Vanganh.info
Nếu ta cứ tin ở những sự gấu ó trên mạng Internet giữa người Việt, nhất là người Việt hải-ngoại với nhau, thì có lẽ chúng ta sẽ dễ có một cái nhìn bi-quan về khả-năng của chúng ta đóng góp vào việc giải-quyết những vấn-nạn của đất nước. Nhưng sự thực có như thế không?
Dưới đây tôi chỉ xin lấy một vấn-đề, đó là vấn-đề Biển Đông, để chứng minh là chúng ta đã đóng góp không ít vào một giải-pháp mà rõ ràng nhất là lời tuyên-bố của bà Ngoại-trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 22/7 ở Hà-nội, rằng Biển Đông là một “lợi ích quốc gia” của Mỹ và Mỹ muốn trông thấy những tranh chấp ở đó được giải-quyết một cách hòa-bình dựa trên Luật Biển của Liên-hiệp-quốc.
Giai-đoạn đầu: Tố-cáo đối-phương
Sau năm 75, xót xa vì sự mất miền Nam, phải nói là đa-phần chúng ta khá tiêu-cực, nghĩa là chỉ tìm cách đánh lại đối-phương bằng mọi cách. Mà lúc bấy giờ, một trong những bằng-chứng rõ ràng nhất về sự bán nước của Hà-nội là công-hàm ngày 14/9/1956 Phạm Văn Đồng gửi cho Châu Ân-lai công-nhận sự định nghĩa của Trung-Cộng về chủ-quyền của họ trong Biển Đông—tức là chủ-quyền mà Trung-Cộng đòi trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa—mười ngày trước đó.
Tôi còn nhớ như in một cuộc hội-thảo về VN ở George Washington University trong DC. Tại cuộc hội-thảo đó có sự tham-dự của ông Douglas Pike và của Ngô Vĩnh Long, lúc bấy giờ rất thân Hà-nội. Đúng trước khi hội-thảo bắt đầu thì người của phe ta đi dọc theo các hàng ghế, đi từ cuối phòng đi lên, dí vào tay mọi người, kể cả các diễn-giả, một tờ rơi chụp lại công-hàm của PV Đồng (in trên tờ Nhân Dân ở Hà-nội nên không thể chối cãi được), bản dịch công-hàm và lời tố-cáo “bán nước” đi kèm theo đó. Quá bất ngờ, Ngô Vĩnh Long chỉ biết ú ớ còn về sau, ông Douglas Pike ra gặp tôi nói: “Các anh đã làm quá đẹp!” Sở dĩ chúng ta có bản phóng-ảnh công-hàm đó là do một nữ-lưu lúc bấy giờ làm việc ở Bộ Ngoại-giao Mỹ đã tìm ra cái số báo Nhân Dân có in công-hàm kia và chuyển ra cho chúng ta. Đúng là “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh.”
Về sau, chính-nghĩa của chúng ta lại được khẳng-định một cách hung-hồn bằng một bài báo nổi tiếng của Frank Chin viết trên tờ Far Eastern Economic Review, cho rằng Miền Nam đã hoàn-toàn có chính-nghĩa khi đã dám đương đầu với hải-quân Trung-Cộng vào tháng 1/1974 và chấp nhận cả một số người hy-sinh để cho đất nước được trường-tồn. Có đánh tức là ta đã có bảo vệ chủ-quyền của ta ở Hoàng Sa và dù thua, ta vẫn giữ được quyền đòi lại sau này.
Hai Hội-nghị Diên Hồng bảo toàn lãnh-thổ
Từ 1991 đến 1993 có nỗ lực xây dựng Tổng-liên-hội Người Việt tự do ở hải-ngoại và giai-đoạn sau đó, 1995 đến 2000, có 4 kỳ họp của Hội-nghị Liên-kết nhằm định nghĩa một mặt trận dân-tộc gồm cả trong lẫn ngoài chống lại bạo-quyền CS. Cuối năm 1999, anh Lê Chí Quang, một luật-gia trẻ ở trong nước có bài “Hãy cảnh giác với Bắc triều” tố-cáo việc Hà-nội đã dâng cho Bắc-kinh 720 cây số vuông đất biên-giới. Đây là một mốc vô cùng quan-trọng: Lần đầu tiên, tuổi trẻ trong nước nhập cuộc và cũng là lần đầu tiên, trong nước đặt ra vấn-đề CSVN bán đất, bán nước của tổ tiên.
Để tiếp tay cho lời cảnh-báo của Lê Chí Quang, hải-ngoại đã họp hai Hội-nghị Diên Hồng bảo toàn lãnh-thổ, cuối năm 2002 và đầu năm 2005, cả hai đều ở Nam Cali, quy tụ các diễn-giả đến từ năm châu. Hai hội-nghị này rất thành công bởi đến đó thì Hà-nội đã ký thêm Hiệp-định về Vịnh Bắc-bộ (nhượng cho Trung-Cộng hơn 11.000 cây số vuông biển) và Hiệp-định Đánh cá thu hẹp vùng đánh cá của ngư-dân VN. Riêng hai hội-nghị này chứng tỏ là một người yêu nước như Lê Chí Quang, dù phải đi tù tội, đã làm được một việc phi thường, đó là đánh động lương-tâm của cả dân-tộc, trong cũng như ngoài nước, vì thế vấn-đề biên-giới và Biển Đông cũng như đánh cá đến tận hôm nay, 20 năm sau, vẫn còn là một vấn-đề sôi động, làm cho nhà cầm quyền CS hết “ăn no ngủ yên” vì gặp sự chống đối trên một quy-mô chưa từng thấy.
Những nghiên cứu của người hải-ngoại
Để chuẩn-bị cho cuộc tranh đấu của người hải-ngoại cũng như cho hai hội-nghị nói trên, ở hải-ngoại đã nổi lên phong trào nghiên cứu về những mất mát mà Hà-nội đã “cúng” cho Bắc-kinh để mua sự yên thân cho Đảng CSVN. Sớm sủa hơn cả là những người như ông Trương Nhân Tuấn (tên thật Ngô Quốc Dũng) ở Marseilles, Pháp, vì ở gần văn-khố hải-ngoại của Pháp (Archives d’Outre-mer, tắt là AOM), nên đã tìm về được các hiệp-định Pháp-Hoa trước kia để viết cuốn sách gần 900 trang mang tên Biên-giới Việt-Trung, 1885-2000; cựu-trung-tá Hải-quân Vũ Hữu San, dựa trên cuốn Bạch-thư 150 trang của Bộ Ngoại-giao VNCH ra đầu năm 1975 rồi phát triển thêm thành một cuốn sách cũng trên 300 trang, Địa-lý Biển Đông với Trường Sa và Hoàng Sa, với cả một Website của riêng ông; kỹ-sư Nguyễn Đình Sài, G.S. Nguyễn Văn Canh, L.S. Nguyễn Hữu Thống, học-giả Hồ Bạch Thảo v.v. và v.v. Gần đây, ta cũng có bài nghiên cứu khá giá-trị của Tiến-sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên-gia làm việc với Liên-hiệp-quốc ở NY.
Ở trong nước, nghiên cứu sớm sủa hơn cả là ông Nguyễn Nhã, đã lấy bằng Tiến-sĩ Sử-học với luận-án về Hoàng Sa và Trường Sa, dựa trên những nghiên cứu mà một số học-giả đã hoàn-tất từ năm 1974 (Đặc-khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, một số đặc-biệt của Tập San Sử Địa), rồi đến các ông Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Đình Đầu và nhiều chuyên-gia trẻ hơn sau này. Nhưng dầu sao thì những nỗ lực này cũng đến sau (có khi cả chục năm hay hơn) những nghiên cứu ở hải-ngoại, nhiều khi không chi-tiết bằng, vì còn sợ đụng chạm hay bị nhà cầm quyền cấm đoán (như cuộc triển lãm về bản-đồ cũ của ta mà nhà học-giả Nguyễn Đình Đầu định tổ-chức gần đây).
Kết-quả là Hà-nội thì ấp úng trong khi ở hải-ngoại tiếng nói của chúng ta về mặt này dõng dạc hơn nhiều, thẳng thắn hơn nhiều, khoa-học hơn nhiều. (Ta chỉ cần lấy cuốn Bạch Thư của Hà-nội tung ra năm 1979 về những lấn chiếm bất hợp pháp của Trung-Cộng, ngay từ trong chiến-tranh Việt-Pháp, và những tuyên-bố vuốt đuôi Bắc-kinh của Hà-nội trong những năm gần đây thì đủ thấy chúng mâu thuẫn như thế nào.)
Hai hội-thảo về Biển Đông ở Temple University
Dưới áp-lực của quần-chúng trong nước (biểu tình của thanh-niên, sinh-viên, học-sinh vào tháng 12/2007 ở Hà-nội và Sài-gòn, rồi thanh-niên sinh-viên phản-đối rước đuốc Ô-lem-píc, tức Thế-vận-hội, qua Sài-gòn tháng 4/2009, website Boxitvietnam, v.v.), Hà-nội đã phải cho tổ-chức một hội-nghị về Hoàng Sa-Trường Sa vào cuối năm ngoái ở Sài-gòn để cho xì hơi bớt. Nhưng khi các học-giả VN định thừa thắng xông lên tổ-chức một hội-nghị tương-tự vào mùa Xuân năm nay (2010) ở Paris thì Trung-Cộng làm áp-lực và hội-nghị quốc-tế kia đã phải dẹp. Không được nói ở Paris, ông Nguyễn Nhã đã sang Mỹ và trường Temple University đã vội vã tổ-chức một hội-nghị thu hẹp về vấn-đề Biển Đông. Hơi đáng tiếc là ông Nguyễn Nhã nhân dịp này lại đưa ra một lập-trường quá gần với nhà cầm quyền ở VN nên không thuyết phục. Chỉ có Tiến-sĩ Vũ Quang Việt là có bài thuyết-trình khá cặn kẽ, nghiên cứu chuyên sâu nhưng lập-luận của ông cũng có một số điểm người ta không đồng-ý.
Mới đây hơn nữa, nghĩa là chỉ trong vòng có 3 tháng, từ ngày 29 đến 31/7, Temple lại tổ-chức một hội-nghị thứ hai về Biển Đông. Lại một hội-nghị thu hẹp và cũng mấy khuôn mặt ấy, tuy Ngô Vĩnh Long thì đã đổi ý 180 độ, không còn hoàn-toàn thân Hà-nội nữa mà xem ra rất chống TC, còn các học-giả ở trong nước được mời thì đã có người bị chặn vào phút chót, không đi được. Chỉ có một mình ông Hồ Bạch Thảo là có bài trình bầy chứng minh tất cả những điều láo khoét của Bắc-kinh khi viện vào “văn-kiện lịch-sử” của TQ.
Mấy nỗ lực vận-động của người Việt quốc gia
Bỏ ra ngoài những cuộc vận-động nối kết trong-ngoài như vụ rải truyền-đơn vào Tết Canh Dần rồi gần ngày 30/4, phong trào viết “HS.TS.VN” trên toàn-quốc vẫn đang diễn ra trong lúc này, người Việt hải-ngoại cũng không ngồi yên. Từ mấy năm nay, một vài tổ-chức hải-ngoại, trong đó có Nghị-hội, chính-phủ VNCH (do cựu-Thủ-tướng Nguyễn Bá Cẩn cầm đầu trước khi ông mất vào năm ngoái), một vài đảng hải-ngoại, vẫn rất quan-tâm về việc đi tìm một giải-pháp cho vấn-đề Biển Đông trước đe dọa của Trung-Cộng.
Từ tháng 4/2009, chẳng hạn, đại diện của Nghị-hội, BPSOS, và VVA (Voice of Vietnamese Americans), đã gặp Thượng-nghị-sĩ Jim Webb (của TB Virginia) để nhấn mạnh với ông quan-tâm rất sâu sắc của cộng-đồng VN hải-ngoại đối với vấn-đề Biển Đông và mong ông cũng như chính-quyền Mỹ lên tiếng. Sau đó, trong một bài điều trần vào tháng 7/2009 (có đăng lại trên Website của Sứ-quán Mỹ ở Hà-nội), ông Webb đã rất thẳng thắn chi-tiết-hóa những mối lo âu và quan-tâm của Mỹ về vấn-đề Biển Đông. Tuy-nhiên, đây mới chỉ là một tiếng nói đơn độc (dù như ông Webb có chân trong Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện và chuyên lo về chính-sách của Mỹ ở Á-châu) và chưa thể nói được là ông đại diện cho chính-quyền Obama, chẳng hạn.
Tháng 7/2009, ông Đại-sứ Mỹ Michalak về Mỹ để gặp bà Ngoại-trưởng Hillary Clinton. Nhân dịp này, ông có gặp gỡ một số nhân-vật trong cộng-đồng VN đại diện cho một số tổ-chức. Đại diện của Nghị-hội có hỏi thẳng ông về chính-sách của Mỹ đối với Biển Đông và mối đe doạ chiến-lược của Trung-Cộng. Ông Michalak đã nhắc lại lập-trường của Mỹ vào thời-điểm đó: Mỹ không thể “take sides” trong vấn-đề Biển Đông vì “nếu đã đi với VN, chẳng hạn, thì ngày mai, Phi-luật-tân kêu gọi chúng tôi, chúng tôi lại phải đi với họ, rồi các nước khác nữa v.v.” Vì vậy nên, ông nói, chúng tôi khuyến khích một giải-pháp khu-vực, cho toàn vùng, như vậy Mỹ dễ có thể đứng sau được một giải-pháp liên-kết.
Phải đợi đến cuối tháng 11/2009, bà Clinton sang họp với ASEAN mới tuyên-bố là “America is back” (“Mỹ đã trở lại với Á-đông”) và thông-báo là Mỹ sẽ mở một văn-phòng phối-hợp chính-sách của Mỹ ở Jakarta, Nam-dương. Rồi ông Robert Gates, tổng-trưởng Quốc-phòng Mỹ, cũng tuyên-bố ở Hội-nghị An-ninh vùng là Mỹ sẽ làm việc với những đối-tác trong vùng cũng như Đô-đốc Mike Mullen, tổng-tham-mưu-trưởng Liên-quân Hoa-kỳ cũng nói tương-tự. Trước những khẳng-định như vậy, tháng 3 năm nay (2010), Trung-Cộng nâng lên một cấp việc đòi chủ-quyền của họ trên Biển Đông: Bắc-kinh gọi Biển Đông là một “lợi ích cốt lõi” (“core interest”) của Trung-Cộng ngang hàng với Tây-tạng và Đài-loan, nghĩa là coi đó như là một vấn-đề nội-bộ của Trung-Công.
Cuộc vận-động hành-lang vào cuối tháng 6
Trong khung-cảnh đó, từ tháng 12/2009, nhân dịp Mạng Lưới Nhân Quyền sang tổ-chức việc trao Giải Thưởng Nhân Quyền cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Mục-sư Nguyễn Công Chính vào ngày 10/12 (Ngày Quốc-tế Nhân-quyền), người của Nghị-hội (ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Jackie Bông Wright) cũng đi vận-động chung với phái-đoàn của Mạng Lưới trên Quốc-hội. Lần này, hai phái-đoàn chia nhau ra gặp bốn văn-phòng Thượng-nghị-sĩ (Barbara Boxer, John McCain, Sam Brownback, và Jim Webb) và bảy văn-phòng Dân-biểu (Chris Smith, Ed Royce, Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Frank Wolf, Joseph Cao và Mike Honda). Dù mục-đích chính của mấy cuộc gặp gỡ này là để nói về vấn-đề nhân-quyền song một số đại diện cũng đã nêu ra vấn-đề Biển Đông để yêu-cầu các vị Dân-biểu và Nghị-sĩ tiếp tay giúp giải-quyết vấn-đề này.
Sau đó, trong hai ngày 28 và 29 tháng 6/2010, một đại diện của Nghị-hội và một phái-đoàn của người Mỹ gốc Việt lại đi vận-động ở Quốc-hội Hoa-kỳ để nhằm đưa ra một vài giải-pháp cho vấn-đề tranh chấp Biển Đông. Phái-đoàn đã đi thăm cả thảy là sáu văn-phòng Hạ-viện, một văn-phòng Thượng-nghị-sĩ và Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện. Đó là văn-phòng các Dân-biểu Ed Royce, Mike Honda, Chris Smith, Loretta Sanchez, Joseph Cao, Frank Wolf; văn-phòng của Thượng-nghị-sĩ Sam Brownback và Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện.
Trong tất cả các văn-phòng này, người của Nghị-hội trình bầy về một giải-pháp hiện do Hiệp-hội Quốc-tế Nghiên cứu về Biển Đông-Nam-Á chủ-trương. Đó là: (1) Kêu gọi quốc-tế đồng-ý cho việc gọi Biển Đông/Nam-hải (hay còn gọi là Nam-Trung-hoa, South China Sea) một cách thống nhất là Biển Đông-Nam-Á (Southeast Asia Sea), như vậy sẽ dễ có sự đồng-thuận của tất cả các nước trong vùng; (2) tổ-chức một hội-nghị quốc-tế, chủ-yếu là giữa các học-giả VN với nhau, để đạt đến một sự đồng-thuận căn-bản về một giải-pháp cho Biển Đông; và (3) tổ-chức một hội-nghị quốc-tế thực-sự sau đó, có thể là ở Đông-Nam-Á hay Nhật-bản, để nhắm đạt tới một sự đồng-thuận rộng lớn hơn trên thế-giới nhằm ngăn chặn (bằng những đường lối hòa-bình) sự lấn lướt của bá-quyền Trung-quốc tìm cách khống-chế nguyên cả biển Nam-hải.
Sau khi nghe xong đề nghị này, hai nhân-viên chủ chốt trong Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện đã tỏ ra rất vui mừng. Họ nói: “Quý-vị biết không? Các khách Đông-Nam-Á đến gặp chúng tôi, từ đại diện của Thái-lan đến Singapore đến Phi-luật-tân, ai cũng đều muốn Hoa-kỳ lên tiếng đứng về phía họ. Song chuyện này, chúng tôi không thể làm được. Có được một giải-pháp toàn vùng như Quý-vị đang đưa ra thì Hoa-kỳ mới có thể sẵn sàng ủng-hộ được.”
Một giải-pháp táo bạo tuy vẫn hòa-bình
Sau đó, Luật-sư Lâm Chấn Thọ từ Canada sang với phái-đoàn của CP Việt Nam Cộng Hoà đã trình bầy một giải-pháp táo bạo hơn nữa, đó là phục-hoạt Hoà-đàm Ba-lê để giải-quyết vấn-đề Biển Đông. Và đây là lập-luận của ông:
Làm sao giải-quyết vấn-đề Biển Đông nhìn từ quan-điểm Hà-nội? Hà-nội có những lựa chọn nào?
Chọn con đường chiến-tranh chăng? Vô ích vì không thể thắng được!
Còn những con đường hòa-bình thì:
1/ Đòi lại chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Bắc-kinh sẽ đưa vào mũi Hà-nội công-hàm của Phạm Văn Đồng và tố Hà-nội chữ “bất tín.”
2/ Vả, với sự thắt ngày càng chặt vòng kim-cô trên đầu ban lãnh-đạo Đảng CSVN ở Hà-nội thì không ai trong đó có thể cục cựa được. Trung-Cộng đã nắm gần hết các nhân-sự cầm đầu Đảng CSVN.
3/ Đặt vấn-đề ở Hội-đồng Bảo an LHQ chăng? Hà-nội đã có cơ-hội này năm ngoái khi được làm Chủ-tịch luân-lưu của Hội-đồng trong một thời-gian. Song sở dĩ Hà-nội đã không làm được điều này là vì có đưa ra thì Bắc-kinh cũng có quyền phủ-quyết (veto), nên sẽ mất mặt mà không được việc gì.
4/ Đưa Bắc-kinh ra Toà Án Quốc-tế La Haye chăng? Cũng không thể thực-hiện được nốt vì muốn thế thì hai bên tranh chấp, tức TC và CSVN, đều phải chấp nhận ngay từ đầu việc Toà án này đứng ra làm trọng-tài trong việc này. Mà chắc chắn là Bắc-kinh sẽ không chấp nhận tham-gia trong vụ kiện.
Vậy đứng từ quan-điểm Hà-nội thì hoàn-toàn bế tắc, không có lối thoát.
Vậy thì còn giải-pháp nào khác không? Theo sự trình bầy của L.S. Lâm Chấn Thọ thì vẫn còn, đó là tái-nhóm Hoà-đàm Ba-lê. Dựa vào các khoản nào? Đó là dựa vào Định-ước Quốc-tế về Hoà-đàm Ba-lê mà tên trong tiếng Anh là “Act of the International Conference on Viet-Nam.” Văn-kiện này có hiệu-lực như một hiệp-ước quốc-tế vì có sự ký tên của 9 quốc gia trên thế-giới vào ngày 2 tháng 3 năm 1973 với sự chứng-kiến của ông Tổng-thư-ký LHQ, đảm bảo việc thực-thi Hiệp-định Ba-lê. Điều 2 của văn-kiện này chứng-nhận là Hiệp-định Ba-lê tôn-trọng “những quyền dân-tộc căn-bản của người dân Việt, tức sự độc-lập, chủ-quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam, cũng như quyền dân-tộc tự-quyết của người dân miền Nam Việt-Nam.” Điều 4 của Định-ước cũng nhắc lại là tất cả các quốc gia ký tên, tức là 9 nước trên và ngoài ra còn có cả Hà-nội (tức VNDCCH) và Sài-gòn (tức VNCH) nữa, cũng phải “nghiêm-chỉnh tôn-trọng” các điều nói trên, và “tránh làm bất cứ hành-động nào không ăn khớp với những điều khoản” trên.
Nếu có sự vi-phạm (như Trung-cộng xâm-chiến Hoàng Sa vào tháng 1/1974 hay Hà-nội tung quân vào đánh miền Nam năm sau và từ đó, chưa bao giờ có tổ-chức một cuộc bầu cử thực-sự tự do để người dân miền Nam có được quyền “dân-tộc tự-quyết”) thì cách giải-quyết, theo Điều 7 của cùng Định-ước, là:
(1) Chỉ cần Mỹ và VNCS đồng-ý kêu nhóm họp lại Hoà-đàm Ba-lê; hoặc, nếu chuyện đó không thành thì
(2) Sáu trong số các quốc gia ký kết (trên 12) có thể đồng-ý yêu-cầu tái-nhóm Hoà-đàm thì bắt buộc cuộc hoà-đàm phải nhóm trở lại để xem ai phải trái ra sao.
Theo một nguồn tin, hiện khả-năng kêu gọi 3 hay 4 quốc-gia trong số 12 quốc-gia ký tên là có thể thực-hiện được. Như vậy, không nhất thiết cần phải Mỹ và Hà-nội đồng-ý ta vẫn có thể kêu gọi tái nhóm được nếu ta biết cách vận-động thêm đôi ba nước khác nữa.
Thế còn tư-cách của VNCH như một quốc-gia thì sao? Không phải là khi CS miền Bắc vào là đã xóa cả sự hiện diện của VNCH hay sao? Điều này chưa chắc vì đó là một cuộc xâm-lăng bằng vũ-lực hoàn-toàn như Đức Quốc-xã đã chiếm một số quốc gia ở Âu-châu trong Thế-chiến II. Vì thế mà Điều 73 của Hiến-chương LHQ công-nhận những chính-phủ lưu-vong, nghĩa là những chính-phủ hợp hiến hợp pháp, được dân bầu lên nhưng không còn lãnh-thổ vì bị ức-hiếp bởi sức mạnh quân-sự của một nước khác. Đó là trường-hợp các chính-phủ lưu-vong của Ba-lan trong Thế-chiến II, đặt ở Luân-đôn; chính-phủ của bà Aung San Suu Kyi ở Miến-điện (thắng 80% số phiếu năm 1989); chính-phủ lưu-vong Tây-tạng dưới sự hướng-dẫn và chỉ-đạo của Đức Đạt Lai La Ma; và thậm chí cả chính-phủ De Gaulle trong Thế-chiến II, cũng có trụ-sở ở Luân-đôn.
Chấp nhận giải-pháp về Biển Đông như L.S. Lâm Chấn Thọ trình bầy là đi tìm một giải-pháp hòa-bình cho tranh chấp ở Biển Đông; buộc Bắc-kinh phải ngồi vào bàn hội-nghị, vì họ không có quyền “veto” trong chuyện này (nếu họ không đến thì họ càng thua); cũng như buộc Hà-nội phải tôn-trọng quyền “dân-tộc tự-quyết” của người dân miền Nam chọn chế-độ cho họ. Vả, chấp nhận giải-pháp này là chấp nhận VNCH là nước có chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng Sa và một phần quần-đảo Trường Sa, đúng như các hiệp-định Genève và Paris công-nhận cho nước VN dưới vĩ-tuyến 17. Tóm lại, sẽ tháo gỡ được cái ô-nhục của công-hàm Phạm Văn Đồng vì lúc đó Hà-nội nhận vơ, không có quyền quyết-định thay cho miền Nam về một lãnh-thổ không thuộc dưới quyền cai quản của Hà-nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét