Nguyễn Xuân Nghĩa
Một cụm thời sự cột bằng ngòi nổ
Thế giới chả còn mấy ai nhớ đến hai pho tượng Phật cổ được dựng lên từ thế kỷ thứ sáu và bị lực lượng Taliban tàn phá vào tháng 3 năm 2001 trong thung lũng Bamyan của A Phú Hãn.
Sáu tháng sau, cả thế giới nhớ mãi vụ khủng bố 9-11 làm hai tháp của World Trade Center tại New York sụp đổ và chôn vùi ba ngàn thường dân. Thời ấy, người ta chưa nhìn ra tương quan nhân quả của hai vụ này. Thời nay đã khác hay chưa?
***
Mùng hai vừa qua, công trình sư của tội ác 9-11 là Osama bin Laden đã bị hạ sát tại thị xã Bilal thuộc huyện Abottabad của Pakistan. Từ ngày đó đến nay, một vài biến cố có vẻ rời rạc sau đây đã bật vào thời sự.
Thủ tướng Israel là Binyamin Netanyahu được Hạ Viện Cộng Hòa mời phát biểu trước Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ. Ðang chuẩn bị tái tranh cử, Tổng Thống Barack Obama liền có bài diễn văn nêu rõ chủ trương về khối Á Rập Hồi Giáo, đọc ngày 19, trước khi ông Netanyahu đến Mỹ.
Bài diễn văn gây khó chịu cho Tel Aviv vì một lời kêu gọi: Israel và Palestine nên thỏa thuận về những đổi chác - mutually agreed swaps - để trở về biên giới năm 1967. Sau khi gặp tổng thống Mỹ trưa ngày 20, Thủ Tướng Netanyahu công khai nói lại quan điểm đã nêu hôm trước: lui về biên giới 1967 là bất khả vì Tek Aviv không tự vệ được.
Ðến bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc Hội ngày 24, ông hùng hồn nhắc lại lập trường đó. Và vài chuyện khác mà truyền thông ít tường thuật vì chỉ nhấn vào “thời điểm 1967”.... Chuyện khác là Iran.
Truyền thông Mỹ cũng chẳng liếc tới một biến cố ở xa.
Ngày 20, Philippines tri hô là hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã sà cánh trên vùng đảo mà Manila nhận là của mình tại quần đảo Trường Sa. Ðáng chú ý vì Manila nói ra vụ ấy trước khi tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Bắc Kinh. Hai chục năm sau khi đòi Mỹ rút khỏi hai căn cứ quân sự, sáu năm sau khi tưởng là hợp tác được với Bắc Kinh, nay Manila muốn Mỹ viện trợ về quân sự!
Thế rồi, từ rất xa Hoa Kỳ, ngày 23, một toán đặc công xưng danh Thánh chiến bất ngờ tấn công căn cứ Mehran trong quân cảng Karachi của Pakistan. Họ đột nhập vào tận trong và cầm cự được 17 tiếng đồng hồ sau khi phá hủy một phi cơ thám báo loại P-3C Orion do Hoa Kỳ cung cấp cho Hải Quân Pakistan.
À! Hoa Kỳ vừa vào Pakistan hạ sát bin Laden lẩn trốn tại đó từ sáu năm trước nhờ sự toa rập của ai đó trong quân đội Pakistan. Pakistan đã nuôi khủng bố Hồi Giáo từ lâu và Taliban là khách hàng quen biết. Ba tuần sau khi bin Laden bị hạ, khủng bố Hồi Giáo lại trực diện tấn công một căn cứ quân sự của... ân nhân hay đồng chí của mình tại Pakistan!
Trong vụ tấn công, quân khủng bố còn bắt cóc mấy người Hoa, như phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Kinh xác nhận hôm 24 rồi... phủ nhận hôm 25.
Kỳ! Khi quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ vừa nguội vì vụ chứa chấp bin Laden, Trung Quốc lập tức vào hâm nóng giao tình với Islamabad và nồng nhiệt đón mừng thủ tướng Pakistan với nhiều dự án hợp tác về kinh tế lẫn quân sự. Bây giờ, kiều dân Trung Hoa làm gì trong một căn cứ không quân để bị quân khủng bố bắt... hụt?
Trong mớ bòng bong đó, hôm Thứ Ba 24, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates lại nói trước một lò trí tuệ “think tank” theo xu hướng bảo thủ là American Enterprise Institute (for Public Policy Researh), rằng Hoa Kỳ chưa chắc đã rút khỏi Iraq trong năm nay như dự tính. Nếu chính quyền Iraq mà yêu cầu thì Mỹ sẽ đồng ý để lại một số quân. “Một tín hiệu mạnh mẽ cho khu vực, và điều ấy sẽ trấn an các nước trong vùng Vịnh”... Lạ!
Như vậy, thấy thời sự nháng lên những điểm nóng thì ta biết đằng nào mà mò? Nhất là khi lại... nhìn từ bên ngoài!
***
Sau biến động bất ngờ từ đầu năm tại khu vực sinh sống của dân Á Rập, mỗi người có thể suy diễn một cách. Ðại cường quốc thì không chỉ suy diễn mà còn tác động theo chiều hướng có lợi cho mình. Tổng Thống Obama suy diễn theo kiểu lạc quan, rằng đó là “Mùa Xuân Á Rập,” cây dân chủ nở hoa trong thế giới Á Rập.
Ðúng sai thì chưa ai biết. Chứ ở tại chỗ, xứ Israel của dân Do Thái đã bị ngay cảnh tứ bề thọ địch - trong nghĩa đen. Bị đột kích từ cả bốn hướng biên thùy: từ biên giới Lebanon, từ Cao nguyên Golan, từ trong Tây ngạn sông Jordan và từ Dải Gaza.
Trong khối Á Rập, biến động đã thay lãnh đạo của hai nước thân Mỹ và hiếu hòa với Israel, là Tunisie và Ai Cập. Còn lại, các nước thân Mỹ khác như Maroc, Bahrain, Saudi Arabia hay Jordan, Yemen, đều bị rung chuyển. Cột trụ của khu vực đó, và tiếp giáp với Dải Gaza, là Ai Cập thì có chính quyền hòa hoãn hơn với lực lượng Hamas tại Gaza, với phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo xưa nay có chủ trương quá khích và thù nghịch với Israel, và với chế độ Hồi Giáo cực đoan tại Iran.
Khi biên thùy rung chuyển, bỗng dưng Mỹ nói đến 1967!
Tháng 6, 1967, liên quân ba nước Á Rập là Ai Cập, Jordan và Syria đã có cuộc chiến sáu ngày với Israel. Kết quả đại bại và Israel chiếm luôn Cao nguyên Golan của Syria, Tây ngạn sông Jordan và phân nửa Jerusalem của Jordan và Dải Gaza của Ai Cập, để lập vùng trái độn. Năm 2005, Israel trả đất cầu hòa và rút khỏi Dải Gaza, từ đó, deo đất này là nơi Hamas pháo kích vào Israel!
Bây giờ, ông Obama tin vào hy vọng dân chủ trong khối Á Rập và đề nghị Israel lui về biên giới trước 1967 để sống chung với dân Á Rập tại Palestine. Hoa Kỳ mà lầm thì không chết, chứ Israel mà lầm thì hết đất sống.
Vì vậy, Netanyahu mới có phản ứng mạnh và được sự biểu đồng tình của nhiều lãnh tụ trong đảng Dân Chủ. Mà chuyện không chỉ có vậy! Trong bài diễn văn trước Quốc Hội Mỹ, thủ tướng Israel nhắc đến con quát vật ngàn cân tại Trung Ðông: xứ Iran!
Mùa Xuân Á Rập chưa nở hoa trong xứ Ba Tư này. Trước mắt, Iran chưa từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm, vẫn hạ quyết tâm xóa sạch Israel trên bản đồ. Ngần ấy xứ Tây phương vừa dọa vừa dụ mà chưa can nổi Tehran từ bỏ võ khí tàn sát tuyệt đối.
Nhớ lại sáu tháng qua, các nước Á Rập Hồi Giáo đều bị động đất và thêm khủng hoảng vì sự khuynh đảo của Iran trong các cộng đồng Shia. Ngẫu nhiên sao, các lực lượng Hamas tại Gaza, Hezbollah tại Lebanon bỗng dưng quậy phá, với sự yểm trợ của Iran và Syria. Netanyahu không thể đem sinh mệnh quốc gia đánh cá với tổng thống Mỹ về mùa Xuân, và nhấn mạnh đến Iran là vì vậy.
Bỗng dưng ta hiểu ra thông điệp của Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates.
Hoa Kỳ sẽ rút mà không ra khỏi Iraq, là nơi mà Iran đã bành trướng ảnh hưởng trong cộng đồng Shia. Vùng Vịnh cần sự có mặt của Hoa Kỳ. Muốn cây dân chủ nở hoa thì thì ít ra phải có kẻ canh vườn.
Mà trời ơi, Iran lại giáp giới với A Phú Hãn và có kẻ thù xưa nay là đồng chí mới, lực lượng Taliban!
Khi bin Laden tấn công nước Mỹ, mục tiêu không là mở cuộc tàn sát để thỏa mãn thú tánh. Mà là cho Mỹ chạy khỏi thế giới Á Rập Hồi Giáo, để al-Qaeda cùng đồng đạo Taliban sẽ khuynh đảo và lật đổ các chế độ Hồi Giáo ôn hòa, thân Mỹ, bắt đầu là Saudi Arabia. Chính quyền George W. Bush không bỏ chạy mà nhảy vào, vừa tấn công hậu cứ của khủng bố là xứ A Phú Hãn, vừa thúc ép Pakistan cắt đứt quan hệ với Taliban, vừa lật đổ chế độ chống Mỹ mạnh nhất trong khu vực là Iraq.
Mười năm sau, ngày nay, al-Qaeda trở thành dĩ vãng, bin Laden đã xuôi Thủy thần, Hoa Kỳ chuẩn bị triệt thoái. Mà không nổi.
Iran gây vấn đề cho Iraq và các nước Vùng Vịnh. Pakistan đánh bạc cả hai cửa mà bên trong có thể tan rã bất cứ lúc nào. Võ khí nguyên tử trong một căn cứ quân sự tuyệt mật nào có có thể lọt ra chợ trời, vào tay quân khủng bố. Khi lực lượng khủng bố Hồi Giáo trực diện tấn công một căn cứ quân sự tại Karachi, họ muốn bật ra tín hiệu: Pakistan có thể bị khủng hoảng nên sẽ cần Mỹ. Kết tội Pakistan là đồng lõa mà không xong thì Hoa Kỳ phải can thiệp. Mà càng can thiệp thì càng khơi dậy tinh thần chống Mỹ trong quần chúng Hồi Giáo Pakistan.
Rồi tạo ra sức bật cho các lực lượng khủng bố!
***
Chúng ta có thể đoán rằng Tổng Thống Obama muốn tạo ra một bộ mặt khác của nước Mỹ. Hiếu hòa khiêm nhượng hơn. Và thực tế cũng muốn giải quyết cho xong hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn, nhất là khi sẽ tái tranh cử.
Cũng vì vậy mà con người hiếu hòa đó lại... dữ như Bush: dồn quân vào A Phú Hãn và ráo riết tập kích vào lãnh thổ Pakistan. Mục tiêu chỉ là lấy trớn rút quân. Nếu bất ngờ hoa nhài lại tỏa hương ở Trung Ðông thì dân chủ sẽ là bước tiến tới hòa bình trường cửu....
Nhưng sự đời lại không được tốt đẹp như vậy.
Hoa Kỳ chưa thể rút khỏi Iraq trong năm nay, và càng khó ra khỏi A Phú Hãn vào năm 2014 như ông Obama mong muốn. Và không khéo thì sẽ còn phải vào Pakistan sâu hơn để gỡ ngòi nổ. Có khi chúng ta thấy tái diễn tiền lệ, một tổng thống Dân Chủ rất bồ câu lại trở thành con diều hâu tham chiến.
Chuyện ấy mà xảy ra, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ xoa bụng như Tào Tháo: “Hợp ý cô gia!” Cho Mỹ thêm bận chân và còn mau mắn giúp Hoa Kỳ góp phần ổn định Pakistan, như đã mau mắn tại A Phú Hãn: lính Mỹ lãnh đạn, doanh nghiệp Trung Quốc đi đào mỏ và lượm vỏ đồng. Ðể cô gia tung hoành tại Ðông Á. Vì vậy, Philippines mới chột dạ la trời!
Kết luận: đôi khi mớ bòng bong của thời sự có những sợi quái đản. Kéo lầm là nổ! Xét vậy, Obama có thể thấy Âu Châu quả là hiền khô sau sáu ngày lãm du như sự đời vô sự...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét