Chỉ có sự hiện diện hiên ngang không chút đắn đo, lo sợ của ngư dân Việt Nam trên biển mới là cách khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ sống động và thiết thực nhất hơn bất kỳ những lời xáo rỗng nào.
Khoảng cuối năm ngoái, trong một lần nói chuyện với người bạn hiện đang làm việc cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại dàn khoan khai thác dầu khí, ngoài khơi tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Thật bất ngờ khi anh cho biết, đã nhiều lần anh chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc đánh bắt cá xung quanh khu vực anh đang làm việc.
Thử tìm lại một số thông tin cũ thì phát hiện được rằng đã không ít lần tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền Việt Nam.
Điển hình, vào hồi 7g30 sáng ngày 3.1.2010, lực lượng biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện gần 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam trên vùng biển Thừa Thiên Huế để đánh bắt trộm hải sản.
Trước đó ngày 10.11.2009, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế cũng đã phát hiện 17 tàu cá Trung Quốc đang thả lưới tại vùng biển chỉ cách cảng Thuận An (Thừa Thiên – Huế) 24 hải lý về phía đông bắc.
Đặc biệt, vào ngày 31.1.2006, tàu tuần tra của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phát hiện tàu cá Trung Quốc mang tên là Nghiêu Bình 36021, do ông Băng Lục Hán (sinh 1954), làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản tại khu vực cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý.
Nhắc lại những sự việc này để thấy rằng trong nhiều năm qua, tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm và đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam, từ những ngư trường gần như khu vực quần đảo Hoàng Sa đến các ngư trường xa hơn, tại các vùng biển phía nam Việt Nam.
Tuy nhiên, với một số ít vụ vi phạm lãnh hải như thế này được báo chí đăng tải trong thời gian qua, nhiều người đã dễ dàng thông cảm được rằng đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt.
Rất có thể hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam của một số tàu cá Trung Quốc này là có chủ đích hoặc không chủ đích nhưng vì lý do nào khác tương tự như một vài trường hợp tàu cá Việt Nam từng bị một số quốc gia khác trong khối ASEAN bắt giữ gần đây.
Có lẽ mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu không có việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của PVN bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải và cắt cáp vào sáng 26.5 vừa qua.
Nhân sự kiện này, hàng loạt thông tin về việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam được nêu ra. Theo ghi nhận từ trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (Phú Yên) vào tối 27.5, thuyền trưởng tàu câu cá ngừ PY92618TS, cho biết tàu của ông đang đánh bắt ở vị trí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng xung quanh tàu ông có gần 30 chiếc tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn, thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung, 26 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa, cho biết: “Ở vùng biển từ 9-17 độ vĩ Bắc, 111-115 độ kinh Đông hiện nay dày đặc tàu của ngư dân Trung Quốc hành nghề, có ngày lên đến vài trăm chiếc. Ban đêm họ chong dàn đèn sáng đến 15 hải lý, chụp sạch mực một vùng rộng lớn, làm ngư dân chúng tôi không còn mực để câu, thiếu thứ làm mồi để câu cá ngừ đại dương”.
Không nghi ngờ gì nữa, hành vi xâm phạm lãnh hải của tàu cá Trung Quốc hoàn toàn là có chủ đích. Nguy hiểm hơn, họ lập thành từng đội với số lượng tàu rất lớn lên đến vài trăm chiếc. Với một lực lượng tàu lớn và hùng hậu như vậy thì họ không những vét sạch hải sản của khu vực họ đi qua mà còn gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam mỗi khi phải đối mặt nhau trên biển.
Hãy thử tưởng tượng nếu những đoàn tàu cá Trung Quốc khai thác cá trên vùng biển Việt Nam với sự hộ tống của những tàu hải giám sẵn sàng hành xử thô bạo với tàu cá Việt Nam như từng làm với tàu Bình Minh 2 thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?
Từ lúc giá dầu tăng cao trong thời gian qua, không ít chủ tàu đành ngậm ngùi cho thuyền neo đậu lâu dài ở bến. Trong khi đó, nếu ra khơi lại phải đối diện với nhiều nguy cơ như việc ngư trường bị xâm chiếm dẫn đến việc đánh bắt, khai thác không hiệu quả, thậm chí một số tàu còn bị bắt bớ, đánh đập, tịch thu hải sản, ngư cụ, … Có thể nói, ngư dân Việt Nam chưa khi nào lại phải đối diện với nhiều khó khăn và rủi ro như lúc này.
Mới đây, khi bị tàu cá Trung Quốc xâm chiếm ngư trường ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam, tàu cá PY-92052 do ông Lê Văn Lực (P.6, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng, cứ phải chạy lòng vòng trên biển và liên tục bị hải quân các nước xua đuổi. Phải chăng, đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngư dân Việt Nam khác ngay trên chính lãnh hải của mình?
Câu chuyện của tàu cá PY-92052 phải cho tàu nổi bồng bềnh vô định trên biển cho thấy rằng họ đang không có lối thoát. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời thì cái ngày ngư dân bỏ biển sẽ không còn xa.
Tàu Bình Minh 2 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, đó không những là tổn thất về mặt kinh tế của PVN mà còn là vấn đề lớn hơn, thiêng liêng hơn: chủ quyền quốc gia. Thông qua sự việc này, mọi người sẽ được thấy rõ hơn thực trạng biển đảo của Việt Nam. Giờ đây, không những chúng ta yêu cầu được Trung Quốc đền bù xứng đáng cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho riêng tàu Bình Minh 2 mà quan trọng hơn là đấu tranh, giành lại sự công bằng cho người dân Việt Nam trên chính mãnh đất tổ quốc thiêng liêng của mình.
Ngư dân là những công dân Việt Nam ngày đêm lênh đênh trên biển. Sự hiện diện của họ trên từng vùng biển quốc gia sẽ khẳng định quyền làm chủ của mình nơi địa đầu tổ quốc. Chỉ có sự hiện diện hiên ngang không chút đắn đo, lo sợ của ngư dân Việt Nam trên biển mới là cách khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ sống động và thiết thực nhất hơn bất kỳ những lời xáo rỗng nào. Đó là điều chắc chắn.
Từ sự kiện tàu Bình Minh 2 bị cắt cáp bên cạnh sự tham gia một cách nghiêm túc của báo chí trong mấy ngày qua và đặc biệt là sự quan tâm của dư luận đã cho thấy rằng người dân đã ý thức được nhiều hơn đến chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời cũng đặt ra cho các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp những thay đổi cần thiết trong cách nhìn nhận và trách nhiệm phải đảm bảo những đặc quyền cơ bản của người dân trên vùng biển của chính mình.
- Trần Minh Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét