Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Thảm trạng các nước nhược tiểu

Võ Long Triều

Tình hình thế giới chuyển động nhiều nơi. Tại Libya, Tổng Thống Gadhafi và con trai ông bị tòa án quốc tế phát lệnh bắt giữ, nhưng ông vẫn ngoan cố, thề tiếp tục chiến đấu đến cùng, bất kể mạng sống của đồng bào ông đang là nạn nhân cuộc chiến.
Trong khi đó, gần như cả thế giới lên án sự tàn ác, ngoan cố, bám quyền của ông. Ðặc biệt nhiều nước Ả Rập cũng đồng tình lên án ông. Âu Châu và Hoa Kỳ, thông qua Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, dùng sức mạnh quân sự của NATO tấn công dinh thự tổng thống và trang thiết bị quân sự của đạo binh trung thành với Gadhafi.
Gần đây, thái độ hòa hoãn của nước Ý yêu cầu NATO chọn thương thuyết hơn là bom đạn có thể phương hại đến sự quyết tâm triệt hạ nhà độc tài Libya. Ngoài ra, nếu tổng thống Mỹ, vào một thời điểm nào đó, bị Quốc Hội buộc phải ngưng yểm trợ quân sự, và nếu NATO ngưng tham dự đánh phá cơ sở quân sự của Gadhafi thì cuộc nổi dậy lật đổ bạo quyền sẽ biến thành nội chiến kéo dài.
Các biến cố tại Libya, Syria, Yemen cho thấy lòng dân bất mãn, sự phẫn nộ dâng tràn vì bị áp bức, phải chịu đựng bất công, nhưng sự bộc phát nổi dậy chưa dẫn đến thành công lật đổ cường quyền mặc dù dân chúng đã hy sinh nhiều mạng sống. Lý do, chưa có sự lãnh đạo đồng nhứt, chưa có sự vận động đối với khối quân nhân, chưa có đông đủ người tham gia và hành động quyết liệt như vũ bão khi cần phải hy sinh chiếm lấy chánh quyền cho bằng được ngay từ lúc đầu, kéo dài sinh mạng tổn thất vẫn bằng ấy… Hai nước Tunisia và Ai Cập thành công nhờ quân đội đứng về phía nhân dân. Một cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” ở Việt Nam, nếu có, cần phải nghiên cứu và tổ chức hữu hiệu hơn.
Kinh nghiệm cho thấy tự do dân chủ không thể tự nhiên mà có. Thông thường phải trả giá bằng máu. Kinh nghiệm cũng cho thấy quân đội là yếu tố quyết định, hoặc họ đứng về phía quần chúng, hoặc họ không can thiệp đàn áp theo lệnh của nhà cầm quyền, thì cách mạng mới dễ thành công. Như trước kia tại Liên Xô, gần đây tại Tunisia, Ai Cập.
Nói về đồng minh cường quốc, việc rút một phần quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan chứng minh dư luận Hoa Kỳ không chấp nhận kéo dài cuộc chiến, mặc dù Ðô Ðốc Mike Mullen, chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tuyên bố rút quân trong giai đoạn nầy là nguy hiểm. Một cuộc chiến gần như do chính người Mỹ chủ trương và gây ra vì muốn dẹp khủng bố của Hồi giáo quá khích. Trong lúc đó, Tổng Thống Afghanistan Hamid Karzai đề nghị thương thuyết với Taliban là thú nhận thế yếu của nhà cầm quyền.
Việc rút quân Mỹ làm cho người ta nghĩ đến chiến tranh Việt Nam. Việt Nam Cộng Hòa bị đồng minh bỏ rơi vì lý do tại Hoa Kỳ phong trào phản chiến buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá. Tổng Thống Richard Nixon và Tiến Sĩ Henry Kissinger nhường Việt Nam cho cộng sản Tàu cũng là phản bội sự hy sinh của 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ chiến đấu để bảo vệ tự do, để ngăn chận sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản.
Ngày nay, dân chúng Mỹ đòi Tổng Thống Barack Obama phải giữ lời hứa lúc ông tranh cử là sẽ rút đội quân viễn chinh về nước. Ông Obama đang trong thời kỳ chuẩn bị ứng cử nhiệm kỳ thứ hai nên phải hy sinh nền an ninh của quốc gia đồng minh Afghanistan. Thảm họa của các nước nhược tiểu, hết lòng tin tưởng Hoa Kỳ đang tái diễn như cảnh tượng Việt Nam bị bỏ rơi thời kỳ 1965-1975. Hiện tại, sau khi Tướng Trần Bình Ðức, giới chức quân sự cao cấp nhứt của Trung Cộng và Ðô Ðốc Mullen, chủ tịch Ủy Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ, đã xác định “cải thiện quan hệ quân sự cho tương hợp hơn với quan điểm và quyền lợi của hai bên,” đủ cho thấy những sự tập trận chung Mỹ-Phi hay Mỹ-Việt đều là thủ thuật chính trị để giữ mặt mũi cho nhau mà thôi. Phần Việt Nam, như tôi đã từng viết, Hà Nội đã thỏa thuận dâng cả nước cho Trung Quốc rồi! Hãy kiểm lại từng sự kiện vừa qua mà xem.
* Tình hình Biển Ðông
Việt Nam đã phục tùng Trung Quốc từ 1945, nhận viện trợ tối đa để hoàn thành “nhiệm vụ quốc tế” được Trung Quốc và Liên Xô giao phó, đó là cộng sản hóa toàn cõi đất nước Việt Nam và còn tiến sang Thái Lan sau khi Lào và Campuchia bị cộng sản chiếm toàn diện.
Lòng tin tưởng của Hà Nội đối với người đồng chí Bắc Kinh vỡ tan năm 1979, khi lãnh nhận “bài học” chua cay qua trận chiến ở phía Bắc. Kết quả, Việt Nam phải dời cột mốc biên giới, nhường Ải Nam Quan cho Bắc Kinh. Dã tâm của người láng giềng “hữu nghị,” bao trùm bằng 16 chữ vàng và bốn cái tốt. Dã tâm đó được chứng tỏ bằng những lời tuyên bố ngang ngược rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quận Tam Sa của Trung Quốc.
Từ năm 2005 đến nay Trung Quốc gây thiệt hại cho khoảng 33 tàu đánh cá Việt Nam và bắt bớ đánh đập khoảng bốn trăm ngư phủ mà Hà Nội không dám đả động đến quan thầy Bắc Kinh.
Gần đây nhứt, tàu Trung Quốc vào tận hải phận Việt Nam cắt đứt dây cáp thăm dò địa chất của hai tàu Bình Minh 2 và Viking 2 mà Hà Nội chỉ phản kháng lấy lệ, chứng tỏ sự thuần phục Bắc Kinh quá độ.
Mãi cho đến bây giờ, một phần do phản ứng của quần chúng trong nước bất bình về thái độ hèn nhát của nhà cầm quyền Hà Nội, một phần vì sự lộng hành và hăm dọa của Bắc Kinh ngày càng trở thành khó chấp nhận, một phần khác nhờ các nước Á Châu phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, đặc biệt là sự quyết liệt của Philippines dựa vào thỏa ước quân sự của Hoa Kỳ, nên Hà Nội mới dám để cho báo chí Việt Nam “lề phải” phản ứng như tờ Ðại Ðoàn Kết kêu gọi Trung Quốc: “Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu nghị.” Và phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga dám phát biểu là Biển Ðông cần có sự hiện diện của Hoa Kỳ.
Nếu xét tất cả những sự nhún nhường từ trước đến nay, truyền thông báo chí Việt Nam bị buộc phải gọi tàu Trung Quốc là “tàu lạ,” mặc áo có chữ HS-TS-VN bị bắt, ngồi trước nhà viết 6 chữ đó trên tường cũng bị bắt, khi có “tàu lạ” xâm chiếm hải phận Việt Nam đánh cướp và bắt ngư phủ, thanh thiếu niên biểu tình chống Trung Quốc thì bị cấm đoán, giải tán. Suốt thời gian qua, tổng bí thư cộng sản Hà Nội và các đảng viên cao cấp luôn luôn lập đi lập lại, ca ngợi 16 chữ vàng mỗi khi có giới chức Trung Quốc cấp cao sang viếng Việt Nam để hâm nóng tinh thần “hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai.”
Gần đây nhứt, bọn nhân công Tàu sống trong những làng riêng biệt, ra quán Việt Nam mua hàng mà chúng không trả tiền, cãi cọ xô xát cả với chủ quán, bọn chúng kéo hàng chục người tới đánh, dân chúng trong làng bênh chủ quán, bọn chúng trở về kéo lại hơn hai trăm thằng, đánh đập dân làng, phá nhà cướp tài sản. Công an Hà Nội không dám can thiệp.
Ngược lại những cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội, công an ngăn chận đường sá, cô lập các nhà tranh đấu dân chủ. Khó khăn lắm, năm ba trăm người vượt được hàng rào công an cũng bị bao vây cấm lại gần Tòa Ðại Sứ Trung Quốc. Tại Sài Gòn, các viên chức cộng sản như Nguyễn Ðình Ðầu, Huỳnh Tấn Mẫm đứng ra tổ chức được vài ngàn người biểu tình. Một cách làm của nhà nước để xoa dịu dư luận quần chúng và để che giấu cảnh quỳ gối cúi đầu của một nước vệ tinh đã bán nhượng quốc gia, dân tộc mình cho Trung Quốc.
Và quan trọng hơn nữa là Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Xuân Sơn sang Tàu, tái khẳng định 16 chữ vàng 4 cái tốt và hứa tuân hành chỉ thị của Bắc Kinh, đồng thời hai tàu Việt Nam cùng hợp tác tuần tra ở Biển Ðông, thì những sự phản đối của Hà Nội, những cuộc vuốt ve Hoa Kỳ, những cuộc tập trận đều là hài kịch lố bịch.
Ðất nước lâm nguy thật sự, nếu không có một chế độ tự do dân chủ, tạo được sự đoàn kết thật sự, một sức mạnh của toàn dân lật đổ chế độ Hà Nội trước tiên rồi từ đó mới đặt vấn đề chống giặc Bắc xâm. Chừng đó mới có thể dựa vào các nước tự do, Hoa Kỳ, Âu Châu và các nước ASEAN cùng nhau đặt vấn đề pháp lý một cách quyết liệt, theo luật lệ quốc tế về quyền hạn của các quốc gia trên đại dương, đó là chính nghĩa và sức mạnh của một nước nhược tiểu như Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét