm dần NHTW sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự  ổn định tương đối vững chắc chứ không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất.

Thanh Anh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét