Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Thư ông Nguyễn Thế Sự gửi bạn đọc

Hà Nội, ngày 07/07/2011

Kính gửi bạn đọc.

Tôi vừa đọc những bài viết và ý kiến rất gây gắt của mọi người có liên quan đến tôi, xung quanh bài báo được cho là “ Bài trả lời phỏng vấn” của tôi đăng trên tờ “Tề Lỗ vãn báo” tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sau đó đăng lại trên mạng Phượng Hoàng và Hoàn Cầu TQ ngày 2/7/2011. Tôi hoàn toàn hiểu được phản ứng gay gắt của mọi người khi đọc bài báo đó nếu đúng tôi nói như vậy. Nhưng sự thực không phải như thế.


Trước hết tôi xin được cải chính: đấy không phải là một cuộc phỏng vấn. Tôi không trả lời một cuộc phỏng vấn nào.

Sự thực là như thế này:

Tôi nhớ sáng hôm đó là một ngày cuối tháng 6, trời mưa rất to, có một sinh viên cũ (tôi không nhớ tên) đưa một thanh niên TQ bằng xe máy đến nhà, giới thiệu với tôi là phóng viên tờ “Tề Lỗ vãn báo” tỉnh Sơn Đông, TQ. Anh này có nói là muốn tìm hiểu phản ứng của nhân dân Việt Nam về quan hệ Trung – Việt hiện nay, và đề nghị tôi giới thiệu nơi có thể đến để tìm hiểu. Tôi có giới thiệu anh ta đến vài cơ quan, tổ chức mà tôi biết. Lúc ấy trời vẫn đang mưa to. Nhìn anh phóng viên còn rất trẻ, có lẽ chưa đến 30 tuổi, nên tôi cũng muốn nhân dịp này bày tỏ cho anh ta biết một số ý kiến của mình về quan hệ Việt – Trung với tư cách là một người dân, một nhà giáo đã về hưu.

Tôi có nói với anh ta, tôi là người có nhiều tình cảm với nhân dân Trung Quốc nhưng tôi không đồng tình với những việc làm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ví dụ năm 1979 Trung Quốc dựng lên chuyện Việt Nam xua đuổi người Hoa, khiêu khích ở biên giới phía Bắc để kiếm cớ đánh Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên cuộc chiến tranh này. Rồi năm 1974, Trung Quốc lợi dụng lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu đã huy động hải quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988 lại đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tôi nói với anh ta rằng tình hình Biển Đông hiện nay hết sức căng thẳng là do Trung Quốc gây nên. Tàu của Trung Quốc đã hơn hai lần quấy nhiễu, cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, khi các tàu này đang tác nghiệp sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi nói với PV này là từ khi TQ đưa ra bản đồ có hình “ lưỡi bò” chín đoạn , yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, tình hình càng trở nên phức tạp, đây là yêu sách hết sức ngang ngược , không nước nào chấp nhận được.

Tôi còn dẫn những tư liệu trong “Phú biên tạp lục” của Lê Quý Đôn để chứng minh với anh ta rằng Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo mà người Việt Nam đã phát hiện, khai thác và thực hiện chủ quyền trên 2 quần đảo này từ thế kỷ 16-17.Tôi nói với anh ta rằng Việt Nam là một dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất quý trọng hòa bình và mong muốn sống hữu nghị với tất cả các dân tộc, nhất là với các dân tộc láng giềng. Việt Nam vừa thoát khỏi danh sách các nước nghèo trên thế giới nên phải tập trung sức lực xây dựng đất nước, thực hiên công cuộc đổi mới, mở cửa. Việt Nam vẫn phải đối phó với những âm mưu phá hoại, diễn biến hòa bình của các thế lực phản động. Đảng Việt Tân là đảng phản động thành lập ở nước ngoài bị Việt Nam coi là tổ chức khủng bố vẫn luôn tìm cách quấy rối. Bây giờ Trung Quốc lại gây hấn ở Biển Đông làm cho Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm của Trung Quốc làm tổn hại đến tình cảm của nhân dân Việt Nam, ngay cả những người có nhiều tình cảm với Trung Quốc cũng rất phẫn nộ. Việt Nam là nước nhỏ không bao giờ lại đi gây chuyện với nước lớn TQ, TQ đừng có bức Việt Nam phải ngả về phía Mỹ…

Tôi có nói với anh phóng viên này là, anh nên viết bài nói với nhân dân Trung Quốc những sự thật đó.

Khi phóng viên này hỏi tôi có biết những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội? Tôi nói là có biết và cho đó là phản ứng của người dân trước những hành động quá đáng của phía Trung Quốc. Tôi không hề nói “…những thanh niên đi biểu tình chủ yếu là do phái “phản động” Việt Nam kích động gây ra.”

Bây giờ đọc kỹ bài báo, hồi tưởng lại cuộc nói chuyện hôm đó…tôi cảm thấy tôi đã bị lợi dụng. Việc phóng viên này đến tận nhà hỏi thăm, trao đổi, xin chụp ảnh, rồi hỏi về gia cảnh… sau này mô tả cách bài trí căn phòng…là việc làm có ý đồ đã chuẩn bị trước. Rõ ràng phóng viên này đã cố tình tạo ra một cuộc gặp gỡ, trao đổi có thật, hết sức thân tình tại gia với một người có thật, rất cụ thể để rồi sau đó lắp ghép, nhào nặn, chế biến ra một “cuộc phỏng vấn” với nội dung xuyên tạc, phục vụ cho ý đồ tuyên truyền có lợi cho phía Trung Quốc.

Tôi xin cam đoan những gì tôi trình bày trên đây là những ý kiến tôi đã bày tỏ với phóng viên Trung Quốc với tư cách một công dân Việt Nam.

Tôi xin cực lực bác bỏ những trích dẫn xuyên tạc những ý kiến của tôi đăng trên báo và một vài trang mạng của Trung Quốc ngày 2/7/2011.

Nguyễn Thế Sự – Nhà giáo đã nghỉ hưu.

Thư này ông Sự gửi trực tiếp cho Non sông gấm vóc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét