Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Biển Đông: Mặt trận không tiếng súng

Kỳ 1: Bản chất của xung đột chủ quyền tại Biển Đông
LTS: Biển Đông đang là vấn đề thời sự nóng bỏng không chỉ trong nước mà còn trên các diễn đàn quốc tế. Để có một góc nhìn sâu rộng hơn về những xung đột lợi ích và các động thái chính sách của các bên liên quan, Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu bài viết của tiến sĩ Lê Hồng Nhật – đại học Quốc gia TP.HCM. Theo tác giả, đây là bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không đại diện cho nơi tác giả làm việc.
Tàu cá xa bờ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang theo cờ tổ quốc trong lúc hành nghề trên biển Đông, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải. Ảnh: M.Đ
Chuỗi các tranh chấp về chủ quyền gần đây giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này khiến cho dư luận lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang, gây mất ổn định khu vực, và nêu ra sự cần thiết có cơ chế an ninh khu vực đủ hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ này.
Theo tôi, nguy cơ chạy đua vũ trang của các nước nhỏ trong vùng quanh Biển Đông sẽ không phải là xu thế chủ đạo. Xu thế chính sẽ là việc Trung Quốc sử dụng sự vượt trội về sức mạnh mềm và kinh tế để chèn ép (holdup) từng nước nhỏ trong quan hệ song phương, nhằm thiết lập dần chủ quyền trên thực tế (de facto control righs) của mình tại các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của các quốc gia khác. Nhờ đó, tạo nên sự “trỗi dậy hoà bình” thực sự, mà không tốn một phát súng.
Nếu vậy, sẽ khó có một cơ chế an ninh hay tuyên bố chung nào giữa Trung Quốc và các nước Asean, như Nguyên tắc ứng xử Biển Đông (COC), có thể làm đảo ngược được xu thế đã, đang và sẽ diễn ra này. Mặt khác, xu thế đó sẽ dễ làm bùng nổ một cuộc xung đột quân sự song phương, leo thang thành xung đột khu vực, mà không được tiên liệu trước bởi bất cứ bên nào. Một khi xung đột khu vực đã nổ ra thì sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả Trung Quốc.
Một cơ chế an ninh quốc tế, có tính đa phương, lồng trong khuôn khổ quan hệ chủ quyền có tính song phương, là giải pháp duy nhất để ngăn chặn nguy cơ nói trên, vì sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và trật tự quốc tế.
Nếu chúng ta nhìn vào bản đồ phân chia quyền về lãnh hải của từng quốc gia trên Biển Đông, thì chủ quyền biển của từng quốc gia và trật tự hàng hải quốc tế đã được phân định rõ theo công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS 1982). Vậy tại sao Trung Quốc lại ngang nhiên đưa ra đường lưỡi bò “liếm trọn” Biển Đông – điều mà chỉ có thể xảy ra, nếu bánh xe lịch sử bị quay ngược trở lại trước thế chiến thứ hai, khi Việt Nam, Philippines và các nước quanh Biển Đông chưa được công nhận là các quốc gia độc lập, khi dân tộc Việt Nam, Philipines và các dân tộc khác chưa có quyền được hưởng tự do và độc lập?
Hiểu chủ quyền quốc gia theo nghĩa nào?
Nói như vậy để thấy rằng, chủ quyền của một quốc gia (sovereignty) phải được hiểu theo cả hai nghĩa: (1) Theo sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và đi kèm theo đó là các công ước quốc tế về chủ quyền. (2) Theo khả năng của nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia, mà cơ bản nhất là đảm bảo an ninh quốc phòng; bảo vệ quyền của người dân khai thác tài nguyên và sinh sống trên nơi mà cha ông họ đã sinh sống qua ngàn đời, dù là trên đất liền, hay trên biển đảo.
Khi áp dụng cách hiểu này về vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia vào vấn đề bảo đảm trật tự hàng hải quốc tế, thì các cường quốc như Mỹ, Nhật, phải đóng vai trò “siêu nhà nước”. Họ đảm bảo quyền tự do lưu thông và an ninh trên vùng biển quốc tế. Nói khác đi, họ cung cấp các hàng hoá công có tính quốc tế này. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, như việc chống nạn cướp biển tại Somalia, sự hợp tác giữa nhiều quốc gia lớn nhằm đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế cũng là một giải pháp.
Nếu tại một quốc gia, chi phí cho sự đảm bảo an ninh chủ quyền biển được tài trợ thông qua thuế thì vai trò đảm bảo an ninh và trật tự quốc tế về biển của các siêu cường được tài trợ bởi lợi ích có được từ tự do lưu thông hàng hải và mậu dịch quốc tế và hợp tác khai thác tài nguyên biển như dầu lửa, nguồn đánh bắt cá, với sự đồng thuận của quốc gia sở tại, có chủ quyền.
Như vậy, nhìn theo quan điểm quốc tế, chủ quyền về khai thác tài nguyên biển (dầu lửa, đánh bắt cá) trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia là một dạng hàng hoá tư, thuộc quyền sở hữu quốc gia, được công ước quốc tế công nhận, và được làm cho có hiệu lực bởi vai trò bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của nhà nước của quốc gia đó.
An toàn và tự do lưu thông trên đường hàng hải quốc tế, mặt khác, lại là hàng hoá công, vì việc tàu bè của một nước được đi lại tự do và được bảo vệ an toàn trên đường biển quốc tế không loại trừ tàu bè của nước khác cũng được hưởng quyền và dịch vụ như vậy. Điều này rõ ràng là khác với quyền đánh bắt cá và khai thác dầu trên thềm lục địa của một quốc gia độc lập, theo nghĩa, một quốc gia khác, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không được quyền xâm phạm nguồn tài nguyên thuộc đặc quyền kinh tế của quốc gia có chủ quyền, cho dù quốc gia đó có thể nhỏ và yếu hơn họ nhiều lần.
Cuộc chơi chèn ép trên bình diện quốc tế này thể hiện tính phiêu lưu trong chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Tính loại trừ sự xâm lấn hay tính chủ quyền thiêng liêng này, như đã nói, là chuẩn mực được cả cộng đồng thế giới công nhận; nhưng nó cũng cần phải được bảo vệ bởi chính nhà nước có chủ quyền. Ngược lại, một quốc gia lớn, dùng sức mạnh, dù là quyền lực mềm hay cứng, để xâm phạm chủ quyền của một nước nhỏ, thì sự chiếm đoạt đó không bao giờ có thể làm nền tảng cho chủ quyền dưới tên gọi của quốc gia đi xâm chiếm đó, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh.
Xung đột chủ quyền Biển Đông là vấn đề an ninh khu vực và quốc tế
Như vậy, chủ quyền quốc gia không phải là một khái niệm biệt lập. Với sự bất cân xứng vốn có về sức mạnh kinh tế và quân sự giữa các quốc gia có chủ quyền thì các quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa các quốc gia lớn và nhỏ, chia sẻ cùng một lợi ích chiến lược phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế sẽ tạo ra khối liên minh chính thức hay phi chính thức. Sức mạnh của liên minh tạo ra một sự răn đe hữu hiệu đối với sự xâm lấn dưới tên của bất kỳ quốc gia lớn hơn nào với một dân tộc có chủ quyền, nhưng yếu hơn về kinh tế và quân sự. Một khi liên minh bị suy yếu đi, thì sự cân bằng về trật tự quốc tế và khu vực bị thay đổi, do xuất hiện những vùng trống về quyền lực. Tuy nhiên, sự thay đổi về trật tự thế giới đó (và sự trỗi dậy của “người” bảo hộ cho trật tự mới đang hình thành) có trở thành một xu thế toàn cầu hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tính chính nghĩa của tiến trình như vậy. Một khi tính phi nghĩa lấn át, mà cực điểm là chủ nghĩa phát xít, thì sớm hay muộn, tham vọng phi nghĩa đó sẽ bị diệt vong.
Những năm 2008 – 2010 chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, lan dần sang các nước Tây Âu. Điều đó kéo theo hai hệ luỵ: thứ nhất, nước Mỹ, do áp lực nợ chồng chất sau hai cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan và khủng hoảng kinh tế, đã bị yếu đi rất nhiều về khả năng triển khai sức mạnh cứng để duy trì trật tự quốc tế tại các vùng biển có tính chiến lược, nhưng sẽ quá tốn kém, nếu xung đột thực sự xảy ra. Vụ tàu Trung Quốc khiêu khích tàu USNS Impeccable trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Hoàng Sa là một ví dụ. Thứ hai, sự suy yếu của kinh tế Mỹ sau khủng hoảng, cộng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi các dòng thương mại, vốn đầu tư quốc tế theo hướng biến các nước thuộc vùng ngoại biên (periphery) xích lại gần hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh đồng tiền và quyền lực mềm của Trung Quốc. Nói khác đi, các liên minh hiện hữu bị yếu đi. Cùng với nó là khả năng bảo vệ chủ quyền của các quốc gia thành viên thuộc liên minh hay khối hợp tác như Apec hay Asean bị suy giảm.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: thứ nhất, phối hợp với các cường quốc trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, cung cấp hàng hoá công cho việc duy trì trật tự quốc tế, sự ổn định và phát triển phồn thịnh dựa trên hợp tác và thương mại toàn cầu. Thứ hai, thay thế Mỹ và các đồng minh chiến lược của Mỹ là Tây Âu và Nhật, thiết lập trật tự thế giới mới và lập liên minh quân sự mới do Trung Quốc đứng đầu nhằm cưỡng chế sự tuân thủ trật tự mới đó (theo Unirule).
Trên thực tế, Trung Quốc đã lựa chọn con đường thứ hai. Tiến trình này bắt đầu bằng việc chà đạp lên công ước về phân chia lãnh hải trên Biển Đông (theo UNCLOS 1982), nhằm biến nó thành vùng biển thuộc Trung Quốc. Tham vọng này của Trung Quốc hoàn toàn không dễ dàng thực hiện được,vì rằng: (i) Nó xóa bỏ trên thực tế chủ quyền của các quốc gia quanh Biển Đông, đi ngược lại xu thế tiến bộ của thời đại về phong trào giành quyền độc lập cho các dân tộc, sau khi chủ nghĩa phátxít bị đánh bại. (ii) Về dài hạn, nó tạo tiền lệ cho việc chiếm đoạt quyền tự do lưu thông và an toàn hàng hải trên các tuyến đường biển quốc tế. Thay vào đó, các quốc gia khác (ngoài Trung Quốc) sẽ phải nộp phí, chịu phạt, hoặc bị cấm không được sử dụng các tuyến đường biển và đường không quốc tế, nay do Trung Quốc kiểm soát.
Điểm cốt lõi ở đây là có sự khác biệt rất rõ ràng giữa tuyến hàng hải quốc tế với tuyến hàng hải thuộc địa phận Trung Quốc. Khi nảy sinh mâu thuẫn chính trị hay xung đột về lợi ích, Trung Quốc có thể dùng quyền kiểm soát để cấm quốc gia có liên quan thông thương trên vùng Biển Đông, mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc cam kết duy trì tự do lưu thông.
Sự chèn ép ở quy mô quốc tế này không thể xảy ra, nếu Trung Quốc không thể áp đặt được quyền kiểm soát trên thực tế về vùng biển bị bao quanh bởi đường lưỡi bò.
Như vậy, xung đột chủ quyền tại Biển Đông hiện nay không phải chỉ là vấn đề song phương mà là vấn đề về an ninh khu vực và quốc tế. Trung Quốc hiểu rất rõ điều đó và Trung Quốc hiểu rằng Mỹ, Nhật, Tây Âu và các cường quốc khác trên thế giới như Nga, Ấn Độ cũng hiểu là Trung Quốc đang toan tính gì. Cuộc chơi chèn ép trên bình diện quốc tế này thể hiện tính phiêu lưu trong chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi. Việc phân tích kỹ ván bài đó sẽ tạo nên sự đồng thuận quốc tế nhằm giải quyết xung đột, được Trung Quốc tô điểm thành xung đột song phương về chủ quyền “không thể tranh cãi”, mà Trung Quốc là bên bị xâm hại.
TIẾN SĨ LÊ HỒNG NHẬT
ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét