Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Cách Trung Quốc nhìn ra thế giới

Tác giả: THANASSIS CAMBANIS
Vì Trung Quốc ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế, nên việc tìm hiểu về chính sách đối ngoại của họ ngày càng quan trọng hơn. Chính sách này chính xác là gì và được đưa ra như thế nào?
Nỗi ám ảnh về một Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới đã khiến Mỹ lo lắng từ lâu. Giống như một chiếc xe hơi đang phóng hết tốc độ và bỗng dưng choán hết chiếc gương hậu, Trung Quốc đạt tăng trưởng mạnh hơn và nhanh hơn: họ không chỉ nắm giữ một lượng khổng lồ những tờ bạc xanh của Mỹ và khoe khoang về một mức thâm hụt thương mại lớn, họ còn ngày càng có khả năng đóng vai kẻ ác với các nước khác.

Trung Quốc áp dụng chính sách "viễn giao, cận công", thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ và các nước Trung Đông có thể cung cấp cho họ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi gây sức ép để giành đặc quyền trong các tranh chấp mang tính khu vực với các nước láng giềng châu Á - trong đó có vụ va chạm với Việt Nam ở biển Đông hồi tuần trước.
Vì Trung Quốc ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế, nên việc tìm hiểu về chính sách đối ngoại của họ ngày càng quan trọng hơn. Nhưng chính sách này chính xác là gì và được đưa ra như thế nào?
Khi các học giả nghiên cứu sâu hơn về cách Trung Quốc nhìn nhận về thế giới xung quanh, điều mà họ phát hiện đôi khi khá ngạc nhiên. Thay vì là sản phẩm che giấu của một cỗ máy của Đảng Cộng sản tập trung và nguyên tắc, chính sách của Trung Quốc phức tạp hơn, hay thay đổi, và được định hình bởi một cuộc tranh cãi nội bộ rất gay gắt và chia rẽ vì có nhiều trung tâm quyền lực cạnh tranh nhau.
Trên thực tế, sự ganh đua diễn ra rất rõ rệt, giữa một bên là những người cứng rắn ủng hộ quan điểm dân tộc, thậm chí theo trường phái sôvanh, với bên kia là những nhà tư tưởng có khuynh hướng toàn cầu hơn, muốn Trung Quốc thận trọng và hội nhập tốt hơn vào các thể chế quốc tế. Và người dân Trung Quốc, còn hơn cả giới lãnh đạo nước này, có thể bị thôi thúc bởi tâm lý Trung Quốc là thứ nhất. Các học giả cho rằng chủ nghĩa bản địa mạnh mẽ thể hiện trên các diễn đàn online ở Trung Quốc có thể là một nhân tố chính đẩy chính sách đối ngoại của nước này theo hướng cứng rắn hơn.
Ngày nay, bất chấp sức mạnh kinh tế, Trung Quốc vẫn chưa được xem làm một siêu cường toàn cầu. Quân đội của họ chưa đạt đến tầm thế giới, và kinh tế thì dù đã đạt nhiều thành quả nhưng vẫn chưa chuyển đổi sang sản xuất công nghệ thay vì chỉ sản xuất hàng hóa cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, vì nước này đã chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế thứ ba thế giới sang một nước công nghiệp, nên việc họ trở thành một cường quốc được cho là điều không tránh khỏi.
Vì vậy, hiểu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên quan trọng hơn.
Trước hết, nội dung chính của các cuộc thảo luận về chính sách đối nội cho thấy một Trung Quốc đang bị cô lập, không chắc chắn, và đang trong quá trình chuyển đổi, khác với những ngôn từ thường rất hiếu chiến của họ. Cuộc thảo luận thẳng thắn đang diễn ra trong chính xã hội Trung Quốc này đã khẳng định một điều là vị trí của nước này vẫn chưa được xác nhận. Và có một câu hỏi nổi lên là một quốc gia hùng mạnh sẽ hành xử như thế nào trong thế giới khi bước vào cái được cho là thế kỷ của Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, câu hỏi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc mang tính học thuật: nước này quan tâm trước tiên đến chính sách phát triển đại nhảy vọt của mình. Năm 1989, khi Trung Quốc mở cửa ra thế giới, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khi đó đã đề ra một chính sách theo đuổi các mục đích đầy tham vọng mà không cảnh báo các cường quốc lớn đã được xác lập - mà ông nói là "ẩn sáng, dưỡng tối, không bao giờ dẫn đầu nhưng hướng tới mục đích làm cái gì đó vĩ đại".
Kể từ đó, cách tiếp cận của Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt. Trung Quốc đã không lộ diện một chút nào, mà chỉ lén lút và thận trọng khi họ giành được những nhượng bộ về dầu và khai mỏ tại Iraq và Afghanistan, và thách thức Mỹ trên lĩnh vực kinh tế như tiền tệ và tại các điểm nóng chính trị như Darfur.
Ít nhất điều đã thay đổi là tại một quốc gia đang sung mãn, một người lãnh đạo tối cao duy nhất không còn cái quyền tự do quyết định chính sách đối ngoại. Giờ đây, các cơ quan chính phủ, các bộ và các nhóm chuyên gia cố vấn, với những lợi ích cạnh tranh nhau, đều tham gia cuộc thảo luận nội bộ rất sôi nổi về lối đi nào tốt nhất cho Trung Quốc.
Ngày nay, các phát biểu công khai trong nước về chính sách đối ngoại của Trung Quốc có đặc điểm là khá điềm tĩnh và cởi mở. "Làm thế nào để" là câu hỏi về quyền và nghĩa vụ của Trung Quốc trong vai trò một siêu cường mới. Trung Quốc có không dưới 428 chuyên gia cố vấn chuyên về hoạch định chính sách - một con số lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (dù khác với Mỹ là tất cả họ có một sự liên hệ nào đó với nhà nước). Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng tham gia cuộc chơi: truyền hình nhà nước đã chiếu một bộ phim tài liệu dài 12 tập vào năm 2006 mang tên "Các nước đang nổi", nói về những vết nứt của các đế chế cũ và phân tích Trung Quốc có thể tránh các vết xe đổ lịch sử như thế nào.
Trong một bài báo được đông đảo người đọc trong số ra mới nhất của tờ The Washington Quarterly, ông David Shambaugh, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Washington, đã nói về một cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại rất ầm ĩ ngay trong lòng Trung Quốc, với ít nhất 7 quan điểm khác nhau.
Shambaugh viết: "Nhiều tác nhân và giọng nói mới giờ đây tham gia một tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại phức tạp chưa từng thấy. Chưa quốc gia nào từng có một cuộc tranh luận sôi nổi, rộng rãi và đa dạng như vậy ở trong nước về vai trò của nước mình khi là một cường quốc chính đang nổi, như Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua".
Trong những năm 1990, các phe phái có ảnh hưởng trong cuộc thảo luận chính sách ở Trung Quốc kết hợp quyền lực mềm và sự can thiệp ngày càng gia tăng trong các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc. Nhưng ngày nay, Shambaugh thấy rằng những quan điểm cứng rắn hơn, khắc nghiệt hơn đang chiếm ưu thế - một sự đồng thuận mà ông gọi là "hung hăng" và đẩy Trung Quốc theo hướng "cứng hóa các chính sách và tung sức mạnh của mình ra bên ngoài một cách có chọn lọc".
Không chỉ Mỹ thấy sự thay đổi này ở Trung Quốc là đáng lo ngại. Những năm gần đây, Trung Quốc đã quả quyết rằng họ có chủ quyền đầy đủ đối với toàn bộ biển Đông, khu vực nhiều quốc gia cũng đòi quyền sử dụng như một tuyến đường vận tải, nơi đánh bắt cá, và mỏ dầu khí và khoáng sản tiềm năng. Năm 2010, một nhóm các quốc gia láng giềng, với sự ủng hộ của Mỹ, đã đối đầu với Trung Quốc tại một cuộc họp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này đã khiến các quan chức Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lớn tiếng: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác chỉ là nước nhỏ, đó là một thực tế".
Đằng sau các tuyên bố nặng nề trên của Trung Quốc, Shambaugh thấy các nhóm mà ông gọi là những người dân tộc chủ nghĩa và những người thực dụng. Nhiều trong số này coi hệ thống quốc tế là một âm mưu tiêu diệt Trung Quốc, và lo ngại rằng việc Đảng Cộng sản chủ trương gắn với nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn tới thất bại. Những người thực dụng, mà Shambaugh cho là nhóm có ảnh hưởng ngày nay, muốn Trung Quốc khẳng định mình một cách mạnh mẽ, đặc biệt chống lại các cường quốc - trong đó có Anh và Mỹ - mà họ cho là từng nỗ lực chống lại các lợi ích của Trung Quốc.
Những trường phái ôn hòa hơn ở Trung Quốc ủng hộ Bắc Kinh hành xử một cách uy quyền hơn nhưng tập trung chính sách vào một vài quan hệ chủ chốt. Một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng Nga hoặc Mỹ nên được ưu tiên, trong khi những người khác cho rằng Trung Quốc nên gắn số phận mình với các nước láng giềng ở châu Á, hoặc chia sẻ với thế giới đang phát triển.
"Những người theo chủ nghĩa đa phương có chọn lọc" và "những người ủng hộ toàn cầu hóa" cho rằng Trung Quốc sẽ nhận những trách nhiệm mới khi sức mạnh của họ gia tăng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là việc làm theo các chuẩn mực quốc tế sẽ hạn chế khả năng của Trung Quốc xử lý các vấn đề như Tây Tạng, Đài Loan và biển Đông. Một số nhà tư tưởng này vẫn hoài nghi về các rào cản quốc tế, nhưng vẫn muốn Trung Quốc được xem là người có đóng góp cho hệ thống toàn cầu hơn là hành xử như một con ngựa hoang. Những người ủng hộ toàn cầu hóa tự do nhất ở Trung Quốc muốn thấy nước họ nhượng bộ một số giới hạn liên quan đến chủ quyền của mình và hội nhập hoàn toàn với các thể chế quốc tế. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các trường phái tự do này dường như đã sụt giảm thảm hại sau khi đạt đỉnh cao trong những năm 1990.
Tuy nhiên, dự đoán điều Trung Quốc sẽ làm còn phức tạp hơn là theo dõi cuộc tranh cãi bên trong nước này. Khác với Mỹ, nơi các phe phái trong chính phủ đạt một chính sách đồng thuận sau một tiến trình cạnh tranh minh bạch, các quyết định thực sự ở Trung Quốc vẫn được đưa ra trong phòng kín, bởi một số rất ít lãnh đạo cấp cao nhất. Và hiện ai chính xác là người ảnh hưởng tới các lãnh đạo này là một câu hỏi phức tạp hơn trước rất nhiều.
Theo ông Taylor Fravel, một nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) luôn theo sát chính sách của Trung Quốc, một nhóm gồm các nhân vật góp phần đưa ra cách tiếp cận của Trung Quốc với biển Đông đang ảnh hưởng tới quyết sách của chính phủ trung ương. Họ gồm các quan chức nghề cá, những người thường bắt giữ ngư dân nước ngoài; công ty dầu lửa nhà nước chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác ngoài khơi; Cơ quan Hải dương học Nhà nước, chuyên điều tra các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền; và Hải quân - lực lượng tiến hành các cuộc tập trận tại các vùng biển đang tranh chấp.
Ông Fravel cho rằng: "Câu chuyện thực sự là ở sự gia tăng về số lượng tác nhân nhà nước và khả năng các tác nhân này ảnh hưởng tới quan hệ của Trung Quốc với nước khác và từ đó ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Bắc Kinh".
Tất cả những điều này có nghĩa gì đối với các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ? Và liệu Washington có một vai trò đòn bẩy nào trong cuộc tranh cãi về ảnh hưởng trong nội bộ Trung Quốc hay không?
Vì Trung Quốc ngày nay rất hay thay đổi, Shambaugh cho rằng các hành động của Mỹ có tác động lớn. Nhưng Shambaugh cảnh báo, hoạch định chính sách hầu như không tránh khỏi những hậu quả không mong muốn bên trong Trung Quốc. Ông cho rằng các quan điểm cứng rắn của Mỹ có thể làm gia tăng nỗi lo ngại, thậm chí hoang tưởng, của những người dân tộc chủ nghĩa sôvanh ở Trung Quốc. Nhưng các chính sách mang tính hòa giải hơn sẽ củng cố cho nhóm cứng rắn, những người theo trường phái thực dụng ở Trung Quốc, sẽ cho rằng Mỹ nhượng bộ sau khi Trung Quốc gây hấn.
Ngay cả khi cuộc tranh luận ở Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn, một số học giả cho rằng Mỹ dường như nhất quyết lại hướng sự chú ý tới Trung Quốc. Một loạt các quan chức chính quyền Obama những tháng gần đây đã đưa ra những bình luận công khai về lợi ích của Mỹ khi hướng trọng tâm chính sách sang vùng viễn Đông, với các lợi ích chiến lược rộng lớn, sau một thập kỷ sao lãng ở Trung Đông và Trung Á.
John Lee, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu độc lập ở Sydney và Học viện Hudson ở Washington, cho rằng với việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt và các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan dần đến hồi kết, Mỹ sẽ có thể chú ý hơn đến châu Á. Những quốc gia châu Á đang xem Mỹ là một cường quốc bớt thù địch hơn, và có phần thân thiện hơn sẽ sử dụng sự thay đổi này của Washington như một đối trọng với các ý định của Trung Quốc bắt nạt hoặc kiểm soát các nước láng giềng. Theo ông Lee, kết quả là Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập.
Gần đây, ông viết trên tạp chí Chính sách Đối ngoại rằng: "Trung Quốc tôn trọng và thậm chí sợ Mỹ hơn đại đa số người Mỹ có thể nhận thấy. Cảm giác bị cô lập của Trung Quốc không phải là có vẻ, mà có thực và rõ nét."
Sự lo lắng thường làm mọi thứ tồi tệ đi trong quan hệ quốc tế, và có thể những người cứng rắn sẽ chiếm ưu thế nếu Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn. Nhưng Tổng thống Obama đã được các nhà quan sát của Trung Quốc hoan nghênh về cách tiếp cận từng bước của ông. Ông đã cam kết trong một số vấn đề, như ngừng chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền và Tây Tạng. Mặt khác, ông đặt ra các giới hạn cứng, phản đối Trung Quốc đòi chủ quyền trên biển Đông và đề nghị Bắc Kinh ngừng bảo hộ đồng nhân dân tệ.
Dù những vấn đề này còn dai dẳng, một điều rõ ràng là Trung Quốc đã bỏ vai trò một tác nhân đơn thuần trong khu vực, và sẽ nhanh chóng vượt qua vai trò cổ đông để trở thành cường quốc toàn cầu. Trung Quốc càng nghĩ về việc làm thế nào để ảnh hưởng tới thế giới ở bên ngoài biên giới của mình, thì phần còn lại của thế giới sẽ càng chú ý đến những gì đang diễn ra bên trong quốc gia này./.
  • Châu Giang (dịch từ Boston Globe) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét