Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Việt – Trung, khẩu chiến leo thang

BẮC KINH (TH) - Vụ tàu thăm dò Bình Minh 2 của Việt Nam bị ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc cắt đứt cáp thăm dò dầu khí ngoài khơi tỉnh Phú Yên hôm 26 tháng 5 đang làm quan hệ ngoại giao của hai quốc gia nóng lên từng ngày.

Hình ảnh trên tàu Bình Minh 02 sau khi bị 3 chiếc tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt cáp và uy hiếp. (Hình của một chuyên viên tàu Bình Minh 02 đưa lên Internet)

Hôm 31 tháng 5, lần thứ hai trong ba ngày, Bắc Kinh lên tiếng hàm ý đe dọa Việt Nam khi đòi Việt Nam ngưng ngay hoạt động thăm dò dầu khí trên biển Ðông.

“Chúng tôi thúc giục phía Việt Nam ngừng ngay tức khắc các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung quốc và (Việt Nam phải) kềm chế để đừng tạo ra những vụ việc mới.”
Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011. “Các hành động thực thi pháp luật của các tàu (hải giám) Trung Quốc đã áp dụng đối với tàu (thăm dò) hoạt động bất hợp pháp của Việt Nam là hoàn toàn đúng.”
Cuộc họp báo của bà Khương Du được hiểu như sự đáp trả lời bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, họp báo hôm Chủ Nhật, đả kích Trung Quốc đã ngang ngược phá hoạt động khảo sát địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhưng bà Du lại nói Trung Quốc chống lại hoạt động khảo sát tìm dầu của Việt Nam vì “làm thiệt hại lợi ích và quyền hợp pháp của Trung Quốc trên biển Ðông.”
Sáng sớm ngày Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011, một trong 3 tàu tuần biển của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu khảo sát Bình Minh 02 thuộc Tổng Công Ty Thăm Dò Dầu Khí (công ty thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam). Ðồng thời ra lệnh cho Bình Minh 02 rời khu vực, dù tọa độ xảy ra vụ việc chỉ cách Phú Yên 120 hải lý, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam như sự qui định của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Hôm 27 tháng 5, 2011, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật cuộc họp báo của ông Ðỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam nói tàu khảo sát của Việt Nam bị các tàu hải giám Trung Quốc áp lực buộc rời khỏi khu vực mà họ nói xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của họ nhưng “tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng biển của Việt Nam.”
Theo ông Hậu, các tàu Trung Quốc còn cản trở hoạt động của tàu Bình Minh suốt 3 giờ mới bỏ đi.
Ðiều đáng để ý là tàu Bình Minh 02 có sự hộ tống của 3 chiếc tàu của Hải Quân CSVN nhưng các tàu này lại không làm gì để bảo vệ.


Một thủy thủ Việt Nam đưa 'ngón tay giữa’ về phía tàu Trung Quốc khi đụng độ. (Hình của một chuyên viên tàu Bình Minh 02 đưa lên Internet)

Lời kể của người trên tàu Bình Minh 02

Trang mạng 'Danchimviet.info' nhận được một bức thư của một chuyên viên trên tàu Bình Minh 02 lược thuật một số chi tiết vụ việc đã xảy ra. Những chi tiết này hơi khác với những gì được TTXVN tường thuật.
Bức thư viết: “...Em là người trực tiếp làm việc trên tàu Bình Minh 02 đây. Em cũng là cái thằng phải khổ sở kéo cáp thả cáp trong suốt 3 ngày đây... Ðầu tiên nó xông thẳng vào cáp ngay chỗ gần đuôi cáp. Nhưng em đã cho cáp xuống 15m thay vì 8m như bình thường, nó không cắt được. Ngay lập tức nó quay đầu đi thằng về tàu mẹ (Bình Minh 02) với tốc độ tới gần 30 knots trong khi tốc độ tàu mẹ chỉ là gần 5 knots (do đang kéo cáp). Chạy sao thoát, các tàu bảo vệ thực ra là tàu hải quân giả dạng tàu bảo vệ đi kèm tàu em, nhưng chỉ có thể phi thẳng vào nó khi nó đã đến rất gần tàu mẹ rồi. Các anh ấy nói chưa có lệnh từ Bộ Chính Trị, chưa dám bắn dù tức vãi cứt ra rồi.”
Bức thư kể tiếp: “Chúng nó cắt cáp ngay chỗ cách tàu 1km. Chứ không phải 3km như báo nói. Sau đó bọn em phải nhờ tàu bảo vệ đi vớt đoạn cáp dài 7km còn lại dưới biển (nhờ có SRD - phao nổi) nên không bị chìm sâu. Mẹ nó, bọn chó lợn Trung Quốc. Lúc em đứng nhìn nó cắt cáp xong còn chạy nghênh nghênh sát tàu mẹ cảnh báo tàu mẹ phải biến ngay nếu không nó bắn, lúc đó tức muốn khóc luôn. Thấy nhục nhã cho cái tổ quốc này, cho bao nhiêu năm kiên cường bất khuất. Giờ bị nó can thiệp sâu như thế cũng không dám động đến nó. Trong khi vùng biển này cách bờ chưa tới 200 hải lý.”
Bức thư tiết lộ tàu Trung Quốc đã nhiều lần cắt cáp thăm dò dầu khí của các công ty ngoại quốc được Việt Nam thuê mướn khảo sát nhưng tin tức đều bị dìm đi. Ðây là lần đầu tiên vụ việc được công khai trên toàn hệ thống bào đài nhà nước.

Nguy cơ xung đột quân sự

Khi họp báo ở Hà Nội hôm Chủ Nhật, bà Nguyễn Phương Nga cáo buộc Bắc Kinh “đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm” vì ngày hôm trước, bà Khương Du đã cáo buộc Việt Nam vi phạm thỏa thuận chung giữa hai nước về các vấn đề biển Ðông.
Vì khu vực khảo sát hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam nên “Ðây hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp, càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý.” Bà Nga nói. “Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.”
“Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Nhưng không có nhận thức chung nào cho phép Trung Quốc cản trở các hoạt động của Việt Nam tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.”
Ðáp lại lời cảnh cáo của bà Nga là “Hải Quân Việt Nam sẽ làm bất cứ mọi điều cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”
Bản tin Reuters tường thuật lời lẽ cuộc họp báo của bà Khương Du không lộ liễu đe dọa nhưng Trung Quốc luôn luôn có hành động đi kèm để khẳng định những gì họ nói.
Hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí có cả các công ty lớn của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh Quốc. Sự việc mới xảy ra, theo ông Ðỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam, “sẽ ảnh hưởng đến thái độ của các nhà đầu tư ngoại quốc.”
Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc ở Canberra cho rằng biến cố mới xảy ra biểu lộ sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam.
“Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng những hành động như vậy vì họ có số lượng trội vượt về tàu (chiến) để buộc phải theo lệnh,” ông Thayer nói với báo Financial Times.
Tháng 3 vừa qua, một chuyện tương tự đã xảy ra với tàu khảo sát của Phi Luật Tân ở khu vực bãi Rong gần quần đảo Trường Sa. Tàu tuần Trung Quốc đã chỉ đe dọa, quấy rối nhưng đã bỏ đi khi... Phi cho hai phi cơ tới quan sát.
Tổng Thống Phi Benigno Aquino báo động các vụ việc xảy ra ở các khu vực tranh chấp có thể kích thích sự gia tăng võ trang và buộc Phi phải tăng cường khả năng quân sự. Theo giới chuyên viên anh ninh quốc phòng quốc tế, cuộc chạy đua võ trang ở khu vực đã diễn ra rồi. Các nước theo nhau mua sắm tàu chiến, máy bay và tàu ngầm. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét