Tiếu lâm dân gian Việt Nam có nhân vật Nguyễn Xiển, còn gọi là Xiển Bột hay Xiển Ngộ. Tương truyền ông này là chắt của cụ Trạng Quỳnh, văn hay chữ tốt nhưng không đi thi làm quan mà hành nghề thầy thuốc.
Vì vậy, dân gian lưu truyền câu chuyện kể như sau:
Xiển làm thuốc, cho nên vua thường vời vào kinh chữa bệnh. Một hôm, vua đang nô đùa cùng bầy cung phi, thì thấy Xiển bước vào. Vua ngạc nhiên hỏi có việc gì. Xiển đáp:
- Hạ thần nghe nói Hoàng thượng mắc phải bốn bệnh hiểm nghèo mà sách gọi là “tứ chứng nan y,” nên vội vàng vào thăm Hoàng thượng.
Vua khó chịu nói:
- Thiên hạ ác miệng nói càn như vậy, chứ lâu nay Trẫm vẫn khỏe mạnh, có việc gì đâu! À thế “tứ chứng nan y” là những bệnh gì?
Xiển tâu:
- Dạ “tứ chứng nan y” họ nói đó là què, mù, câm điếc.
Vua nổi giận:
- Ðộc ác đến mức ấy là cùng! Trẫm mà biết kẻ nào bịa chuyện phao đồn ra đầu tiên thì Trẫm sẽ cắt lưỡi chứ không tha!
Xiển nói:
- Hạ thần nghe thiên hạ đồn như vậy. Bây giờ mới biết là sai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì lại thấy là có nguyên do cả đấy ạ!
Vua hỏi:
- Nguyên do như thế nào?
Xiển giả bộ rụt rè:
- Xin Hoàng thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám nói.
Vua bằng lòng. Xiển nói:
- Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họ lầm tưởng là ngài điếc.
Vua biết Xiển chửi mình, tức uất người nhưng không đủ lý lẽ để bắt tội được.
Ông vua thời xưa trong chuyện tuy chưa anh minh sáng suốt, yêu dân như con theo “tiêu chuẩn chất lượng” Nghiêu-Thuấn, nhưng xem ra vẫn còn tốt chán. Tuy bị mắng té tát là què, mù, câm, điếc nhưng nghe mắng đúng nên không bắt tội là vẫn còn biết phân biệt phải trái, còn biết xấu hổ, bệnh vẫn còn chữa được chớ chưa đến nỗi “nan y.” Phải như thời nay chắc Xiển nhà ta phải vào tù mọt gông vì tội hành nghề y trốn thuế cộng thêm tội tuyên truyền nói xấu vua rồi.
Thời đó cả nước mà có một ông vua bị “tứ chứng nan y” như vậy xét ra thì “thiên hạ thái bình” quá xá, đáng ngưỡng mộ thay.
Thời nay không vua, không ngai vàng chói lóa nhưng lại có quá nhiều “vua không ngai” (tục kêu là “đầy tớ”) chuyên ngồi phòng máy lạnh, ngồi xe De Luxe, ăn trên ngồi trước, đời sống sang hơn vua thời phong kiến nữa. Ai không tin cứ tìm mấy bài báo kể chuyện đời sống của các quan “bị lộ” đang chuẩn bị ra Tòa thì sẽ thấy “nhà báo ta” cung cấp bằng chứng rõ ràng.
Bi giờ, ngẫm nghĩ thấy tập đoàn “vua không ngai” không chỉ bị “tứ chứng nan y” mà còn là “bát chứng nan y,” bệnh trầm trọng hơn vua ngày trước, không chỉ một ông vua bị bệnh, mà bệnh lây lan tràn, nâng lên thành “dịch,” thế mới là thảm họa cho bọn dân đen chứ.
Này nhé, người thì phải đi bằng chân, nhưng có tập đoàn “vua không ngai” không đi bằng chân mà gặp kẻ “Lọa” thì toàn đi bằng đầu gối để thỏa thuận ngầm, xin “đi đêm,” đó chẳng phải là bị què hay sao?
“Cõng rắn cắn gà nhà,” gặp kẻ cướp của dân tộc, nói chuyện với nó không đứng thẳng được, mà luôn khom lưng, luồn cúi, đó chẳng phải là bị gù hay sao?
Ðất đai, biển đảo cha ông để lại ngày một thu hẹp, chủ quyền đất nước đang bị đe dọa, dân trong nước bị nước Lọa đánh, cướp, giết tứ tung mà vẫn vô tư tổ chức đón rước sao này sao nọ, tổ chức vui chơi nhảy nhót, chiếu phim nước Lọa lan tràn, nhà láng giềng nhỏ hơn vẫn thẳng tay tống cổ thằng cướp Lọa ra ngoài, còn “vua không ngai” vẫn khư khư ôm lấy “4 tốt” và “16 chữ vàng,” bắt mọi người phải nói rằng “tình hình biển Ðông không có gì mới,” đó chẳng phải là mù hay sao?
Ngoài thì bị người nước Lọa lớn tiếng chửi mắng, nhục mạ, hăm dọa; trong thì bị dân chúng sỉ vả, khinh bỉ là “hèn với giặc, ác với dân” nhưng không thấy làm gì để chống giặc ngoại xâm, vẫn cứ lo hội họp để phân ngôi, giành ghế, đó chẳng phải là điếc hay sao?
Trong thì dùng bạo lực bưng bít thông tin, tước đoạt nhân quyền, đàn áp bắt bớ người vô tội. Ra ngoài vẫn oang oang rằng “dân nước tui được đảm bảo các quyền… bla… bla…” Ðặt bút ký kết, cam kết với lân bang đủ thứ, khi nguy khốn thì viện dẫn kêu réo cứu giúp, lúc an lành thì nhổ toẹt rằng “Tui có lịch sử riêng…” Nói dối xoen xoét không biết ngượng, không phải nói dối một lần mà nói dối trơ trẽn nhiều lần, nói từ năm này sang năm khác, nói dối đến mức trở thành mặt trơ trán bóng, bị người ta đặt cho biệt danh là “lưỡi gỗ,” đó chẳng phải là liệt thần kinh mắc cỡ (xấu hổ) hay sao?
Thấy dân khổ mà không đau, thấy dân chết (vì giặc) mà không buồn, thấy dân bị cản đường ra biển mà không biết nhục, thấy dân oán mà không nao núng, thấy xã hội đạo đức sa đọa mà không sửa đổi, thấy quan lại tham nhũng thúi nát mà vẫn dung dưỡng bao che, khom lưng uốn gối trước ngoại bang, hung hăng đàn áp người dân yêu nước, “coi dân chỉ là cục đất sét, trí thức là cục phân,” đó chẳng phải là thiếu trái tim con người (tục kêu là “vô cảm”) hay sao?
Què, gù, mù, câm, điếc, liệt thần kinh, thiếu tim tức là “bát chứng.” Bệnh lại không thể chữa theo kiểu thông thường là: xoa bóp, uống thuốc, chích thuốc được, mà phải trị tận gốc bằng cách thiệt triệt để “đau chỗ nào cắt bỏ chỗ ấy” thì may ra mới khỏi. Ðó chẳng phải là “Bát chứng nan y” thời @ hay sao? Dịch mắc “Bát chứng” bệnh này thật là trầm trọng hơn “tứ chứng” ở trên rất nhiều, số lượng chứng bệnh đã tăng gấp đôi, số lượng kẻ mắc bệnh tăng gấp mấy triệu lần.
Ngày xưa, các lang y thường nói rằng bệnh vào đến tim là chết. Nay các bệnh nhân này không có tim người, có thể đang sống bằng tim heo hay tim lang sói, nên các thần y chuyên chữa cho người không biết cách nào để chữa cho cái loại ngoài thì hình dáng người, trong thì nửa người nửa thú, thiệt là botay.com luôn.
Cái loại “Bát chứng nan y” này nó còn nguy hiểm đến mức độ “phản dân hại nước” ở chỗ những kẻ mắc bệnh nhứt định không chịu cho thầy thuốc chữa bệnh, mà luôn luôn tự hào rằng mình là “đỉnh cao trí tệ,” coi mình là anh khổng lồ đòi canh cho thế giới ngủ (không khéo lại mắc thêm chứng thần kinh hoang tưởng nữa?).
Dịch bệnh nặng như vậy, nếu không nhanh chóng dập tắt dịch thì dịch sẽ ngày càng bành trướng, đem cái độc hại của nó gieo rắc đau khổ, chết chóc cho người dân vô tội.
Dịch “Bát chứng nan y” này còn nguy hiểm ở chỗ ai chỉ ra kẻ có bệnh thì có thể bị bỏ tù tội trốn thuế, tuyên truyền nói xấu vua, lợi dụng quyền có mỏ để nói, gây mất đoàn kết nội bộ… nên ít có thần y nào dám nói thẳng vô mặt quý “bệnh nhân” như Xiển Bột. Vì vậy, muốn dập tắt được dịch “bát chứng nan y” này, người dân Việt cần học tập phương pháp của “thần y” En-xin xứ Nga Ta Lư, ông này đã từng dõng dạc tuyên bố cách “chữa” của ông rằng: “…chỉ có thể bị thay thế, chứ không thể cải tổ.” Nhờ đó mà dân Nga Ta Lư mới thoát nạn dịch hạch này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét