Mặc Lâm (RFA)
GS Tương Lai: Bộ Ngoại Giao VN yêu cầu phía Trung Quốc phải đền bù chuyện cắt cáp ngầm, tôi cho rằng không phải dùng chữ “yêu cầu” mà phải “đòi”, chứ không phải “yêu cầu”. Ngôn từ ngoại giao gì mà dại dột thế! Sao lại “yêu cầu”? Nó là thằng ăn cướp. Bây giờ nó vào ăn cướp nước mình mà bảo là “yêu cầu anh đừng ăn cướp nước tôi”, không có chuyện đó !
Việc tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 của Việt Nam bị 3 tàu Hải giám Trung Quốc áp sát và cắt đứt dây cáp dầu khí, làm hư hại một số thiết bị của tàu này đang là đề tài khiến dư luận người Việt trong và ngoài nước bức xúc.Mặc Lâm phỏng vấn Giáo Sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Xã Hội Việt Nam để biết ý kiến một trí thức từng lãnh đạo một viện có chuyên ban nghiên cứu về Đông Nam Á cũng như Trung Quốc học để biết thêm về vấn đề này.
Hành động cướp biển?
Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, ông nghĩ thế nào trước việc tàu Hải Giám Trung Quốc đã ngang nhiên tiến sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, phá hoại cáp ngầm thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh và đồng thời cáo buộc rằng tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ?
GS Tương Lai: Theo tôi, vụ xâm lược ngang ngược của Trung Quốc vừa rồi, TS Đinh Hoàng Thắng - nguyên cựu đại sứ VN ở Hà Lan có nói rằng đây là một hành động xã hội đen, một hành động cướp biển, và lần này nó ngang ngược không phải chỉ là “tàu lạ” tấn công tàu đánh cá của ngư dân nữa đâu, mà lần này nó đánh thẳng vào Petro Vietnam của Đinh La Thăng chứ còn gì nữa. Vậy thì hành động ngang ngược đó nói lên điều gì? Theo tôi, đây cũng chỉ mới là khúc nhạc dạo đầu thôi, đây là một sự nắn gân của Bắc Kinh xem là Hà Nội phản ứng ra làm sao thôi.
Mặc Lâm: Chì vài ngày trước đây hầu như các lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đều lên tiếng khẳng định rằng chiến lược của Trung Quốc là không đối đầu. Ông Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố là sẽ tìm cách giải quyết với các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ thông qua biện pháp hòa bình. Phải chăng hành động của tàu Hải Giám Trung Quốc chỉ là trên bảo dưới không nghe, thưa Giáo Sư?
GS Tương Lai: Những lời đó không ru ngủ được những đầu óc tỉnh táo hiểu rõ từng thâm căn cố đế các âm mưu của Trung Quốc. Thực ra nói là âm mưu thì đó cũng là cái từ hơi sáo mòn thôi, nhưng mà bây giờ nói hụych tẹt ra thì như thế này, đây là để thỏa mãn cơn khát về năng lượng mà thôi; mà Biển Đông với diện tích – nếu tôi nhớ không lầm – khoảng độ 3 triệu 500 nghìn cây số vuông, với hơn 200 hòn đảo, kể cả những đảo chìm không có người ở, nhưng mà điều quan trọng ở đây là trữ lượng dầu khí hết sức lớn mà tờ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc không ngần ngại nói rằng đây là “Vịnh Ba Tư “ thứ hai. Vì sao? Vì Biển Đông chứa đựng tới 50 tỷ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỷ mét khối khí, đó là cái động cơ thôi thúc Trung Quốc không bao giờ buông thả BIển Đông đâu, vì đây là vấn đề tồn tại của một nước đang công nghiệp hóa.
Mặc Lâm: Theo nhận xét của Giáo Sư thì việc Trung Quốc phô trương lực lượng quân sự của họ rõ ràng là cách răn đe các nước nhỏ trong vùng, vậy phía sau sự răn đe này là thông điệp gì?
GS Tương Lai: Những phô trương lực lượng quân sự như tàu bay tàng hình… rồi đóng hàng không mẫu hạm vừa rồi diễu võ dương oai để mà răn đe các nước láng giềng ở chung quanh Biển Đông. Nó muốn nói các anh hãy cẩn thận, nước xa không chữa được lửa gần. Nước xa đây là nước Mỹ, lửa gần đây là lửa của Tàu, cho nên đây chỉ là khúc nhạc dạo đầu mà thôi. Và nếu như không có một thái độ thật cứng rắn thì từ khúc nhạc dạo đầu đó nó sẽ là một bản symphony toàn diện để mà tấn công lấn chiếm Biển Đông.
Cơn khát nhiên liệu?
Mặc Lâm: Trước sự thật hiển nhiên sớm muộn gì Trung Quốc cũng gây chiến tranh vì cơn khát nhiên liệu của họ, Việt Nam sẽ là điểm nhắm trước tiên vì nằm trong khu vực có tiềm năng dầu hỏa lớn nhất. Việt Nam cũng là nước từng là kẻ thù của phương Bắc, vậy khả năng đánh Việt Nam có thể tính tới trong tương lai gần hay không, thưa ông?
GS Tương Lai: Không phải kẻ mạnh muốn làm gì thì làm đâu, không có chuyện đó. Không phải là chúng ta muốn nổ ra chiến tranh, không phải là chúng ta muốn phát động một cuộc chiến, không ai dại dột gì làm cái chuyện đó và ngu xuẩn gì để mà chủ trương cái chuyện đó, cho nên phải cực kỳ mềm dẻo, linh hoạt để giữ lấy hòa bình, ổn định để mà phát triển. Và thời buổi này, thời đại này cho phép làm điều đó, nếu Việt Nam biết tạo ra một cái thế và một cái lực mới trong cái tương quan đối ngoại.
Cái thế hiện nay là một cái thế đang còn chông chênh, tôi cho rằng cái nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng là đúng, chúng ta cần phải đổi mới toàn diện, dân chủ hóa sinh hoạt trong nước, đẩy mạnh quy chế dân chủ cơ sở là con đường ngắn nhất để đưa đất nước thoát khỏi cái thế chông chênh hiện nay trong giao lưu quốc tế, tạo sự nễ trọng của thế giới đối với ta, nhờ vậy mới có cơ làm cho cái thế và lực của Việt Nam tăng lên. Và đấy thực sự sẽ là giá đỡ, là cái chân đế trong công cuộc phòng vệ và phát triển đất nước.
Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, sau khi tàu Bình Minh bị tấn công thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại, đây có lẽ là những phản ứng tương đối mạnh nhất từ trước tới nay mà chúng ta được biết. Theo Giáo Sư, tiếp theo những yêu cầu này của Bộ Ngoại Giao thì chính phủ Việt Nam cần làm thêm những động tác gì khác?
GS Tương Lai: Bộ Ngoại Giao VN yêu cầu phía Trung Quốc phải đền bù chuyện cắt cáp ngầm, tôi cho rằng không phải dùng chữ “yêu cầu” mà phải “đòi”, chứ không phải “yêu cầu”. Ngôn từ ngoại giao gì mà dại dột thế! Sao lại “yêu cầu”? Nó là thằng ăn cướp. Bây giờ nó vào ăn cướp nước mình mà bảo là “yêu cầu anh đừng ăn cướp nước tôi”, không có chuyện đó! Ngôn từ phải biểu tỏ một thái độ thích đáng. Tôi nói ở đây trong sự căm phẫn của một người dân, của một người trí thức trước một âm mưu ngang ngược của kẻ thù và đòi hỏi mỗi người Việt Nam lúc này phải biết tự mình hành động như thế nào để chống trả lại hành động xâm lược. Có như vậy thì mới có được sức mạnh của cả dân tộc đứng lên bảo vệ đất nước.
Chứ còn riêng Bộ Ngoại Giao, riêng Bộ Quốc Phòng, riêng các nhà lãnh đạo thì không làm nổi đâu. Phải có sức mạnh của cả dân tộc! Bây giờ gộp giữa cái chuyện âm mưu, bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ, cũng như hành động của Bắc Kinh vừa rồi là một với các thế lực thù địch, đây là ngôn từ mà báo chí thường hay nói, tức ý muốn nói là những người, những bloggers lên án về tham nhũng, lên án ông X, ông Y này nọ, thì cái thế lực thù địch ấy cũng gói làm một với bọn bành trướng Bắc Kinh này, thì chừng nào còn mơ hồ về điều đó chừng ấy chưa khởi động được sức mạnh của dân tộc.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn thời giờ của Giáo sư Tương Lai đã giúp cho chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Mạc Lâm - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét