Tùng Nguyên (Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong 6 tháng đầu năm đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động TPHCM, nhiều công nhân bỏ xưởng vì lương không theo kịp giá.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm 2011 tăng khoảng 30% so với 6 tháng cuối năm 2010. Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng nhiều nhất là dệt may – giày da (19,76%), marketing – nhân viên kinh doanh (11,87%), dịch vụ và phục vụ (8,00%), bán hàng (6,04%), điện tử - viễn thông (4,84%), cơ khí – luyện kim (3,99%) …
Đặc biệt, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất lớn, tăng gần 63% so với 6 tháng cuối năm 2010. Cụ thể , trên đại học – đại học (9,30%), cao đẳng (10,47%), trung cấp (15,80%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (13,53%), lao động phổ thông (50,89%)…
Với vật giá hiện tại, đồng lương công nhân càng "teo tóp" hơn, cuộc sống càng khó khăn
Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nguồn cầu ở hầu hết các ngành nghề; đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động như giày da, chế biến thực phẩm, dệt may, bán hàng, dịch vụ - phục vụ… lại càng thiếu lao động trầm trọng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM thì do 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá cả tăng quá cao đã ảnh hưởng đến biến động lao động, đặc biệt lực lượng lao động phổ thông là đối tượng dễ bị ảnh hưởng về đời sống.
Do đặc trưng lao động phổ thông tại các công ty, xí nghiệp lương thấp nên khi giá cả tăng cao không đủ chi tiêu, nhiều lao động phải chuyển đổi chỗ làm việc hay tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn, chính sách phúc lợi lao động tốt hơn. Theo điều tra của Trung tâm thì bình quân có trên 25% so với tổng số lao động đang làm việc đã đổi việc trong 6 tháng qua.
Tại các khu chế xuất – khu công nghiệp, sự biến động lao động cũng diễn ra rất rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm đã có khoảng 30.000 lao động tại khu vực này thôi việc, bỏ việc. So với con số hơn 252.000 lao động đang làm việc tại khu vực này thì số bỏ việc chiếm khoảng 12%.
Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, trả lương thấp hơn so với nhu cầu thực tế đời sống của người lao động nên thường xuyên gặp phải sự thiếu hụt lao động. Để đối phó, các doanh nghiệp này luôn đưa ra nhu cầu chỗ làm việc cao hơn so với nhu cầu thực tế để thường xuyên tuyển lao động thay thế, dự phòng lao động nhảy việc. Việc này càng khiến nhu cầu lao động phổ thông càng trở nên bức xúc hơn.
Trong khi đó, số lượng lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng cao. Điều này chứng tỏ nghịch lý thị trường vừa thiếu, vừa thừa lao động. Trên thực tế là lực lượng lao động phổ thông không có thu nhập đảm bảo cuộc sống nên chấp nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp và ra ngoài làm công việc tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét