Mức nợ của chính phủ Hoa Kỳ tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây. Vào năm 2007 tổng số nợ chỉ hơn 60% GDP nhưng đến nay đã nhảy vọt lên tới 98,57% với 14345 tỉ Mỹ kim và đạt mức nợ tối đa được qui định. Để có khả năng thanh toán bộ tài chính đã áp dụng nhũng biện pháp ngoại lệ như ngưng chuyển tiền vào quỹ hưu trí cho công chức, ngưng chuyển tiền vào quỹ giữ vững đồng Mỹ kim vv… Những biện pháp nêu trên chỉ có thể cầm cự đến ngày 2/8/2011. Điều kiện để chính phủ Hoa kỳ còn tiếp tục khả năng thanh toán tiền lãi là Hạ và thượng nghị Viện Mỹ phải nâng cao mức nợ tối đa trễ nhất một tuần trước ngày 2/8/2011 để bộ tài chánh có thể bán công trái phiếu lấy tiền thanh toán cho chủ nợ. Theo Clemens Fuest thuộc Đại học Oxford: “Điều đó có nghĩa là trong mức độ nào đó (Hoa kỳ) là một quốc gia đã sống (và tiêu thụ) vượt quá khả năng của họ, nên đã mang nợ ngoại quốc nặng nề, cả chính phủ lẫn tư nhân.“.
Lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thường xuyên nâng cao mức nợ quốc gia tối đa. Từ năm 1962 đến nay Hoa kỳ đã 72 lần nâng cao mức nợ này, nghĩa là trung bình mỗi năm 1,47 lần. Nhưng hiện nay gặp trở ngại vì Hạ nghị viện do đảng Cộng hoà chiếm đa số. Các dân biểu Cộng hoà đòi hỏi chính quyền TT Obama phải giảm thuế và đệ trình một kế hoạch tiết kiệm ngân sách quốc gia. Chính quyền TT Obama trong một tình trạng khó xử sự.
Nhiều người coi thường mức nợ quốc gia của Hoa kỳ và so sánh mức nợ của Hoa kỳ với các quốc gia khác như Nhật bản với mức nợ hơn 200% GDP. Xin lưu ý một vài điểm khác biệt giữa nợ của hai nước Nhật và Hoa kỳ:
- Chính phủ Nhật đã phải mượn nợ để chi phí cho những chương trình tăng trưởng kinh tế liên tục trong suốt 20 năm qua
- Nhật thặng dư ngoại thương, nghĩa là xuất cảng nhiều hơn nhập cảng
- Nhật dự trữ ngoại tệ đứng hạng thứ nhì trên thê giới, sau Trung cộng
- 90% nợ quốc gia của Nhật là do chính người dân Nhật cư ngụ trong nội địa nước Nhật làm chủ nợ.
Mất niềm tin của thị trường tài chánh
Công ty đánh giá tín dụng Fitch đe dọa Hoa kỳ sẽ đánh giá tín dụng của họ tiêu cực, nếu không có sự thống nhất kịp thời giữa hai đảng Cộng Hoà và Dân chủ: “Nếu trước ngày 2 Tháng tám mức nợ tối đa không được nâng cao Fitch sẽ định giá tín dụng “triển vọng tiêu cực” (cho Hoa kỳ)“, Andrew Colquhoun người đứng đầu Fitch của khu vực Á châu-Thái Bình Dương cho biết như trên.
Công trái của chính phủ Hoa kỳ trước đây được đánh giá là „bến đậu an toàn“. Ngân hàng quốc gia các quốc gia trên thế giới dự trữ ngoại tệ bằng cách mua công trái phiếu Hoa kỳ nhằm điều hoà đồng tiền trong nước. Ngân hàng tư, công ty bảo hiểm, Investment Funds, quỹ hưu trí vv… dùng công trái phiếu Hoa kỳ nhằm điều hoà rủi ro có thể xảy ra bởi những doanh nghiệp tài chính không có tính chất an toàn. Mức nợ chồng chất và sự lợi dụng cơ hội để tranh giành quyền lực giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã làm giảm hoặc mất niềm tin của các chuyên gia tài chánh vào công trái phiếu Hoa kỳ. PIMCO, công ty bán công trái phiếu lớn nhất thế giới đã bán ra tất cả công trái phiếu Hoa kỳ mà họ giữ và tuyên bố sẽ không giữ công trái phiếu Hoa kỳ trong tương lai. Một giám đốc ngân hàng Hoa kỳ dấu tên tuyên bố với Financial Times “Chúng tôi có kế hoạch vào đầu tháng tám sẽ giảm sự phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ, để bảo đảm hơn chúng tôi giữ tiền mặt“.
Tỉ lệ thất nghiệp quá cao
Tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa kỳ vào cuối tháng 5/2011 là 9,1%. Trên thực tế con số thất nghiệp cao hơn nhiều vì tại Hoa kỳ nếu ai làm việc mỗi tuần từ 1 tiếng trở lên thì không được tính là người bị thất nghiệp.
Cơn khủng hoảng kinh tế vừa qua đã hủy diệt nhiều triệu chỗ làm, đặc biệt các chỗ làm lương cao trong kỹ nghệ và ngành xây dựng. Mặc dù các công ty, hãng xưởng, ngân hàng đạt lợi nhuận rất cao, nhưng họ không chịu nhận thêm nhân cộng. Sở thống kê thị trường công việc làm cho biết “từ tháng 10/2010 đến nay lương tuần của thợ giảm 1,6% sau khi khấu trừ lạm phát“.
Lạm phát gia tăng nhưng không tăng trưởng kinh tế
Lạm phát tại Hoa kỳ vào tháng 5/2011 lên tới 3,6% nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ vỏn vẹn 0,1%. Tình trạng lạm phát cao nhưng tăng trưởng bị đình trệ này rất khó điều chỉnh vì ngân hàng liên bang (Fed) không thể tăng lãi xuất là biện pháp làm giảm lạm pháp vì việc tăng lãi xuất làm giảm đầu tư và giảm khả năng tiêu thụ qua đó càng làm giảm phát triển kinh tế.
Ngay cả những người lạc quan chuyên nghiệp như Ben Bernanke của Fed đã từng tuyên bố đó chỉ là “những gánh nặng tạm thời” nhưng cũng đã giảm dự đoán tăng trưởng cho năm 2011 xuống còn 2,7% đến 2,9%. Đồng thời, ông đã nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong tương lai và thừa nhận: “chúng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao sự tăng trưởng chậm chạp kéo dài một cách triền miên như vậy!“.
Các chuyên gia kinh tế nổi tiếng như Larry Summers và Robert Reich đề nghị chính phủ Hoa kỳ đề xuất một chương trình hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng các chương trình hỗ trợ tăng trưởng lại gây thâm thủng thêm ngân sách quốc gia và tạo thêm nợ nần chồng chất.
Hôm thứ năm 23/6/2011 chính phủ Hoa kỳ đã lấy từ kho dự trữ chiến lược 30 triệu thùng dầu (mỗi thùng 159 lít) và bán ra thị trường. Biện pháp này tạm thời làm giảm giá xăng dầu và cũng nhằm giảm lạm phát. Đồng thời biện pháp này hỗ trợ tăng trưởng tiêu thụ, vì người dân trả tiền cho xăng dầu ít hơn số tiền dư sẽ mua sắm các sản phẩm tiêu thụ khác.
Giá bất động sản giảm sút
“Chúng tôi dự đoán cho đến cuối năm nay giá nhà sẽ giảm ít nhất 8%“ bà Prajakta Bhide, chuyên gia kinh tế của Roubini Global Economics cho biết như trên. Giá nhà giảm làm tăng tỉ lệ phá sản của người dân, đồng thời khả năng mượn nợ của người dân cũng thấp hơn và khả năng tiêu thụ hàng hoá cũng giảm đi. Tình trạng này tạo thêm một gánh nặng cho sự tăng trưởng kinh tế của Hoa kỳ.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Hoa kỳ và cũng là cựu cố vấn kinh tế cho TT Obama, Robert Reich dự đoán: “Nguy cơ một cuộc suy thoái trong tương lai gần là có. Tôi nghĩ rằng 40 phần trăm cuộc suy thoái sẽ xảy ra.“.
© Nguyễn Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét