Gương mặt đầy sẹo và biến dạng của bà Trương Thục Lan khiến ai nhìn thấy cũng bàng hoàng.
Đã có thời, bà là một phụ nữ mạnh khỏe và sung sức. Nhưng giờ đây, với mái tóc đã rụng và các đường nét trên khuôn mặt bị biến dạng, bà trông khác hoàn toàn so với trước.
Chỉ một hành động đã làm thay đổi người phụ nữ 64 tuổi này.
Khi những kẻ "đâm thuê chém mướn” tới để trục xuất bà khỏi nhà vào đầu năm nay, bà đã tẩm xăng lên mình và tự thiêu.
Giọng đầy nước mắt, bà Trương kể: “Tôi làm việc đó vì họ kéo sập nhà tôi mà không được phép của tôi. Tôi tự thiêu mình vì không muốn sống nữa - họ buộc tôi phải làm điều đó, tôi chẳng còn cơ hội nào”.
“Dân thường chẳng có quyền gì hết. Tôi uất ức quá”.
Bà vẫn đang tranh đấu đòi lại cái mà bà cho là quyền phải được bồi thường chính đáng cho ngôi nhà cũ của bà, giờ đã bị phá.
Bà Trương không phải trường hợp cá biệt. Hàng chục người khác trong quận của bà cũng đòi những điều tương tự - cũng như hàng ngàn người dân khác trên khắp Trung Quốc.
‘Đâm thuê chém mướn’
Trong lúc đất nước ào ạt phát triển, chính phủ Trung Quốc không thể nào ngăn được hàng trăm vụ xung đột về quyền sử dụng đất đai.
Hội đồng nhà nước, cơ quan cao nhất của chính phủ Trung Quốc, gần đây ra chỉ thị ngăn ngừa việc phá hủy cưỡng chế như trường hợp nhà bà Trương.
Tuy nhiên, các vụ việc người dân hành động quá khích vì cho rằng họ đã bị đối xử bất công vẫn tiếp tục. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đương đầu với vấn đề lớn.
Bà Trương là một trong rất nhiều người dân từ chối chuyển vào khu nhà một tầng tồi tàn tại Thông Châu, là khu ngoại ô của Bắc Kinh, để mở đường cho việc tái phát triển.
Chính quyền địa phương có vẻ đặt nhiều hi vọng vào quận này, vốn có đường giao thông tốt nối với trung tâm Bắc Kinh.
Một số chuyên gia phát triển còn nói Thông Châu có thể trở thành “Manhattan của Trung Quốc”.
Trung tâm của khu ngoại ô này nay đã thay đổi, với nhiều cửa hiệu và nhà hàng đắt tiền. Các khu căn hộ mới mọc lên, và người ta phải dọn dẹp nhiều khu vực lớn cho các dự án trong tương lai.
Bán đất cho các công ty phát triển giúp cho các chính quyền địa phương ở TQ thu về hàng tỉ đôla mỗi năm - trung bình chiếm tới 30% ngân sách.
Nhưng tái phát triển cũng có nghĩa là người dân phải di dời, và một số không muốn như vậy.
Phá hủy cưỡng chế
Khiếu nại chính của tất cả những người từ chối rời khu Thượng Doanh, nơi bà Trương sống, đều giống nhau: họ cảm thấy họ được bồi thường quá ít, không đủ để mua nhà mới.
Một cư dân khác không muốn rời đi nhận xét: “Số tiền mà họ đề nghị thấp hơn nhiều, không bằng giá trị ngôi nhà”.
“Chúng tôi là những người dân lương thiện. Nếu nhà của chúng tôi đáng giá bao nhiêu thì họ phải trả chúng tôi ngần ấy chứ. Thế nhưng họ không làm vậy, đây là một sự cướp đoạt”.
Những người dân đã nổi cơn phẫn nộ, và hành động của bà Trương chứng tỏ điều này.
Khi đài BBC tới phỏng vấn, họ tụ tập và kể chuyện sôi nổi. Mang theo những tập hồ sơ quăn góc, một vài người trong số họ bật khóc.
Rất nhiều người viết khẩu hiệu lên tường nhà bày tỏ ý nguyện sẽ tiếp tục tranh đấu. Một khẩu hiệu nói: “Tranh đấu đến cùng!”.
Đa phần các ngôi nhà giờ đứng trơ trọi, vì những nhà xung quanh đã bị phá hủy. Người Trung Quốc gọi những ngôi nhà có chủ không chịu rời đi là “nhà đinh”.
Một số gia đình tìm cách đảm bảo rằng lúc nào cũng có người ở nhà để đề phòng trường hợp giới chức đến phá nhà của họ.
Vũ Gia Kỳ, từ phòng tuyên truyền Thông Châu, nói giới chức địa phương không làm gì sai trái.
Ông nói: “Quyết định phá nhà là do tòa án đưa ra, và cũng ra lệnh thực thi. Chính quyền không có vai trò lớn trong những trường hợp này.”
Điều này chỉ đúng một phần. Tài liệu của tòa án cho thấy các quan chức địa phương là những người quyết định tái phát triển - họ muốn những người dân này phải rời đi.
Cho dù bên nào đúng sai trong trường hợp này, chính quyền trung ương chắc chắn sẽ lo ngại về số vụ tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng.
Hội đồng nhà nước tháng trước nói tất cả các trường hợp cưỡng bức nên được thực hiện “một cách hài hòa, văn minh và hợp pháp”, với việc bồi thường công bằng cho những người phải di dời.
Họ muốn chấm dứt việc cưỡng chế phá hủy, cùng với những bạo lực đi kèm.
Thế nhưng cuộc giành giật đang tiếp diễn tại Thông Châu cho thấy mong muốn này còn lâu mới thực hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét